04/07/2017
Thời gian qua, tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề đã đến mức báo động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe của người dân. Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, trước hết cần phải đánh giá thực trạng môi trường làng nghề, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp. Tuy nhiên, cho đến nay, các số liệu thống kê về làng nghề, mức độ ô nhiễm của các làng nghề chưa đầy đủ và toàn diện; đồng thời, việc điều tra, khảo sát, giám sát chất lượng môi trường làng nghề tại các địa phương và cơ quan Trung ương còn rời rạc, manh mún. Vì vậy, việc xây dựng Kế hoạch giám sát chất lượng môi trường làng nghề là yêu cầu cấp bách hiện nay, nhằm xác định các làng nghề đang bị ô nhiễm, hoặc ô nhiễm nghiêm trọng trên phạm vi cả nước.
Xuất phát từ yêu cầu quản lý môi trường tại các làng nghề, Cục Kiểm soát ô nhiễm (Tổng cục Môi trường) được giao làm cơ quan đầu mối xây dựng Kế hoạch giám sát chất lượng môi trường làng nghề (Kế hoạch). Kế hoạch được xây dựng với mục tiêu theo dõi diễn biến chất lượng môi trường tại các làng nghề được xác định là ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ô nhiễm môi trường. Đồng thời, cập nhật, điều chỉnh danh sách các làng nghề ô nhiễm trên phạm vi toàn quốc, đánh giá hiệu quả của các giải pháp BVMT làng nghề đã và đang được thực hiện tại các địa phương, cũng như mức độ tuân thủ quy định về BVMT của các cơ sở, hộ sản xuất trong làng nghề. Trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý địa phương sẽ nắm bắt được thực trạng hoạt động sản xuất tại làng nghề, kịp thời phát hiện ô nhiễm và nhanh chóng có phương án kiểm soát, xử lý phù hợp.
Để xây dựng Kế hoạch, Cục đã triển khai thực hiện một số nội dung: Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về cách thức quản lý các đối tượng sản xuất quy mô nhỏ, mang tính truyền thống, tập trung tại khu vực nông thôn và rút ra bài học cho Việt Nam; Nghiên cứu kinh nghiệm xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong thời gian qua để có biện pháp xử lý phù hợp với đặc trưng của làng nghề; Xây dựng Kế hoạch giám sát theo đặc trưng của làng nghề. Trên cơ sở danh mục hơn 5.000 làng nghề và làng có nghề trên toàn quốc được tổng hợp từ các báo cáo của địa phương, Cục Kiểm soát ô nhiễm đã xác định được danh mục 160 làng nghề có nguy cơ ô nhiễm môi trường và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần theo dõi, giám sát chặt chẽ (trong đó có 91 làng nghề thuộc danh sách “nâu” - làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và 69 làng nghề thuộc danh sách “vàng” - làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường). Đối với 91 làng nghề thuộc danh sách “nâu” được phân loại theo loại hình và vùng miền.
Với những mục tiêu trên, nội dung của Kế hoạch đã xác định rõ đối tượng, phạm vi thực hiện; nội dung giám sát (bao gồm giám sát việc tuân thủ các quy định về BVMT đối với làng nghề, các cơ sở sản xuất trong làng nghề và đánh giá cảm quan, giám sát định tính, định lượng); tần suất thực hiện; cơ chế lưu trữ thông tin, báo cáo và đặc biệt là phân công cụ thể đối với các cơ quan quản lý, thực hiện. Căn cứ vào dự thảo Kế hoạch, Cục Kiểm soát ô nhiễm đã xây dựng 8 dự thảo Hướng dẫn kỹ thuật thực hiện Kế hoạch giám sát chất lượng môi trường đối với 8 loại hình làng nghề, trong đó làm rõ hơn đối với từng loại hình, các thành phần môi trường, thông số gây ô nhiễm; tần suất, thời điểm, vị trí giám sát và phân công thực hiện giám sát đối với các đối tượng liên quan. Các Hướng dẫn kỹ thuật được xây dựng nhằm giúp cán bộ quản lý tại địa phương (cấp xã, cấp huyện và Sở TN&MT/Chi cục BVMT) có thể triển khai lập kế hoạch, xác định các nhiệm vụ cần thực hiện. Hướng dẫn cũng là tài liệu tham khảo cho các cơ quan quản lý cấp tỉnh liên quan, cơ quan quản lý môi trường, tư vấn và tổ chức chính trị xã hội.
Làng nghề dệt lụa Nha Xá (Duy Tiên, Hà Nam) gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng |
Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện giám sát chất lượng môi trường làng nghề vẫn còn tồn tại một số khó khăn. Số liệu quan trắc phát thải tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong làng nghề, cũng như số liệu quan trắc chất lượng môi trường làng nghề còn thiếu và không được cập nhật thường xuyên. Do đó, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác quản lý môi trường làng nghề và không đánh giá được cụ thể hiện trạng, mức độ ô nhiễm và việc thực hiện giải pháp quản lý, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường các làng nghề của cơ quan quản lý.
Trong thời gian tới, thông tin về tình hình hoạt động, việc thực hiện các quy định về BVMT tại các làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần tiếp tục theo dõi, cập nhật. Đồng thời, Kế hoạch giám sát môi trường làng nghề và dự thảo 8 Hướng dẫn kỹ thuật sớm được trình cấp có thẩm quyền ban hành để xác định các đối tượng, hoạt động cần ưu tiên và trách nhiệm của các cơ quan liên quan, từ đó đề xuất, bố trí kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ theo phân công.
Phạm Trọng Duy
Cục Kiểm soát ô nhiễm - Tổng cục Môi trường
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2017