27/02/2019
Trong các ngày 18, 19 và 21/2/2019, Báo Pháp luật Việt Nam có đăng các bài báo phản ánh nội dung liên quan đến việc xem xét hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo ĐTM đối với Dự án “Nhà máy sản xuất vải áo sơ mi cao cấp Việt Nam, công suất 100 triệu m2 vải/năm” (Dự án) do Công ty TNHH Interweave Holding làm chủ tại Khu công nghiệp (KCN) Sông Công II, tỉnh Thái Nguyên. Về việc này, ngày 22/2/2019, Tổng cục Môi trường đã có Công văn số 645/TCMT-TĐ gửi Báo Pháp luật Việt Nam.
Theo đó, Tổng cục Môi trường nhận được Hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo ĐTM của Dự án ngày 15/10/2018, ngay sau đó đã rà soát, đánh giá hồ sơ và thành Hội đồng thẩm định theo quy định. Hội đồng thẩm định đã tiến hành khảo sát thực địa khu vực Dự án và làm việc, trao đổi, thảo luận với Chủ dự án, đại diện Ban Quản lý các KCN tỉnh Thái Nguyên. Trên cơ sở kết quả khảo sát và ý kiến của Hội đồng thẩm định, Tổng cục Môi trường có Công văn số 4651/TCMT-TĐ ngày 28/11/2018 đề nghị chủ đầu tư dự án bổ sung làm rõ căn cứ pháp lý, nội dung ĐTM của Dự án. Đây là hoạt động cần thiết và theo quy định để có đủ thông tin, đánh giá sự phù hợp của Dự án với các quy định của pháp luật về BVMT.
Sau khi nhận được và xem xét, đánh giá các thông tin, hồ sơ cung cấp bổ sung của Ban Quản lý các KCN tỉnh Thái Nguyên tại Công văn số 1299/BQL-QLMT ngày 30/11/2018 và của Chủ dự án tại Công văn số 1412/ITW-EIA-2018 ngày 17/12/2018, Tổng cục Môi trường đã có Công văn số 17/TCMT-TĐ ngày 3/1/2019 về việc trả Hồ sơ để hoàn thiện lại báo cáo ĐTM của Dự án, trong đó đã nêu rõ các nội dung chính cần phải được Chủ dự án bổ sung, làm rõ. Quá trình thẩm định hồ sơ đã đảm bảo đúng yêu cầu về thời gian theo quy định.
Đối với thông tin chung về Dự án, Tổng cục Môi trường cho biết, Dự án có quy mô về công suất, diện tích rất lớn (công suất 100 triệu m2 vải/năm, diện tích thuê đất 53,4 ha tại KCN Sông Công II). Theo quy trình công nghệ sản xuất vải của Dự án, Dự án có công đoạn nhuộm, khối lượng nước thải phát sinh lớn (khoảng 14.500 m3/ngày đêm), là một trong những ngành, lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Vị trí đề nghị xả nước thải ra sông Công là nguồn chính cấp nước cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và Trạm xử lý nước cấp sinh hoạt cho toàn thành phố Sông Công và các Nhà máy cấp nước sử dụng nước mặt trên địa bàn các tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang và Hải Dương.
Liên quan đến sự phù hợp của Dự án với KCN Sông Công II, Tổng cục Môi trường đã thông tin cụ thể:
Dự án Xây dựng hạ tầng KCN Sông Công II, diện tích 250 ha tại thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên do Ban quản lý các KCN tỉnh Thái Nguyên làm chủ đầu tư đã được Bộ TN&MT phê duyệt Báo cáo ĐTM tại Quyết định số 2599/QĐ-BTNMT ngày 16/8/2018. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Dự án Xây dựng hạ tầng KCN Sông Công II vẫn chưa được triển khai xây dựng bất cứ hạng mục hạ tầng kỹ thuật nào.
Về ngành nghề được phép đầu tư vào KCN sông Công II và sự phù hợp với Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp Dệt May Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, theo Quyết định số 2599/QĐ-BTNMT ngày 16/8/2018 của Bộ trưởng Bộ TN&MT về việc phê duyệt báo cáo ĐTM của Dự án KCN Sông Công II đã quy định rõ yêu cầu về BVMT đối với KCN này là “chỉ tiếp nhận vào KCN các dự án đầu tư thuộc những ngành công nghiệp có định mức sử dụng nước thấp đã nêu trong báo cáo ĐTM”. Đồng thời, báo cáo ĐTM của KCN Sông Công II, tỉnh Thái Nguyên nêu rõ, các ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư vào KCN, trong đó không có công đoạn nhuộm. Trong khi đó, Dự án có công đoạn nhuộm, có định mức sử dụng nước lớn (khối lượng nước thải phát sinh lên đến 14.500 m3/ngày đêm). Mặt khác, theo Quyết định số 3218/QĐ-BCT ngày 11/4/2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp Dệt May Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 thì chỉ: “tiếp tục phát triển các nhà máy sợi, dệt, nhuộm tại các KCN Thụy Vân, Trung Hà, Tam Nông - tỉnh Phú Thọ, KCN Phổ Yên - tỉnh Thái Nguyên; đồng thời, phát triển các nhà máy may tại các tỉnh Thái Nguyên, Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Giang, Bắc Kạn”. Như vậy, Dự án không phù hợp với Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp Dệt May Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Về cam kết tổng lượng nước thải phát sinh và yêu cầu đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN Sông Công II, theo báo cáo ĐTM dự án Xây dựng hạ tầng KCN Sông Công II, diện tích 250 ha tại thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên đã được Bộ TN&MT phê duyệt, Chủ đầu tư dự án KCN Sông Công II cam kết tất cả các nhà máy thành viên có nước thải phải được đấu nối vào Trạm xử lý nước thải tập trung của KCN Sông Công II, công suất thiết kế tối đa 5.000 m3/ngày đêm (bao gồm 2 module) để xử lý đạt QCVN 40:2011/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp, cột A với các hệ số kq=0,9 và kf=1,0 trước khi thải ra ngòi Thác Lâm dẫn ra sông Công (trang 249, báo cáo ĐTM của Dự án KCN Sông Công II). Tuy nhiên, theo nội dung báo cáo ĐTM của Dự án “Nhà máy sản xuất vải áo sơ mi cao cấp Việt Nam, công suất 100 triệu m2 vải/năm”, Dự án thuộc ngành nghề dệt có công đoạn nhuộm, tổng lượng nước thải phát sinh ước tính trung bình 12.000 m3/ngày đêm và lớn nhất lên tới 14.400 m3/ngày đêm. Nước thải sau khi được xử lý tại trạm xử lý nước thải của Nhà máy sẽ được xả thải trực tiếp ra sông Công.
Với các thông tin trên đây, việc phê duyệt báo cáo ĐTM của Dự án tại KCN Sông Công II, tỉnh Thái Nguyên là chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý (sự phù hợp với các yêu cầu về BVMT đối với KCN Sông Công II, cam kết của Chủ đầu tư KCN Sông Công II là Ban Quản lý các KCN tỉnh Thái Nguyên thể hiện trong báo cáo ĐTM đã được Bộ TN&MT phê duyệt cũng như Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp Dệt May Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030). Do đó, Tổng cục Môi trường đã có văn bản đề nghị chủ Dự án làm rõ căn cứ, nội dung báo cáo ĐTM của Dự án với yêu cầu rõ ràng, có tính chất hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức thực hiện đảm bảo quy định pháp luật về BVMT.
Phương Linh