17/06/2019
Đa dạng về thành phần loài
Kết quả điều tra, khảo sát và phân tích thành phần loài thực vật bậc cao các vùng đất ngập nước (ĐNN) tại Hà Nội đã xác định được 337 loài thuộc 223 chi, 104 họ từ 540 mẫu vật thu được ở 18 khu ĐNN trên địa bàn TP. Trong thành phần hệ thực vật, ngành ngọc lan là phong phú nhất, chiếm tới 84,62% số họ, 91,93% số chi và 93,18% số loài; Ngành dương xỉ chiếm vị trí thứ hai với 11,54% số họ, 6,28% số chi và 5,64% số loài. Đặc biệt, có loài cà ổi vọng phu nằm trong Sách đỏ Việt Nam, thuộc cấp độ sẽ nguy cấp. Theo Danh lục đỏ của IUCN 2014 cho thấy, toàn hệ thực vật có 48 loài thuộc cấp độ ít lo ngại (LC) và 1 loài thuộc cấp độ ít nguy cấp (LR). Bên cạnh đó, hệ tảo và vi khuẩn lam cũng khá phong phú, với 423 loài và dưới loài, thuộc 100 chi, 34 họ, 19 bộ, 12 lớp của 7 ngành tảo và 1 ngành vi khuẩn lam; 91 loài cá thuộc 26 họ, 11 bộ từ 730 mẫu vật thu được ở 18 khu ĐNN. Trong đó, có 8 loài cá nằm trong Sách đỏ Việt Nam 2007, gồm 1 loài cá chình nhật ở mức EW- cực kỳ nguy cấp; 2 loài cá mòi cờ hoa và lóc ở mức EN - nguy cấp; 5 loài cá lăng, chiên, ngạnh, măng và chày chàng ở mức VU - sẽ nguy cấp. Theo tiêu chí của IUCN, 2013 có 1 loài cá dầu sông thân mỏng ở mức VU - sẽ nguy cấp; 3 loài cá trê vàng, trôi sông, mè trắng Trung Quốc ở mức NT- gần nguy cấp; 27 loài ở mức LC - ít lo ngại; 21 loài ở mức DD- thiếu dẫn liệu đánh giá.
Về thành phần loài thú, đã xác định được 65 loài thuộc 17 họ và 6 bộ từ 390 mẫu vật thu được ở 18 khu ĐNN trên địa bàn TP. Trong đó, 18 loài (chiếm 27,69% tổng số loài) thuộc danh sách các loài động vật đang bị đe dọa trong Sách Đỏ Việt Nam (2007), Danh lục đỏ IUCN (2012), Nghị định số 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ. Ngoài ra, đã xác định được 72 loài và nhóm loài động vật phù du có ở các thủy vực nước ngọt nội địa TP. Hà Nội (sông suối, hồ, ruộng trũng, kênh mương dẫn nước) thuộc 5 lớp, 13 bộ và 27 họ; 94 loài động vật đáy, thuộc 26 họ, 13 bộ, 7 lớp và 4 ngành. Trong số các loài động vật đáy đã được ghi nhận ở khu vực nghiên cứu, có nhiều loài được coi là đặc hữu, chỉ phân bố ở miền Bắc Việt Nam. Đặc biệt, loài Indochinamon sp. đang được phân tích để công bố là loài mới cho khoa học.
Những kết quả bước đầu
Trong 10 năm qua, TP. Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản pháp lý triển khai Luật ĐDSH, cụ thể: 2 Nghị quyết của Thành ủy về Quy hoạch bảo tồn ĐDSH TP đến năm 2020 và định hướng đến 2030; 6 Quyết định của UBND TP về phê duyệt đề án quy hoạch phát triển rừng, bảo tồn ĐDSH; 6 Kế hoạch triển khai các Chỉ thị, Chiến lược phát triển của Thủ tướng Chính phủ về BVMT và ĐDSH. Đồng thời, phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến ĐDSH. Từ năm 2008 đến nay, đã xử lý 1.117 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng; tịch thu hơn 1.028 m3 gỗ quy tròn các loại, hơn 3.756 kg ĐVHD và 6.118 cá thể ĐVHD (tính theo con); thu nộp ngân sách nhà nước gần 21 tỷ đồng…
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo tồn và cứu hộ động vật hoang dã (ĐVHD), TP đã tổ chức tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân chấp hành các quy định về bảo vệ các loài ĐVHD. Đến nay đã cấp mới và đổi 479 Giấy chứng nhận gây nuôi sinh trưởng ĐVHD để các tổ chức, cá nhân chấp hành quy định của Nhà nước. Cùng với đó, Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội đã phối hợp với các tổ chức trong nước, quốc tế cứu hộ và bảo tồn các loài ĐVHD. Tính đến ngày 31/12/2018, Trung tâm đang cứu hộ, bảo tồn là 295 cá thể và 10,7 kg rắn các loại; tiếp nhận 753 vụ, với trên dưới 100 loài (gồm 10.472 cá thể ĐVHD, 1.231,45 kg rắn các loại), trong đó có nhiều loại ĐVHD nguy cấp, quý hiếm thuộc nhóm IB, IIB của Nghị định số 32/2006/NĐ-CP và Phụ lục 1 của Nghị định số 160/2013/NĐ-CP. Trung tâm cũng nhân nuôi, sinh sản thành công 79 cá thể ĐVHDcác loại (trong đó có 26 cá thể hổ, 1 cá thể vượn đen má trắng là loài đặc biệt quý hiếm), hiện các cá thể đang sinh trưởn, phát triển tốt; tổ chức tái thả ĐVHDvề môi trường tự nhiên sau cứu hộ 27 lượt, với 2.512 cá thể và 110,5 kg rắn các loại tại các Vườn quốc gia: Cúc Phương (Ninh Bình), Cát Tiên (Đồng Nai), Bái Tử Long (Quảng Ninh)…
TP. Hà Nội cũng bảo tồn và phát triển nhiều giống cây trồng, vật nuôi đặc sản, quý hiếm. Cụ thể, đã lựa chọn được 22 giống cây trồng đặc sản để bảo tồn nguồn gen như: Bưởi Diễn, quýt đường Canh, mơ Hương Tích, hồng xiêm Xuân Đỉnh, húng Láng, rau muống Linh Chiểu, cải bẹ Đông Dư...; lưu giữ gen và phát triển giống vật nuôi gà Mía, vịt cỏ Vân Đình... Đặc biệt, cá thể giải Sin-hoe (rùa Hoàn Kiếm) là loại cực kỳ nguy cấp, quý hiếm đã được Hà Nội triển khai bảo tồn. Đến tháng 1/2016, trên thế giới chỉ còn 4 cá thể, gồm 2 cá thể (1 cá thể đực, 1 cá thể cái) tại Vườn thú Tô Châu - Trung Quốc; 2 cá thể tại Việt Nam (1 cá thể tại hồ Đồng Mô - Chương trình Bảo tồn rùa châu Á (ATP) xác nhận năm 2007 và 1 cá thể tại hồ Hoàn Kiếm). Tháng 5/2017, ATP đã chụp ảnh được 1 cá thể rùa mai mềm cỡ lớn tại hồ Xuân Khanh và phân tích, xác nhận đó là rùa giải Sin-hoe. Để bảo tồn các cá thể rùa quý hiếm này, TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 200/KH-UBND về bảo tồn cá thể giải Sin-hoe tại các hồ Đồng Mô, Xuân Khanh, TP. Hà Nội giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030.
Cá thể rùa Hoàn Kiếm được phát hiện tại hồ Xuân Khanh (trái) và một loài rùa khác tại hồ Đồng Mô (phải)
Bên cạnh đó, Hà Nội tăng cường kiểm soát và diệt trừ các loài ngoại lai xâm hại nghiêm trọng. Qua rà soát, có khoảng 25 loài sinh vật ngoại lai, trong đó có 18 loài xâm hại và 7 loài có nguy cơ xâm hại được thành phố triển khai các giải pháp loại trừ như: Ốc bươu vàng, rùa tai đỏ, cây mai dương...
Tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH
Mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo tồn ĐDSH trên địa bàn Thành phố vẫn còn diễn ra như: Hoạt động khai thác thủy sản bằng các thiết bị mang tính hủy diệt, mua bán ĐVHD trái phép còn tiếp diễn, làm giảm nguồn tài nguyên về ĐDSH trên địa bàn TP; việc buôn bán, nuôi trồng các loài sinh vật ngoại lai chưa được kiểm soát chặt chẽ... Nguyên nhân là do ý thức chấp hành pháp luật về bảo tồn ĐDSH của người dân chưa cao, nhất là tại khu vực vùng núi, nông thôn và vùng đệm các khu bảo tồn; hệ thống văn bản pháp luật về ĐDSH còn thiếu, nhiều bất cập, chồng chéo, gây khó khăn cho công tác quản lý tại địa phương, cũng như công tác thanh, kiểm tra xử lý vi phạm hành chính.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả Luật ĐDSH, trong thời gian tới, TP. Hà Nội kiến nghị Bộ TN&MT sớm đề xuất Chính phủ, Quốc hội điều chỉnh Luật ĐDSH năm 2008 đồng bộ với Luật Thủy sản năm 2017, Luật Phát triển rừng năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, nhằm thống nhất đầu mối quản lý đối với loài nguy cấp, quý, hiếm; trình, ban hành các văn bản hướng dẫn về quy hoạch chi tiết, lập dự án thành lập Khu bảo tồn cấp tỉnh; hướng dẫn kỹ thuật điều tra ĐDSH và xây dựng báo cáo ĐDSH; hướng dẫn tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định loài động, thực vật hoang dã thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; quy định về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng ĐNN. Mặt khác, ban hành các văn bản thống nhất cấp quản lý đối với sinh vật ngoại lai và quy định cụ thể đối với việc khảo nghiệm, cấp phép nuôi trồng, phát triển loài ngoại lai thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh; hướng dẫn trình tự, thủ tục đưa loài được ưu tiên bảo vệ vào cơ sở bảo tồn ĐDSH và thả ra nơi sinh sống tự nhiên của chúng; quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định loài động, thực vật hoang dã thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ thuộc thẩm quyền chấp thuận của UBND cấp tỉnh…
Đồng thời, TP. Hà Nội sẽ tiếp tục bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, loài hoang dã và các giống vật nuôi, cây trồng nguy cấp, quý, hiếm; sử dụng bền vững và thực hiện cơ chế chia sẻ hợp lý lợi ích từ dịch vụ hệ sinh thái và ĐDSH; kiểm soát các hoạt động gây tác động xấu đến ĐDSH.
Lê Thương
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 5/2019)