Banner trang chủ

Các quy định về quản lý hoạt động nhận chìm và đề xuất giải pháp ở biển Việt Nam

14/12/2016

   Biển và đại dương đang bị ô nhiễm do các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Một trong các nguồn gây ô nhiễm là việc nhận chìm bất hợp pháp chất thải và chất khác xuống biển, đại dương. Do vậy, cần kiểm soát và quản lý hiệu quả hoạt động nhận chìm nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, kết hợp hài hòa giữa BVMT và phát triển kinh tế - xã hội.

Nhận chìm vật liệu nạo vét ở Mỹ

   Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, nhận chìm chất thải, đặc biệt là nhận chìm vật liệu nạo vét tại các cảng biển, luồng lạch xuống biển vẫn được thực hiện. Theo số liệu của Tổ chức Hàng Hải quốc tế năm 2015, hàng năm thế giới có khoảng 250 - 500 triệu tấn vật liệu nạo vét được cấp phép cho nhận chìm ở biển. Tuy nhiên, không phải vật, chất nào cũng được nhận chìm xuống biển cũng như không phải khu vực nào trên biển cũng cho phép nhận chìm. Vật, chất cần được đánh giá kỹ lưỡng và cấp giấy phép trước khi nhận chìm. Do vậy, việc tiến hành nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là các điều ước quốc tế, trên cơ sở đó ban hành quy định cũng như đề xuất các giải pháp tăng cường hiệu quả quản lý hoạt động nhận chìm ở biển Việt Nam là cần thiết.

   Các quy định quốc tế về hoạt động nhận chìm ở biển

   Công ước về ngăn ngừa ô nhiễm biển do nhận chìm chất thải và các chất khác năm 1972 (Công ước Luân Đôn 1972) có hiệu lực từ ngày 30/8/1975. Công ước nhằm mục đích ngăn chặn hoạt động nhận chìm chất thải xuống biển, đại dương thông qua việc cấm nhận chìm đối với các chất độc hại và phải thiết lập một chương trình quốc gia để giám sát, cấp phép việc nhận chìm chất thải và chất khác. Theo số liệu của Tổ chức Hàng hải Quốc tế, tính đến ngày 2/11/2016, thế giới có 87 nước tham gia Công ước Luân Đôn 1972.

   Công ước Luân Đôn 1972 có 22 Điều và 3 Phụ lục với các nội dung: Quy định thiết lập cơ chế cấp phép (Điều 6); Quy định về hành chính, thực thi và các vấn đề thủ tục (Điều 7 - Điều 12); Quy định của Công ước và quy định hoạt động, quyền hạn của Ban thư ký Công ước (Điều 13 - Điều 20).

   Bên cạnh đó, Công ước Luật biển năm 1982 đã được Liên hợp quốc thông qua năm 1982 bao gồm nội dung về phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm do nhận chìm ở biển. Đối với vấn đề nhận chìm ở biển, Công ước đã điều chỉnh tại khoản 1 Điều 1, Điều 210 và Điều 216, theo đó, các quốc gia thông qua luật và quy định để phòng ngừa, hạn chế và kiềm chế ô nhiễm môi trường biển do sự nhận chìm. Việc nhận chìm ở trong lãnh hải, trong vùng đặc quyền kinh tế hay trên thềm lục địa chỉ được tiến hành khi được sự đồng ý của quốc gia ven biển có quyền cho phép, quy định và kiểm soát sự nhận chìm này.

   Mặt khác, Nghị định thư 1996 của Công ước về ngăn ngừa ô nhiễm biển do nhận chìm chất thải và các chất khác (Nghị định thư 1996) có hiệu lực từ ngày 24/3/2006, sau khi có 26 quốc gia tham gia ký kết. Theo số liệu của Tổ chức Hàng Hải quốc tế, tính đến ngày 2/11/2016, có 47 quốc gia tham gia Nghị định thư 1996. Nghị định có 29 Điều và 3 Phụ lục. Trong đó, Phụ lục I liệt kê danh sách chất thải, các chất khác có thể được xem xét cấp giấy phép nhận chìm; Phụ lục II phác thảo các thủ tục để đánh giá chất thải hoặc chất khác có thể được xem xét để cho nhận chìm; Phụ lục III mô tả về các thủ tục trọng tài.

   Có thể nói, việc thiết lập các điều ước quốc tế nêu trên góp phần quan trọng trong việc kiểm soát, ngăn ngừa ô nhiễm biển do hoạt động nhận chìm ở quy mô toàn cầu.

Hàng năm, thế giới có khoảng 250 - 500 triệu tấn vật liệu nạo vét được cấp phép cho nhận chìm ở biển

   Các quy định về quản lý hoạt động nhận chìm ở biển của Việt Nam

   Việt Nam cũng đã có một số văn bản pháp quy liên quan đến hoạt động nhận chìm ở biển, trong đó phải kể đến: Luật BVMT năm 2005, tại khoản 4 Điều 57 đã quy định “Nghiêm cấm mọi hình thức đổ chất thải trong vùng biển nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Tuy nhiên, Luật BVMT năm 2014 đã quy định cho phép hoạt động nhận chìm trong vùng biển Việt Nam tại Khoản 3, Điều 50 “Việc nhận chìm, đổ thải ở biển và hải đảo phải căn cứ vào đặc điểm, tính chất của loại chất thải và phải được phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền”. Mặc dù vậy, quy định này chỉ mang tính quy định khung, không có quy định chi tiết và Luật cũng không giao cho cơ quan nào hướng dẫn chi tiết nội dung này, do vậy, quy định không thể triển khai được trong thực tế.

   Cùng với đó, Luật Biển Việt Nam năm 2012 cũng chỉ đề cập ngắn gọn đối với vấn đề nhận chìm ở biển. Cụ thể tại Khoản 3 Điều 35 của Luật quy định “tàu, thuyền, tổ chức, cá nhân không được thải, nhận chìm hay chôn lấp các loại chất thải công nghiệp, chất thải hạt nhân hoặc các loại chất thải độc hại khác trong vùng biển Việt Nam”.

   Gần đây nhất, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật TN&MT biển và hải đảo, có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 và kèm theo đó là Nghị định số 40/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật TN&MT biển và hải đảo. Tại Mục 3 Chương VI của Luật quy định về nhận chìm ở biển với 7 Điều: Yêu cầu đối với việc nhận chìm; vật chất được nhận chìm ở biển; giấy phép nhận chìm; cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, trả lại Giấy phép nhận chìm; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép nhận chìm; kiểm soát hoạt động nhận chìm; nhận chìm ngoài vùng biển Việt Nam gây thiệt hại tới TN&MT biển và hải đảo Việt Nam. Đặc biệt, Nghị định số 40/2016/NĐ-CP có Chương VIII gồm 12 điều (từ Điều 49 - 60) quy định về nhận chìm, bao gồm quy định chi tiết hồ sơ, trình tự thủ tục cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, trả lại Giấy phép nhận chìm ở biển cũng như chấm dứt hiệu lực Giấy phép nhận chìm ở biển…

   Một số giải pháp tăng cường hiệu quả quản lý hoạt động nhận chìm ở biển Việt Nam

   Có thể nói từ trước khi ban hành Luật TN&MT biển và hải đảo, Nghị định số 40/2016/NĐ-CP, đã có một số văn bản đề cập đến hoạt động nhận chìm ở biển nhưng chỉ mới chung chung nên không thể triển khai thực tế, cũng như chưa có quy định cụ thể về cơ quan cấp phép, quản lý hoạt động nhận chìm và trách nhiệm, quyền hạn của các tổ chức, cá nhân xin phép nhận chìm. Do vậy, công tác quản lý hoạt động nhận chìm ở biển hầu như bị bỏ ngỏ. Theo đó, việc ban hành Luật TN&MT biển và hải đảo và Nghị định số 40/2016/NĐ-CP đã tạo ra hành lang pháp lý cho công tác quản lý hoạt động nhận chìm ở biển, mặc dù mới có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, nhưng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cũng như Sở TN&MT các tỉnh ven biển đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến về các nội dung có liên quan đến nhận chìm để mọi người hiểu và tuân thủ các quy định của pháp luật về hoạt động nhận chìm ở biển.

   Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động nhận chìm ở biển, trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp sau: Hoàn thiện khung pháp lý về quản lý, đặc biệt là việc xây dựng các quy định kỹ thuật về đánh giá vật, chất được phép nhận chìm cũng như xác định khu vực nhận chìm; Xây dựng, kiện toàn, nâng cao năng lực hệ thống quản lý; Nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ; Đào tạo, huấn luyện để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, chuyên gia các cấp tham gia vào việc cấp phép và quản lý hoạt động nhận chìm ở biển.

   Cùng với đó, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về BVMT do hoạt động nhận chìm ở biển để mọi người hiểu và tuân thủ các quy định pháp luật về quản lý hoạt động nhận chìm; đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ sự hỗ trợ, học hỏi kinh nghiệm của quốc tế, đặc biệt là các quốc gia phát triển. Đồng thời, cần nghiên cứu, đề xuất Việt Nam gia nhập Công ước Luân Đôn 1972 và Nghị định thư 1996 về kiểm soát, quản lý hoạt động nhận chìm ở biển.

TS. Đào Văn Hiền, TS. Đỗ Văn Sen, ThS. Nguyễn Thị Minh Hải

Cục Kiểm soát Tài nguyên và BVMT biển, hải đảo

Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11/2016

Ý kiến của bạn