19/08/2019
Hiện nay, tỉnh Hưng Yên đã huy động tối đa mọi nguồn lực, tăng cường đầu tư cho công tác phân loại, thu gom, xử lýchất thải rắn sinh hoạt(CTRSH), nhờ đó giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Phóng viên Tạp chí Môi trường đã trao đổi với ông Bùi Thế Cử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên về khó khăn, vướng mắc cũng như những giải phápthực hiện thống nhất trong công tác quản lý CTRSH trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Ông Bùi Thế Cử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên
PV: Xin ông cho biết hiện trạng phát sinh và kết quả công tác quản lý, phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH tại địa phương?
Ông Bùi Thế Cử: Tỉnh Hưng Yên nằm ở trung tâm của vùng đồng bằng sông Hồng, trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, có diện tích khoảng 930,22 km2,gồm các đơn vị hành chính: TP. Hưng Yên, thị xã Mỹ Hào, 8 huyện; cấp cơ sở, gồm: 14 phường, 8 thị trấn và 139 xã, với tổng số dân khoảng 1.170.185 người. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân được nâng cao kéo theo sự gia tăng CTRSH ở các khu đô thị, khu công nghiệp, nông thôn. Hiện tổng lượng CTRSH phát sinh trong năm 2018 khoảng 650 tấn/ngày, trong đó tỷ lệ rác thải đô thị (TP. Hưng Yên) đượcthu gom, xử lý đạt 87% (tương đương 75 tấn/ngày). Việc thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH của TP do Công ty TNHH Một thành viên môi trường và công trình đô thị Hưng Yên thực hiện, với phương thức thu gom, vận chuyển hàng ngày tại các phường, khu phố nội thành; vận chuyển rác thải định kỳ 3 lần/tuần từ điểm tập kết của các xã ngoại thành.Tại khu vực nông thôn, tỷ lệ rác thải được thu gom, vận chuyển, xử lý đạt khoảng 76% (tương đương 428 tấn/ngày). Trong thời gian qua, UBND tỉnh luôn quan tâm giải quyết vấn đề rác thải ở khu vực nông thôn, cụ thể: Hỗ trợ lắp đặt 1.105 thùng đựng rác tại các khu vực công cộng, trường học; xây dựng 145 điểm tập kết rác thải quy mô thôn, xã; hỗ trợ 5.200 xe đẩy tay thu gom rác thải; mua và đưa vào vận hành 16 xe ô tô chuyên dụng vận chuyển rác thải, hợp đồng với các đơn vị tư nhân vận chuyển.
Về tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải: Các huyện, thị xã đã thành lập, duy trì hoạt động 915 tổ vệ sinh môi trường với 2.369 người tham gia, thành lập được 6 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và môi trường, đảm bảo thu gom rác thải tại 100% số thôn, khu dân cư. Rác thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh tại 355 bãi chôn lấp quy mô thôn, xã. Năm 2018, các huyện vận chuyển, xử lý tại Khu xử lý chất thải (KXLCT) Đại Đồng được 127.922 tấn rác thải (trung bình khoảng 355 tấn rác thải sinh hoạt/ngày đêm). Năm 2019, UBND tỉnh đã yêu cầu KXLCT Đại Đồng dừng việc chôn lấp xử lý rác thải sinh hoạt và đưa vào vận hành 2 lò đốt rác sinh hoạt công suất trung bình khoảng 200 tấn/ngày; đồng thời, giao Sở TN&MT làm chủ đầu tư xây dựng lò đốt rác thải Dị Sử, thị xã Mỹ Hào, công suất 50 tấn/ngày đêm, dự kiến đưa vào hoạt động trong tháng 7/2019.
Cùng với đó,công tácphân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình được tỉnh đẩy mạnh, từ năm 2012, tỉnh đã triển khai thí điểm mô hình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại 100 hộ gia đình tại các thôn Tiên Cầu (xã Hiệp Cường, huyện Kim Động) bằng hình thức dùng thùng nhựa có nắp đậy; năm 2013, tiếp tục hỗ trợ 300 hộ gia đình tại thị trấn Lương Bằng (huyện Kim Động) xử lý rác hữu cơ bằng hình thức đào hố có nắp đậy. Theo đó, chất thải tại hộ gia đình được phân loại thành 3 loại, cụ thể: Phế liệu (bán cho cơ sở tái chế); chất thải khó phân hủy (thu gom, vận chuyển, xử lý tập trung); rác thải hữu cơ dễ phân hủy (được xử lý tại hộ gia đình bằng chế phẩm vi sinh thành phân hữu cơ).
Từ kết quả thực hiện mô hình, qua kiểm tra, đánh giá hiệu quả của việc phân loại, xử lý rác tại hộ gia đình, đặc biệt là xử lý rác hữu cơ bằng hình thức đào hố có bổ sung vi sinh, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 63/KH-UBND ngày 14/4/2015 về triển khai mô hình phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 2128/QĐ-UBND ngày 4/10/2016 phê duyệt Đề án Nâng cao hiệu quả thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn giai đoạn 2016-2020, với mục tiêu đến năm 2020 có 50% số hộ gia đình trên địa bàn tỉnh thực hiện hiệu quả phân loại, xử lý rác thải hữu cơ; xác định ưu tiên áp dụng biện pháp đào hố xử lý rác hữu cơ ở các hộ gia đình có vườn.
Đồng thời, tỉnh giao Sở TN&MT chủ trì tổ chức triển khai mô hình phân loại, xử lý rác thải hữu cơtại hộ gia đình trên phạm vi toàn tỉnh; hướng dẫn các huyện, thành phố lập kế hoạch triển khai mô hình phân loại và xử lý rác thải; hướng dẫn khắc phục tồn tại, hạn chế trong thực hiện phân loại, xử lý rác thải; thành lập tổ công tác về phân loại, xử lý rác thải, để kiểm tra, giám sát, hướng dẫn hộ gia đình thực hiện phân loại, xử lý rác thải; xây dựng nội dung tuyên truyền phân loại rác, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà và lãnh đạo tỉnh Hưng Yên kiểm tra về tái chế phế liệu nhựa tại thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm
Đến nay,toàn tỉnh đã có 89.305 hộ gia đình, đạt 26,06% số hộ gia đình tại 154/161 xã, phường, thị trấn thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình, góp phần làm giảm lượng rác thải phải vận chuyển, xử lý; nâng cao ý thức, trách nhiệm BVMT trong các tầng lớp nhân dân; xử lý rác thải hữu cơ thành phân hữu cơ bón cho cây trồng.
PV: Để quản lý CTRSH hiệu quả, tỉnh đã ban hành những chính sách gì, thưa ông?
Ông Bùi Thế Cử: Để nâng cao hiệu quả quản lý CTRSH, tỉnh đã phê duyệt và thực hiện Quy hoạch quản lý chất thải rắn (CTR), đồng thời UBND tỉnh ban hành Quyết định số 300/QĐ-UBND ngày 1/2/2013 phê duyệt Quy hoạch quản lý CTR tỉnh đến năm 2025; Quyết định số 2460/QĐ-UBND ngày 03/10/2018 bổ sung vị trí Khu xử lý CTR Hòa Phong vào Quy hoạch quản lý CTR tỉnh. Quy hoạch CTR của tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu thực tế; việc đầu tư, xây dựng, vận hành các khu xử lý chất thải (KXLCT) tập trung, các điểm tập kết, bãi chôn lấp chất thải theo quy hoạch đảm bảo hiệu quả nâng tỷ lệ chất thải được thu gom, xử lý tăng qua các năm.
Trong quy hoạch sử dụng đất, tỉnh thực hiện điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) và đã được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 17/4/2018, trong đó đến năm 2020 có 241 ha đất để xây dựng điểm tập kết rác thải, KXLCT tập trung (tăng 171 ha so với hiện trạng năm 2010).
Về chính sách hỗ trợ người thu gom rác thải: UBND tỉnh ban hành Quyết định số 12/2018/QĐ-UBND ngày 15/3/2018 quy định mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế cho một số đối tượng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020, trong đó thực hiện hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế cho người tham gia tổ thu gom rác thải tại các thôn, khu phố.
Đối với giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải: UBND tỉnh đã ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh (Quyết định số 25/2017/QĐ-UBND ngày 13/10/2017),áp dụng vớihộ gia đình, cá nhân, hộ kinh doanh buôn bán nhỏ xem kẽ trong khu dân cư, cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và rác thải từ các khu công cộng.Giá tối đa dịch vụ xử lý CTRSH được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh (Quyết định số 23/2018/QĐ-UBND ngày 27/6/2018),áp dụng với tổ chức thực hiện dịch vụ xử lý CTRSH bằng công nghệ đốt và công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh.Đơn giá thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải do doanh nghiệp tư nhân đầu tư trên địa bàn tỉnh Hưng Yên (Quyết định số 760/QĐ-UBND ngày 19/5/2014).
Ngoài ra, nhằm tăng cường công tác quản lý CTRSH, giảm thiểu ô nhiễm môi trường,UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 28/2017/QĐ-UBND ngày 5/12/2017 ban hành Quy định BVMT tỉnh, trong đó quy định hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm giảm thiểu, phân loại rác thải tại nguồn, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình, thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt đến đúng nơi quy định; ban hành Chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 20/10/2016 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về BVMT trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 229/KH-UBND ngày 4/8/2017 thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về BVMT.
PV: Ông đánh giá hư thế nào về những khó khăn, vướng mắc trong công tác phân loại, thu gom, xử lý CTRSHtrên địa bàn tỉnh?
Ông Bùi Thế Cử:Việc thực hiện phân loại CTR chỉ mới thực hiện hiệu quả đối với hình thức phân loại xử lý chất thải hữu cơ dễ phân hủy tại hộ gia đình ở khu vực nông thôn; hình thức xử lý tập trung còn gặp khó khăn do thiếu đồng bộ từ khâu thu gom, tập kết, xử lý. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo,tổ chức thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình ở một số địa phương trong tỉnh chưa sát sao, quyết liệt, kết quả đạt thấp so với mục tiêu của tỉnh đến năm 2020 có 50% số hộ gia đình trên địa bàn tỉnh thực hiện hiệu quả phân loại, xử lý rác thải hữu cơ; một số huyện chưa giao chỉ tiêu thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ cho các xã, chưa quán triệt quan điểm ưu tiên xử lý rác thải hữu cơ bằng phương pháp đào hố với chế phẩm vi sinh.Chưa xây dựng được cơ chế phù hợp hỗ trợ các hộ gia đình thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ như giảm giá, phí vệ sinh môi trường nên chưa khuyến khích, tạo động lực cho các hộ tham gia thực hiện và duy trì thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ.Nguồn nhân lực làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BVMT ở các cấp, ngành (đặc biệt là cấp xã) còn hạn chế, cán bộ truyền thông môi trường hầu hết làm công tác kiêm nhiệm, chưa được đào tạo, tập huấn kỹ năng truyền thông môi trường dẫn đến hiệu quả tuyên truyền, vận động thực hiện phân loại, xử lý rác thải chưa cao.
Về công tác thu gom, do ý thức, trách nhiệm trong công tác vệ sinh môi trường, quản lý rác thải của một bộ phận người dân, doanh nghiệp chưa cao, còn tình trạng xả rác thải sinh hoạtkhông đúng nơi quy địnhlàm mất cảnh quan, đốt rác thải gây ô nhiễm môi trường. Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt còn thấp, chưa đủ để bù đắp chi phí cho việc tổ chức thực hiện công tác thu gom, vận chuyển rác thải (mức giá hiện nay đối với các hộ dân từ 3.000 đồng đến 10.000 đồng/khẩu/tháng, tỷ lệ thu còn thấp, đạt khoảng 70%).
Lễ ra quân phân loại rác thải hữu cơ tại hộ gia đình
Ngoài ra, việc thực hiện các dự án theo quy hoạch CTRSHgặp nhiều khó khăn do phải thu hồi đất, giải phóng mặt bằng; công nghệ xử lý CTRSH hiện đại (đốt rác phát điện, tận thu năng lượng...), sản xuất phân hữu cơ chưa phổ biến, hầu hết không phù hợp với đặc điểm rác thải của Việt Nam (do rác thải chưa được phân loại triệt để, có độ ẩm cao); kinh phí thực hiện các đề án, dự án xử lý chất thải rất lớn, trong khi đó huy động nguồn xã hội hóa còn hạn chế, việc thu hút nhà đầu tư có năng lực, công nghệ hiện đại đầu tư vào xử lý CTR gặp nhiều khó khăn.
PV: Đối với lượng rác thải sinh hoạt còn tồn đọng, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân, tỉnh đã có biện pháp gì để xử lý tình trạng này và kết quả như thế nào, thưa ông?
Ông Bùi Thế Cử: Hiện nay, toàn tỉnh còn 24% rác thải nông thôn và 13% rác thải đô thị phát sinh chưa được vận chuyển, xử lý, tồn đọng tại các điểm tập kết rác thải, gây ô nhiễm môi trường và làm ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân. Để xử lý tình trạng trên, tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp, cụ thể:Chỉ đạo Sở Xây dựng thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; Hàng năm, hỗ trợ các huyện, thị xã, thành phố kinh phí hỗ trợ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, nâng cao tỷ lệ rác thải được vận chuyển, xử lý qua các năm, giảm thiểu tồn đọng rác thải lâu ngày gây ô nhiễm môi trường; Giao Sở TN&MT tích cực phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố tăng cường phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình trên phạm vi toàn tỉnh nhằm giảm thiểu lượng rác thải phải vận chuyển, xử lý; Tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, thu hút đầu tư các dự án xử lý chất thải có công nghệ tiên tiến. Hiện tỉnh đã triển khai 2 lò đốt rác thải sinh hoạt, tổng công suất 200 tấn/ngày tại KXLCT Đại Đồng, huyện Văn Lâm (hoạt động từ ngày 1/1/2019) và lò đốt rác thải Dị Sử, thị xã Mỹ Hào(công suất 50 tấn/ngày trong tháng 7/2019 đưa vào hoạt động).
Mặt khác, tỉnh cũng tạo điều kiện về mặt bằng, cho phép Công ty TNHH Sa Mạc Xanh vận hành thử nghiệm Dự án xử lý rác thải phát điện với công suất 100 tấn/ngày; Giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành của tỉnh tham mưu UBND tỉnh xem xét tiếp nhận Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy đốt CTR phát điện công suất 500 tấn/ngày đêm và có thể nâng công suất đến 1.000 tấn/ngày đêm tại Khu xử lý Vũ Xá, huyện Kim Động đảm bảo xử lý toàn bộ lượng rác thải phát sinh trên địa bàn tỉnh bền vững.
PV: Thực hiện việc thống nhất quản lý nhà nước về CTR theo Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 3/2/2019 của Chính phủ, trong thời gian tới, tỉnh có những giải pháp cũng như đề xuất, kiến nghị gì để công tác quản lý CTRSH trên địa bàn đạt hiệu quả?
Ông Bùi Thế Cử:Việc thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về CTR theo Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 3/2/2019 của Chính phủ sẽ có nhiều thuận lợi, mang tính đột phá trong công tác quản lý CTR do xác định rõ được cơ quan có trách nhiệm chính thống nhất quản lý, nguồn lực cho công tác quản lý chất thải được tập trung; chủ động thực hiện hướng dẫn quản lý đầu tư xây dựng cơ sở xử lý CTRSH theo quy hoạch được phê duyệt; phương pháp lập, quản lý chi phí và phương pháp định giá dịch vụ xử lý CTRSH; công bố định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH và suất vốn đầu tư xây dựng cơ sở xử lý CTRSH. Đồng thời, đảm bảo cập nhật trong xây dựng cơ sở dữ liệu về CTRSH, quản lý, khai thác, cung cấp thông tin có liên quan đến quản lý CTRSH; thẩm định công nghệ xử lý CTRSH được nghiên cứu và áp dụng lần đầu ở Việt Nam; thiết lập hệ thống thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải đồng bộ, khoa học.Để tăng cường công tác BVMT trên địa bàn, tỉnh đã có các giải pháp cụ thể như:Rà soát, điều chỉnh quy hoạch quản lý CTR; Khuyến khích, kêu gọi nhà đầu tư thực hiện các dự án Khu xử lý chất thải theo hướng đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, xử lý đốt tận thu nhiệt, tái chế...; tiếp tục hỗ trợ các huyện thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, tiến tới thực hiện theo giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH theo đầu người nâng cao tỷ lệ chất thải được thu gom, vận chuyển, xử lý; Đẩy mạnh thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình trên toàn tỉnh đi vào nền nếp, hiệu quả, dần trở thành ý thức của người dân; Tổ chức thực hiện tốt tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới;Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát; xử lý nghiêm, kiên quyết các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT nhất là đổ, đốt rác thải không đúng nơi quy định gây ô nhiễm môi trường.
Đồng thời, tỉnh có đề xuất, kiến nghị với Bộ TN&MT:Sớm tham mưu Chính phủ hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về quản lý CTR do ngành TN&MT thống nhất quản lý CTR từ Trung ương tới địa phương; Quy định bắt buộc việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, nhất là tại hộ gia đình và có chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm tăng cường tái chế, tái sử dụng, chế biến rác thải thành sản phẩm hữu ích, giảm thiểu chi phí xử lý rác thải sinh hoạt; Xây dựng mức thuế cao đối với các sản phẩm nhựa dùng một lần; đồng thời có chính sách khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế các sản phẩm nhựa khó phân hủy nhằm giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa. Bên cạnh đó, ưuu tiên bố trí kinh phí từ Trung ương hỗ trợ cho công tác xử lý CTRSH, xử lý triệt để ô nhiễm môi trường ở làng nghề tái chế nhựa thôn Minh Khai (thị trấn Như Quỳnh); làng nghề tái chế chì Chỉ Đạo (huyện Văn Lâm); Kêu gọi, thu hút đầu tư nước ngoài tham gia phát triển cơ sở hạ tầng, nhà máy phục vụ quản lý, xử lý CTRSH.
Đặc biệt,thường xuyên cập nhật, ban hành danh mục công nghệ kỹ thuật được phép tiếp nhận chuyển giao và bộ tiêu chí làm cơ sở lựa chọn dự án xử lý CTRSH phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam; ban hành định mức chi phí xử lý tương ứng để làm căn cứ tiếp nhận dự án, công nghệ xử lý CTRSH phù hợp điều kiện kinh tế của các địa phương.Công bố những công nghệ, thiết bị xử lý chất thải tiên tiến, thân thiện môi trường (như đốt rác phát điện, tận dụng nhiệt lượng...) làm cơ sở cho địa phương lựa chọn công nghệ, thiết bị xử lý CTRSH.
Trân trọng cảm ơn ông!
Trần Loan (Thực hiện)
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 7/2019)