10/03/2014
Xã Nam Thanh (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) có địa bàn rộng, với 13.650 nhân khẩu, 17 khu dân cư. Các hộ dân phát triển nhiều ngành nghề tiểu thủ công nghiệp như dệt, sản xuất cơ khí nhôm, chế biến lâm sản, vật liệu xây dựng, vận tải, sản xuất thủy tinh và thu gom phế liệu...Trong đó, làng nghề tái chế nhôm Bình Yên được coi là điểm “nóng” về môi trường.
Quy trình sản xuất chậu nhôm của làng nghề Bình Yên gây ảnh hưởng đến
sức khỏe người dân
Thực trạng ô nhiễm môi trường
Làng nghề Bình Yên được hình thành trong quá trình chuyển đổi từ sản xuất thuần nông sang phát triển nông nghiệp kết hợp với các hoạt động sản xuất công nghiệp từ năm 1989. Làng nghề Bình Yên có diện tích 16 ha, với 570 hộ gia đình. Ban đầu chỉ có 4 hộ chế tạo các loại chậu, xoong nhôm với nguyên liệu nhôm cán được nhập về từ Vân Chàng hoặc Bắc Ninh. Hiện nay, số lượng các hộ gia đình tham gia sản xuất nhôm đã lên đến 269 hộ, chiếm 47% trong đó có 86 hộ cô đúc; 161 hộ cán kéo và tạo hình; 22 hộ thuộc các loại hình phụ khác. Hoạt động sản xuất nơi đây đem lại việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 2.000 người. Tuy nhiên, trong sản xuất, kinh doanh, các hộ chỉ chú tâm đến lợi nhuận mà không quan tâm đến môi trường.
Theo ước tính, chất thải độc hại từ quá trình sản xuất đã thải ra môi trường hàng tháng lên đến 39,59 tấn, trong đó lượng nước thải bình quân một ngày khoảng 500 m3. Kết quả quan trắc của Bộ TN&MT về môi trường nước mặt tại sông Nam Ninh Hải, nơi chứa nước thải của các cơ sở sản xuất tại làng nghề cho thấy, hàm lượng SS cao gấp 12,2 lần; COD cao gấp 20 lần; B0D5 cao gấp 21,2 lần so với Quy chuẩn Việt Nam.
Khắp làng tiếng ồn, khói bụi vì hầu như xóm nào cũng có nhiều hộ làm nghề. Các rãnh nước trong ngõ xóm đều một màu trắng xóa vì nước thải tẩy rửa. Nước thải được đưa ra hệ thống kênh, mương quanh làng khiến nơi đây từ nhiều năm nay không có một loài sinh vật nào có thể sống nổi. Hệ thống, kênh mương ở Bình Yên cũng không thể nạo vét được vì bùn độc hại không biết đổ ở đâu. Hiện mặt đáy kênh, mương đã cao hơn mặt ruộng, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp. Do ô nhiễm nặng trong hệ thống tưới tiêu, diện tích lúa không thể canh tác được lên tới 4 ha.
Đặc biệt, bãi chất thải từ quá trình cô đúc nhôm (được xếp loại chất thải rắn nguy hại với hai loại chất thải cơ bản là xỉ than và bã cô nhôm) đổ bừa bãi bên lề đường ngày càng lớn. UBND xã đã nhiều lần báo cáo và xin ý kiến cơ quan chuyên môn về biện pháp giải quyết nhưng cũng chưa có giải pháp xử lý vì chất thải này được xếp vào loại chất thải nguy hại cần được bảo quản vận chuyển và xử lý theo đúng quy trình xử lý chất thải nguy hại. Trong khi đó kinh phí cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý rất lớn, nếu chỉ thu của riêng những hộ làm nghề thì các hộ không đủ điều kiện đóng góp.
Cần sự quan tâm hơn nữa của các cơ quan chức năng
Để khắc phục tình trạng trên, UBND xã Nam Thanh đã đầu tư xây dựng bãi chôn lấp xử lý rác thải sinh hoạt với diện tích 8.320 m2, đến giữa năm 2011 đã chính thức hoàn thiện tất cả các hạng mục, đủ điều kiện đi vào sử dụng. Xã cũng đã thành lập các tổ dịch vụ thu gom rác thải sinh hoạt, thu gom bốn buổi trên một tuần. Với mô hình này, phần lớn rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã đã được thu gom, đường làng, ngõ xóm đã phong quang sạch sẽ hơn. Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm chất thải ở làng nghề Bình Yên vẫn chưa được giải quyết do vượt quá khả năng xử lý của địa phương. Năm 2008, Sở TN&MT Nam Định đã phối hợp với Cơ quan hợp tác và phát triển Thụy Sỹ thực hiện “Dự án quản lý chất thải tại làng nghề Bình Yên”. Dự án hỗ trợ làm điểm một hộ về giảm thiểu nước thải từ quá trình nhúng mạ sản phẩm nhôm; 2 hộ về giảm thiểu khói bụi với loại hình cô đúc nhôm, tổng kinh phí gần 22 triệu đồng. Bên cạnh đó, Dự án cũng hỗ trợ xây dựng 92 hố gas, 93 ống khói tại các hộ nhúng rửa sản phẩm nhôm, 48 ống khói cho các hộ cô đúc nhôm, 186 thùng nhựa loại 60 lít và 150 lít cho 93 hộ nhúng rửa sản phẩm, 30 thùng đặt tại kho chứa chất thải nguy hại tại bãi rác của xã với tổng kinh phí gần 443 triệu đồng. Tuy nhiên, khi Dự án kết thúc vào cuối năm 2009 thì vấn đề ô nhiễm lại "đâu vào đấy" vì người dân không thể tự bỏ kinh phí trong khi các ống khói và hố gas không còn phù hợp với quy mô sản xuất ngày càng lớn của các hộ.
Nước thải từ làng nghề bốc mùi nồng nặc, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Vũ Minh Lượng - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Nam Định cho biết: Trong năm 2013, Sở đã xây dựng kế hoạch triển khai Dự án Khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề cơ khí Bình Yên. Về quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất để thực hiện Dự án, xã đã đề nghị bổ sung và được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Song đến nay Dự án vẫn chưa được triển khai vì chưa có cơ chế rõ ràng di dời các hộ dân vào Khu công nghiệp tập trung nằm ngoài khu dân cư có hệ thống xử lý nước thải tập trung trước khi xả ra môi trường.
Để hạn chế mức độ ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người dân, UBND xã Nam Thanh đã đề xuất một số biện pháp cụ thể:
Quy hoạch khu đất tập trung nằm ngoài khu dân cư để tổ chức sản xuất, đặc biệt các khâu sản xuất có ảnh hưởng nhiều đến môi trường như cô đúc, nhúng rửa, cán… để tập trung xử lý các chất thải trước khi đổ ra môi trường. Các công đoạn không gây ô nhiễm có thể giao cho các hộ gia đình làm gia công tại nhà.
Ngoài ra, khuyến khích cải tiến công nghệ, áp dụng công nghệ mới tiên tiến, công nghệ sản xuất sạch hơn nhằm giảm lượng phát thải, giảm định mức tiêu hao nguyên nhiên vật liệu. Tạo điều kiện cho chủ các cơ sở sản xuất được tập huấn về công nghệ và thiết bị trong sản xuất ở quy mô vừa và nhỏ. Sử dụng loại than có hàm lượng lưu huỳnh thấp để giảm lượng khí SO2.
Đồng thời, tách riêng nước thải sản xuất và nước thải sinh hoạt. Nếu là nước thải sản xuất có thể xử lý, lắng đọng sơ bộ rồi dùng phương pháp hồ sinh học để đảm bảo điều kiện vệ sinh trước khi thải ra mương tưới hoặc sông hồ.
Với nguồn nước thải có chứa chất độc hại, các chất hữu cơ khó phân hủy thì phải được thu gom và xử lý cục bộ ngay trong cơ sở sản xuất trước khi thải vào hệ thống kênh mương chung của thôn xóm.
Các thiết bị gây ồn lớn không thể khắc phục được do tính chất sản xuất thì phải chuyển địa điểm cách xa khu vực đông dân cư, không sản xuất vào giờ nghỉ ngơi cao điểm của nhân dân.
Đối với cơ sở sản xuất có sử dụng hóa chất bay hơi gây mùi khó chịu thì phải có hệ thống thu gom và xử lý triệt để, hoặc phải di chuyển địa điểm ra xa khu đông dân cư.
Khuyến khích hộ chăn nuôi theo mô hình trang trại - gia trại tập trung, hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ tại gia đình.
Châu Loan
Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 2/2014