Banner trang chủ

Có 2,4 triệu ha rừng đặc dụng vào năm 2020

29/11/2014

     Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu đến năm 2020 đưa diện tích hệ thống rừng đặc dụng hiện có từ 2,2 triệu ha lên 2,4 triệu ha. Mục tiêu tổng quát của quy hoạch là bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, giá trị cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và các loài  sinh vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm trong hệ thống rừng đặc dụng.

     Rà soát quy hoạch 164 khu rừng đặc dụng

     Nội dung quy hoạch sẽ thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch đối với 164 khu rừng đặc dụng phù hợp với kết quả rà soát quy hoạch lại 3 loại rừng theo Chỉ thị số 38/2005/CT-TTg ngày 5/12/2005 (rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất); thống nhất với phân hạng các khu rừng đáp ứng tiêu chí theo quy định.

     Hoàn thiện hệ thống rừng đặc dụng cả nước đến năm 2020 đạt 2,4 triệu ha, bao gồm 176 khu: 34 Vườn quốc gia, 58 Khu bảo tồn thiên nhiên, 14 Khu bảo tồn loài/sinh cảnh, 61 Khu bảo vệ cảnh quan và các Khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học.

     Quy hoạch theo 8 vùng

     Quy hoạch theo 8 vùng (Tây Bắc, Đông Bắc, đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam bộ). Cụ thể, Vùng Tây Bắc sẽ bảo vệ các hệ sinh thái rừng vùng núi thấp và trung bình, các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm và một số loài quý, hiếm khác trong các khu rừng đặc dụng với tổng diện tích khoảng 222.000 ha, bao gồm chuyển tiếp 10 khu bảo tồn thiên nhiên, 1 khu bảo vệ cảnh quan; thành lập mới khu bảo tồn thiên nhiên Mường La với diện tích khoảng 17.000 ha, nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học, bảo vệ lưu vực cho thủy điện Sơn La...

 

 

     Đối với Vùng Đông Bắc, bảo vệ vùng sinh thái chuyển tiếp từ thềm lục địa ven biển, qua đồng bằng, đồi núi thấp tới núi trung bình và núi cao; bảo tồn hệ sinh thái rừng gắn với những địa danh nổi tiếng như vịnh Hạ Long, núi Tam Đảo, hồ Ba Bể, dãy núi Hoàng Liên Sơn - Sa Pa,... với tổng diện tích khoảng 400.000 ha, bao gồm chuyển tiếp 37 khu rừng đặc dụng hiện có; thành lập mới 3 khu bảo tồn thiên nhiên (Bát Xát tỉnh Lào Cai, Hồ Núi Cốc tỉnh Thái Nguyên và Chí Sán tỉnh Hà Giang); 2 khu bảo tồn loài và sinh cảnh (Mẫu Sơn, Bắc Sơn tỉnh Lạng Sơn); 5 khu bảo vệ cảnh quan (Mã Pì Lèng tỉnh Hà Giang, Suối Mỡ tỉnh Bắc Giang, Rừng văn hóa, lịch sử thành phố Hạ Long, khu rừng văn hóa lịch sử Yên Lập, khu văn hóa lịch sử Đông Triều tỉnh Quảng Ninh) và 1 khu rừng nghiên cứu thực nghiệm khoa học cho Trung tâm khoa học Lâm nghiệp vùng Trung tâm Bắc Bộ...

     Quản lý hiệu quả hơn hệ thống rừng đặc dụng

     Hệ thống rừng đặc dụng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ môi trường thiên nhiên, phòng hộ đầu nguồn, bảo tồn đa dạng sinh học và nguồn gen quý hiếm; những chức năng, nhiệm vụ quan trọng của các khu rừng đặc dụng hiện nay góp phần làm hài hòa giữa việc phát triển kinh tế xã hội với việc bảo vệ môi trường, ứng phó với diễn biến thay đổi khí hậu.

     Hơn 50 năm qua, với những nỗ lực không ngừng của Chính phủ, công tác bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên trong các khu rừng đặc dụng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhận thức về rừng của toàn xã hội được nâng cao, quan điểm đổi mới xã hội hoá được triển khai thực hiện có hiệu quả; hệ thống pháp luật về bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học trong rừng đặc dụng ngày được hoàn thiện hơn góp phần tích cực vào việc thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Vai trò, trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng đặc dụng của các ngành, chính quyền các cấp, các tổ chức xã hội ngày càng được làm rõ và nâng cao.

     Để tiếp tục quản lý hiệu quả hơn đối với hệ thống rừng đặc dụng cả nước theo Chiến lược quản lý hệ thống rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển, khu bảo tồn vùng nước nội địa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước đến năm 2020.

 

Hương Trần

Ý kiến của bạn