Banner trang chủ

Hội nghị triển khai Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 6/2/2017 của Chính phủ

13/03/2017

     Ngày 10/3/2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh đã chủ trì Hội nghị triển khai Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 6/2/2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020.

     Tại Hội thảo, các đại biểu đến từ các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp (DN), DN đã trao đổi, thảo luận về nhiệm vụ, giải pháp và cách thức thực hiện Nghị quyết; Kết quả và bài học kinh nghiệm triển khai Nghị quyết trong 3 năm qua.

     Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, 4 năm qua, Chính phủ liên tục ban hành các Nghị quyết 19, nhằm nỗ lực thực hiện đột phá chiến lược về thể chế, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Với Nghị quyết 19, lần đầu tiên Việt Nam định vị và đặt mục tiêu về chất lượng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia trong xếp hạng toàn cầu. Đồng thời xây dựng, thực hiện hệ chính sách tương ứng theo thông lệ quốc tế.

 

 

     Cụ thể, Nghị quyết 19 ban hành năm 2014 và 2015 sử dụng phương pháp và đánh giá xếp hạng về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB). Nghị quyết 19/2016 sử dụng phương pháp, bảng xếp hạng của WB và bổ sung thêm trụ cột thể chế, một số chỉ tiêu về hiệu quả thị trường của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF). Nghị quyết 19/2017 tiến thêm một bước, bao phủ hết các yếu tố của môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia, sử dụng 4 đánh giá xếp hạng toàn cầu: Đánh giá, xếp hạng về mức độ thuận lợi kinh doanh của WB; Đánh giá, xếp hạng về năng lực cạnh tranh quốc gia của WEF; Đánh giá, xếp hạng về năng lực đổi mới, sáng tạo của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới; Đánh giá, xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc.

     Cách làm trên đã mang lại sức sống cho các Nghị quyết 19, giúp đo lường và theo dõi được mức độ cải thiện và khoảng cách về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh so với các nền kinh tế trong khu vực - Thứ trưởng Đặng Huy Đông nhận xét.

     Trong 3 năm gần đây, thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam liên tục được cải thiện, năm 2016 đã tăng 9 bậc (từ vị trí 91 lên vị trí 82). Tuy vậy, tốc độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong Nghị quyết 19 còn chậm.

     Đối với Nghị quyết 19/2017, Chính phủ đặt mục tiêu đạt trung bình ASEAN 4/10 chỉ tiêu về môi trường kinh doanh. Giai đoạn 2017 - 2020, cải thiện điểm số trên 4 nhóm trụ cột: Môi trường kinh doanh (theo WB); Năng lực cạnh tranh toàn cầu (theo WEF); Đổi mới sáng tạo (Theo Tổ chức Trí tuệ thế giới); Chính phủ điện tử (theo Liên hợp quốc). Trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương được gắn với gần 250 chỉ tiêu cụ thể.

     Thực tế cho thấy, nếu chỉ triển khai Nghị quyết 19 theo cách làm truyền thống, tuần tự, từng bước, chỉ có sự tham gia của cộng đồng DN thì rất khó đạt được mục tiêu đề ra. Vì vậy, tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ những kết quả cũng như tồn tại, hạn chế, từ đó kiến nghị các giải pháp và cách tiếp cận sáng tạo, phù hợp để đạt được những mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 19/2017.

     Hội nghị cũng nghe các diễn giả trình bày một số tham luận về bài học kinh nghiệm và thách thức trong thực hiện Nghị quyết 19; Ý nghĩa, mục tiêu và nhiệm vụ cải thiện các chỉ số đổi mới sáng tạo, chỉ số Chính phủ điện tử; Cảm nhận của DN về nỗ lực, kết quả trong cải thiện môi trường kinh doanh; Những vướng mắc, khó khăn và đề xuất, kiến nghị của DN…

 

Phạm Tuyên (Theo Chinhphu.vn)

Ý kiến của bạn