03/05/2018
Những năm qua, Sở TN&MT đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cao Bằng ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về BVMT nhằm cụ thể hóa các quy định của Nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về BVMT trên địa bàn tỉnh.
Thực trạng công tác quản lý môi trường tại Cao Bằng
Đối với công tác phòng ngừa, ngăn chặn việc phát sinh các nguồn gây ô nhiễm… theo kết quả quan trắc hàng năm cho thấy, chất lượng môi trường, các chỉ tiêu thành phần môi trường tự nhiên và chỉ tiêu ô nhiễm cơ bản đều nằm trong giới hạn cho phép của Quy chuẩn kỹ thuật môi trường Việt Nam. Trong đó, tỉnh xác định một số khu vực môi trường nguy cơ gây ô nhiễm cao như, các bãi chôn lấp rác thải; khu vực lưu giữ kho thuốc hóa chất bảo vệ thực vật; khu vực liên quan đến các hoạt động khai thác khoáng sản; khu vực môi trường xung quanh tại các lò sản xuất gạch thủ công.
Đồng thời, tỉnh chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện tiến độ các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng theo Kế hoạch đã được phê duyệt đảm bảo đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng hoàn thành xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng . Trong số 24 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên toàn tỉnh đến nay 17 cơ sở đã được chứng nhận hoàn thành xử lý triệt để, còn 7 cơ sở chưa hoàn thành xử lý triệt để. Đối với 2 khu vực bị ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu, hóa chất y tế cũ. Tỉnh đã chỉ đạo Sở, ngành, UBND huyện/TP tiến hành khảo sát, đánh giá các khu vực mà có kho thuốc BVTV xem mức độ ô nhiễm để có kế hoạch, phương án xử lý hợp lý.
Hiện tại, toàn tỉnh mới đầu tư vận hành 2 hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tại thị trấn Thanh Nhật, huyện Hạ Lang và thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An bằng nguồn vốn ODA và còn lại chưa được đầu tư. Ngoài ra, tại các khu vực đô thị đang đầu tư hoặc trong giai đoạn lập Dự án, UBND tỉnh đã chỉ đạo các chủ đầu tư phải chú trọng đến công tác thiết kế, bố trí đầy đủ các hạng mục hạ tầng kỹ thuật thoát nước, thu gom, xử lý nước thải và thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt, hệ thống cây xanh đô thị...Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị đầu tư hệ thống thu gom, trang bị các phương tiện, thiết bị để xử lý chất thải rắn trong việc thực hiện tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Đối với tài nguyên nước được quản lý chặt chẽ, hướng tới mục tiêu các nguồn nước và công trình thủy nông được cộng đồng bảo vệ, nhằm không bị gây ô nhiễm bởi các nguồn rác, nước thải...; Lĩnh vực đa dạng sinh học (ĐDSH), tỉnh đã ban hành nhiều văn bản kiểm soát và ngăn ngừa tình trạng khai thác và tiêu thụ các loài hoang dã nguy cấp, quý hiếm ; quản lý loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Đối với công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm về BVMT, từ năm 2013 đến nay, Sở TN&MT đã phối hợp với các địa phương, tổ chức chính trị - xã hội tổ chức trên 100 lớp tuyên truyền, nâng cao nhận thức trách nhiệm BVMT với sự tham gia của 6.717 đại biểu, tổng kinh phí cho thực hiện là 528,9 triệu đồng. Nội dung đề cấp đến triển khai Luật BVMT, Luật ĐDSH, Luật Tài nguyên nước và các văn bản hướng thi hành cho các đối tượng là cán bộ công chức, các tổ chức đoàn thể cấp huyện; cơ sở sản xuất kinh doanh đóng trên địa bàn tỉnh, công chức cấp xã ... Bên cạnh đó, Sở phối hợp với các Trường học tổ chức 10 Hội thi sân khấu hóa, vẽ tranh, thi ảnh… về chủ đề môi trường. Hàng năm, Sở tham mưu cho tỉnh tổ chức Mít tinh hưởng ứng ngày Môi trường thế giới 5/6 và Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn, kỷ niệm ngày Nước, ngày Khí tượng thế giới tại các huyện/thành phố.
Nhằm đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho BVMT, tỉnh Cao Bằng khuyến khích các các thành phần kinh tế, tổ chức chính trị - xã hội, Hội Bảo vệ thiên nhiên & Môi trường... tham gia đầu tư cho các hoạt động BVMT trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật. Các dự án triển khai tập trung sử dụng hợp lý tài nguyên, gắn với BVMT, đặc biệt là việc khắc phục ô nhiễm, phục hồi và cải thiện môi trường, bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH.
Là tỉnh biên giới, tỉnh Cao Bằng đang tăng cường hợp tác quốc tế về BVMT vùng biên giới với tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc không gây ô nhiễm môi trường sang địa phận biên giới giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc; ngăn chặn buôn bán động vật hoang dã, xuất nhập các sinh vật ngoại lai và kiểm soát các sản phẩm sinh vật biến đổi gen; xây dựng và thực hiện các quy tắc về BVMT các dòng sông, suối chung giữa hai nước, quản lý môi trường các cửa khẩu giao lưu, buôn bán trao đổi hàng hóa của hai nước. Tỉnh đang phối hợp với Cục Bảo tồn ĐDSH, Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT triển khai dự án "Hỗ trợ thực hiện hành lang ĐDSH xuyên biên giới Cao Bằng - Quảng Tây (Trung Quốc)”.
Bên cạnh các kết quả đạt được, công tác quản lý nhà nước về BVMT vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc như: Kinh phí sự nghiệp môi trường hàng năm bố trí còn nhiều bất cập, chưa theo đúng Kế hoạch. Là tỉnh miền núi, kinh tế còn hạn hẹp tổng thu nhập thấp nên kinh phí dành cho sự nghiệp môi trường hàng năm chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu công việc.
Trong khi đó, hầu hết UBND cấp huyện/TP giành toàn bộ kinh phí sự nghiệp môi trường được phân bổ dùng vào việc cho thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và một số hoạt động chi không đúng mục chi theo Thông tư số 02/2017/TT-BTC quy định như (điện thắp sáng, cắt tỉa cây xanh;…). Việc phân bổ nhiệm vụ chi kinh phí sự nghiệp môi trường cấp huyện do Phòng Tài chính đề xuất, tham mưu không có sự phối hợp của Phòng TN&MT cấp huyện dẫn đến việc sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường tại cấp huyện/TP chưa được hợp lý.
Một số dự án ưu tiên được đưa ra trong Quy hoạch BVMT và các kế hoạch thực hiện Nghị Quyết số 35/NQ-CP; Nghị quyết số 24-NQ/TW và một số nội dung BVMT như đầu tư trang thiết bị quan trắc môi trường; điều tra khảo sát, đánh giá và bảo tồn các giống động thực vật; lập và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt khu bảo tồn, khu di tích lịch sử, khu danh lam thắng cảnh; xây dựng cơ sở dữ liệu... không có kinh phí triển khai.
Mặt khác, việc phân bổ kinh phí sự nghiệp môi trường định mức cố định theo giai đoạn cho Sở TN&MT, UBND cấp huyện/TP là chưa phù hợp với nhu cầu, nhiệm vụ BVMT giữa ngành và địa phương.
Các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới
Thứ nhất, Sở TN&MT tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định về quy định quản lý, BVMT trên địa bàn tỉnh; Quyết định về quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 4/7/2017 của Ban thường vụ Tỉnh ủy Cao Bằng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BVMT trên địa bàn.
Thứ hai, tập trung thực hiện kế hoạch xử lý triệt để ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đảm bảo đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh không có cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Thứ ba, huy động các nguồn vốn nhằm đầu tư công tác xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh.
Thứ tư, tăng cường các hoạt động thanh, kiểm tra, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm; tăng cường công tác phối hợp, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc thực hiện các nhiệm vụ về BVMT.
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, bảo tồn ĐDSH cho các cấp ngành, địa phương, các thành phần kinh tế và cộng đồng dân cư.
Thứ sáu, đến năm 2020 cơ bản các cơ sở sản xuất gạch thủ công chuyển sang công nghệ lò gạch tuynen hoặc công nghệ tiên tiến khác đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường của Việt Nam.
Thứ bảy, thực hiện các Dự án thuộc lĩnh vực môi trường (Xây dựng giải pháp bảo vệ nguồn nước sông Bằng, sông Hiến trên địa bàn huyện Hòa An, Thạch An, Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng và các dự án ưu tiên đã đưa ra trong Quy hoạch/Kế hoạch BVMT).
Thứ tám, hoàn thiện mạng lưới điểm quan trắc môi trường và tăng tần suất quan trắc chất lượng môi trường nước sông, suối, hồ lên thành 4 lần/năm.
Thứ chín, xây dựng dự án “Mạng lưới quan trắc môi trường tỉnh Cao Bằng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025” phù hợp với mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia đã được phê duyệt.
Cao Bằng ưu tiên Quy hoạch BVMT đối với khu bảo tồn, khu di tích lịch sử, khu danh lam thắng cảnh
Đoàn Ngọc Báu
Phó Chi cục trưởng Chi cục BVMT tỉnh Cao Bằng
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 4/2018)