05/11/2018
Hiện nay, việc tồn đọng các công ten nơ phế liệu nhập khẩu (PLNK) tại các cảng biển đang là mối quan tâm lớn của dư luận xã hội, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, gây ô nhiễm môi trường... Theo thống kê, có 15.442 công ten nơ PLNK đang lưu tại các cảng, trong đó, số lưu dưới 90 ngày là 10.535 công ten nơ (chiếm 68%) và số tồn đọng quá 90 ngày là 4.907 công ten nơ (chiếm 32%). Các phế liệu chủ yếu là nhựa, sắt thép, giấy, nhôm, kim loại màu…
Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ: TN&MT, Tài chính, Công Thương, Giao thông vận tải và UBND các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu (là các địa phương có cảng biển có số lượng lớn phế liệu tồn đọng) căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc để xảy ra tình trạng này; tăng cường phối hợp để kiểm soát chặt chẽ, tốt hơn việc nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam trong thời gian tới, không để Việt Nam trở thành bãi thải, ảnh hưởng tới môi trường sống và uy tín của Việt Nam. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ TN&MT khẩn trương ban hành quy chuẩn kỹ thuật (QCKT) quốc gia về môi trường đối với toàn bộ mặt hàng PLNK.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp về công tác quản lý nhập khẩu và sử dụng
phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, ngày 24/7/2018
Ngày 14/9/2018, Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư số 08/2018/TT-BTNMT và Thông tư số 09/2018/TT-BTNMT quy định QCKT quốc gia về môi trường đối với 6 nhóm PLNK được sử dụng phổ biến trong quá trình sản xuất và thuộc Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất được Thủ tướng Chính phủ quy định tại Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg ngày 19/12/2014. 6 quy chuẩn gồm: QCVN 31:2018/BTNMT - QCKT quốc gia về môi trường đối với phế liệu sắt, thép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; QCVN 32:2018/BTNMT - QCKT quốc gia về môi trường đối với phế liệu nhựa nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; QCVN 33:2018/BTNMT - QCKT quốc gia về môi trường đối với phế liệu giấy nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; QCVN 65:2018/BTNMT - QCKT quốc gia về môi trường đối với phế liệu thủy tinh nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; QCVN 66:2018/BTNMT - QCKT quốc gia về môi trường đối với phế liệu kim loại màu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; QCVN 67:2018/BTNMT - QCKT quốc gia về môi trường đối với phế liệu xỉ hạt lò cao (xỉ hạt nhỏ, xỉ cát từ công nghiệp luyện sắt hoặc thép) nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.
Có thể nói, các QCKT quốc gia về môi trường đối với PLNK này được ban hành nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng PLNK vào Việt Nam thông qua các quy định kỹ thuật, phương pháp kiểm tra, giám định chất lượng phế liệu và quy định quản lý để điều chỉnh hành vi của các tổ chức, cá nhân có liên quan như: Tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động nhập khẩu, sử dụng phế liệu; tổ chức đánh giá sự phù hợp chất lượng PLNK.
Các quy định kỹ thuật trong các QCVN
Đối với phế liệu sắt, thép; nhựa; giấy nhập khẩu, các quy định kỹ thuật (QĐKT) về cơ bản không thay đổi nhiều so với các QCVN 31:2010/BTNMT; QCVN 32:2010/BTNMT và QCVN 33:2010/BTNMT. Theo đó, QĐKT đối với các loại PLNK này bao gồm quy định về phân loại, làm sạch phế liệu; mô tả về các loại phế liệu được phép nhập khẩu, không được phép nhập khẩu; tạp chất không mong muốn được phép lẫn trong PLNK và các loại tạp chất không được lẫn trong PLNK. Quy định về tỷ lệ tạp chất được lẫn trong PLNK không thay đổi so với quy định tại các Quy chuẩn năm 2010, như vậy, tỷ lệ tạp chất được phép lẫn trong phế liệu sắt, thép là 1%, phế liệu nhựa và phế liệu giấy là 2%, đối với phế liệu giấy, độ ẩm được quy định là 20%.
Để phù hợp với thực tiễn, QĐKT đối với phế liệu nhựa nhập khẩu, QCVN 32:2018/BTNMT mô tả cụ thể hơn về dạng, loại phế liệu nhựa được phép nhập khẩu. Dạng phế liệu nhựa được phép nhập khẩu không chỉ bao gồm khối, cục, băng, dây, thanh, nẹp mà còn bao gồm các dạng như dải, màng, khay, tấm, lá, pallet, két nhựa, bao jumbo đã được cắt thành dải, tấm hoặc băng và bao bì nhựa (PET) đựng nước uống có ga nhưng phải loại bỏ hoàn toàn chất lỏng bên trong. Đồng thời, để đảm bảo kiểm soát chất lượng phế liệu nhựa dạng màng, QCVN 32:2018/BTNMT đã quy định bắt buộc phải lấy mẫu, phân tích để xác định thành phần tạp chất, tỷ lệ tạp chất.
Đối với các loại PLNK là nhóm kim loại màu, thủy tinh, xỉ hạt lò cao (xỉ hạt nhỏ, xỉ cát từ công nghiệp luyện sắt hoặc thép), QĐKT tại QCVN bao gồm: Phân loại, làm sạch phế liệu; mô tả về các loại phế liệu được phép nhập khẩu, không được phép nhập khẩu; tạp chất không mong muốn được phép lẫn trong PLNK và các loại tạp chất không được lẫn trong PLNK. Tuy nhiên, PLNK là xỉ hạt lò cao có tính đồng nhất tương đối cao nên yêu cầu kỹ thuật chỉ bao gồm quy định về phân loại, làm sạch phế liệu, các tạp chất không được phép lẫn trong phế liệu và được phép nhập khẩu phế liệu xỉ hạt lò cao đáp ứng QCVN 16:2017/BXD. Tỷ lệ khối lượng tạp chất được lẫn trong phế liệu thủy tinh và kim loại màu được quy định không vượt quá 2% so với tổng khối lượng lô hàng nhập khẩu.
Quy trình kiểm tra, giám định trong QCVN
Mặc dù, các QCVN 31:2010/BTNMT; QCVN 32:2010/BTNMT và QCVN 33:2010/BTNMT đã quy định cụ thể về quy trình kiểm tra, phương pháp lấy mẫu, phân tích để xác định chất lượng PLNK. Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa các QCVN được ban hành tại Thông tư số 08/2018/TT-BTNMT và Thông tư số 09/2018/TT-BTNTM với QCVN được ban hành tại Thông tư số 43/2010/TT-BTNMT là các quy định về phương pháp xác định chất lượng phế liệu, quản lý ràng buộc đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động nhập khẩu, sử dụng phế liệu. Cụ thể:
Hoạt động kiểm tra, giám định đối với phế liệu được quy định cụ thể về quy trình kiểm tra hiện trường bằng mắt thường và thông qua việc lấy mẫu, phân tích (nếu có) để xác định chất lượng PLNK. Phương pháp lấy mẫu cũng được quy định cụ thể đối với từng loại hình lô hàng PLNK (hàng rời và một hoặc nhiều công ten nơ chứa phế liệu). Theo đó, QCVN đã quy định việc xác định chất lượng phế liệu được thực hiện thông qua việc lấy mẫu đại diện là tập hợp các mẫu ngẫu nhiên được lấy và trộn đều theo phương pháp đã quy định. Khối lượng lấy mẫu ngẫu nhiên và mẫu đại diện cũng được quy định tại QCVN, tùy thuộc vào loại PLNK. Đối với lô hàng nhập khẩu gồm một hoặc nhiều công ten nơ chứa phế liệu, QCVN quy định tỷ lệ lựa chọn số công ten nơ để lấy mẫu: Đối với lô hàng có dưới 5 công ten nơ thì lựa chọn 1 công ten nơ để lấy mẫu; đối với lô hàng có từ 5 đến dưới 20 công ten nơ thì lựa chọn 2 công ten nơ để lấy mẫu và lô hàng phế liệu có từ 20 công ten nơ trở lên thì lựa chọn 10 % số công ten nơ để lấy mẫu.
Đoàn công tác của Tổng cục Hải quan kiểm tra tình hình quản lý PLNK tại cảng Hải Phòng, tháng 8/2018
Nhằm xác định chất lượng PLNK, phương pháp lấy mẫu cũng đã được quy định cụ thể, chi tiết ở các nội dung sau: Chủng loại PLNK tương ứng với mã HS (mã số hàng hóa nhập khẩu) đăng ký trong hồ sơ hải quan; Xác định tỷ lệ khối lượng, thành phần tạp chất (được phép lẫn và tỷ lệ lẫn trong phế liệu; tạp chất không được phép lẫn (thành phần nguy hại, nồng độ hoạt độ phóng xạ (nếu có)).
Việc xác định hàm lượng, nồng độ các thông số môi trường phải được thực hiện bởi các tổ chức đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường theo quy định tại Nghị định số 127/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ quy định điều kiện của tổ chức hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường. Mặt khác, việc xác định tỷ lệ khối lượng, thành phần tạp chất và các thông số khác được thực hiện bởi tổ chức đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm theo quy định tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP.
Kiểm tra nhà nước đối với PLNK
Trong nội dung về quy định quản lý, các QCVN đã cụ thể hóa PLNK làm nguyên liệu sản xuất là hàng hóa nhóm 2 và phải thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu theo quy định tại Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa và Nghị định số 74/2018/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP. Ngoài ra, việc kiểm tra PLNK trong quá trình thông quan phải được thực hiện theo quy định của pháp luật hải quan. Do đó, QCVN được ban hành đã quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu trong quá trình kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu; cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng PLNK; tổ chức giám định phế liệu thuộc danh mục đã được Bộ TN&MT chỉ định trong việc cung cấp chứng thư và các tài liệu có liên quan đến quá trình kiểm tra thực tế PLNK. Chứng thư giám định phải thể hiện đầy đủ kết quả về tỷ lệ khối lượng, thành phần tạp chất và các yêu cầu kỹ thuật được quy định tại QCVN.
Như vậy, QCKT quốc gia về môi trường đối với PLNK được ban hành tại Thông tư số 08/2018/TT-BTNMT và Thông tư số 09/2018/BTNMT đã kế thừa các quy định về quản lý chất lượng PLNK áp dụng hiệu quả trong thời gian qua, đồng thời đã xây dựng, bổ sung các yêu cầu kỹ thuật và quy định quản lý phù hợp với thực tế hiện nay. Với những quy định chặt chẽ, rõ ràng, chi tiết tại QCVN, việc quản lý chất lượng PLNK trong thời gian tới sẽ đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, hạn chế rủi ro môi trường trong hoạt động nhập khẩu, sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.
Nguyễn Phạm Hà
Nguyễn Thị Hồng Hà
Vụ Quản lý chất thải, Tổng cục Môi trường
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 10/2018)