15/07/2015
Hải Dương hiện có 65 làng nghề như chạm khắc gỗ, thêu ren, chế biến thực phẩm, bún, bánh đa, đến các làng nghề cơ khí, sản xuất hương, vật liệu xây dựng. Bên cạnh việc góp phần giải quyết công ăn việc làm và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân thì tình trạng ô nhiễm môi trường đang là vấn đề bức xúc của tỉnh Hải Dương. Hầu hết, chất thải của các làng nghề chỉ được xử lý sơ bộ hoặc không qua xử lý mà xả thẳng ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.
Kết quả phân tích môi trường nước mặt do Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường tỉnh Hải Dương thực hiện cho thấy, tại làng nghề bánh đa Tống Buồng, xã Thái Thịnh, huyện Kinh Môn, hàm lượng COD vượt từ 12 - 15 lần, TSS vượt từ 2 - 3 lần, Coliform vượt từ 11 - 19 lần, Amoni vượt từ 12 - 16 lần, Photphat vượt từ 26 - 31 lần tiêu chuẩn cho phép. Đa số các hộ sản xuất chủ yếu bằng phương pháp thủ công truyền thống, chất thải qua ngâm gạo và sản xuất bánh đa được thải trực tiếp ra môi trường, hiện nay, trong làng chỉ có 3 - 4 gia đình đầu tư xây dựng hệ thống thu gom nước thải sau sản xuất. Các đơn vị chức năng đã có nhiều khóa tập huấn về BVMT làng nghề tại các hộ gia đình, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có biện pháp hiệu quả nào được áp dụng tại đây.
Tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề đang là vấn đề bức xúc tại Hải Dương
Kết quả phân tích tại một số làng nghề như gỗ Đông Giao, mộc Cổ Dũng thuộc huyện Kim Thành cũng cho thấy, hàm lượng các chất ô nhiễm vượt nhiều lần so với quy chuẩn. Cụ thể, hàm lượng Amoni vượt 36 - 42 lần, PO4 vượt 13,8 - 49 lần, hàm lượng COD vượt 1,3 - 2,8 lần, BOD5 vượt 1,3 - 2 lần, chất rắn lơ lửng vượt 6 - 8 lần, Coliform vượt 1,2 lần… Bên cạnh đó, do sử dụng các loại nhiên liệu, hóa chất và vật tư trong công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng, mộc, chế biến nông sản thực phẩm nên tỉ lệ khói, bụi tạo ra trong sản xuất tại nhiều làng nghề cũng gây ô nhiễm nghiêm trọng. Các làng nghề có mức độ ô nhiễm môi trường không khí cao như Mật Sơn, Trại Mới, Làng Tường thuộc thị xã Chí Linh, An Thủy, Dương Nham thuộc huyện Kinh Môn, Dưỡng Thái Bắc (Kim Thành), Tráng Liệt, Trại Như, Phương Độ (Bình Giang), Đông Giao, Lê Xá (Cẩm Giàng)… Kết quả quan trắc tại 13 làng nghề năm 2014 cho thấy, có tới 4/13 làng nghề có hàm lượng bụi TSP vượt Quy chuẩn cho phép; 3/13 làng nghề có hàm lượng bụi PM10 vượt quy chuẩn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT.
Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hải Dương Tạ Hồng Minh, công tác xử lý môi trường làng nghề gặp không ít khó khăn do việc tuyên truyền về BVMT chưa được thực hiện thường xuyên, sâu rộng; Nguồn kinh phí cho BVMT làng nghề hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu; Các làng nghề có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, hệ thống thu gom chất thải còn ít nên khó thu gom vào các vị trí xử lý tập trung. Nhiều làng nghề đã được đầu tư, xây dựng hệ thống xử lý rác thải tập trung nhưng lại không có kinh phí để vận hành… Do vậy, thời gian tới, các Sở, ngành và chính quyền các địa phương cần có chính sách khuyến khích và đa dạng hóa đầu tư cho công tác BVMT làng nghề như xã hội hóa việc xử lý môi trường làng nghề; Xử lý nghiêm những cơ sở gây ô nhiễm môi trường, xóa bỏ một số cơ sở áp dụng công nghệ lạc hậu; Tiếp tục nghiên cứu chuyển giao công nghệ sạch thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, lồng ghép chương trình BVMT làng nghề vào các chương trình mục tiêu quốc gia.
Nam Việt