09/09/2020
Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) (Dự thảo Luật) đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến. Một trong những nội dung của Dự thảo được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và cử tri rất quan tâm, đó là các quy định về quản lý chất thải rắn (CTR). hằm góp ý cho Dự thảo Luật, trong đó có các quy định liên quan đến CTR, để hoàn thiện Dự thảo Luật theo hướng đồng bộ và khả thi, Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với ông Bùi Thanh Tùng - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH, CN&MT) của Quốc hội về vấn đề này.
Ông Bùi Thanh Tùng - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH, CN&MT) của Quốc hội
PV: Đại biểu đánh giá thế nào về các quy định mới trong Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) liên quan đến vấn đề quản lý CTR?
Ông Bùi Thanh Tùng: Dự thảo Luật lần này có nhiều quy định mới về quản lý CTR. Cụ thể, đối với yêu cầu trong quản lý CTR (tại Điều 76, thay thế Điều 85, Luật BVMT năm 2014), Dự thảo Luật có bổ sung một số quy định, trong đó đáng chú ý là nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” (Khoản 1)...; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có phát sinh chất thải (Khoản 2). Đồng thời, Dự thảo Luật cũng đưa ra cách tiếp cận mới trong quản lý chất thải công nghiệp; trách nhiệm tái sử dụng, tái chế, xử lý và thu hồi năng lượng từ chất thải; sử dụng chất thải trực tiếp làm nguyên nhiên liệu, vật liệu cho hoạt động sản xuất; đồng xử lý chất thải; các chính sách của Nhà nước đối với lĩnh vực này.
Điều 77 (thay thế Điều 86, Luật BVMT năm 2014) bổ sung quy định về chất thải nhựa (CTN), phòng chống ô nhiễm CTN đại dương; quy định cụ thể đối với trách nhiệm phân loại, thải bỏ CTN sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy; chính sách khuyến khích của Nhà nước trong tái chế, tái sử dụng CTN; trách nhiệm của cơ sở sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm nhựa, hoặc sản phẩm có bao bì nhựa.
Đối với CTR bao gồm CTR nguy hại, CTR công nghiệp thông thường và CTR sinh hoạt (CTRSH), Dự thảo Luật đưa ra những quy định mới trên nguyên tắc: Kế thừa các quy định tại một số văn bản dưới Luật (đã được áp dụng) ổn định để tăng tính pháp lý; quy định chặt chẽ và đầy đủ hơn về phạm vi đối tượng, quy trình quản lý, cũng như trách nhiệm của các chủ thể liên quan. Đặc biệt, có 2 điểm rất quan trọng trong Dự thảo Luật về quản lý CTR (Điều 86, 88) là bổ sung quy định “chất thải nguy hại (CTNH) từ hộ gia đình, cá nhân được quản lý như chất thải tái chế” nhằm khuyến khích hoạt động phân loại CTNH tại hộ gia đình và quy định cụ thể các nhóm CTRSH phải được phân loại tại nguồn để nâng cao hiệu quả quản lý, đi kèm với việc thay đổi cơ chế thu phí xử lý CTRSH theo hộ gia đình sang theo khối lượng, góp phần tăng cường phân loại và giảm thiểu CTRSH tại nguồn.
Tôi đánh giá cao và đồng tình với những quy định mới trong Dự thảo Luật liên quan đến CTR, trước hết là do các quy định này đáp ứng nhu cầu thực tiễn, phù hợp với xu thế phát triển bền vững và kinh nghiệm quốc tế, đồng thời tạo hành lang pháp lý hiệu quả, giúp giải quyết những tồn tại, bất cập, thách thức trong công tác BVMT hiện nay. Ngoài ra, việc đưa các quy định mới vào Dự thảo Luật sẽ góp phần thay đổi tư duy, nhận thức, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng đối với công tác quản lý CTR nói riêng, BVMT nói chung, tạo điều kiện phát huy nguồn lực cho giảm thiểu phát thải, kiểm soát ô nhiễm, BVMT và phát triển bền vững.
PV: Dự thảo Luật lần này đã chỉnh lý quy định về phân loại CTRSH, quan điểm của Đại biểu về vấn đề này như thế nào? Theo Đại biểu, cần có cơ chế gì để người dân thực hiện thu gom, phân loại rác tại nguồn?
Ông Bùi Thanh Tùng: Rõ ràng, hiện nay, tại Việt Nam, hầu hết CTRSH chưa được phân loại mà thu gom chung, vận chuyển đến các bãi chôn lấp, khu xử lý. Vì thế, nhiều CTNH trộn lẫn trong CTRSH, khi chôn lấp, hoặc xử lý có thể tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe con người. Chưa kể, do chưa được phân loại tại nguồn, nên khối lượng chất thải (vô cơ, hữu cơ, chất thải có thể, hoặc không thể tái chế, tái sử dụng) rất lớn, gây áp lực cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý, nhất là tại các bãi chôn lấp. Mặt khác, đối với CTRSH chưa được phân loại, cũng khó áp dụng hiệu quả các công nghệ xử lý hiện đại, bởi chi phí và giá thành cao. Việc phân loại CTRSH như trong Dự thảo Luật quy định (gồm 3 loại cơ bản: CTR có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; CTRSH khác) là rất cần thiết để từng bước giải quyết những bất cập hiện nay trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH, đặc biệt là ở các đô thị lớn, mật độ dân số đông. Việc phân loại chất thải từ nguồn phát sinh (hộ gia đình) sẽ giúp tăng cường tái chế, tái sử dụng một cách an toàn đối với các loại CTRSH, giảm thiểu chi phí cho quá trình xử lý chất thải, nâng cao hiệu quả quản lý môi trường. Đồng thời, việc phân cấp cho UBND cấp tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể CTRSH tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội (KT - XH) của từng địa phương là phù hợp.
Về các cơ chế thúc đẩy việc thu gom, phân loại rác tại nguồn, cần có cả chính sách khuyến khích và chế tài bắt buộc, tùy địa bàn, hoàn cảnh KT - XH ở mỗi địa phương, theo một lộ trình hợp lý. Nhà nước cũng cần có cơ chế và quy định cụ thể để các doanh nghiệp dịch vụ môi trường có thể đầu tư đồng bộ về kinh phí, nhân lực, trang thiết bị cần thiết cho việc thu gom, vận chuyển các loại chất thải đã được phân loại tại nguồn (bao bì, thiết bị chứa chất thải sau phân loại, thiết bị vận chuyển), tránh tình trạng chất thải đã được phân loại lại được gom chung vào một xe, đem đi xử lý như một số địa phương khi thực hiện thí điểm phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn trong thời gian qua.
PV: Đối với quy định về cách tính kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân dựa trên khối lượng chất thải đã được phân loại của từng hộ gia đình, cá nhân, Đại biểu có ý kiến gì về nội dung này?
Ông Bùi Thanh Tùng: Thực tế, việc tính kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân dựa trên khối lượng chất thải đã phân loại được triển khai từ khá lâu tại các nước phát triển, đây cũng là cách tính công bằng theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Tôi tán thành với cách tiếp cận và đề xuất trong Dự thảo Luật. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ việc thay đổi nhận thức, thói quen của người dân; quy trình hướng dẫn, công cụ hỗ trợ thu gom, phân loại; giám sát và tính khối lượng CTRSH đã phân loại theo từng chủng loại; định mức giá cụ thể cho từng nhóm CTRSH; phương thức thực hiện và trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác thu gom sau phân loại, vận chuyển đến nơi xử lý một cách đồng bộ, thuận tiện cho người dân…
Tại các đô thị, việc thu gom CTR từ hộ gia đình diễn ra hàng ngày, nên công đoạn tính khối lượng từng loại CTR đòi hỏi phải có quy trình khoa học. Việc thu kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải của các hộ gia đình, cá nhân thông qua giá bán bao bì, thiết bị chứa chất thải là cách tiếp cận mới, nên có thể gây lúng túng cho địa phương trong việc lựa chọn doanh nghiệp sản xuất, quyết định giá thành đối với các sản phẩm trên; phạm vi, quy mô và lộ trình áp dụng việc thu phí theo phương thức này. Đồng thời, cũng nên nghiên cứu phương án người dân có thể bán các loại CTRSH (có thể tái chế, tái sử dụng) đã được phân loại cho đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý với mức giá quy định thay vì được thu gom miễn phí. Bên cạnh đó, cũng cần phải tính đúng, tính đủ giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTR đô thị và bố trí đủ phần hỗ trợ của ngân sách địa phương cho các đơn vị làm dịch vụ này thì mới đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả của việc phân loại CTRSH tại nguồn.
Việc phân loại CTRSH từ hộ gia đình giúp tăng cường tái chế, tái sử dụng một cách an toàn đối với các loại CTRSH
PV: Đại biểu có đề xuất gì để góp phần hoàn thiện Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi), nhằm đảm bảo tính khả thi, phù hợp với thực tiễn?
Ông Bùi Thanh Tùng: Dự thảo Luật lần này có cách tiếp cận khá tổng thể, đồng bộ và tiên tiến. Nhiều nội dung, quy định mới được Ban soạn thảo đưa vào Luật và nếu thực hiện được, sẽ tạo chuyển biến cho công tác BVMT của đất nước trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, với điều kiện KT - XH, nhận thức của người dân, doanh nghiệp, các cấp chính quyền về tầm quan trọng của công tác BVMT, cũng như nguồn lực hiện nay, thì một số nội dung mới đưa vào Luật cần xác định lộ trình cụ thể và những chính sách hỗ trợ phù hợp của Nhà nước. Đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát tính đồng bộ của Dự thảo Luật với hệ thống pháp luật hiện hành, đồng thời sớm xây dựng các văn bản hướng dẫn ngay sau khi Luật có hiệu lực để đảm bảo việc thực thi Luật được hiệu quả.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Đại biểu!
Trần Hương (Thực hiện)