29/01/2016
Ngày 31/12/2015, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 235/KH-UBND về thực hiện công tác bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, UBND đã yêu cầu các Sở, ngành và quận, huyện, thị xã tập trung xử lý một số cơ sở với loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao (như tái chế kim loại - nhựa, nhuộm, giết mổ gia súc) và cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng hoạt động trong các làng nghề chưa được công nhận.
Tình trạng ô nhiễm ở các làng nghề ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống
của nhân dân và sự phát triển bền vững của chính các làng nghề
Hiện tại, trên địa bàn TP Hà Nội có 1.350 làng có nghề (chiếm gần 59% tổng số làng trên địa bàn), 272 làng nghề được UBND TP cấp bằng công nhận làng nghề, trong đó có 198 làng nghề truyền thống. Sự phát triển của các làng nghề đã tạo nên bức tranh đa sắc cho Thủ đô, với những nét văn hóa đặc trưng cũng như góp phần phát triển kinh tế địa phương, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực vẫn tồn tại tình trạng ô nhiễm ở các làng nghề, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững của TP.
Hiện trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng theo từng năm. Năm 2009, có 9/23 làng nghề có từ 1-4 chỉ tiêu quan trắc nồng độ khí thải gây ô nhiễm vượt chỉ tiêu chuẩn cho phép từ 1,1 lần đến 3,1 lần. Năm 2010, có 45/46 làng nghề có ít nhất 1 chỉ tiêu quan trắc chất lượng không khí vượt chuẩn cho phép từ 1,1 lần đến 4,3 lần. Đặc biệt, các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm như bún, miến, đậu phụ... có chỉ tiêu hữu cơ quan trắc chất lượng nước thải vượt chuẩn cho phép cao nhất từ 10-14 lần.
Theo báo cáo nghiên cứu môi trường làng nghề Việt Nam của Bộ TN&MT, tỉ lệ người ở trong các vùng làng nghề mắc bệnh có xu hướng tăng cao. Các bệnh về hô hấp, tai mũi họng và bệnh ngoài da cũng rất phổ biến ở các làng nghề. Ở làng nghề tái chế kim loại, người dân phổ biến mắc các bệnh về đường hô hấp, bụi phổi và bệnh về thần kinh. Làng nghề tái chế giấy, tỉ lệ người mắc chứng bệnh hô hấp, bệnh ngoài da, đường ruột có xu hướng tăng cao...
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề nêu trên chủ yếu do ý thức của người dân nơi đây chưa hiểu rõ mức độ nguy hiểm ô nhiễm môi trường từ chính họ gây ra. Do ít đất, các hộ trong làng nghề đều tận dụng diện tích đất ở để làm cơ sở sản xuất, quy mô sản xuất nhỏ, tự phát, trình độ công nghệ phần lớn kém, chưa được đầu tư thỏa đáng.
Nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề, được biết UBND TP Hà Nội đã tiến hành xây dựng quy định chính sách hỗ trợ phát triển nghề, làng nghề trên địa bàn thành phố và quy định quản lý môi trường làng nghề. Thành phố đang tập trung quy hoạch tổng thể phát triển các khu, cụm công nghiệp làm cơ sở cho việc di chuyển các cơ sở gây ô nhiễm trong làng nghề tới các cụm công nghiệp tập trung.
Trước mắt, từ năm 2016, thành phố sẽ xem xét đưa các điều kiện vệ bảo vệ môi trường đã được quy định là tiêu chí bắt buộc trong việc công nhận các làng nghề và coi công tác bảo vệ môi trường là một trong những tiêu chí để đánh giá việc phát triển của làng nghề. Đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc xử lý ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại 50 làng nghề là mục tiêu mà thành phố vừa đặt ra.
Để thực hiện mục tiêu đó, Hà Nội bố trí, huy động vốn để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án xử lý nước thải làng nghề; xây dựng các chính sách, giải pháp hỗ trợ để từng bước cải thiện chất lượng môi trường. Đồng thời, tiến hành quy hoạch các cụm công nghiệp làng nghề để di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu vực dân cư; xây dựng kế hoạch triển khai chính sách khuyến khích phát triển làng nghề Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020; nghiên cứu xây dựng thí điểm mô hình “Hệ thống quản lý môi trường tại làng nghề” và hoàn thành “Đề án bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.
Trung Thảo