12/06/2020
Bộ TN&MT được Chính phủ giao chủ trì xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BVMT nhằm sửa đổi toàn diện Luật BVMT năm 2014. Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) đang được Bộ TN&MT lấy ý kiến và hoàn thiện, trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Nhân dịp này, Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam về vấn đề này, trong đó có nhấn mạnh đến nội dung cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học (ĐDSH).
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam
Thưa Giáo sư, như Giáo sư đã biết, Bộ TN&MT đang hoàn thiện Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) để trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, vậy dưới góc độ là một nhà khoa học, xin Giáo sư cho biết ý kiến của mình về việc sửa đổi Luật lần này ?
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh: Luật BVMT (sửa đổi) được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ TN&MT chịu trách nhiệm chính, trong đó có phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức xây dựng. Đây là vấn đề rất quan trọng và cần thiết, mang đầy đủ nội hàm khoa học tự nhiên và xã hội nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và hội nhập quốc tế. Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) lần này thể hiện sự tiếp cận tổng hợp, liên ngành và mang tính toàn diện, lấy con người làm trung tâm.
Qua gần 5 năm triển khai thực hiện, Luật BVMT năm 2014 đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ và được ghi nhận trong nước, quốc tế. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi còn nhiều bất cập, thách thức cần phải chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) đã khắc phục những bất cập, tồn tại trong thời gian qua. Nội dung của Dự thảo Luật đã bám sát, phản ánh đầy đủ đường lối của Đảng, chủ trương, chính sách củaNhà nước và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, tinh thần cầu thị, lắng nghe của Bộ TN&MT đối với sự đóng góp của các Bộ, ngành, địa phương và cộng đồng. Tôi kỳ vọng, Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) sẽ sớm được Quốc hội thông qua, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân về công tác BVMT trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, đặc biệt trong thời kỳ công nghiệp 4.0. Mặt khác, Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) đã nhấn mạnh đến vai trò của cộng đồng trong việc đóng góp, tham gia BVMT, đồng thời có trách nhiệm trong việc thực thi,cũng như giám sát công tác BVMT.
Qua nghiên cứu các nội dung trong Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi), tôi thấy Dự thảo Luật lần này đã thể hiện một cách toàn diện về quyền của con người được sống trong môi trường khỏe mạnh, theo như Hiếp pháp của nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 đã quy định: “Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành”.
Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) lần này có một chương đề cập đến vấn đề bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và ĐDSH. So với Luật BVMT năm 2014, xin Giáo sư cho biết những điểm mới được nêu trong Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) về vấn đề này?
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh: Luật BVMT năm 2014, tại Chương 3 có đề cập đến nội dung BVMT trong khai thác, sử dụng tài nguyên nhiên nhiên, trong đó có 4 điều gồm: BVMT trong điều tra, đánh giá, lập quy hoạch sử dụng tài nguyên thiên nhiên và ĐDSH (Điều 35); Bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng (Điều 36); BVMT trong điều tra cơ bản, thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên (Điều 37); BVMT trong hoạt động thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản (Điều 38). Có thể thấy, cách tiếp cận này nhằm kiểm soát tác động đến các thành phần của tài nguyên thiên nhiên, mà chưa nêu được tính tổng hợp đầy đủ về BVMT và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên.
Với mục đích chung là giải quyết, ngăn chặn nguy cơ mất cân bằng, vượt ngưỡng chịu đựng của các hệ sinh thái (HST), suy giảm giá trị của cảnh quan thiên nhiên, và mục đích cụ thể là lấp khoảng trống trong quy định của pháp luật hiện hành về quản lý các tác động tiêu cực của quá trình phát triển KT-XH đến các cảnh quan thiên nhiên và ĐDSH, Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) đã bổ sung các quy định mới về bảo vệ cảnh quan thiên nhiên quan trọng, bồi hoàn ĐDSH, chi trả dịch vụ HST để bảo vệ tài nguyên, thiên nhiên và ĐDSH. Cụ thể: Bổ sung quy định về cảnh quan thiên nhiên quan trọng, theo đó Dự thảo Luật quy định cảnh quan thiên nhiên quan trọng là các cảnh quan thiên nhiêncó mức độ nhạy cảm, yêu cầu về bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH, được chia thành 3 nhóm để quản lý theo các mức độ phù hợp. Các cảnh quan thiên nhiên quan trọng này phải được đánh giá, xếp hạng và xác định ranh giới trên thực địa, có kế hoạch, phương án duy trì và bảo vệ; quy định về nội dung đánh giá tác động ĐDSH trong đánh giá tác động môi trường đối với các cảnh quan thiên nhiên quan trọng. Bổ sung quy định về điều tra, kiểm kê ĐDSH nhằm xác định, nắm rõ thông tin về các thành phần HST, loài, gen, giá trị của các dịch vụ HST và ĐDSH;các tác nhân và hoạt động gây suy giảm ĐDSH để có giải pháp bảo tồn và sử dụng bền vững các thành phần ĐDSH. Sửa đổi, bổ sung làm rõ quy định về quan trắc ĐDSH nhằm phục vụ việc bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH.
Trên thực tế hiện nay, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, suy giảm các HST (rừng, đất ngập nước, biển) và dịch bệnh, đặc biệt dịch Covid -19 đang diễn ra ngày càng phức tạp, gây nên những tác động nghiêm trọng tới sự phát triển của nền kinh tế và sức khỏe của cộng đồng. Vì vậy, việc BVMT và cảnh quan thiên nhiên đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững. Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) lần này đã đưa nội dung bảo vệ cảnh quan thiên nhiên là một quan điểm mới mang tính tổng hợp, phục vụ định hướng sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và BVMT. Theo tôi, cảnh quan thiên nhiên được bảo vệ thì sẽ mang lại mối quan hệ hài hòa giữa thiên nhiên và con người, giữa con người với sinh giới. Do đó, việc quy hoạch các cảnh quan thiên nhiên một cách khoa học và hợp lý sẽ là sức mạnh tổng hợp trong bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn ĐDSH nói riêng và BVMT nói chung. Đó chính là tạo lập được một không gian chứa đựng các ổ sinh thái tự nhiên và cung cấp các tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững cho sinh vật (có nghĩa là tạo lập được nơi sống cho các loài thực vật, động vật, nấm và vi sinh vật) và con người. Chính vì vậy mà khi quy hoạch các cảnh quan thiên cần đảm bảo các chức năng tự nhiên sẵn có của nó như chức năng điều hòa khí hậu; điều hòa môi trường nước, cung cấp nước; bảo vệ và hình thành đất; điều tiết các chất dinh dưỡng, xử lý các chất thải, thụ phấn...
Thưa Giáo sư, trong Dự thảo Luật có nêu việc đánh giá tác động cảnh quan thiên là một nội dung trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với công tác bảo tồn ĐDSH và sự phát triển KT-XH của đất nước?
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh: Đây là một nội dung hoàn toàn mới được đề cập trong Dự thảo Luật lần này. Tôi rất đồng tình và đánh giá cao nội dung này nhằm ngăn chặn nguy cơ mất cân bằng, vượt ngưỡng chịu đựng của các HST, suy giảm giá trị của cảnh quan thiên nhiên và lấp khoảng trống trong quy định của pháp luật hiện hành để quản lý các tác động tiêu cực của quá trình phát triển KT-XH đến các cảnh quan thiên nhiên và ĐDSH. Đồng thời cũng thể hiện được dự báo, xu thế diễn biến của các nguồn tài nguyên thiên nhiên như đất, nước, thực vật, động vật… để có các giải pháp ngăn ngừa, góp phần vào BVMT trên từng vùng lãnh thổ ở Việt Nam. Đây cũng là quy định bắt buộc được đề cập trong Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) lần này. Tôi hoàn toàn tin tưởng và kỳ vọng khi quy hoạch các dự án phát triển KT-XH có ảnh hưởng tới tài nguyên thiên nhiên, đến HST và sinh kế của cộng đồng thì cần phải nghiêm túc thực hiện những quy định đã nêu trong Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi).
Xin Giáo sư cho biết, một số giải pháp cần phải triển khai thực hiện sau khi Dự thảo Luật được thông qua và đi vào cuộc sống nhằm bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và ĐDSH?
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh: Tôi rất kỳ vọng và có niềm tin vào sự thẩm định, thông qua của Quốc hội kỳ này để Luật sớm đi vào cuộc sống, góp phần BVMT phục vụcho việc phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Sau khi Luật được thông qua thì phải tổ chức giới thiệu rộng rãi các điều khoản trong Luật nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về nghĩa vụ và quyền lợi trong bảo vệ cảnh quan thiên nhiên nói riêng và môi trường nói chung.
Các cơ quan quản lý nhà nước (Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học - Tổng cục Môi trường, Cục Kiểm Lâm - Tổng cục Lâm nghiệp) cùng các Ban ngành và địa phương cần phối hợp chặt chẽ trong công tác điều tra xây dựng cơ sở dữ liệu, quan trắc ĐDSH, quản lý và giám sát việc thực thi pháp luật liên quan đến cảnh quan thiên nhiên và ĐDSH.
Cần thực thi nghiêm các điều khoản trong Luật BVMT, có biện pháp xử lý các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và khuyến khích các mô hình tốt về BVMT trong cộng đồng để nhân rộng, tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội.
Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư và nâng cao năng lực đối với cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương trong công tác bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, ĐDSH nói riêng và BVMT nói chung.
Các cơ quan nghiên cứu khoa học, các trường đại học quan tâm nghiên cứu phát hiện và đánh giá hiện trạng các nguồn tài nguyên thiên nhiên hiện hữu trong cảnh quan tự nhiên làm cơ sở cho việc đề ra các chính sách sử dụng, khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên.
Phát huy tiềm năng và sức mạnh tổng hợp của cộng đồng dân cư, các doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp vừa và nhỏ) trong phạm vi toàn quốc nâng cao trách nhiệm trong bảo vệ khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên bền vững.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguyễn Hằng (Thực hiện)
(Nguồng: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 5/2020)