Banner trang chủ

Cần huy động mọi nguồn lực tham gia vào công tác bảo vệ môi trường

25/12/2013

     Việt Nam đang trong thời kỳ đổi mới, nền kinh tế đang chuyển đổi từ kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường. Một vấn đề đặt ra là ngoài sự đầu tư từ ngân sách, Nhà nước cần phải huy động được mọi nguồn lực của xã hội cho phát triển. Chính vì vậy, Nhà nước đã đề ra chủ trương “xã hội hóa”, bao gồm cả lĩnh vực BVMT. Một cách khái quát nhất, xã hội hóa (XHH) công tác BVMT là việc huy động các nguồn lực từ các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, các tổ chức xã hội và cộng đồng tham gia các hoạt động BVMT. Sau đây là những ý kiến của các chuyên gia về lĩnh vực này.

 

GS. TS. Lê Văn Khoa
Viện Tư vấn phát triển CODE

 

     Mục đích của XHH công tác BVMT là nhằm huy động tối đa các nguồn lực trong xã hội thực hiện các hoạt động BVMT từ việc ra các quyết định, chính sách pháp luật tới những hoạt động trực tiếp, cụ thể nhằm giữ cho môi trường trong lành, sạch đẹp, bảo đảm cân bằng sinh thái, ngăn chặn, khắc phục các hậu quả xấu do con người và thiên tai gây ra cho môi trường, khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. XHH công tác BVMT phải biến chủ trương thành nghĩa vụ và quyền lợi của các tầng lớp trong xã hội; làm cho mọi đối tượng trong xã hội đều thấy được vai trò và trách nhiệm của mình trong giữ gìn, BVMT.

 

TS. Nguyễn Trung Thắng

Phó viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường

 

     Nhà nước ta đã đề ra chủ trương XHH công tác BVMT, huy động mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, các tổ chức xã hội và cộng đồng tham gia hoạt động BVMT. Tuy nhiên, công tác này cũng còn nhiều điểm vướng mắc như chưa xây dựng được quy định pháp lý để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia sâu rộng hơn trong lĩnh vực xử lý, phục hồi các điểm ô nhiễm môi trường; nhiều vấn đề môi trường vẫn còn bức xúc trong khi mọi nguồn lực xã hội chưa được tận dụng có hiệu quả. Điều đó đòi hỏi phải xây dựng và thực hiện các mô hình hợp tác công - tư, nhà nước và nhân dân cùng tham gia BVMT, nhất là trong việc khắc phục, cải tạo các điểm nóng về môi trường. Đặc biệt, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn các phong trào BVMT trong nhân dân, phát huy mạnh mẽ vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội, trong việc giám sát và thực thi các quy định pháp luật về BVMT.

 

TS. Nguyễn An Lương

Chủ tịch Hội KHKT An toàn Vệ sinh Lao động Việt Nam

 

     Vấn đề XHH không phải như nhiều người hiểu chỉ là huy động mọi tổ chức, cá nhân tham gia đóng Quỹ BVMT mà nó có ý nghĩa quan trọng trong quản lý nhà nước. Để phát huy vai trò tham gia chủ động và bình đẳng của người dân và tổ chức xã hội vào sự nghiệp BVMT, pháp luật cần quy định quyền này. Tuy nhiên, nếu chỉ có quyền thôi thì chưa đủ mà phải cho cộng đồng thấy trách nhiệm của họ được luật pháp quy định như thế nào. Điều đó đòi hỏi phải có những nghiên cứu chuyên sâu hơn về lĩnh vực này, coi trọng hơn nữa vai trò của quần chúng nhân dân trong công tác quản lý nhà nước về BVMT. Quan điểm XHH BVMT phải được thể hiện trong Luật BVMT (sửa đổi).

 

Bà Nguyễn Ngọc Lý

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng

 

     Pháp luật cần có một chương riêng về trách nhiệm BVMT của tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và cộng đồng dân cư. Đây là nội dung vô cùng quan trọng, Luật có nhiều quy định tới bao nhiêu mà không có sự tham gia trực tiếp của người dân thì khó đạt hiệu quả. Bên cạnh những quy định về quyền, thì trách nhiệm của mọi tổ chức, đoàn thể và người dân trong xã hội phải được thể hiện đầy đủ trong văn bản pháp luật nhằm bảo đảm tính khách quan trong công tác BVMT. Nếu chưa xây dựng một Nghị định riêng về vai trò của những đối tượng này thì cần có điều khoản riêng biệt trong Luật BVMT (sửa đổi) nhằm phát huy sáng kiến BVMT của mọi tổ chức và cá nhân trong xã hội.

 

Đức Trí (tổng hợp)

Chuyên đề Cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường

 

Ý kiến của bạn