10/09/2020
Hiện nay, Bộ TN&MT đang trong quá trình hoàn thiện Dự án Luật BVMT (sửa đổi). Một trong những nội dung mới được đưa vào Dự thảo Luật, tại Điều 111 là áp dụng công nghệ tốt nhất hiện có (BAT). Đây là cách tiếp cận mới trong chính sách phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm dựa trên công nghệ. Đây cũng lần đầu tiên đưa BAT vào Luật BVMT, nên nhiều ý kiến được đặt ra trong quá trình thảo luận về khái niệm/nội hàm BAT, lựa chọn tiếp cận BAT, lộ trình và các bước triển khai, khó khăn và thách thức trong thực hiện. Nghiên cứu chuyên đề về BAT được Bộ TN&MT và Quỹ Hanns Seidel Foundation (HSF) tại Việt Nam thực hiện. Hy vọng rằng, những chia sẻ này sẽ góp phần giải đáp một phần các câu hỏi đặt ra, cung cấp thông tin cho quá trình ra quyết định.
Theo Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi), BAT được định nghĩa như sau: “Kỹ thuật tốt nhất hiện có là các kỹ thuật và phương thức quản lý hiệu quả, tiên tiến, phù hợp với thực tế nhằm ngăn ngừa, kiểm soát ô nhiễm trong từng giai đoạn của quá trình sản xuất, giảm thiểu tác động đến môi trường.” Tuy nhiên, một số ngành sản xuất trong nước đã biết đến BAT từ khá sớm và sử dụng BAT từ những năm 90 của thế kỷ trước. Ngành dệt may và da giày là hai ngành hội nhập sớm và sâu nhất, cũng là 2 ngành tiếp cận BAT đầu tiên. BAT hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường và đáp ứng các yêu cầu khắt khe của khách hàng. Rất nhiều doanh nghiệp khác, qua điều tra gần đây, đang áp dụng các kỹ thuật tốt nhất của ngành nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên và giảm phát thải nhưng không gọi BAT. Theo các chuyên gia Việt Nam, BAT thực chất là “các giải pháp kỹ thuật/công nghệ hiệu quả giúp giải quyết các vấn đề của sản xuất, trong đó có những vấn đề về môi trường. BAT đang sử dụng ở Việt Nam phần lớn đến từ nước ngoài, hoặc tham khảo nguồn tài liệu nước ngoài, không có xuất xứ Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam chưa có danh mục BAT riêng.
BAT giúp phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường
Chức năng của BAT
BAT với tính chất là công nghệ mang một số chức năng chính như thiết lập các giá trị phát thải và điều kiện cấp phép, công cụ phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm và chức năng thị trường. Vì vậy, BAT trở thành công cụ chính sách quan trọng tại các nước.
Công cụ chính sách trong việc thiết lập các giá trị giới hạn phát thải và điều kiện cấp phép
Trên thực tế, BAT thường xuất phát từ các doanh nghiệp lớn, nghiên cứu và thử nghiệm nhằm giải quyết các vấn đề sản xuất. Khi thành công, BAT trở thành “hình mẫu” để học hỏi, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, không có điều kiện thử nghiệm. BAT phản ánh các năng lực công nghệ tại một thời điểm với các thông số kỹ thuật vượt trội được các nhà quản lý lấy làm giá trị giới hạn phát thải (ELVs). ELV được định nghĩa là giá trị cao nhất được phép xả thải vào môi trường nước, đất và không khí đối với với một số chất ô nhiễm, tương ứng ngành sản xuất, bị ràng buộc pháp lý hoặc quy định đối với các triển khai công nghiệp. ELV được tạo ra bởi BAT, BAT có chức năng tạo ra các quy định chính sách. Trong khi ELVs mang tính ràng buộc pháp lý ở tất cả các nước, BAT chỉ là tham khảo. Các nhà công nghệ có thể tự do lựa chọn các tiếp cận công nghệ/giải pháp kỹ thuật khác nhau miễn sao đạt được ELVs. BAT trong trường hợp đó giống như hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ các nhà vận hành trong thiết kế, vận hành, duy trì và thải bỏ các cơ sở nhằm tuân thủ ELVs.
Công nghệ BAT trong giải quyết phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm
BAT là cách tiếp cận dựa trên công nghệ trong phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm công nghiệp. BAT mang chức năng công nghệ trong việc giải quyết các vấn đề phòng ngừa. Đó là các kỹ thuật được áp dụng trước quá trình tái chế, xử lý và chôn lấp, hay trước công đoạn xử lý đầu cuối. Sản xuất được chia làm 3 công đoạn chính: Quá trình đầu vào, chế biến và xử lý đầu cuối. BAT tác động chính đến 2 quá trình đầu tiên của sản xuất, mang tính phòng ngừa hay giảm thiểu phát thải trước khi xử lý. Các kỹ thuật chính bao gồm: các thiết bị hay chuyển đổi công nghệ, quy trình hay chuyển đổi quy trình, thay đổi công thức hay thiết kế sản phẩm, thay đổi nguyên liệu đầu vào, cải thiện quản trị doanh nghiệp, bảo dưỡng, huấn luyện và kiểm kê. Một công nghệ sản xuất có thể tích hợp nhiều BAT. Không phải BAT nào cũng tạo ra ELV, và BAT đơn lẻ không thay thế cho các báo cáo đánh giá tác động môi trường. ELVs được thiết lập bởi một hay nhiều BAT, trong đó có xem xét cân đối cả các công nghệ đầu cuối.
Phương tiện thị trường và nâng cao hiệu quả sản xuất
Thực tế, nhiều thị trường và khách hàng nhập khẩu của Việt Nam yêu cầu doanh nghiệp thực hiện BAT, hay đáp ứng điều kiện của BAT. Đối với ngành dệt may, thị trường EU đưa ra danh mục các chất cấm trong sản phẩm dệt may xuất khẩu vào thị trường này. Để giải quyết vấn đề đó, các chuyên gia và doanh nghiệp phải tham khảo các hướng dẫn BAT liên quan, áp dụng BAT để loại bỏ chất cấm. Rất nhiều khách hàng lớn của dệt may yêu cầu gắn BAT với xuất khẩu, thậm chí chỉ định một hay nhiều BAT cụ thể với từng lô sản phẩm. Các lợi ích thiết thực dẫn doanh nghiệp đến với BAT, áp dụng BAT ngày một phổ biến.
Như vậy, BAT là phương tiện để doanh nghiệp đạt mục tiêu chất lượng sản phẩm, giảm chi phí và tăng khả năng cạnh tranh. Xét khía cạnh công nghệ, những vấn đề môi trường như phát thải thường gắn liền với hiểu quả sử dụng tài nguyên. Các kỹ thuật tiết kiệm và hiệu quả năng lượng cùng lúc đem lại hiệu quả kinh tế và giảm phát thải (khí thải, chất thải rắn). Một số kỹ thuật khác cho phép nâng cao chất lượng sản phẩm, đi cùng với việc loại trừ các hóa chất độc hại, chất cấm trong sản phẩm. BAT góp phần tạo ra các thông số kỹ thuật vượt trội có lợi cho doanh nghiệp và môi trường.
Xác định BAT
Về nguyên tắc, BAT được xác định dựa trên nguồn dữ liệu đa chiều: Kinh tế; Môi trường; Kỹ thuật/công nghệ (một số hướng dẫn còn xem xét cả yếu tố xã hội). Ngoài ra, cơ sở dữ liệu còn bao gồm các thống kê và dữ liệu quan trắc môi trường, cân đối giữa kỹ thuật phòng ngừa và xử lý đầu cuối. Các bước tiến hành, thời gian và nguồn lực cần huy động phụ thuộc vào mục tiêu hoàn thành hồ sơ tham chiếu BAT. Có nhiều bên tham gia thu thập thông tin và đánh giá/lựa chọn BAT. Hồ sơ tham chiếu BAT (BREFs) là tài liệu quan trọng nhất, kết quả của quá trình trao đổi giữa rất nhiều đối tác: đại diện Chính phủ, đại diện công ngiệp/doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ (NGOs), các viện nghiên cứu…
Liên minh châu Âu (EU) có một phương pháp chuẩn hóa cho thủ tục lựa chọn và đánh giá các kỹ thuật để xác định BAT, được gọi là Quy trình Seville. Theo đó, có 3 bước cơ bản thực hiện xác định BAT: Điều tra thông tin, Đánh giá công nghệ và Xây dựng tiêu chí lựa chọn BAT. Trên thực tế, từng nước có những bước đi khác nhau, mặc dù vẫn dựa vào hướng dẫn khung của EU. Việc lựa chọn ngành/lĩnh vực là bước đi đầu tiên. Luật BVMT các nước đều quan tâm đến nguồn gây ô nhiễm, mức độ ô nhiễm theo khu vực và theo ngành/lĩnh vực sản xuất. Đây cũng là các đối tượng ưu tiên áp dụng BAT. Nga chia các ngành sản xuất thành 4 nhóm I, II, III và IV theo mức độ tác động xấu đến môi trường (nhóm I là nhóm phát thải lớn nhất). Trong khi Hàn Quốc chỉ ra 17 ngành/lĩnh vực ô nhiễm nhất dựa vào kết quả thống kê và quan trắc môi trường. Luật về không khí sạch của Mỹ chỉ ra các chất ô nhiễm không khí, theo đó có khoảng 8 ngành có nguy cơ cao theo hướng này.
Phân chia ngành/lĩnh vực theo mức độ tác động đến môi trường còn mang ý nghĩa các cơ sở vận hành sẽ phải chịu ràng buộc bởi các giấy phép tích hợp liên quan đến BAT, các quy định bắt buộc về lắp đặt thiết bị quan trắc tự động và truyền dữ liệu về trung tâm giám sát quốc gia. Trước khi tiến hành thu thập thông tin về các khía cạnh kinh tế, môi trường và kỹ thuật của công nghệ phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, nhóm làm việc kỹ thuật sẽ quyết định các nội dung và phạm vi điều tra. Các dữ liệu sẽ được thu thập dựa trên các phiếu câu hỏi điều tra được định hướng theo ngành.
Trong danh sách các BAT còn lại (sau khi đã loại theo tiêu chí), Hồ sơ tham chiếu phải chứa đựng các thông tin về mặt kỹ thuật, các chi phí tài chính, bao gồm cả giá các thiết bị sẵn có. Trong danh mục các kỹ thuật được tách ra dưới dạng BAT, các nhà vận hành không bắt buộc phải áp dụng kỹ thuật có chi phí thấp nhất trong số đó. Ở một số lĩnh vực, như chế biến thực phẩm, danh mục đưa ra có thể có một vài lựa chọn (BAT) cho một mục tiêu, một số BAT chỉ có thể áp dụng ở các phân ngành nhỏ.
Hồ sơ tham chiếu BAT (BREFs)
BREFs là kết quả cuối cùng của quá trình đánh giá và lựa chọn BAT. Nhóm làm việc kỹ thuật (TWGs) ra quyết định cuối cùng về lựa chọn BAT và lập Hồ sơ BAT. Dự thảo BREFs còn phải trải qua thủ tục tham vấn công đồng trước khi được thông qua. Luật môi trường các nước quy định các thông số công nghệ (ELVs và BAT-AEL đi cùng mức phát thải và thông số công nghệ) sẽ được trình Chính phủ chính thức thông qua. Không chậm hơn 6 tháng sau khi Hồ sơ tham chiếu BAT được chấp thuận/phê duyệt, BAT-AEL trở thành luật bắt buộc và có hiệu lực thi hành.
Tại EU, các BREFs được xây dựng theo Chỉ thị về phát thải công nghiệp (IED) và được quản lý bởi Cục IPPC châu Âu, trụ sở tại Trung tâm nghiên cứu chung EU (JRC) ở Seville. Kết luận BAT được công bố trên Tạp chí chính thức của EU, và được dịch sang tất cả 23 ngôn ngữ chính thức của EU. Hiện có tổng cộng 32 BREFs ngành được phát triển trong giai đoạn 1997-2018. Các quyết định đã được công bố cho 13 lĩnh vực công nghiệp và hơn 19 lĩnh vực được hưởng lợi từ BREF. Các tài liệu hướng dẫn BAT (BREFs) có thể mất 39 tháng xây dựng và 12 tháng để lấy ý kiến cũng như ra Quyết định. Vì vậy, việc xây dựng và ban hành BREF về lý thuyết có thể mất khoảng 4 năm.
Nền kinh tế thế giới đang chuyển hướng sang tăng trưởng xanh, đáp ứng với biến đổi khí hậu, tiếp cận dựa trên công nghệ BAT cùng lúc đạt được hiệu quả trong sử dụng tài nguyên và giảm phát thải là cách tiếp cận phù hợp với xu hướng chung. Các quốc gia đang hướng đến mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực chất là hướng đến nền công nghiệp công nghệ cao. Doanh nghiệp mong muốn giải quyết các vấn đề môi trường như phát thải và kiểm soát ô nhiễm phải gắn liền với hiệu quả kinh tế trong sử dụng tài nguyên. BAT góp phần nâng cao hiệu suất công nghệ, loại bỏ các hóa chất/nguyên liệu độc hại, thúc đẩy hiện thực mục tiêu hóa học xanh. Rõ ràng, tiếp cận theo BAT là cách duy nhất có thể đáp ứng những mong muốn của doanh nghiệp.
Lê Minh Đức
Hiệp hội Công nghiệp Môi trường Việt Nam
Nguyễn Thị Hồng Lam
Viện Khoa học Môi trường, Tổng cục Môi trường
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 8/2020)