Banner trang chủ

Chất lượng môi trường không khí các đô thị trong những tháng đầu năm 2020

12/05/2020

    Chất lượng môi trường không khí luôn có sự biến động khi có những ảnh hưởng bởi các nguồn phát thải hoặc một số yếu tố như điều kiện thời tiết, khí hậu, địa hình… Trong những tháng đầu năm 2020, chất lượng không khí (CLKK) tại các đô thị ở miền Bắc có khá nhiều biến động do chịu ảnh hưởng của yếu tố thời tiết. Cùng với đó, những ảnh hưởng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid - 19 làm nhiều hoạt động kinh tế - xã hội phải tạm dừng hoặc giảm thiểu (giảm hoạt động sản xuất, xây dựng, giao thông, các trường học nghỉ…), điều đó cũng có những tác động đáng kể đến diễn biến CLKK của nước ta.

    Theo kết quả quan trắc trong 3 tháng đầu năm 2020 cho thấy, tại các đô thị miền Bắc, CLKK có nhiều biến động do chịu tác động mạnh bởi thời tiết. Thống kê cho thấy, trong 3 tháng vừa qua, Hà Nội có 43 ngày (chiếm tỷ lệ 47,3%) có giá trị PM2.5 trung bình 24 giờ vượt giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT, Việt Trì và Hạ Long có 6 ngày (chiếm tỷ lệ 6,6%). Tại Hà Nội có những ngày ô nhiễm ở mức khá cao (ngày 14/1, 2/2, 20/2 và 16/3), giá trị PM2.5 trung bình 24 giờ vượt từ 2 - 3,4 lần giới hạn cho phép của QCVN. Tại các đô thị ở khu vực miền Trung và miền Nam, CLKK duy trì khá ổn định ở mức tốt và trung bình (Biểu đồ 1).

 

Biểu đồ 1. Giá trị thông số PM2.5 TB 24 giờ tại các đô thị trong thời gian từ1/1 -14/4/2020

 

    Khoảng thời gian từ 20/3 - 14/4, trong đó có thời gian thực hiện cách ly xã hội, CLKK tại các đô thị tốt hơn so với tháng 1 và tháng 2/2020. Điều này thể hiện khá rõ tại TP. Hồ Chí Minh - nơi ít chịu ảnh hưởng bởi sự biến động của yếu tố thời tiết. Trong thời gian từ 21/3 - 14/4, giá trị trung bình 24 giờ thông số PM2.5 thấp hơn hẳn những ngày trước đó. Một điều đáng chú ý, từ ngày 10/4 qua theo dõi cho thấy, số lượng phương tiện giao thông đường bộ trong nội đô của TP.Hồ Chí Minh tăng hơn những ngày trước đó, do đó giá trị PM2.5 những ngày này cũng bắt đầu có xu hướng tăng lên (Biểu đồ 2). Tại thủ đô Hà Nội, CLKK trong khoảng thời gian nêu trên cũng có xu hướng tốt hơn thời gian trước, tuy nhiên, do chịu cả tác động bởi thời tiết nên trong một số ngày vẫn có sự biến động. Từ ngày 8/4, nồng độ bụi PM2.5 có tăng lên do việc gia tăng các phương tiện giao thông nội đô và do thời tiết lặng gió có sương mù về đêm và sáng sớm của những ngày trước khi có không khí lạnh(ngày 8-10/4) (Biểu đồ 4).

 

Biểu đồ 2. Giá trị thông số PM2.5 TB24 giờ tại Tp. Hồ Chí Minh trong thời gian từ ngày 1/1 - 14/4/2020

 

   So sánh diễn biến CLKK từ ngày 1/1 - 14/4 năm 2020 với cùng kỳ của những năm trước đó cho thấy, chất lượng không khí cũng có xu hướng được cải thiện hơn. Tuy nhiên, trong thời gian từ tháng 1 đến nửa đầu tháng 3/2020, giá trị thông số PM2.5 có thấp hơn những năm trước đó nhưng không rõ rệt. Trong khi đó, từ thời gian nửa cuối tháng 3 cho đến nay, giá trị thông số PM2.5 thấp hơn hẳn thời gian cùng kỳ những năm trước đó (Biểu đồ 3 & 4), trong khoảng thời gian này do giãn cách xã hội, chủ yếu làm việc tại nhà,… Điều này cho thấy, ảnh hưởng của các nguồn phát thải như giao thông và hoạt động sản xuất có tác động đáng kể đến CLKK đô thị.

 

Biểu đồ 3. Giá trị thông số PM2.5 TB24 giờ tại TP. Hồ Chí Minh trong thời gian từ1/1 - 14/4 so sánh cùng kỳ trong giai đoạn từ năm 2016 - 2020

 

Biểu đồ 4. Giá trị thông số PM2.5 TB24 giờ tại Hà Nội so sánh cùng kỳ từ ngày 1/1 - 14/4 trong giai đoạn từ 2010 - 2020

 

   Xem xét tới những thông số khác, trong đó thông số CO - là thông số đặc trưng cho nguồn phát thải từ hoạt động giao thông tại các khu vực đô thị. Kết quả quan trắc cũng cho thấy, giá trị CO trung bình 24 giờ trong khoảng thời gian nửa cuối tháng 3 và nửa đầu tháng 4/2020 thấp hơn hẳn khoảng thời gian từ tháng 1 - 22/3/2020. So sánh diễn biến cùng kỳ giữa các năm cũng có thể thấy rằng, giá trị CO trong nửa cuối tháng 3 và nửa đầu tháng 4/2020 thấp hơn khoảng giá trị cùng kỳ của những năm trước đó.

 

Biểu đồ 5. Giá trị thông số CO TB24 giờ tại Hà Nội so sánh cùng kỳ từ ngày 1/1 - 14/4 trong giai đoạn từ năm 2010 - 2020

 

    Theo dõi diễn biến giá trị CO trong ngày cho thấy, trong khoảng thời gian từ ngày 1-14/4 (thời gian thực hiện lệnh cách ly xã hội) giá trị CO giảm đáng kể vào các khung giờ cao điểm giao thông so với các tháng trước đó (Biểu đồ 6). Có thể thấy, hoạt động giao thông đường bộ giảm mạnh cũng đã làm giảm lượng phát thải CO vào môi trường không khí tại khu vực đô thị.

 

Ghi chú: giá trị CO trung bình giờ của 11 trạm tại Hà Nội

Biểu đồ 6. Diễn biến giá trị trung bình giờ thông số CO trong ngày tại Hà Nội trong những tháng đầu năm 2020

 

    Kết quả tính toán chỉ số AQI giờ trong ngày tại các trạm của Hà Nội trong thời gian từ1/1/2020 - 14/4/2020 cho thấy, từ đầu tháng 1 đến nửa đầu tháng 3, có khá nhiều khoảng thời gian trong ngày, CLKK ở mức kém và xấu, thậm chí có những ngày chất lượng không khí ở mức xấu và rất xấu. Tuy nhiên, từ khoảng ngày 22/3 đến 14/4, phần lớn thời gian trong ngày, CLKK duy trì ở mức tốt và trung bình. Riêng trong các ngày 8-10/4, CLKK đã bị suy giảm, đa số các giờ trong ngày CLKK ở mức kém và xấu. Đây cũng là những ngày ghi nhận lượng phương tiện tham gia giao thông trong nội đô tăng cao hơn hẳn những ngày trước đó và trời lặng gió có sương mù về đêm và sáng sớm.

 

Biểu đồ 7. Tỷ lệ AQI giờ các trạm tại Hà Nội trong thời gian từ1/1 - 14/4/2020

 

   Thống kê tỷ lệ AQI ngày các trạm tại Hà Nội trong thời gian 3 tháng đầu năm và nửa đầu tháng 4/2020 (Bảng 1) cho thấy, trong tháng 1 và tháng 2/2020, có khoảng 50% số ngày có CLKK ở mức kém đến rất xấu (AQI>100), trong đó riêng tháng 2 có khoảng 4% số ngày chất lượng không khí ở mức rất xấu (AQI >200). Tuy nhiên, đến tháng 3/2020, CLKK có sự cải thiện hơn, không có ngày nào CLKK ở mức rất xấu. Tỷ lệ ngày có CLKK ở mức xấu trong tháng 3 vẫn chiếm khoảng 8% và đến nửa cuối tháng 3, đa số các ngày CLKK ở mức trung bình. Trong thời gian thực hiện cách ly xã hội (1-14/4), tỷ lệ ngày có CLKK ở mức xấu đã giảm xuống chỉ còn 6%, số ngày ở mức tốt tăng đáng kể lên đến 25,6% và đa số các ngày ở mức trung bình (42,3%).

    Như trong nhiều báo cáo đã phân tích về những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường không khí, các hoạt động sản xuất công nghiệp, giao thông, xây dựng… đều là nguồn phát sinh bụi và khí thải vào môi trường không khí. Chính vì vậy, khi các đô thị lớn của nước ta thực hiện cách ly xã hội, cùng với các hoạt động sản xuất, giao thông, xây dựng… giảm hoặc dừng hoạt động đã khiến CLKK được cải thiện đáng kể. Chúng ta cần nhìn nhận, chính sự thay đổi các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của con người là nguyên nhân quan trọng làm thay đổi CLKK. Bên cạnh đó, CLKK còn chịu ảnh hưởng bởi một số yếu tố khách quan khác như thời tiết, khí hậu…

   Với những ảnh hưởng sâu rộng cũng như những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid  19, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội (sản xuất công nghiệp, xây dựng, giao thông, thương mại dịch vụ, dân sinh…) sẽ tiếp tục có những sự điều chỉnh cho phù hợp kể cả trong thời gian còn dịch hay thời gian sau khi dịch bệnh kết thúc. Các cấp, các ngành cần xem xét, tổ chức lại các hoạt động sản xuất, phát triển vừa đảm bảo hiệu quả đẩy mạnh phát triển kinh tế, đồng thời giảm thiểu được sự phát thải các chất thải vào môi trường xung quanh, trong đó có môi trường không khí. Theo đó, một số vấn đề cần được xem xét như: Tập trung đẩy mạnh sản xuất đối với các ngành cung cấp các sản phẩm thiết yếu, các ngành mũi nhọn nhưng cũng hạn chế hơn những ngành sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; tổ chức lại hoạt động giao thông đô thị (tăng cường hiệu quả sử dụng hệ thống giao thông công cộng với các phương tiện thân thiện với môi trường, đáp ứng được yêu cầu của người dân; phân luồng, phân tuyến hợp lý để giảm thiểu ùn tắc; kiểm định khí thải phương tiện…); điều chỉnh các hoạt động xây dựng, thương mại dịch vụ trong đó đảm bảo có các biện pháp hạn chế, giảm thiểu việc phát thải bụi, khí thải và các chất thải khác ra môi trường. Để thực hiện được những biện pháp này, cần có sự phối hợp chặt chẽ từ các Bộ, ngành có liên quan, cho đến các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư trong cả nhận thức và hành động.

 

TS. Hoàng Văn Thức
Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Môi trường

Lê Hoàng Anh, Mạc Thị Minh Trà

Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2020)

Ý kiến của bạn