Banner trang chủ

Hoàn thiện Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chế biến thủy sản

01/12/2017

   Nước thải chế biến thủy sản

   Đặc trưng cơ bản của nước thải chế biến thủy sản (CBTS) là chứa các thành phần chất hữu cơ dễ phân hủy sinh học, trong đó thông số BOD5 (nhu cầu ô xy sinh học) thấp hơn so với thông số COD (nhu cầu ô xy hóa học) có trong nước thải. Các chất hữu cơ có trong nước thải CBTS chủ yếu chứa các thành phần phốt pho (P) và nitơ (N), đây là yếu tố cơ bản của nước thải CBTS.

   Xử lý nước thải (XLNT) CBTS thường tập trung vào việc xử lý P và N, các thành phần này là nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm môi trường nước. Trong khi đó, nguồn nước thải CBTS phát sinh từ nước rửa, sơ chế nguyên liệu, chế biến sản phẩm, vệ sinh dụng cụ và thiết bị máy móc, vệ sinh nhà xưởng sản xuất, trong các phân xưởng nhà máy CBTS, với thành phần BOD5 khoảng 800 - 2.000mg/l, COD khoảng 1.000 - 2.500mg/l, tổng chất rắn lơ lửng (TSS) khoảng 300 - 600mg/l, tổng nitơ (tính theo N) khoảng 100 - 150mg/l, tổng phốt pho (tính theo P) khoảng 20-50mg/l, Coliforms > 3.000 MPN/100ml… Đây là nguồn gây ô nhiễm môi trường cần phải được xử lý nhằm đáp ứng Quy chuẩn môi trường theo quy định trước khi thải ra nguồn tiếp nhận.

   Đặc biệt, trong nước thải CBTS, ngoài các thành phần P và N hữu cơ tự nhiên (thịt tôm, cá chế biến) còn có cả thành phần các chất P và N vô cơ tham gia vào quá trình bảo quản, sơ chế, chế biến các sản phẩm thủy sản. Việc sử dụng các hợp chất để giữ cho nguyên liệu (tôm, cá) được tươi lâu, không bị hư hỏng (phân urê là (NH2)2CO; phân SA là (NH4)2SO4…) và sử dụng hóa chất để tăng trọng nguyên liệu CBTS (Sodium Tripolyphosphate (STPP- Na5P3O10))… đã được đề cập nhiều trong thời gian qua.

   Những năm gần đây, ngành thủy sản đã chuyển từ các mặt hàng sơ chế (đông IQF, đông tươi Block, tôm tươi IQF…) sang các mặt hàng chế biến sâu (chả cá surimi, cá tra fillet, cá tra tẩm bột, tôm ring, tôm nobashi, tôm sushi...); trong đó có sử dụng các phụ gia CBTS như: Sodium Tripolyphosphate (STPP-Na5P3O10); Monosodium Phosphate (MSP- NaH2PO4); Disodium Phosphate (DSP- Na2HP04); Trisodium Phosphate (TSP- Na3PO4)… với tác dụng tăng khả năng giữ nước, tạo liên kết cũng như cảm quan hấp dẫn của sản phẩm chế biến. Các chất bảo quản và phụ gia này đã tham gia vào thành phần nước thải CBTS… gây khó khăn trong quá trình xử lý.

   Vì vậy, việc kiểm soát các thông số tổng phốt pho (tính theo P) và tổng nitơ (tính theo N), Amoni (NH4+ tính theo N), tổng dầu mỡ động thực vật… có trong nước thải là rất quan trọng và cần thiết để BVMT. Do đó, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải CBTS đã quy định kiểm soát các thông số nêu trên và bắt buộc áp dụng.

   Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải CBTS

   Trước năm 2008, Việt Nam chưa ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải CBTS. Thời điểm đó, nước thải CBTS được áp dụng theo quy định chung của nước thải công nghiệp với tiêu chuẩn áp dụng TCVN 5945:2005 (Bộ KHCN&MT ban hành, thay thế cho TCVN:5945:1995). Trong đó, phốt pho (P) và nitơ (N) được quy định qua các thông số: Tổng phốt pho (tính theo P) đối với cột A là 4mg/l, cột B là 6mg/l và cột C là 8mg/l; Tổng nitơ (tính theo N) đối với cột A là 15mg/l, cột B là 30mg/l và cột C là 60mg/l ; Amoni (NH4+ tính theo N) đối với cột A là 5mg/l, cột B là 10mg/l và cột C là 15mg/l… Như vậy, đối với nước thải CBTS, việc quy định kiểm soát thành phần phốt pho (P) và nitơ (N)… đã có trước năm 2008, thậm chí TCVN 5945:1995 còn quy định cả P tổng số và P hữu cơ có trong nước thải…

Hệ thống xử lý nước thải của Công ty Agifish An Giang

   Năm 2008, Việt Nam ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải CBTS QCVN 11:2008/BTNMT với các thông số: pH, BOD5, COD, tổng chất rắn lơ lửng (TSS), Amoni (NH3+ tính theo N), tổng nitơ, clo dư và tổng coliforms. Mặc dù không ghi thông số tổng phốt pho (tính theo P), tuy nhiên các thông số khác không ghi trong QCVN 11:2008/BTNMT (trong đó có phốt pho) sẽ được tham chiếu áp dụng theo quy định tại cột A hoặc cột B của TCVN 5945:2005 - Chất lượng nước - Nước thải công nghiệp - Tiêu chuẩn thải. Theo đó, tổng phốt pho (tính theo P) đối với cột A là 4mg/l, cột B là 6mg/l…là hết sức nghiêm ngặt.

   Năm 2015, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải CBTS QCVN 11:2015/BTNMT ban hành (thay thế QCVN 11:2008/BTNMT) với các thông số: pH, BOD5, COD, tổng chất rắn lơ lửng (TSS), tổng phốt pho (tính theo P); Amoni (NH3+ tính theo N), tổng nitơ, tổng dầu mỡ động thực vật, clo dư và tổng coliforms… Theo đó, QCVN11:2015/BTNMT đã nới rộng hơn đối với thông số phốt pho từ 4mg/l lên 10mg/ (cột A) và từ 6mg/l lên 20mg/l (cột B); COD từ 50mg/l lên 75mg/l (cột A) và từ 80mg/l lên 150mg/l (cột B), còn các thông số khác thì được giữ nguyên so với quy định theo QCVN 11:2008/BTNMT…

   Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải CBTS QCVN 11:2017/BTNMT đang được xây dựng và hoàn thiện, với các thông số như QCVN 11:2015/BTNMT, nhưng được phân chia thành cơ sở mới và cơ sở đang hoạt động. Đối với các cơ sở đang hoạt động, giá trị các thông số giám sát giữ nguyên như QCVN 11:2015/BTNMT hiện hành áp dụng. Đối với các cơ sở mới sẽ áp dụng các quy định QCVN 11:2017/BTNMT và lộ trình áp dụng cho tất cả các cơ sở CBTS từ ngày 1/1/2020. Theo đó, Dự thảo QCVN 11:2017 đối với các cơ sở mới, với thông số tổng phốt pho (tính theo P) đối với cột A là 4mg/l, cột B là 20mg/l; Tổng nitơ (tính theo N) đối với cột A là 20mg/l, mức B là 40mg/l; Amoni (NH4+ tính theo N) đối với mức A là 5mg/l, mức B là 10mg/l… được coi là rất nghiêm ngặt đối với nước thải CBTS. Đây là vấn đề được các chủ doanh nghiệp CBTS và Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) quan tâm và đang tiếp tục trao đổi, hoàn thiện.

   Những năm qua, ngành CBTS đã có nhiều nỗ lực trong công tác BVMT, trong đó, vấn đề XLNT đã được các chủ doanh nghiệp quan tâm. Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở CBTS xả nước thải trực tiếp ra nguồn tiếp nhận không đạt yêu cầu của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải CBTS như thông số tổng phốt pho (tính theo P); Amoni (NH3+ tính theo N)… Nguyên nhân chủ yếu là do đầu tư hệ thống XLNT chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật để xử lý triệt để thành phần P và N có trong nước thải; kỹ thuật vận hành công nghệ xử lý trong bối cảnh khá phức tạp của thành phần nước thải CBTS cần được xử lý (yếm khí UASB, hiếu khí Aerotenk…xử lý P và N)… Điều này đòi hỏi trách nhiệm xã hội của các chủ doanh nghiệp trong việc nâng cao hiệu quả xử lý nước thải CBTS trước khi thải ra môi trường theo quy định của pháp luật.

 

Bảng: Tiêu chuẩn, quy chuẩn nước thải CBTS qua các thời kỳ

TT

Thông số

Đơn vị

TCVN 5945:2005

QCVN 11:2008/BTNMT

QCVN 11:2015/BTNMT

A

B

C

A

B

A

B

01

pH

-

6-9

5,5-9

5-9

6-9

5,5-9

6-9

5,5-9

02

BOD5 ở 200C

mg/l

30

50

100

30

50

30

50

03

COD

mg/l

50

80

400

50

80

75

150

04

TSS

mg/l

50

 100

 200

50

100

50

100

05

Amoni

mg/l

5

10

15

10

20

10

20

06

Tổng nitơ

mg/l

15

30

60

30

60

30

60

07

Tổng phốt pho

mg/l

4

6

8

- (*)

- (*)

10

20

08

Tổng dầu, mỡ ĐTV

mg/l

10

20

30

10

20

10

20

09

Clo dư

mg/l

1

2

-

1

2

1

2

10

Tổng Coliforms

MPN/100ml

3.000

5.000

-

3.000

5.000

3.000

5.000

Ghi chú: Cột A dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt. Cột B không dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt. Cột C không được phép thải ra môi trường. (*) tham chiếu áp dụng tại Bảng 1, TCVN 5945:2005 (mục 2.2).

 

   Một số đề xuất

   Kiểm soát chất lượng nước thải CBTS ở nước ta đã có từ lâu và xuyên suốt trong quá trình quản lý môi trường. Việc ban hành Quy chuẩn bắt buộc nhằm tăng cường kiểm soát chặt chẽ các thành phần P và N có trong nước thải CBTS để BVMT và sức khỏe của nhân dân là hết sức quan trọng.

   Do đó, Dự thảo QCVN 11:2017/BTNMT về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải CBTS sẽ nghiên cứu cơ sở thực tiễn và khoa học, xây dựng các mô hình để kiểm chứng thực tế, kết hợp với việc tham khảo nghiên cứu của các nước trong khu vực và thế giới…; Đồng thời, các định giá trị cụ thể của các thông số đặc trưng nước thải CBTS trên cơ sở cân bằng giữa nhu cầu phát kinh tế với hạ tầng cơ sở xử lý và yêu cầu BVMT (Tổng P; Amoni, tổng N, tổng dầu mỡ động thực vật).

XLNT trong nuôi trồng, chế biến được các doanh nghiệp ngành thủy sản quan tâm, đầu tư

   Đối với cột A (cấp nước sinh hoạt) cần thực hiện nghiêm, nhưng đối với cột B (không dùng cấp nước sinh hoạt) có thể nới rộng hơn để phát huy lợi thế khai thác tiềm năng các vùng trọng điểm nuôi trồng CBTS (như vùng đồng bằng sông Cửu Long với nước nhiễm mặn). Bên cạnh đó, Dự thảo QCVN 11:2017/BTNMT không nên chia thành cơ sở mới và cơ sở đang hoạt động… vì sẽ gây khó khăn (cách hiểu khác nhau) trong áp dụng. Để bảo đảm tính khoa học, thực tiễn, hiệu quả khi ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải CBTS… cần có lộ trình thích hợp để các doanh nghiệp CBTS chuẩn bị đầu tư các công trình BVMT và XLNT đáp ứng Quy chuẩn xả thải. Cụ thể, từ nay đến năm 2020 vẫn áp dụng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải CBTSQCVN 11:2015/BTNMT, nhưng từ năm 2020 trở đi bắt buộc áp dụng theo QCVN 11:2017/BTNMT với cột A có thể áp dụng nghiêm ngặt hơn và cột B có thể nới rộng hơn (có thể bằng và cao hơn một chút so với quy chuẩn hiện hành)… Từ đó sẽ tăng cường công tác BVMT đối với các nguồn thải cột A, nhưng vẫn tạo điều kiện phát huy lợi thế vùng trọng điểm nuôi trồng, CBTS, hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của nhân dân…đối với các nguồn thải cột Bn

Phạm Đình Đôn

Phó cục trưởng Cục Môi trường Miền Nam

Tổng cục Môi trường

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11/2017

Ý kiến của bạn