Banner trang chủ

Cần có chế tài đủ mạnh để hạn chế vi phạm môi trường tại các khu công nghiệp

02/12/2013

ông Nguyễn Văn Lộc

Giám đốc Sở TN&MT Vĩnh Phúc

 

     Đó là ý kiến của ông Nguyễn Văn Lộc - Giám đốc Sở TN&MT Vĩnh Phúc trong cuộc trao đổi với Tạp chí Môi trường về những giải pháp nhằm tạo chuyển biến tích cực trong công tác BVMT tại các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh thời gian tới.

     Có thể nói tình trạng ô nhiễm môi trường trong những năm gần đây có nhiều nguyên nhân, trong đó có những bất cập của cơ chế, chính sách, pháp luật về BVMT… vậy ông có góp ý gì cho Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) nhằm phát huy hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường?

     Ông Nguyễn Văn Lộc: Trong quá trình lấy ý kiến đóng góp sửa đổi Luật BVMT 2005, Sở TN&MT Vĩnh Phúc đã có những ý kiến gửi về Bộ TN&MT. Tuy nhiên, với góc độ cá nhân, tôi kiến nghị Luật BVMT (sửa đổi) cũng như các Luật khác cần phải đảm bảo tính ổn định lâu dài, nhất quán và phù hợp với giai đoạn phát triển kinh tế hiện nay và trong tương lai. Do đó, tôi xin kiến nghị 3 vấn đề:

     Thứ nhất, về thể chế, chế tài cần quy định rõ trách nhiệm từng cấp, từng ngành trên cơ sở đó có cơ chế phối hợp chặt chẽ trong quản lý giám sát, thanh tra, xử lý các vi phạm. Đồng thời, chế tài xử lý phải đủ sức răn đe ngăn chặn các hành vi, vi phạm tăng cường phân cấp cho ngành TN&MT trong việc cấp phép, xử lý, phê duyệt đánh giá tác động môi trường;

     Thứ hai, về tổ chức bộ máy quản lý nhà nước nên có quy định cụ thể cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường ở các cấp. Tạo hành lang pháp lý theo hướng tăng cường quyền hạn và tạo tính chủ động của các cơ quan chuyên môn tham mưu quản lý nhà nước về môi trường (Sở TN&MT, Chi cục BVMT, Phòng TN&MT cấp huyện). Có thể nghiên cứu áp dụng mô hình quản lý theo ngành dọc nhằm tránh chồng chéo, dễ điều hành, giảm nhân lực tham gia công tác quản lý, tăng tính độc lập, chủ động nâng cao hiệu lực quản lý;

     Thứ ba, về cơ chế đầu tư cho BVMT; xem xét tăng mức chi sự nghiệp môi trường nhằm giải quyết các vấn đề môi trường cấp thiết; Cụ thể hóa mục chi, nội dung chi, bổ sung thêm các mục chi từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường. Xây dựng hệ thống định mức, đơn giá và hướng dẫn chi cụ thể cho các nhiệm vụ. Cơ chế quản lý đặc thù phù hợp mục đích chi, đơn giản hóa các thủ tục để tránh ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công việc, tạo sự chủ động cho đơn vị sử dụng; Bổ sung quy định về quyền hạn và trách nhiệm của Sở TN&MT trong việc lập, phân bổ dự toán chi cho lĩnh vực môi trường, trong quản lý nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường ở địa phương.

     Để công tác quy hoạch phát triển các khu, cụm, điểm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đáp ứng được những tiêu chuẩn về môi trường cần có những điều kiện gì, thưa ông?

     Ông Nguyễn Văn Lộc: Trước hết, khi đưa một KCN, cụm công nghiệp vào hoạt động đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường cần phải thực hiện tốt là chất lượng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật của khu và cụm công nghiệp. Hạn chế việc điều chỉnh, đồng thời trước khi chấp nhận các dự án thứ cấp chủ đầu từ phải xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng BVMT ở các khu KCN, cụm công nghiệp. Hạn chế việc xây dựng chắp vá theo hình thức cuốn chiếu.

     Thực hiện nghiêm quy hoạch xây dựng KCN đã được phê duyệt trên cơ sở thực hiện đồng bộ quy hoạch các ngành, lĩnh vực có liên quan, đảm bảo cung ứng cơ sở hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào hiện tại cũng như trong tương lai;

     Trong quá trình xem xét, cấp phép đầu tư, quy hoạch, bố trí địa điểm cho dự án cần cân nhắc các yếu tố môi trường; ưu tiên lựa chọn các dự án có công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường hoặc các lĩnh vực hoạt động phát sinh ít chất thải;

     Có chế tài bắt buộc các Công ty đầu tư xây dựng hạ tầng các KCN phải đầu tư hệ thống quan trắc môi trường tự động, đồng thời cơ quan quản lý TN&MT cần trang bị hệ thống quan trắc môi trường để giám sát hoạt động BVMT trên địa bàn tỉnh, nhất là ở khu vực đô thị và KCN tập trung. Đồng thời, để hạn chế việc vi phạm trong BVMT của các doanh nghiệp hoạt động trong KCN cần có chế tài xử lý cụ thể. Bên cạnh đó, cần có hình thức khen thưởng thỏa đáng đối với người làm công tác thanh tra trong lĩnh vực môi trường để hạn chế tiêu cực trong quá trình xử lý vi phạm.

 

KCN Khai Quang, tỉnh Vĩnh Phúc thu hút rất nhiều nhà đầu tư

trong và ngoài nước

 

     Không chỉ với thế mạnh công nghiệp mà làng nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng phát triển khá lớn về số lượng và đa dạng về loại hình. Nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề, tỉnh đã ban hành những chính sách hỗ trợ phát triển nghề và làng nghề, thưa ông?

     Ông Nguyễn Văn Lộc: Hiện nay tỉnh Vĩnh Phúc có 22 làng nghề truyền thống và làng nghề tiểu thủ công nghiệp đã được UBND tỉnh quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn làng nghề. Các làng nghề đều phát triển tốt về nhiều mặt, giá trị sản xuất, số hộ, số lao động tham gia sản xuất đều tăng, đồng thời đã hình thành được doanh nghiệp ở các làng nghề với việc đầu tư máy móc, thiết bị, ứng dụng công nghệ mới. Tuy nhiên, việc phát triển các làng nghề cũng kéo theo ô nhiễm môi trường như bụi, tiếng ồn ở các làng nghề mộc, đá mỹ nghệ, kim khí; ô nhiễm về nước thải ở các làng nghề sản xuất chế biến thực phẩm... đang có chiều hướng gia tăng. Từng bước khắc phục tình trạng này, HĐND tỉnh đã có Nghị quyết số 27/NQ-HĐND tỉnh về BVMT nông thôn, trong đó có chính sách đầu tư, hỗ trợ để giảm thiểu ô nhiễm làng nghề; Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân, trong đó có chương trình phát triển xây dựng các cụm làng nghề, cụm kinh tế - xã hội... Mặt khác, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai chính sách, hỗ trợ đối với các khu vực nông thôn (đặc biệt các làng nghề). Thực hiện nhiệm vụ này, Sở TN&MT đã triển khai 3 mô hình điểm về BVMT nông thôn, trong đó có 1 mô hình tại làng nghề mộc (Thị trấn Thanh Lãng). Đồng thời, triển khai Đề án hỗ BVMT nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2012-2020 do UBND tỉnh phê duyệt, Sở đang lập các dự án thành phần nhằm hỗ trợ xử lý nước thải, bụi khí thải khu vực nông thôn và làng nghề, trong đó hỗ trợ xây dựng 1 hệ thống xử lý nước thải tại làng sản xuất bún bánh, xã Lũng Hòa.

     Ngoài ra, năm 2013, Sở đang xây dựng kế hoạch BVMT làng nghề theo Thông tư số 46/2011/TT-BTNMT của Bộ TN&MT nhằm tăng cường công tác BVMT trong quản lý và phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh; Từng bước khắc phục, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, ngăn chặn việc phát sinh các làng nghề ô nhiễm môi trường mới; Bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn bền vững.

     Xin cảm ơn ông!

Trong quá trình lấy ý kiến đóng góp sửa đổi Luật BVMT 2005, Sở TN&MT Vĩnh Phúc đã có những ý kiến gửi về Bộ TN&MT. Tuy nhiên, với góc độ cá nhân, tôi kiến nghị Luật BVMT (sửa đổi) cũng như các Luật khác cần phải đảm bảo tính ổn định lâu dài, nhất quán và phù hợp với giai đoạn phát triển kinh tế hiện nay và trong tương lai.

 

 

Phạm Tuyên (Thực hiện)

Chuyên đề Xây dựng Luật BVMT (sửa đổi)

 

Ý kiến của bạn