Banner trang chủ

Công tác giám sát, quản lý ô nhiễm môi trường tại các địa phương trên lưu vực sông Cầu

26/09/2014

     Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái, cảnh quan lưu vực sông (LVS) Cầu" (Đề án sông Cầu) tại Quyết định số 174/2006/QĐ-TTg với mục tiêu từng bước xử lý ô nhiễm, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường dòng sông Cầu; Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả hệ thống cơ chế, chính sách với các giải pháp khả thi nhằm ngăn chặn mức độ gia tăng ô nhiễm, phục hồi, bảo vệ, tái tạo và phát triển tài nguyên môi trường lực sông Cầu; Thiết lập mô hình quản lý môi trường lưu vực phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội...

     Luật BVMT năm 2014 vừa được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua ngày 23/6/2014 tại kỳ họp thứ 7, gồm có 20 chương, 170 điều. Tại Chương VI, mục 1, nội dung BVMT nước sông đã quy định rõ về kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường nước LVS; trách nhiệm của các cơ quan liên quan đến BVMT LVS; quy định các nguồn thải vào LVS phải được quản lý phù hợp với sức chịu tải của sông, chất lượng nước sông và trầm tích phải được theo dõi và đánh giá; BVMT nước LVS phải gắn liền với bảo tồn đa dạng sinh học, khai thác và sử dụng nguồn nước sông.

     Theo đó, nội dung kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường nước LVS bao gồm việc thống kê, đánh giá, giảm thiểu và xử lý chất thải đổ vào LVS; định kỳ quan trắc và đánh giá chất lượng nước sông và trầm tích; điều tra, đánh giá sức chịu tải của sông; công bố các đoạn sông, dòng sông không còn khả năng tiếp nhận chất thải; xác định hạn ngạch xả nước thải vào sông; xử lý và cải thiện môi trường nước sông; quan trắc và đánh giá chất lượng nước sông và trầm tích sông xuyên biên giới...

     Để tổ chức thực hiện các quy định về BVMT nước LVS, Luật BVMT năm 2014 giao rõ trách nhiệm cho các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, trong đó, UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức BVMT nước LVS nội tỉnh, Bộ TN&MT chịu trách nhiệm tổ chức BVMT nước LVS liên tỉnh và sông xuyên biên giới. Bộ TN&MT có trách nhiệm tổng hợp thông tin về chất lượng môi trường nước, trầm tích các LVS, hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ; xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án BVMT LVS liên tỉnh.

     Trong thời gian qua, việc triển khai Đề án sông Cầu vẫn tồn tại các vấn đề môi trường bức xúc trong nội tỉnh và liên vùng, liên tỉnh như ô nhiễm nguồn nước do các hoạt động sản xuất tại các khu công nghiệp, làng nghề, ô nhiễm do chất thải phát sinh không được thu gom và xử lý, ô nhiễm nguồn nước do nước thải các khu đô thị, dân cư tập trung chưa có hệ thống thu gom và xử lý... Để khắc phục những tồn tại nêu trên, Ủy ban BVMT LVS Cầu đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan và 6 tỉnh trên địa bàn LVS Cầu đã có nhiều nỗ lực khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường nước LVS Cầu, chất lượng nước các sông trên LVS Cầu có xu hướng cải thiện rõ rệt. Trong năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014, các địa phương đã triển khai nhiều hoạt động kiểm soát ô nhiễm và giám sát môi trường, cụ thể:

     Tỉnh Bắc Cạn đã xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường của tỉnh giai đoạn 2012-2015, định hướng đến năm 2020. Từ năm 2013 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện quan trắc môi trường theo mạng lưới quan trắc môi trường được phê duyệt, trong đó có 8 điểm phân tích nước sông Cầu và 6 điểm phân tích nước các suối đổ vào sông Cầu. Năm 2013, Sở TN&MT phối hợp với Tổng cục Môi trường thực hiện điều tra, thống kê nguồn thải đối với 70 cơ sở trên LVS Cầu và cập nhật số liệu vào trang cổng thông tin môi trường LVS Cầu (http://lvscau.cem.gov.vn) và cổng thông tin quan trắc môi trường (http://quantracmoitruong.gov.vn); thực hiện điều tra, thống kê, đánh giá chất thải rắn, chất thải nguy hại của các cơ sở sản xuất kinh doanh, xây dựng phương án xử lý; điều tra, thống kê tình hình xử lý chất thải y tế phục vụ công tác BVMT; kiểm tra kiểm soát ô nhiễm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ LVS Cầu.

     Sở TN&MT đã tham mưu tổ chức thẩm định 21 báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM); Tham mưu thẩm định 11 đề án BVMT chi tiết (trong đó 10 đề án được UBND tỉnh phê duyệt; 1 đề án đang chỉnh sửa); Kiểm tra, xác nhận việc thực hiện các công trình, biện pháp BVMT, việc thực hiện đề án BVMT chi tiết của 36 dự án (Trong đó cấp 29 giấy xác nhận; 6 dự án chưa đủ điều kiện xác nhận); Thẩm định 19 hồ sơ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại (CTNH) (trong đó cấp được 14 sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH; 4 hồ sơ không đủ điều kiện; 1 hồ sơ đang thẩm định).

     Đối với tỉnh Thái Nguyên, hàng năm, công tác thống kê nguồn thải ra LVS Cầu được triển khai thông qua các hoạt động cấp phép xả thải; thanh kiểm tra việc chấp hành pháp luật BVMT; rà soát thống kê đưa vào danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Thông tư số 04/2012/TT-BTNMT; quan trắc giám sát chất lượng môi trường, thu phí BVMT đối với nước thải công nghiệp. Hiện nay, Sở TN&MT đã thống kê và quản lý chặt chẽ hơn 1.200 cơ sở sản xuất trong đó có gần 1.000 cơ sở có thải nước thải công nghiệp ra ngoài môi trường với 47 cơ sở có lưu lượng xả từ 100m3 trở lên và từ 50m3 xả trực tiếp ra sông Cầu hoặc phụ lưu cấp 1, 2 của sông Cầu.

     Công tác thẩm định cấp phép được quan tâm chỉ đạo nhằm đảm bảo vấn đề môi trường được quan tâm thực hiện ngay trong giai đoạn dự án đầu tư. Năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014, tỉnh đã đã phê duyệt trên 46 hồ sơ ĐTM, dự án cải tạo phục hồi môi trường; cấp, gia hạn, điều chỉnh giấy phép cho các cơ sở xả nước thải trên 70 lượt, qua đó làm căn cứ để xác định việc phát sinh chất thải của các đơn vị để có biện pháp quản lý kịp thời. Trong năm 2013, tỉnh tiếp tục thực hiện quan trắc hiện trạng môi trường tỉnh theo mạng lưới quan trắc đã được phê duyệt gồm 119 vị trí quan trắc, trong đó có 50 vị trí quan trắc môi trường nước mặt; 8 vị trí quan trắc môi trường nước thải; thực hiện quan trắc tự động tại 2 điểm trên sông Cầu (do Tổng cục Môi trường hỗ trợ) và tại khu công nghiệp sông Công (đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh). Kết quả quan trắc hiện trạng môi trường năm 2013 cho thấy, chất lượng nước tại sông Cầu đã dần được cải thiện, mặc dù tại một số điểm phía thượng lưu và hạ lưu sông Cầu có hiện tượng ô nhiễm tổng chất rắn lơ lửng và ô nhiễm nhẹ hữu cơ; tại một số nhánh suối phụ lưu còn ô nhiễm amoni. Tuy nhiên các chỉ tiêu khác về vi sinh, CN, dầu mỡ, phenol... đều có giá trị thấp nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 08:2008/BTNMT cột A2.

     Công tác thực hiện thu phí BVMT đối với nước thải theo Nghị định số 25/2013/NĐ-CP đã được phân cấp cho Phòng TN&MT các huyện thành thị. UBND tỉnh đã ban hành hướng dẫn và tổ chức thu phí đối với 94 cơ sở quy mô ĐTM, hiện các huyện đang tổ chức rà soát các đối tượng nộp phí thuộc đối tượng quy mô cam kết BVMT để tổ chức thu. Năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014 đã thu được trên 1,2 tỷ đồng phí nước thải công nghiệp.

     Tại Bắc Giang, công tác điều tra cơ bản, thống kê nguồn thải, kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường LVS được quan tâm thực hiện. Năm 2013, Sở TN&MT triển khai thực hiện kế hoạch mạng lưới quan trắc môi trường, điều tra, khảo sát các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh. Năm 2014, Sở TN&MT đang triển khai thực hiện kế hoạch khảo sát, thống kê các nguồn thải, đánh giá chất lượng nước thải của một số nguồn thải và nước mặt sông Cầu đoạn chảy qua địa bàn tỉnh Bắc Giang; UBND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo Sở TN&MT, UBND các huyện, thành phố tích cực đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường, ngay từ khi các dự án đầu tư (tổ chức thẩm định ĐTM; đăng ký bản cam kết BVMT), tăng cường quản lý chất thải nguy hại, chất thải rắn và vật liệu dư thừa từ quá trình sản xuất.

 

Sông Cầu đoạn chảy qua tỉnh Bắc Ninh

 

     Năm 2013, trên địa bàn tỉnh đã thẩm định, phê duyệt 90 hồ sơ ĐTM, đề án BVMT chi tiết, UBND các huyện, thành phố đã xác nhận 210 đăng ký bản cam kết BVMT và 48 đề án BVMT đơn giản. Tiếp tục đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp đẩy nhanh xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp. Hoạt động khai thác cát sỏi lòng sông trên địa bàn đã dần đi vào nề nếp, các cơ sở khai thác trong vùng được quy hoạch, cấp phép, giảm sạt lở bờ sông và giảm mức độ ô nhiễm các dòng sông của tỉnh; UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện tăng cường giám sát hoạt động sản xuất gạch, ngói thủ công của các cơ sở chuyển đổi sang công nghệ tiên tiến thường xuyên vận hành hệ thống xử lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Công tác thu phí BVMT đối với nước thải công nghiệp được tăng cường triển khai và đạt hiệu quả. Năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014 đã tổ chức thu phí BVMT đối với nước thải công nghiệp với tổng số tiền trên 3,2 tỷ đồng đối với 120 lượt cơ sở.

     Tỉnh Vĩnh Phúc: UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN&MT cùng các sở, ngành liên quan xây dựng và hoàn thiện một số đề án, đồ án quy hoạch môi trường cụ thể như: Đồ án Quy hoạch quản lý chất thải rắn đến năm 2020; Đề án BVMT giai đoạn 2012 - 2020 hướng tới mục tiêu “Thành phố Xanh”; Tổ chức nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung mạng lưới quan trắc môi trường tỉnh. Tỉnh đã thẩm định và phê duyệt 21 báo cáo ĐTM, 11 đề án BVMT chi tiết; xác nhận 78 bản cam kết BVMT, 70 đề án BVMT đơn giản; thẩm định 4 đề án cải tạo phục hồi môi trường và xác nhận hoàn thành các công trình BVMT cho 13 đơn vị; thẩm định hồ sơ và cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH cho 80 chủ nguồn thải; “Điều tra, thống kê, phân loại nguồn thải rắn lỏng ở các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc” tập trung vào 115 cơ sở sản xuất thuộc các ngành cơ khí điện tử; sản xuất vật liệu xây dựng; chế biến nông sản, thực phẩm, đồ uống; may mặc da giầy; hóa chất, dược, mỹ phẩm;.. có 32 nguồn thải chính với lưu lượng nước thải phát sinh từ 50m3 trở lên.

     Hàng năm, Sở TN&MT tiến hành quan trắc hiện trạng môi trường nước sông Phan và sông Cà Lồ với tần suất 4 lần/năm. Các thông số quan trắc bao gồm: Độ pH, BOD5, COD, DO, chất rắn lơ lửng, Pb, As, Fe, Cu, Zn, Cr, Amoni, Phosphat, Nitrat (tính theo nitơ), Cd, clorua, tổng dầu mỡ, tổng Coliform. Bên cạnh đó, công tác điều tra, thống kê tổng thể nguồn và lượng nước thải công nghiệp trong và ngoài các khu, cụm công nghiệp (CCN); chất thải rắn sinh hoạt; đánh giá thực trạng môi trường làng nghề tỉnh Vĩnh Phúc được triển khai thường xuyên.

     Tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch môi trường thời kỳ 2006-2020 và kế hoạch BVMT giai đoạn 2011-2015; Triển khai thực hiện Quy hoạch mạng quan trắc tài nguyên môi trường giai đoạn 2010-2015; Quy hoạch điểm tập kết, vận chuyển và xử lý rác thải khu vực nông thôn; Quy hoạch quản lý chất thải rắn đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

     Từ năm 2013 đến 6 tháng đầu năm 2014, tỉnh đã thẩm định, phê duyệt 123 hồ sơ ĐTM; Kiểm tra, xác nhận 33 cơ sở việc thực hiện các công trình, biện pháp BVMT; Thẩm định, cấp xác nhận 10 cơ sở đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu; Thẩm định, cấp gia hạn giấy phép cho 6 cơ sở vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại; Thẩm định, cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại 204 cơ sở.

     Qua 3 năm triển khai Đề án BVMT LVS Cầu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015, về cơ bản một số mục tiêu BVMT chủ yếu đề ra trong kế hoạch đã và đang được triển khai tốt, cụ thể: Cơ sở sản xuất xây dựng mới phải có công nghệ sạch hoặc có thiết bị giảm thiểu ô nhiễm môi trường, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 80%; Các khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt 83,3%; Chất thải nguy hại và chất thải bệnh viện được thu gom, xử lý đạt trên 90%; cơ sở có sử dụng hóa chất đã xây dựng biện pháp phòng ngừa và ứng phó sự cố hóa chất đạt 80%

     Tỉnh Hải Dương thực hiện Chương trình quản lý ô nhiễm công nghiệp giai đoạn 2012 - 2015 và định hướng đến năm 2020; điều tra khoảng 400 cơ sở công nghiệp trên địa bàn tỉnh; thực hiện quan trắc hiện trạng môi trường 4 lần/năm bao gồm quan trắc về nước, khí, đất và chất thải rắn sinh hoạt. Triển khai thực hiện dự án “Xây dựng mạng lưới các điểm quan trắc TN&MT (đất, nước, không khí, chất thải rắn sinh hoạt) trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2011 - 2015”. Kết hợp với Dự án VPEG thực hiện Chương trình điều tra kiểm kê 400 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phân loại lập Hồ sơ quản lý dữ liệu về môi trường.

     Để công tác triển khai Đề án sông Cầu đạt hiệu quả cao, trong thời gian tới, Ủy ban BVMT LVS sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương trên LVS triển khai đồng bộ các nhiệm vụ BVMT: Tập trung vào công tác kiểm tra, kiểm soát việc xả thải của các cơ sở sản xuất, xử lý dứt điểm các cơ sở khai thác cát, sỏi trái phép; Đầu tư cho hệ thống quan trắc, nhất là hệ thống quan trắc tự động, cảnh báo ô nhiễm tự động, giám sát hạ tầng kỹ thuật môi trường các cơ sở sản xuất kinh doanh; Tăng cường và đa dạng hóa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về BVMT; Triển khai công tác bảo vệ và trồng mới rừng, nâng độ che phủ của rừng trên toàn lưu vực, khôi phục cơ bản rừng đầu nguồn đã bị suy thoái; Tập trung xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; Tăng cường cơ chế phối hợp giải quyết các vấn đề môi trường liên ngành, liên tỉnh; Theo dõi và sớm có biện pháp ngăn chặn gia tăng ô nhiễm nước ở thượng lưu, giảm thiểu, xử lý ô nhiễm tại sông Cà Lồ, sông Ngũ Huyện Khê, chấm dứt tình trạng gia tăng ô nhiễm, cải thiện ô nhiễm nước tại phần hạ lưu chảy qua Bắc Giang, Bắc Ninh và Hải Dương. Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền tại các địa phương không phê duyệt những dự án không đảm bảo nội dung về BVM, những dự án mà chủ đầu tư không có đủ năng lực thực hiện đúng các cam kết BVMT; yêu cầu các đơn vị kinh doanh hạ tầng phải hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tập trung trước khi cấp giấy phép đầu tư cho các doanh nghiệp đi vào hoạt động; kiên quyết đình chỉ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải sản xuất, xả trực tiếp ra môi trường...

     Năm 2015, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các tỉnh trên LVS Cầu là tập trung triển khai thống kê, điều tra nguồn thải lỏng, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nguồn thải và lập bản đồ nguồn ô nhiễm để có lộ trình kiểm soát, xử lý tổng thể đối với nguồn thải tại địa phương. Ủy ban BVMT LVS Cầu phối hợp với Bộ TN&MT tổng hợp, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nguồn thải và tiến tới lập bản đồ nguồn ô nhiễm trên toàn lưu vực, cập nhật thường xuyên và điều phối việc triển khai kế hoạch, lộ trình kiểm soát, xử lý tổng thể đối với nguồn thải trên toàn lưu vực; đánh giá kết quả quản lý, xử lý nguồn thải của các địa phương tại các Phiên họp Ủy ban BVMT LVS Cầu và công khai các nguồn thải chính, gây ô nhiễm môi trường liên tỉnh trên LVS Cầu.

 

            Phạm Đình

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 8/2014

 

 

 

 

Ý kiến của bạn