Banner trang chủ

Hải Dương: Tăng cường kiểm soát môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề

12/05/2020

     Với lợi thế về lao động và tài nguyên, những năm gần đây, sự phát triển của các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) và làng nghề trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, sự phát triển các KCN, CCN, làng nghề cũng kéo theo những thách thức về môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Phóng viên Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở TN&MT Hải Dương - Vũ Ngọc Long về thực trạng môi trường cũng như những khó khăn cần tháo gỡ tại các KCN, CCN, làng nghề trên địa bàn tỉnh.

 

Ông Vũ Ngọc Long - Giám đốc Sở TN&M Hải Dương

 

PV: Xin ông cho biết đôi nét về công tác BVMT tại các KCN, CNN, làng nghề trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua?

Ông Vũ Ngọc Long: Theo Danh mục quy hoạch KCN đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Hải Dươngcó 18 KCN. Đến nay có 11 KCN được quy hoạch chi tiết, đã xây dựng đầu tư đồng bộ hạ tầng và đi vào hoạt động (KCN Nam Sách; Đại An; Đại An mở rộng; Lai Cách; Phúc Điền; Tân Trường; Việt Hòa - Kenmark (hiện tại KCN được Công ty TNHH KCN Kỹ thuật cao An Phát tiếp nhận dự án); Lai Vu; Phú Thái; Lương Điền - Cẩm Điền (VSIP); Cộng Hòa).Qua công tác quản lý cho thấy, các chủ đầu tư KCN trong quá trình triển khai hoạt động đã cơ bản chấp hành tốt các quy định về BVMT, thực hiện đầy đủbáo cáo đánh giá tác động môi trường,đăng ký chủ nguồn thải, kiểm soát môi trường định kỳ; đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung để thu gom xử lý nước thải phát sinh của các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong KCN đảm bảo theo đúng quy định và được cấp giấy phép xả thải.

    Nhằm kiểm soát, giám sát chất lượng nước thải sau xử lý, thời gian qua, Sở TN&MT tỉnh Hải Dương đã yêu cầu các chủ hạ tầng KCN cũng như các cơ sở có nguồn xả thải lớn thực hiện lắp đặt hệ thống quan trắc tự động và truyền dữ liệu về Sở. Đến nay, đã có 9/11 KCN (Đại An, Đại An mở rộng, Lai Cách; VSIP, Tân Trường, Phúc Điền, Nam Sách, Phú Thái và Lai Vu) và 3 Công ty - KCN (Công ty TNHH Best Pacific Việt Nam - KCN Lương Điền - Cẩm Điền (VSIP); Công ty TNHH May Tinh Lợi và Công ty TNHH Dệt Pacific Crytal nằm trong KCN Lai Vu) đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động và truyền dữ liệu về Sở TN&MT để theo dõi, giám sát. Kết quả theo dõi cho thấy, các hệ thống xử lý của các KCN hoạt động ổn định, kết quả đạt quy chuẩn cho phép.

    Theo Quyết định số 3140/QĐ-UBND ngày 3/12/2015 của UBND tỉnh Hải Dương về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển CCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 là 42 CCN. Tính đến năm 2019, trên địa bàn tỉnh có 36 CCN, trong đó có 33 CCN đã đi vào hoạt động, 3 CCN chưa đi vào hoạt động. Trong tổng số 36 CCN có 7 CCN chủ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng là các DN (Ba Hàng, Lương Điền, Dịch vụ thương mại Lương Điền, Đoàn Tùng 2, Hồng Phúc - Hưng Long, Nam Hồng - Hồng Phong và An Phụ); các CCN còn lại, UBND tỉnh đã giao cho UBND huyện làm chủ đầu tư.

    Mặt khác, hầu hết các CCN trên địa bànchưa xây dựng đồng bộ hạ tầng, chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, dẫn đến các DN đều phải tự xử lý nước thải và thải ra nguồn tiếp nhận chung của địa phương, gây khó khăn cho cơ quan quản lý, đặc biệt là vấn đề quản lý nguồn thải của các CCN.

    Hiện nay, tỉnh có 66 làng nghề được công nhận làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trong đó nhóm làng nghề mộc chiếm (23%), chế biến nông sản, thực phẩm (18%), thêu ren (12%), gốm sứ và nhóm làng nghề kim hoàn chiếm tỷ lệ thấp nhất (3%). Do đặc thù của các làng nghề nằm đan xen trong khu dân cư được hình thành từ lâu đời nên việc thu gom nước thải, nước mưa đều chưa được phân lập, 100% các làng nghề đều chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nước thải phát sinh từ hoạt động nghề và nước thải sinh hoạt đều được thoát chung gây ô nhiễm đến nguồn nước mặt khu vực.

   Ngoài ra, công tác thu gom, xử lý CTR phát sinh từ các hộ sản xuất nhiều nơi còn tự phát gây ảnh hưởng đến môi trường. Ước tính mỗi ngày, các làng nghề thải ra từ 20 - 30 tấn rác thải sinh hoạt. Nguyên nhân chính của tình trạng ô nhiễm này là do quy mô sản xuất nhỏ nên khó khăn trong đầu tư cải tiến công nghệ, nâng cấp máy móc, thiết bị; tập quán sản xuất, sinh hoạt lạc hậu, nhận thức và ý thức trách nhiệm về BVMT của cộng đồng dân cư còn hạn chế. 

 

Sở TN&MT Hải Dương đối thoại với người dân xã Lương Điền về kiến nghị CCN Lương Điền (huyện Cẩm Giàng) xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường (tháng 6/2019)

 

PV: Được biết, hàng năm Sở đã tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường trong tại các KCN, CCN, làng nghề, vậy những khó khăn, vướng mắc trong công tác này là gì, thưa ông?

Ông Vũ Ngọc Long: Trước thực trạng ô nhiễm môi trường ngày càng diễn biến phức tạp, bên cạnh việc chủ động rà soát, xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về môi trường, Sở TN&MT đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành có liên quan, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là việc kiểm soát nguồn gây ô nhiễm môi trường của các dự án lớn, khu vực tập trung nguồn thải ở các KCN, CCN, làng nghề trên địa bàn…Đối với các KCN, qua công tác kiểm tra cho thấy, các chủ đầu tư và DN trong KCN đã cơ bản chấp hành tốt các quy định về BVMT, các DN trong KCN đều thực hiện lắp đặt hệ thống quan trắc tự động và truyền dữ liệu về Sở TN&MT nên cơ bản việc quản lý, kiểm soát dần đi vào ổn định. 

   Tuy nhiên, đối với CCN, trong quá trình thanh, kiểm tra cho thấy, các CCN hầu hết chưa có chủ đầu tư hạ tầng; các DN hoạt động trong CCN tự chịu trách nhiệm về công tác BVMT, nhất là việc xây dựng cơ sở hạ tầng nên công tác quản lý các DN này gặp nhiều khó khăn: Các DN tự ý cho thuê lại nhà xưởng để hoạt động sản xuất nhưng không thông báo với cơ quan chức năng nên khó khăn trong công tác quản lý cũng như yêu cầu các DN thực hiện trách nhiệm trong công tác BVMT.

    Bên cạnh đó, nhiều DN còn né tránh, đối phó với cơ quan chức năng khi bị kiểm tra về chất lượng nước thải.Theo quy định tại Nghị định 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật BVMT, các DN có lưu lượng xả thải dưới 20m3/ngày, đêm không phải thực hiện kiểm soát môi trường định kỳ, do vậy nhiều DN vẫn có hành vi xả nước thải nhưng không thuộc đối tượng bị xử phạt.

   Nhằm giải quyết những vấn đề liên quan đến môi trường làng nghề, hiện nay Nhà nước đã ban hành hệ thống văn bản pháp luật phân rõ trách nhiệm các cấp từ cơ sở sản xuất, cấp xã có làng nghề, huyện thị xã, tỉnh có làng nghề.Tuy nhiên, do nhân lực quản lý môi trường từ cấp huyện, xã còn ít, nên khó khăn cho công tác quản lý, giám sát nguồn thải từ làng nghề. Phần lớn các hộ dân trong làng nghề chưa chấp hành các quy định về BVMT, như chưa có báo cáo về các biện pháp BVMT hay phương án BVMT gửi cơ quan quản lý môi trường tại địa phương để thực hiện kiểm tra, theo dõi…

    Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra về công tác BVMT làng nghề chưa được quan tâm; việc thanh tra, kiểm tra mới chỉ dừng ở việc khi có phản ánh về tình trạng gây ô nhiễm môi trường. Quá trình thanh tra, kiểm tra còn gặp nhiều khó khăn trong công tác xử lý vi phạm, đặc biệt đối với các hộ gia đình nhỏ lẻ, việc xử lý hầu hết mới chỉ dừng lại ở việc yêu cầu các hộ dừng thực hiện nên tình trạng vi phạm vẫn kéo dài.

 

Hệ thống xử lý nước thải KCN Nam Sách đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động và truyền dữ liệu về Sở TN&MT để theo dõi, giám sát

 

PV: Nhằm tăng cường công tác BVMTcác KCN, CCN, làng nghề trong thời gian tới, địa phương sẽ triển khai những giải pháp gì, thưa ông?

Ông Vũ Ngọc Long: Để tăng cường công tác BVMT, tỉnh đã đề ra nhiều biện pháp BVMT đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cụ thể như:

    Thứ nhất, tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát môi trường đối với các doanh nghiệp, KCN, CCN; xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường kéo dài, kiên quyết dừng hoạt động đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường không thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm.

    Thứ hai, nâng cao năng lực quan trắc môi trường, giám sát chặt chẽ các nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao từ các KCN, CCN, cơ sở sản xuất có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao; khi phát hiện DN có thông số vượt quy chuẩn môi trường, đôn đốc ngay các DN kiểm tra công trình xử lý chất thải, quy trình hoạt động sản xuất để xác định nguyên nhân, khắc phục kịp thời, không xảy ra sự cố môi trườn.

   Thứ ba,đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng và đưa vào vận hành trạm xử lý nước thải tập trung trong KCN, CCN đảm bảo theo quy định; lựa chọn, thu hút đầu tư các dự án thân thiện với môi trường; khuyến khích các dự án sản xuất sạch hơn…

   Thứ tư, đối với các làng nghề, cần công bố danh sách các cơ sở sản xuất thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển; kế hoạch chuyển đổi ngành nghề hoặc di dời ra khỏi khu dân cư đối với cơ sở sản xuất không thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn.

   Thứ năm, thống kê lượng nước thải, khí thải, CTR thông thường, CTR nguy hại phát sinh từ các cơ sở trong làng nghề; hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về BVMT của các cơ sở sản xuất tại các làng nghề trên địa bàn.

    Thứ sáu, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân về BVMT, từ đó tự giác chấp hành nghiêm chỉnh về giữ gìn vệ sinh môi trường và an toàn trong sản xuất…

PV: Trân trọng cảm ơn ông

 

Châu Loan (Thực hiện)

(Nguồn: Tạp chí Môi trường số 4/2020)

Ý kiến của bạn