20/09/2019
Ngày 12/9/2019, tại Hà Nội, Bộ TN&MT đã tổ chức Hội thảo tham vấn đối tác quốc tế về các định hướng chính sách lớn trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BVMT. Tham dự có Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cùng Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (UBKHCN&MT) của Quốc hội Trần Văn Minh chủ trì Hội thảo và đại diện các tổ chức quốc tế về lĩnh vực môi trường: Ngân hàng Thế giới (WB), Liên minh Châu Âu (EU), Cơ quan phát triển của CHLB Đức (GIZ), Cơ quan hợp tác quốc tế của Nhật Bản (JICA), Tổ chức động vật hoang dã thế giới (WWF), Cơ quan phát triển năng lượng Pháp (AFD)…
Toàn cảnh Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, Luật BVMT năm 2014 được Quốc hội thông qua vào ngày 23/06/2014. Trải qua hơn 5 năm từ khi được thông qua và có hiệu lực đến nay, việc triển khai thực hiện Luật BVMT đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần to lớn vào việc quản lý và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trước những cơ hội và thách thức liên quan đến hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế - xã hội, công tác BVMT cần được nghiên cứu và điều chỉnh, cụ thể là trong Luật BVMT 2014 hiện nay để phù hợp với tình hình và điều kiện hiện tại, đồng thời đáp ứng xu thế và tiến trình phát triển của đất nước trong tương lai. Theo đó, việc sửa đổi Luật nhằm hướng đến các mục tiêu quan trọng:Thiết lập một khung pháp lý dài hạn, phù hợp cho công tác BVMT và phát triển bền vững trong giai đoạn mới; Đạt được các mục tiêu phát triển bền vững theo định hướng và chủ trương của Đảng và Nhà nước; Đáp ứng yêu cầu và xu thế hội nhập quốc tế, đặc biệt là hội nhập quốc tế về kinh tế hiện nay và trong tương lai.
Phó Chủ nhiệm UBKHCN&MT của Quốc hội Trần Văn Minh cho biết: Trong Kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết và đưa việc sửa đổi Luật BVMT năm 2014 vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2020. Chính phủ giao Bộ TN&MT là cơ quan chủ trì soạn thảo Luật; Quốc hội giao UBKHCN&MT chủ trì thẩm tra việc sửa đổi Luật BVMT năm 2014. UBKHCN&MT đã tổ chức nhiều cuộc giám sát về công tác BVMT. Riêng trong 2 năm 2018 và 2019 tiến hành thực hiện 2 cuộc giám sát toàn quốc về công tác BVMT đối với chủ doanh nghiệp, các cơ sở tiềm ẩn ô nhiễm môi trường cao, các ngành kinh tế quan trọng như công nghiệp năng lượng, vật liệu xây dựng và chế biến thực phẩm. Qua các hoạt động này, UBKHCN&MT phát hiện nhiều vướng mắc trong tổ chức thực hiện và những bất cập không còn phù hợp của các quy định pháp luật. Đây là cơ sở dữ liệu hết sức quan trọng để phục vụ cho việc sửa đổi, bổ sung Luật BVMT hiện nay.
Theo Báo cáo của Tổng cục Môi trường trình bày tại Hội thảo, nội dung sửa đổi, bổ sung Luật BVMT năm 2014 sẽ tập trung vào các vấn đề chủ yếu: Các khái niệm cơ bản; Khung chính sách môi trường; Tiêu chí môi trường trong xem xét chủ trương, quyết định đầu tư, áp dụng chế độ kiểm soát, quản lý về môi trường; Đánh giá tác động môi trường; Cấp phép về môi trường; Kiểm soát nguồn ô nhiễm; Quản lý chất thải rắn; Quản lý chất lượng môi trường, cảnh quan, hệ sinh thái; Quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn môi trường; Công cụ kinh tế và nguồn lực tài chính cho BVMT; Trách nhiệm và việc phân công, phân cấp thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về BVMT; Ứng phó với biến đổi khí hậu, tác động xuyên biên giới, BVMT toàn cầu...
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe chuyên gia cao cấp về môi trường của WB chia sẻ kinh nghiệm về áp dụng Khung hệ thống của quốc gia về đảm bảo môi trường và xã hội. Đại diện WWF đề nghị bổ sung vào Luật các quy định về hợp tác khu vực và toàn cầu trong thực hiện các hoạt động BVMT. Chuyên gia của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đề nghị xem xét đưa nội dung về kinh tế tuần hoàn vào Luật BVMT sửa đổi và lồng ghép với quản lý chất thải… Các ý kiến góp ý của đại biểu sẽ được nghiên cứu, cụ thể hóa để sửa đổi, bổ sung trong Luật BVMT, đảm bảo Luật được sửa đổi sẽ đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
Châu Loan