Banner trang chủ

Chính sách phát triển vật liệu xây dựng tiết kiệm và thân thiện với môi trường

09/05/2016

     Nhằm gắn hoạt động khai thác, sử dụng vật liệu xây dựng (VLXD) với phát triển bền vững, ngày 5/4/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP quy định về quản lý VLXD và dành Chương riêng quy định về chính sách phát triển VLXD tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường (bao gồm các vật liệu xây không nung, VLXD được sản xuất từ việc sử dụng chất thải làm nguyên liệu hoặc nhiên liệu, VLXD có tính năng tiết kiệm năng lượng vượt trội so với vật liệu cùng chủng loại).

     Việc phát triển VLXD tiết kiệm và thân thiện với môi trường được quy định ngay từ khâu lập Quy hoạch phát triển VLXD, quy hoạch khoáng sản làm VLXD. Trong đó, nội dung quy hoạch phát triển VLXD phải tiến hành đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) cho từng giai đoạn. Đồng thời, hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định quy hoạch phát triển vật liệu phải bao gồm báo cáo ĐMC.

     Thành phần Hội đồng thẩm định Quy hoạch tổng thể phát triển VLXD Việt Nam, quy hoạch phát triển sản phẩm VLXD chủ yếu phải có sự tham gia của Bộ TN&MT. Thành phần Hội đồng thẩm định đối với quy hoạch phát triển VLXD địa phương cũng sẽ có sự tham gia của đại diện Sở TN&MT. Các Hội đồng thẩm định có trách nhiệm thẩm định sự phù hợp của quy hoạch với chiến lược BVMT quốc gia hoặc sự phù hợp của quy hoạch với chiến lược BVMT địa phương.

     Nội dung quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng có bao gồm ĐMC theo từng giai đoạn. Nội dung quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm VLXD thông thường sẽ phải căn cứ khoanh định chi tiết khu vực mỏ khoáng sản làm VLXD thông thường, trong đó thể hiện cả khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ đã được Bộ TN&MT khoanh định, công bố cần đầu tư khai thác và tiến độ khai thác.

     Đối với hoạt động đầu tư, sản xuất VLXD, các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm VLXD chủ yếu phải lựa chọn công nghệ thiết bị tiên tiến, hiện đại, đáp ứng các tiêu chí về tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng, đáp ứng yêu cầu về BVMT theo quy hoạch phát triển VLXD chủ yếu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hoạt động chế biến, xuất khẩu khoáng sản làm VLXD phải tuân thủ các quy định của pháp luật về môi trường, cơ sở chế biến khoáng sản phải sử dụng thiết bị, công nghệ chế biến tiên tiến, hiện đại và có mức độ phát thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường.

 


Nhà nước có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất VLXD mới


     Đặc biệt, Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP cũng quy định việc sử dụng amiăng trắng nhóm serpentine trong sản xuất VLXD phải tuân thủ báo cáo đánh giá tác động môi trường; tổ chức quan trắc, giám sát môi trường nước và môi trường không khí trong cơ sở sản xuất với tần suất định kỳ 3 tháng/lần; phải lập phương án BVMT trước khi tiến hành phá dỡ, sửa chữa, cải tạo các công trình, thiết bị công nghiệp đối với các VLXD có chứa amiăng trong nhóm serpentine; phải thu gom, vận chuyển vào nơi quy định các phế thải VLXD có chứa amiăng trắng nhóm serpentine; các phế thải VLXD này không được dùng làm nguyên liệu rải đường.

     Chương V của Nghị định có 4 Điều quy định về chính sách phát triển VLXD tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường.

     Về chính sách chung, Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN), đầu tư sản xuất VLXD tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường. Các tổ chức, cá nhân nghiên cứu phát triển, ứng dụng KH&CN, đầu tư sản xuất các loại vật liệu này sẽ được hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư của Nhà nước. Đồng thời, Nhà nước sẽ hạn chế, xóa bỏ theo lộ trình các cơ sở sản xuất VLXD có công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều nguyên liệu, tiêu tốn nhiều năng lượng và gây ô nhiễm môi trường.

     Các loại dự án nghiên cứu phát triển, đầu tư sản xuất VLXD tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường được hưởng chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu đầu tư của Nhà nước. Ngoài dự án nghiên cứu KH&CN phát triển VLXD tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, các dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng sản xuất VLXD không nung đảm bảo quy mô công suất; các dự án đầu tư xử lý, sử dụng phế thải của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy phân bón hóa chất, nhà máy luyện kim để làm VLXD; các dự án đầu tư hệ thống tận dụng nhiệt khí thải trong sản xuất xi măng để phát điện… theo quy định tại Điều 38 của Nghị định cũng sẽ được hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu đầu tư của Nhà nước.

     Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ được quy định tại Nghị định này bao gồm chính sách ưu đãi thuế và tín dụng, chính sách ưu đãi đầu tư, chi phí chuyển giao công nghệ. Việc đầu tư và hoạt động của các cơ sở sản xuất VLXD có xử lý, sử dụng chất thải làm nguyên liệu, nhiên liệu trong sản xuất muốn được hưởng các ưu đãi đó phải tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật về môi trường.

     Chính phủ giao Bộ Xây dựng xây dựng các chương trình, đề án phát triển VLXD tiết kiệm tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường.

 

Long Hoàng

Ý kiến của bạn