09/04/2020
Ngày 6/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.
Theo đó, giá mua điện với cả 3 loại hình gồm: điện mặt trời mặt đất, điện mặt trời nổi và điện mặt trời mái nhà đều giảm so với mức giá ưu đãi cũ. Cụ thể, dự án điện mặt trời nối lưới đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 23/11/2019 và có ngày vận hành thương mại của dự án hoặc một phần dự án trong giai đoạn từ ngày 01/7/2019 đến hết ngày 31/12/2020 thì dự án hoặc một phần dự án đó được áp dụng biểu giá mua điện mới: 1.783 VNĐ/kWWh (tương đương 7,69 UScent/kWh) cho dự án điện mặt trời nổi và 1.644 VNĐ/kWWh (tương đương 7,09 UScent/kWh) cho dự án điện mặt trời mặt. Giá mua điện này được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại và thay đổi theo tỷ giá thực tế.
Về hệ thống điện mặt trời mái nhà: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hoặc đơn vị thành viên được ủy quyền thực hiện thanh toán lượng điện năng từ hệ thống diện mặt trời mái nhà phát lên lưới điện quốc gia theo giá mua điện là 1.943 VNĐ/kWh (tương đương 8,38 UScent/kWh).
Trường hợp bên mua điện không phải EVN hoặc đơn vị thành viên được ủy quyền, giá mua điện và hợp đồng mua điện do các bên thỏa thuận phù hợp quy định của pháp luật hiện hành.
Giá mua điện được áp dụng cho hệ thống điện mặt trời mái nhà có thời điểm vận hành phát điện và xác nhận chỉ số công tơ trong giai đoạn từ ngày 1/7/2019 đến ngày 31/12/2020 và được áp dụng 20 năm kể từ ngày vào vận hành phát điện. Chi phí mua điện từ các dự án điện mặt trời mái nhà được hạch toán và đưa đầy đủ trong thông số đầu vào của phương án giá điện bán buôn và bán lẻ hàng năm của EVN. Hóa đơn thanh toán được lập trên cơ sở sản lượng điện giao và sản lượng điện nhận riêng biệt.
Hợp đồng mua bán điện mà bên mua điện là EVN hoặc đơn vị thành viên được ủy quyền của EVN phải tuân theo hợp đồng mua bán điện mẫu. Thời hạn của hợp đồng mua bán điện đối với các hệ thống điện mặt trời mái nhà tối đa là 20 năm kể từ ngày đưa vào vận hành phát điện. Sau thời gian này, việc gia hạn thời gian hợp đồng hoặc ký hợp đồng mới thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
Quyết định cũng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận, EVN theo dõi các dự án điện mặt trời nối lưới có ngày vận hành thương mại đáp ứng yêu cầu được hưởng giá mua điện hỗ trợ quy định tại Quyết định này và phù hợp với Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ về việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tể - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018 – 2023. Ban hành hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời nối lưới và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các hệ thống điện mặt trời mái nhà đối với trường hợp bên mua điện là EVN hoặc đơn vị thành viên được ủy quyền. ..
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp, hỗ trợ nhà đầu tư về bồi thường, giải phóng mặt bằng, hạ tầng, nguồn nhân lực để đầu tư, thực hiện và phát triển các dự án điện mặt trời trên địa bàn. Theo dõi, kiểm tra thực hiện các dự án diện mặt trời tại địa phương theo thẩm quyền. Báo cáo Bộ Công Thương về tình hình đăng ký, đầu tư phát triên các dự án điện mặt trời trên địa bàn.
EVN có trách nhiệm hạch toán đầy đủ chi phí mua điện của các dự án điện mặt trời ký hợp đồng mua bán điện với EVN, hoặc đơn vị thành viên được EVN ủy quyền và đưa vào thông số đầu vào trong phương án giá điện bán buôn và bán lẻ hàng năm của EVN; nghiên cứu đầu tư các giải pháp lưu trữ điện năng cho hệ thống nhằm đảm bảo vận hành ổn định hệ thống điện khi tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo; định kỳ hàng năm báo cáo Bộ Công Thương về hiện trạng đấu nối điện mặt trời, tổng công suất lắp đặt và sản lượng điện mua từ các dự án điện mặt trời nối lưới và hệ thống điện mặt trời mái nhà…
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 22/5/2020.
Vũ Hồng