Banner trang chủ

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường

02/10/2017

   Nhằm triển khai Luật BVMT năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 về quy hoạch BVMT, đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC), đánh giá tác động môi trường (ĐTM); Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT năm 2014; Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 quy định về quản lý chất thải (QLCT) và phế liệu; Nghị định số 03/2015/NĐ-CP ngày 6/1/2015 quy định về xác định thiệt hại đối với môi trường; Nghị định số 127/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2015 quy định điều kiện của tổ chức hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường (QTMT). Đây là các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực BVMT.

Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài phát biểu tại Hội thảo góp ý Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật BVMT năm 2014, tại TP. Hồ Chí Minh, ngày 8/9/2017

   Trong chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2017, Bộ TN&MT được giao xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật BVMT năm 2014 (Dự thảo).

   1. Sự cần thiết ban hành Nghị định

   Thời gian qua, công tác BVMT đã được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm chỉ đạo và là một trong ba trụ cột để phát triển bền vững. Theo đó, công tác quản lý nhà nước về BVMT từ Trung ương đến địa phương đã có sự chuyển biến tích cực và đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng. Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường (ÔNMT) vẫn tiếp tục gia tăng, nhiều sự cố gây ÔNMT nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân. Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhận thức, ý thức trách nhiệm của các ngành, các cấp, doanh nghiệp và người dân còn hạn chế. Nhiều địa phương còn chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt, xem nhẹ công tác BVMT; chưa phát huy hiệu quả, vai trò, trách nhiệm và sự tham gia của các tổ chức xã hội, cộng đồng, người dân trong công tác BVMT. Hệ thống pháp luật, quy chuẩn còn nhiều bất cập, thiếu khả thi.

   Qua rà soát sự phù hợp của các quy định và thực tiễn triển khai, phần lớn nội dung các quy định chi tiết đã được ban hành tương đối đầy đủ. Tuy nhiên do phạm vi khá rộng nên một số nội dung quy định chi tiết thi hành chưa có tính khả thi; còn mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản, trong khi đó vẫn còn có những khoảng trống quy định điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong hoạt động sử dụng bền vững tài nguyên và BVMT.

   Đối với quy định về ĐTM, kế hoạch BVMT và đề án BVMT

   - Về ĐTM sơ bộ: Còn chồng chéo giữa Luật BVMT năm 2014 (Điểm a, Khoản 2, Điều 25) và Luật Đầu tư (Điều 33, 34) gây vướng mắc cho địa phương trong việc xây dựng trình tự, thủ tục đầu tư dự án.

   - Về đối tượng thực hiện báo cáo ĐTM: Các loại hình dự án, quy mô để quy định đối tượng thực hiện ĐTM chưa phù hợp với tình hình triển khai thực tế, vì vậy cần rà soát lại đối tượng phải xác nhận hoàn thành công trình BVMT trước khi đi vào hoạt động.

   - Về thời gian thực hiện chỉnh sửa, bổ sung báo cáo ĐTM: Chưa quy định thời hạn nộp lại báo cáo ĐTM chỉnh sửa khi được Hội đồng thẩm định thông qua với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung.

   - Về thực hiện các điều chỉnh so với ĐTM được phê duyệt: Cần phải quy định rõ những trường hợp nào cần xin phép thay đổi và trình tự, thủ tục xác nhận sự thay đổi đó.

   - Về vận hành thử nghiệm các công trình BVMT: Chưa có quy định cụ thể trường hợp nào được chấp thuận, thủ tục chấp thuận của cơ quan phê duyệt ĐTM đối với trường hợp kéo dài thời gian vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải.

   - Về đề án BVMT/phương án BVMT: Với quy định thời hạn hiện hành sẽ không giải quyết dứt điểm được việc các đối tượng không thực hiện thủ tục về ĐTM hay kế hoạch BVMT. Do vậy, cần có biện pháp khắc phục hậu quả cho những hành vi vi phạm pháp luật này. Đồng thời, theo quy định tại Điều 68 Luật BVMT năm 2014, các cơ sở phải lập và thực hiện phương án BVMT nhưng chưa có quy định cụ thể về vị trí, vai trò, nội dung của phương án BVMT.

   Đối với quy định về QLCT

   - Về quản lý chất thải rắn (CTR) thông thường: Việc xác nhận bảo đảm yêu cầu BVMT đối với cơ sở xử lý CTR sinh hoạt, cơ sở xử lý CTR công nghiệp thông thường chưa được quy định chi tiết; Chưa có quy định về địa điểm của cơ sở xử lý CTR công nghiệp thông thường và hoạt động đồng xử lý, cải tạo, nâng cấp việc xử lý CTR công nghiệp thông thường; trách nhiệm của chủ cơ sở sản xuất sử dụng trực tiếp CTR công nghiệp thông thường làm nguyên liệu sản xuất; quy trình nghiên cứu, phát triển công nghệ xử lý CTR công nghiệp thông thường trong môi trường thí nghiệm; tiêu chí, nội dung thẩm định, đánh giá công nghệ xử lý chất thải...; Chưa có quy định về quản lý phế liệu trong nước.

   - Về quản lý nước thải: Chưa tính đến yếu tố đặc thù của hoạt động nuôi trồng thủy sản với tính chất hoạt động có lượng nước luân chuyển và lưu thông lớn; chưa có những quy định kỹ thuật về ngưỡng giới hạn điều kiện tiếp nhận nước thải từ các cơ sở thứ cấp trong khu công nghiệp để xử lý tại hệ thống xử lý nước thải tập trung của chủ đầu tư cơ sở hạ tầng.

   - Về quản lý khí thải: Chưa có quy định trình tự, thủ tục đăng ký, kiểm kê khí thải công nghiệp, cấp Giấy phép xả khí thải công nghiệp.

   - Về nhập khẩu phế liệu: Quy định tại Khoản 1 Điều 59 của Nghị định số 38/2015/NĐ-CP chưa phù hợp vì thực tế có trường hợp đã làm xong thủ tục nhập khẩu nhưng chưa đủ thời gian ký quỹ nên không được thông quan.

   Về yêu cầu hồ sơ năng lực của tổ chức đề nghị chứng nhận đủ điều kiện hoạt động QTMT: Yêu cầu tại Biểu mẫu số 2 của Nghị định số 127/2014/NĐ-CP không phù hợp với Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 20/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực đối với giấy tờ, văn bản; giảm chi phí cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện thủ tục hành chính.

   Đối với các quy định về cải tạo, phục hồi môi trường: Cần bổ sung làm rõ các quy định về cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản; Chưa có quy định về cải tạo phục hồi môi trường đối với dự án chế biến khoáng sản, cải tạo, phục hồi môi trường đối với cơ sở sản xuất công nghiệp sau khi đóng cửa hoặc giải thể...

   Về xử lý cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng: Chưa có quy định cụ thể về hướng dẫn việc kiểm tra, đánh giá kết quả và xác nhận hoàn thành các biện pháp xử lý triệt để ÔNMT tại các cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng.

   2. Quan điểm và kết cấu nội dung Dự thảo

   Dự thảo được xây dựng nhằm khắc phục những bất cập hiện nay, nhất là quy định về các công cụ, biện pháp quản lý nhà nước, biện pháp kỹ thuật kiểm soát, giám sát hoạt động xả thải của doanh nghiệp. Dự thảo được xây dựng trên quan điểm: Thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách BVMT; Coi phòng ngừa ô nhiễm và suy thoái môi trường là nhiệm vụ chính; bảo đảm tính hệ thống, toàn diện, khoa học và thực thi của các quy định pháp luật về BVMT; Tăng cường trách nhiệm chủ động của các cơ quan nhà nước trong BVMT; Minh bạch hóa, dân chủ hóa hoạt động quản lý nhà nước về môi trường nhằm đề cao trách nhiệm của cộng đồng về BVMT; Đẩy mạnh xã hội hóa và thu hút các nguồn lực trong xã hội tham gia hoạt động BVMT; Chú trọng các biện pháp thúc đẩy thực thi pháp luật về môi trường.

   Theo đó, Dự thảo Nghị định gồm có 5 Chương, 103 Điều và 3 Phụ lục với nội dung chủ yếu:

   Chương 1. Quy định về ĐMC, ĐTM, kế hoạch BVMT (từ Điều 1 đến Điều 14): Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ về quy hoạch BVMT, ĐMC, ĐTM, trong đó quy định điều kiện tổ chức thực hiện ĐMC; Thẩm định báo cáo ĐMC; Đối tượng, thời điểm, hình thức báo cáo, nội dung và thẩm định đánh giá sơ bộ tác động môi trường; Tham vấn khi thực hiện ĐTM; Điều kiện của tổ chức thực hiện ĐTM; Thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM; Lập lại báo cáo ĐTM; Vận hành thử nghiệm các công trình BVMT của dự án; Kiểm tra, xác nhận hoàn thành các công trình BVMT của dự án…

   Chương 2. Cải tạo, phục hồi môi trường, BVMT của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (từ Điều 15 đến Điều 39): Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT năm 2014, trong đó quy định đối tượng không phải lập phương án theo quy định của Luật Khoáng sản; Ký quỹ BVMT đối với khai thác khoáng sản; Quy định chung về quản lý và cải thiện chất lượng môi trường; Yêu cầu BVMT đối với cơ sở phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng; Phương án BVMT; Xử lý cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng; Ưu đãi hỗ trợ hoạt động BVMT; Quản lý và cải thiện chất lượng môi trường…

   Chương 3. Quy định về QLCT và phế liệu (Điều 40 đến Điều 99): Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ quy định về QLCT và phế liệu. Theo đó, quy định về quy hoạch QLCT trong quy hoạch BVMT; đầu tư QLCT nguy hại, CTR sinh hoạt, CTR thông thường; QLCT sinh hoạt; quản lý phế liệu trong nước; CTR công nghiệp thông thường; đánh giá công nghệ xử lý chất thải; cấp phép xả khí thải công nghiệp; quy định về chất thải đặc thù từ khai thác khoáng sản; các quy định về nhập khẩu phế liệu; tiêu hủy xe ưu đãi, miễn trừ…

   Chương 4. Quy định điều kiện của tổ chức hoạt động dịch vụ QTMT (từ Điều 100 đến Điều 102): Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 127/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2015 của Chính phủ quy định điều kiện của tổ chức hoạt động dịch vụ QTMT, trong đó sửa đổi, bổ sung mục IV, phần A Mẫu số 2; Sửa đổi, bổ sung điểm 2 mục I phần B, Mẫu số 2.

   Chương 5. Tổ chức thực hiện: Dự thảo sửa đổi, bổ sung Phụ lục Nghị định số 18/2015/NĐ-CP; Bổ sung Phụ lục Nghị định số 19/2015/NĐ-CP (cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng); Sửa đổi, bổ sung Phụ lục Nghị định số 38/2015/NĐ-CP.

   Hiện nay, Dự thảo đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ TN&MT và Tổng cục Môi trường để lấy ý kiến của các Bộ, ngành, UBND tỉnh/TP, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân. Dự thảo sẽ được Bộ TN&MT trình Chính phủ vào tháng 11/2017.

Nguyễn Thu Hà

Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách pháp chế

Tổng cục Môi trường

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9/2017

Ý kiến của bạn