Banner trang chủ

Hà Nội xây dựng lộ trình kiểm soát, thu hồi xe máy hết đát

29/06/2017

    Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), tính đến hết ngày 31/12/2016, trên toàn quốc có 49.079.865 xe mô tô, xe gắn máy được đăng ký, trong đó đại đa số là mô tô 2 bánh, chiếm 95% tổng số xe cơ giới đang lưu hành trên cả nước.

     Riêng tại Hà Nội hiện có 5.255.245 xe máy (khoảng 4.000 xe máy có dung tích xy lanh từ 175 cm3 trở lên), 10.686 xe máy điện, 30 xe mô tô 3 bánh được cấp đăng ký và 4.367 xe mô tô 3, 4 bánh tự chế (không được cấp đăng ký). Trong đó, gần 1/2 số lượng xe máy đã sử dụng lâu năm, nhiều xe sản xuất từ những năm 90 của thế kỷ trước, không đủ điều kiện về an toàn kỹ thuật nhưng vẫn đang tham gia giao thông, là nguyên nhân gây ra nhiều tai nạn giao thông. Kết quả nghiên cứu năm 2016 của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy, có mối liên hệ giữa số vụ tai nạn và tuổi đời của phương tiện. Đối với xe máy mới từ 1 - 5 năm, có mức độ tai nạn ít nghiêm trọng hơn so với xe máy sử dụng trên 10 năm.

     Đặc biệt, sử dụng xe máy tham gia giao thông sản sinh ra nguồn thải có nhiều chất gây ô nhiễm môi trường. Theo tính toán, xe máy đang lưu hành chiếm 95% về số lượng, chỉ tiêu thụ 56% xăng (không tính diesel) nhưng lại thải ra khoảng  94% HC; 87% CO; 57% NOx và 33% PM10 trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới kể cả chạy bằng xăng và diesel.

     Tuy nhiên, Chính phủ vẫn chưa xây dựng được lộ trình, thời gian hợp lý để triển khai Đề án kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố; Chưa có sự phân công, phân cấp hợp lý giữa các Bộ, ngành và địa phương trong việc tổ chức thực hiện.

 

Nhiều xe máy không đủ điều kiện về an toàn kỹ thuật nhưng vẫn tham gia giao thông

 

     Để kiểm soát xe máy quá niên hạn, không đủ tiêu chuẩn về kỹ thuật, khí thải, Hà Nội đưa ra một loạt các cơ chế chính sách như không phân biệt xe có biển số đăng ký tham gia giao thông trên địa bàn để đảm bảo công bằng; Thu phí môi trường thông qua dán tem môi trường các mức xanh, vàng, đỏ đối với phương tiện xe mô tô, xe gắn máy; Thu hồi, kiên quyết loại bỏ xe máy không đủ điều kiện an toàn kỹ thuật tham gia giao thông đối với phương tiện có mức phát thải môi trường vượt quá mức cho phép không có các biện pháp khắc phục.

     Bên cạnh đó, TP cũng tính toán và đưa ra lộ trình triển khai cho từng giai đoạn đối với những xe máy “hết đát”. Cụ thể, từ nay đến ngày 30/6/2018, TP sẽ điều tra, rà soát, thống kê số lượng xe máy (theo năm sản xuất) trên địa bàn; Hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật đối với xe máy; Hình thành bước đầu một số cơ sở kiểm định khí thải; Tổ chức đào tạo cho kỹ thuật viên, nhân viên nghiệp vụ đáp ứng theo yêu cầu.

     Giai đoạn từ 1/7/2018 đến 31/12/2019, tiến hành thực hiện kiểm tra khí thải đối với xe máy loại có dung tích xy lanh từ 175 cm3 trở lên tham gia giao thông tại TP. Hà Nội (đây là những xe phân khối lớn, số lượng ít, có thể triển khai được tại các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới). Đồng thời thu hồi, loại bỏ đối với những phương tiện cũ nát, không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn khí thải.

     Giai đoạn sau năm 2020, tổ chức kiểm tra, đánh giá, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện; Căn cứ vào điều kiện thực tế nghiên cứu, đề xuất phương án triển khai giai đoạn tiếp theo đối với xe máy, loại có dung tích xy lanh động cơ dưới 175 cm3 và xe gắn máy tham gia giao thông; Phát triển hệ thống, mạng lưới các cơ sở kiểm tra khí thải…

     Để có căn cứ xử lý các phương tiện xe máy không đảm bảo an toàn giao thông và giảm ô nhiễm môi trường, UBND TP. Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến kiểm tra khí thải xe máy về lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải, bổ sung xử phạt chủ xe vi phạm quy định về kiểm soát khí thải, quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm tra khí thải…

     Bộ Công an chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng cảnh sát giao thông tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm quy định về khí thải đối với xe mô tô tham gia giao thông trên đường theo hướng kết hợp với xử lý các hành vi vi phạm khác về trật tự an toàn giao thông đường bộ và đô thị.

     Bộ Tài chính xây dựng, ban hành theo thẩm quyền quy định liên quan đến giá, lệ phí và nguồn kinh phí thực hiện kiểm tra khí thải xe máy; Nghiên cứu, xây dựng cơ chế hỗ trợ của Nhà nước như mua lại phương tiện cũ, đổi xe cũ lấy xe mới hoặc hỗ trợ chuyển đổi phương tiện, việc làm cho một số đối tượng lao động.

     UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương thống kê, phân loại theo khu vực (quận, huyện, thị xã) về chủng loại, thời gian sử dụng xe máy (theo năm sản xuất) tại địa phương; Xác định vị trí bãi tập kết tiêu hủy xe máy khi tiến hành thu hồi phương tiện giao thông thải loại theo đúng lộ trình quy định.

 

Vũ Nhung (Theo vietnampus.vn)

Ý kiến của bạn