Banner trang chủ

Hải Phòng triển khai các giải pháp khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, đảo

08/07/2014

     Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và BVMT biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành là nền tảng pháp lý quan trọng trong triển khai các nhiệm vụ cụ thể ở các địa phương ven biển, trong đó có TP. Hải Phòng. Vấn đề khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên, quy hoạch không gian biển, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển đảo, bảo vệ và bảo tồn các hệ sinh thái biển, thích ứng biến đổi khí hậu được nhấn mạnh và cụ thể hóa trong các nội dung của Chiến lược là những định hướng căn bản để TP tiếp tục xây dựng và triển khai các hành động phù hợp hướng tới thành phố cảng xanh, phát triển nhanh và bền vững, mạnh và làm giàu về biển. Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đình Lân - Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường biển, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam về vấn đề này.

 

Ông Trần Đình Lân - Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường biển,
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

 

     PV: Xin ông cho biết về tình hình khai thác và sử dụng tài nguyên và BVMT biển đảo của TP. Hải Phòng?

     Ông Trần Đình Lân: TP. Hải Phòng thuộc phía Tây vịnh Bắc bộ có vị trí địa lý đặc biệt, với nguồn tài nguyên thiên nhiên vừa có giá trị khai thác, sử dụng, vừa có giá trị bảo tồn, bảo vệ tạo ra lợi thế phát triển của TP theo định hướng phát triển bền vững. Hải Phòng có 8/15, quận, huyện tiếp giáp với biển và 2 huyện đảo Cát Hải và Bạch Long Vỹ. Hải Phòng có nguồn tài nguyên biển khá phong phú, đặc biệt là các hệ sinh thái biển có giá trị cao đều như rừng ngập mặn, san hô, cỏ biển, rạn đá, tùng áng, bãi triều, cửa sông và vùng đáy biển rộng lớn, với diện tích khoảng 4.000 km2. Ngoài ra, Hải Phòng còn có các ngư trường truyền thống có các loài hải sản dồi dào như Bạch Long Vỹ, Cát Bà - Long Châu. Nguồn năng lượng biển như gió, năng lượng mặt trời, tiềm năng dầu khí cũng đang được thăm dò. TP cũng đã xác định 6 ngành và lĩnh vực kinh tế biển phát triển đến năm 2020, gồm: phát triển hệ thống cảng, dịch vụ cảng và vận tải biển; phát triển công nghiệp biển, các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển; kinh tế thủy sản; du lịch biển; khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực biển; phát triển các huyện đảo.

     Việc tăng cường khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên biển, đảo đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của TP. Vị thế tài nguyên được khai thác và sử dụng ở tất cả các giá trị: vị thế tự nhiên, kinh tế và chính trị, không gian biển. Các hệ sinh thái cửa sông ven biển, bãi triều và một phần rừng ngập mặn, cỏ biển được khai thác phục vụ nuôi trồng hải sản, mở rộng và phát triển cảng biển, các khu công nghiệp, luồng hàng hải, đô thị hóa. Các hệ sinh thái san hô, vụng vịnh, tùng áng… được sử dụng tổng hợp cho nhiều hoạt động phát triển du lịch, dịch vụ nghề cá…. Có thể nói, tài nguyên thiên nhiên biển và vùng bờ biển Hải Phòng đã và đang được khai thác, sử dụng ở quy mô rộng lớn, cường độ cao góp phần tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của TP, đảm bảo an ninh, chủ quyền lãnh hải, lợi ích quốc gia trên biển và hòa nhập quốc tế.

     Tuy nhiên, một số vấn đề bất cập đã nảy sinh trong khai thác sử dụng bền vững tài nguyên biển của TP, đó là: suy giảm không gian các hệ sinh thái tự nhiên như rừng ngập mặn, bãi triều, cỏ biển; suy giảm đa dạng sinh học do mất không gian sống và môi trường bị thay đổi; suy giảm nguồn lợi biển và các loài quý hiếm có giá trị kinh tế và bảo tồn cao; tài nguyên nước mặt suy thoái do chất lượng kém.

     Nguyên nhân do thiếu cơ sở khoa học và quy hoạch sử dụng hợp lý tài nguyên, hiệu quả sử dụng đất và đất ngập nước không cao; Thiếu quy hoạch vùng và liên kết vùng, mâu thuẫn lợi ích trong sử dụng tài nguyên; Lãng phí trong sử dụng tài nguyên; Tài nguyên nước đang bị đe dọa do nhiễm bẩn, nhiễm mặn và nguy cơ dâng cao mực nước biển, tài nguyên đất ngập nước, tài nguyên sinh vật bị hủy hoại, suy thoái và cạn kiệt; Khai thác vật liệu xây dựng ở vùng bờ và bãi biển đã gây tác động tiêu cực về môi trường như ô nhiễm, biến dạng cảnh quan và xói lở bờ biển; Du lịch biển đã phát triển, nhưng hiệu quả còn thấp, gây tác động môi trường và làm mất đi nhiều giá trị tự nhiên; Tài nguyên vị thế đã được coi trọng, tuy nhiên, các vấn đề này còn là ý chí hơn là hoạt động thực tiễn; Xuất hiện một số bất cập như tính hợp lý của hệ thống cảng biển do phải chuyển tuyến luồng hàng hải vào cảng, mở rộng và xây dựng mới cảng biển gây tác động đến môi trường và tài nguyên biển; Tài nguyên nhân văn biển đảo chưa được chú trọng khai thác, sử dụng để giảm áp lực khai thác tài nguyên thiên nhiên và BVMT biển đảo.

     PV: Hiện nay trình trạng khai thác bừa bãi nguồn tài nguyên biển đảo, gây ô nhiễm môi trường, hủy hoại hệ sinh thái biển đang là một trong những những thách thức lớn đối với địa phương. Ông có thể cho biết tình trạng ô nhiễm và một số giải pháp để hạn chế tình trạng này?

     Ông Trần Đình Lân: Các hoạt động phát triển kinh tế ở vùng biển đảo đã gây nên những hệ lụy về môi trường. Nồng độ các chất gây ô nhiễm có xu hướng ngày càng tăng. Sự gia tăng này thể hiện rõ hơn trong môi trường nước, với các chỉ số như chất hữu cơ, nitrat, dầu mỡ, TSS đều vượt tiêu chuẩn cho phép… và đặc biệt nghiêm trọng trong môi trường trầm tích do khả năng tích lũy của các chất ô nhiễm, các chất gây ô nhiễm có độc tính bền vững trong môi trường biển như các kim loại nặng, các hợp chất hữu cơ bền (POPs).

     Phần lớn diện tích ven bờ của các đảo chưa bị ô nhiễm được xác định theo các yếu tố gây ô nhiễm. Mặc dù vậy, ô nhiễm cục bộ theo không gian, thời gian và theo một số yếu tố riêng lẻ thì khá phổ biến, nhiều khi nghiêm trọng ở mức báo động vì có khả năng gây tác động xấu đến môi trường, sức khỏe cộng đồng. Điển hình là ô nhiễm các chất hữu cơ ở môi trường ngư dân và các bến cá ven biển... Ô nhiễm dầu ở các vùng nước cảng, các tuyến hàng hải, các vùng neo trú tàu cá, các khu vực cung cấp nhiên liệu và ô nhiễm kim loại nặng tại các vùng liên quan đến sản xuất công nghiệp. Một số nơi ô nhiễm cục bộ phát triển thành các điểm nóng ô nhiễm và trở thành nơi tích lũy - phát tán ô nhiễm cho vùng nước ven bờ. Tại các vùng cửa sông, nơi đáng ra có khả năng phân tán, tự làm sạch môi trường rất tốt, ví dụ như vùng cửa sông Bạch Đằng thì mức độ ô nhiễm rất cao.

 

Tài nguyên biển Hải Phòng đang được khai thác và sử dụng bền vững góp phần
quan trọng vào sự phát triển của TP

 

     Ngoài ra, nguy cơ bùng phát thủy triều đỏ và nạn tảo độc rất cao và đã từng được ghi nhận tại một số nơi như khu vực cảng Cát Bà (tháng 7/1998), vùng biển Đồ Sơn (tháng 2-7/1999), vùng biển Cát Bà (tháng 4/2009).

     Cần ghi nhận những tác động tích cực và nỗ lực BVMT tại các địa phương từ khi có Luật BVMT. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển công nghiệp và tăng trưởng kinh tế, các chất ô nhiễm có độc tính thuộc nhóm hữu cơ bền bước đầu nhận thấy có sự tích lũy trong trầm tích và cơ thể sinh vật, gây nguy hại lâu dài cho an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng, nhưng chưa được quan tâm đánh giá đúng mức.

     Một số giải pháp để hạn chế tình trạng trên đã được TP triển khai trong những năm gần đây, đặc biệt liên quan đến việc xây dựng các chính sách, triển khai một số chương trình, chú trọng hợp tác quốc tế như thành lập Khu Bảo tồn biển Bạch Long Vỹ, Khu Dự trữ sinh quyển Cát Bà. Đồng thời, thực hiện đánh giá định kỳ về nguồn tài nguyên biển đảo và tình hình khai thác, sử dụng của TP;

     Quy hoạch sử dụng tài nguyên có tính liên vùng, tỉnh/TP, phát triển và áp dụng hệ thống quản lý tổng hợp và thống nhất vùng bờ biển, giảm mâu thuẫn lợi ích trong sử dụng và khai thác tài nguyên; Tăng cường phát hiện, sử dụng các giá trị của các dạng tài nguyên, bao gồm tài nguyên thiên nhiên và nhân văn để đa dạng hóa nguồn tài nguyên, tránh gây sức ép lên một vài loại hình tài nguyên sử dụng cho phát triển kinh tế - xã hội TP theo hướng phát triển bền vững; Tăng cường hiệu lực thi hành pháp luật, đặc biệt khuyến khích các ngành, đơn vị khai thác sử dụng tài nguyên áp dụng hệ thống quản lý môi trường để giảm thiểu ô nhiễm trong hoạt động phát triển kinh tế; Xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư công nghệ mới sạch, thân thiện môi trường trong khai thác sử dụng tài nguyên, nâng cao giá trị tài nguyên thông qua khuyến khích chế biến, tái chế, tái sử dụng hiệu quả; Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và BVMT biển đảo.

     PV: Để thực hiện mục tiêu đến năm 2020, xây dựng vùng biển, ven biển, đảo mạnh về biển, làm giàu từ biển, Hải Phòng đã triển khai những nhiệm vụ cụ thể nào, thưa ông?

     Ông Trần Đình Lân: Trên cơ sở Nghị quyết số 27-NQ/TU, ngày 13/4/2009 của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng về Chương trình Hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ IV, Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) và Chương trình triển khai thực hiện Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và BVMT biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, TP đã xây dựng và triển khai các nhiệm vụ trọng điểm về phát triển kinh tế biển như: Thực hiện điều tra cơ bản về tài nguyên môi trường biển đảo của TP, đánh giá nguồn năng lượng xanh trên biển, xây dựng tiêu chí đảo xanh; Quy hoạch phát triển cảng biển và du lịch sinh thái biển; Quy hoạch khai thác khoáng sản vùng ven biển; Xây dựng kế hoạch quản lý tài nguyên, môi trường vùng ven biển hiệu quả, hợp lý, phù hợp với đặc tính sinh thái của từng vùng; Bảo vệ các vùng đất ngập nước, khôi phục phát triển rừng phòng hộ, rừng ngập mặn ven biển, nuôi trồng thủy sản, chuyển đổi sinh kế cho người dân; Kết hợp hài hòa giữa bảo tồn với khai thác sử dụng hợp lý đa dạng sinh học biển và xóa đói giảm nghèo; Thiết lập các khu bảo tồn biển Bạch Long Vỹ và Cát Bà, mô hình Phòng thí nghiệm học tập cho sự phát triển bền vững Cát Bà; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong BVMT biển đảo, trong đó đáng chú ý là các dự án hợp tác với Pháp, Bỉ, Ôxtrâylia, các tổ chức quốc tế như IUCN, UNESCO…; Tổ chức các sự kiện về môi trường biển và đại dương…

     Xin cảm ơn ông!

 

    Châu Loan (Thực hiện)

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 6/2014

Ý kiến của bạn