Banner trang chủ

Chăn nuôi an toàn sinh học để phòng chống dịch tả lợn châu Phi

11/07/2019

     Phát biểu tại Hội nghị triển khai các giải pháp tổng hợp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn ra ngày 11/7/2019 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định: "Đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi, đến thời điểm này phải xác định "sống chung" với nó. Đồng thời, trong lúc chờ các nhà khoa học nghiên cứu ra vắc xin thì biện pháp tổng hợp hữu hiệu nhất vẫn là áp dụng nghiêm ngặt các quy trình chăn nuôi an toàn sinh học".

     Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, tất cả các trang trại chăn nuôi lớn, chiếm 55% tổng đàn lợn của Việt Nam cần phải ý thức hơn về việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học. Bên  cạnh đó, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng phải thực hiện giải pháp này thì mới có thể khống chế được dịch tả lợn châu Phi. Thực tế, nếu thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học thì dịch bệnh không thể xâm nhập vào được các trang trại này. Bên cạnh đó, cần áp dụng các biện pháp khác như sử dụng chế phẩm sinh học để tăng cường sức đề kháng cho đàn lợn...

     Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm (Tập Đoàn Quế Lâm) tại Thừa Thiên - Huế là một trong những doanh nghiệp áp dụng các biện pháp chăn nuôi lợn hữu cơ ứng dụng công nghệ vi sinh đã mang lại hiệu quả. Đến nay, các trang trại lợn của doanh nghiệp này vẫn an toàn trước dịch tả lợn châu Phi.

 

Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN)

 

     Đại diện Tập đoàn Quế Lâm cho biết, đây là một quy trình chăn nuôi áp dụng tổng hòa các giải pháp, ứng dụng công nghệ vi sinh trên nền hữu cơ chất lượng cao và hoàn toàn không kháng sinh/hóa chất. Lợn nuôi là con giống sạch bệnh, nguồn gốc từ cơ sở an toàn dịch bệnh. Chuồng nuôi phải thiết kế (mùa đông ấm, mùa hè thoáng mát), có đệm lót, bổ sung chế phẩm vi sinh hoạt lực cao thường xuyên, do đó không mùi hôi, không nước thải, tiết kiệm nước tối đa. Đệm lót bổ sung vi sinh vật thường xuyên - không cho cơ hội để virut/vi sinh vật gây bệnh tấn công nơi ở của lợn.

     Bên cạnh đó, chuồng nuôi được bổ sung hệ thống phun mù, giảm nhiệt độ chuồng nuôi (bổ sung chế phẩm vi sinh, tránh sốc nhiệt cho vật nuôi và quan trọng hơn cả là bảo vệ cơ thể bên ngoài vật nuôi để virut/sinh vật gây bệnh không có cơ hội tấn công vật nuôi qua con đường tiếp xúc. Đối với thức ăn, Tập đoàn sử dụng thêm men vi sinh để tăng sức đề kháng cho lợn, đồng thời thực hiện tiêu độc, khử trùng thường xuyên xung quanh chuồng trại...

     Đại diện Tập đoàn Quế Lâm chia sẻ, chăn nuôi lợn hữu cơ ứng dụng công nghệ vi sinh là một quy trình tổng hòa, khá hoàn chỉnh về kỹ thuật, từ chuồng nuôi, con giống, thức ăn, nước uống.. ở hầu hết các khâu của quy trình đều được bổ xung chế phẩm vi sinh với liều lượng phù hợp đã cải thiện sức đề kháng cho đàn lợn. Đến thời điểm này (tháng 7/2019) các hộ gia đình liên kết chăn nuôi lợn hữu cơ ứng dụng công nghệ vi sinh với Tập đoàn Quế Lâm theo chuỗi vẫn an toàn trước dịch tả lợn châu Phi.

     Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, cần phải thay đổi lại tập quán chăn nuôi, bởi dịch tả lợn châu Phi xảy ra chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Do đó, cần phải giảm dần các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ sang chăn nuôi tập trung. Bên cạnh đó, cần ưu tiên đầu tư các cơ sở giết mổ tập trung, bởi hiện nay phần lớn vẫn là các cơ sở giết mổ nhỏ, lẻ, mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây cũng chính là nguyên nhân mầm bệnh phát tán. Hiện tỉnh Quảng Ninh chưa thực hiện việc tái đàn mà hướng dẫn người dân chuyển sang chăn nuôi các vật nuôi khác và thuỷ sản. Bên cạnh đó, Quảng Ninh, đang thực hiện việc di dời các hộ chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư.

     Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thông tin, tới đây, Bộ NN&PTNT sẽ có khuyến nghị, định hướng rõ, nơi nào đảm bảo an toàn sinh học cao, những hộ trang trại chăn nuôi quy mô lớn làm chủ được công nghệ hoàn toàn trong quy trình an toàn sinh học thì phát triển; tiếp tục gia tăng đàn. Những nơi có ổ dịch tả lợn châu Phi đã qua 30 ngày mà đảm bảo an toàn sinh học, kiểm tra cả môi trường xung quanh, cả điều kiện ý thức của dân, mối liên kết có doanh nghiệp… thì những chỗ đó có thể phát triển chăn nuôi lại được.

 

Nhật Minh

Ý kiến của bạn