12/06/2020
1. Bối cảnh sửa đổi các quy định về đánh giá tác động môi trường
Trong những năm qua, nước ta có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, công nghiệp, giao thông, xây dựng,... có những lúc phát triển nóng gây ra những áp lực đối với môi trường. Lượng chất thải thải ra môi trường ngày càng gia tăng và chưa có phương thức quản lý, sử dụng một cách phù hợp dẫn đến lãng phí tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường. Ô nhiễm, suy thoái đất, nước, không khí còn diễn ra nhiều nơi đang gây tổn hại cho nền kinh tế cũng như toàn xã hội. Nhiều dự án, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường chưa được kiểm soát chặt chẽ, vẫn còn tình trạng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa có hạ tầng thu gom, xử lý nước thải tập trung, làng nghề gây ô nhiễm môi trường. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia bị tác động nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH). BĐKH và nước biển dâng đã diễn ra nhanh hơn dự báo, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân.
Trước những thách thức về môi trường và BĐKH, yêu cầu bảo đảm phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường (BVMT), ứng phó với BĐKH càng trở nên cấp thiết. Trong bối cảnh hiện nay, Nhà nước cần có cơ chế khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý Nhà nước về BVMT và ứng phó với BĐKH nói chung, đánh giá tác động môi trường (ĐTM) nói riêng và đề xuất các giải pháp phù hợp có tính dự báo cho xu hướng phát triển của Việt Nam trong tương lai.
2. Các quy định mới dự kiến bổ sung, sửa đổi
Sàng lọc môi trường và Đánh giá sơ bộ tác động môi trường
Theo Luật Đầu tư công, các dự án đầu tư công khi xem xét quyết định chủ trương đầu tư đều phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường. Luật Đầu tư cũng quy định trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ khi xin chấp thuận chủ trương đầu tư phải có nội dung “Đánh giá sơ bộ tác động môi trường, các giải pháp BVMT”. Tuy nhiên, Luật BVMT năm 2014 không quy định về đánh giá sơ bộ tác động môi trường, trong khi quy định việc ĐTM phải thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị Dự án. (1)
Việc bổ sung quy định về đánh giá sơ bộ tác động môi trường vào Dự thảo Luật BVMT sửa đổi (Dự thảo) là đảm bảo sự thống nhất trong các quy định pháp luật liên quan đến đánh giá sơ bộ tác động môi trường trong pháp luật về đầu tư, đầu tư công và BVMT. Tuy nhiên, Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) quy định đánh giá sơ bộ tác động môi trường chỉ áp dụng với các loại hình Dự án:
- Dự án đầu tư công (bao gồm các dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án nhóm B, dự án nhóm C) có cấu phần xây dựng thuộc loại hình công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, trừ các dự án đầu tư công khẩn cấp, dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia và dự án thành phần thuộc dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư;
- Dự án đầu tư xây dựng theo phương thức đối tác công tư;
- Dự án đầu tư xây dựng không thuộc quy định tại điểm a khoản này được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc dự án đầu tư xây dựng thuộc đối tượng phải đánh giá tác động môi trường thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Chủ tịch UBND cấp tỉnh theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Đồng thời, việc sàng lọc dự án được thực hiện dựa trên quy hoạch BVMT quốc gia, vùng, tỉnh, trong đó phải có định hướng, phương án khoanh định, xác lập các khu vực cần bảo tồn, bảo vệ, phục hồi môi trường, sinh thái.
Quy định về sàng lọc môi trường/đánh giá sơ bộ tác động môi kiểm soát được rủi ro tác động môi trường của các dự án đầu tư nhằm định hướng các hoạt động phát triển phù hợp với chức năng, mức độ nhạy cảm, khả năng chịu tải của môi trường. Trên cơ sở khoanh định, xác lập các khu vực cần bảo tồn, bảo vệ, phục hồi môi trường, sinh thái trên phạm vi cả nước, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được sắp xếp, bố trí phù hợp tại các vùng môi trường tương ứng, bảo đảm tận dụng tối đa các ưu thế về sử dụng tài nguyên thiên nhiên, giúp tăng cường khả năng tuần hoàn, quay vòng xử lý chất thải tại các dự án có tính chất tương hỗ, liên kết với nhau. Hoạt động phát triển theo kết quả khoanh định, xác lập các khu vực cần bảo tồn, bảo vệ, phục hồi môi trường, sinh thái trên phạm vi cả nước sẽ tránh được những xung đột về môi trường trong khai thác, sử dụng tài nguyên và xử lý chất thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên vùng đã được phân định.
Việc thực hiện ĐTM sơ bộ là một nội dung trong quá trình phê duyệt chủ trương đầu tư, không tạo thành một thủ tục hành chính riêng đối với doanh nghiệp. Các tiêu chí sàng lọc dự án dựa trên các yếu tố tác động đến môi trường về mức độ ảnh hưởng của dự án, thay vì chỉ quan tâm tới quy mô vốn đầu tư, đảm bảo các quy định về quy hoạch BVMT được triển khai trên thực tế theo hướng khoa học và phù hợp với thông lệ quốc tế. Việc sàng lọc dự án dựa trên cơ sở khoanh định, xác lập các khu vực cần bảo tồn, bảo vệ, phục hồi môi trường, sinh thái giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, công sức để xác định vị trí dự án.
Các dự án đầu tư phải phê duyệt chủ trương đầu tư theo pháp luật về đầu tư, đầu tư công được xác định theo quy mô nguồn vốn và tính chất quan trọng về các vấn đề môi trường, kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, chỉ những dự án đầu tư xây dựng hoặc có cấu phần xây dựng mới có khả năng gây ra những tác động đến môi trường. Do vậy, sẽ là lãng phí nguồn lực khi yêu cầu các dự án không có cấu phần xây dựng (như dự án văn hóa, phát triển giáo dục, thể thao, phát triển công nghệ thông tin,...) phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường.
Đánh giá tác động môi trường
Chế định về ĐTM đã được thực hiện gần 30 năm nay (từ năm 1993), tuy nhiên, trong quá trình thanh, kiểm tra, các vi phạm về không thực hiện đúng theo ĐTM được phê duyệt là lỗi khá phổ biến chiếm khoảng 10% các loại lỗi vi phạm trong xử phạt vi phạm hành chính về BVMT. Một trong các nguyên nhân là do ĐTM chỉ là công cụ dự báo, nên khó có thể một báo cáo ĐTM chi tiết đến mức có thể dự báo định lượng và nêu rõ các giải pháp giảm thiểu tất cả các tác động, rủi ro, sự cố về môi trường và xã hội có thể xảy ra trong suốt vòng đời của dự án. Trong khi đó, pháp luật về BVMT đang coi báo cáo phê duyệt ĐTM là căn cứ để thanh tra, kiểm tra và căn cứ để chủ dự án tổ chức thực hiện các biện pháp BVMT trong quá trình triển khai dự án.
Yêu cầu về năng lực đảm bảo thực hiện ĐTM của tư vấn ĐTM vẫn còn bỏ ngỏ, dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp thuê các tư vấn không có kinh nghiệm chuyên môn chuẩn bị nên dữ liệu thông tin thiếu và kém tạo nên báo cáo ĐTM có chất lượng không tốt, không sát thực tế tiềm ẩn rủi ro bị xử phạt đối với doanh nghiệp khi đi vào hoạt động.
Quy trình lấy ý kiến cộng đồng trong quá trình thực hiện ĐTM không được thực hiện đầy đủ có thể dẫn đến ý kiến, tri thức bản địa của cộng đồng không được thu nhận. Việc này có thể ảnh hưởng đến đời sống của người dân vùng chịu tác động của dự án, tiềm ẩn gây ra những tranh chấp, xung đột quyền lợi về môi trường khi dự án triển khai, đi vào hoạt động.
Những quy định mới về ĐTM được bổ sung trong Dự thảo Luật BVMT sửa đổi nhằm giải quyết các bất cập nêu trên.
Đặc biệt, Dự thảo quy định rõ quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM là căn cứ để cấp có thẩm quyền thực hiện các công việc liên quan đến thủ tục đầu tư, xây dựng, cấp phép hoạt động của dự án, đồng thời công cụ ĐTM có vai trò trong giai đoạn thực hiện dự án; việc quản lý dự án, cơ sở khi đi vào vận hành được thay thế bằng công cụ Giấy phép môi trường, đăng ký môi trường.
Các quy định mới này đã đảm bảo vị trí, vai trò, phát huy hiệu quả, hiệu lực của công cụ ĐTM trong quản lý môi trường; đảm bảo công cụ ĐTM là một phần hoạt động sàng lọc dự án đầu tư; góp phần nâng cao chất lượng của báo cáo ĐTM và âng cao ý thức, trách nhiệm BVMT của các doanh nghiệp.
Giấy phép môi trường
Hiện nay, sau khi thực hiện ĐTM, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đang phải thực hiện nhiều loại giấy phép, giấy xác nhận có tính chất như giấy phép để thực hiện nghĩa vụ về BVMT. Một cơ sở thuộc đối tượng ĐTM thường phải thực hiện các loại giấy tờ mang tính giấy phép như sau:
+ Giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT hoặc giấy chứng nhận đủ điều kiện về BVMT trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, giấy phép xử lý chất thải nguy hại;
+ Giấy phép xả thải vào nguồn nước hoặc giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi;
+ Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại.
Các loại giấy phép này có thể do các cơ quan cấp phép khác nhau (Bộ TN&MT, UBND cấp tỉnh, Sở TN&MT hoặc Bộ NN&PTNT, Sở NN&PTNT) nên đôi khi có những yêu cầu về trách nhiệm, nghĩa vụ pháp lý không đồng nhất giữa các giấy phép làm khó khăn cho cơ sở khi tuân thủ, đồng thời khó cho việc thanh, kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước.
Nhằm hạn chế sự chồng chéo, trùng lặp trong các giấy phép về BVMT nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện tốt nghĩa vụ về BVMT, đồng thời giúp cơ quan Nhà nước có sự quản lý thống nhất về BVMT, Dự thảo đã bổ sung quy định về Giấy phép môi trường
Giấy phép môi trường là văn bản do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xả thải vào môi trường, quản lý chất thải, nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất kèm theo các yêu cầu, điều kiện về BVMT theo quy định của pháp luật. Với những đối tượng có tác động môi trường đơn giản hơn (tương ứng với phân cấp thẩm định ĐTM) sẽ thực hiện đăng ký môi trường.
Giấy phép môi trường được cấp căn cứ vào hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường, phân vùng môi trường, quy hoạch bảo vệ môi trường, khả năng chịu tải của môi trường (nếu có), quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về môi trường và các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường có liên quan.
Dự án đầu tư phải có giấy phép môi trường trước khi đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định thiết kế cơ sở hoặc thẩm định thiết kế bản vẽ thi công. Kể từ ngày giấy phép môi trường có hiệu lực, các văn bản: quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép, giấy chứng nhận, xác nhận, thẩm định về môi trường của dự án hết hiệu lực.
Việc hợp nhất các giấy phép về BVMT sẽ giúp các cơ quan BVMT quyết định một lần toàn bộ các vấn đề môi trường của cơ sở sản xuất kinh doanh (biện pháp tiền kiểm). Điều này giúp các quyết định được đưa ra một cách toàn diện, triệt để hơn và có chất lượng hơn. Các quyết định này sẽ gián tiếp giúp chất lượng môi trường được nâng cao. Bên cạnh đó, Nhà nước có những quyết định chuẩn xác, rõ ràng hơn trong hoạt động thanh, kiểm tra do việc thực hiện một giấy phép duy nhất sẽ không làm phát sinh tình huống các giấy phép được cấp có yêu cầu, nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý không đồng nhất.
Đối với doanh nghiệp, việc chỉ phải thực hiện đúng theo một giấy phép giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong việc tuân thủ pháp luật, tránh được những rủi ro pháp lý bị xử phạt vi phạm hành chính do không tuân thủ đúng quy định giấy phép được cấp trong trường hợp các giấy phép được cấp có yêu cầu pháp lý không thống nhất với nhau.
3. Một số vấn đề cần thảo luận tiếp
Về đánh giá sơ bộ tác động môi trường
Theo quy định nêu trong Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi), đánh giá sơ bộ tác động môi trường được thực hiện trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi hoặc đề xuất chủ trương đầu tư của dự án; kết quả đánh giá sơ bộ tác động môi trường được thể hiện là một phần trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư. Thực tế hiện nay tất cả các dự án đầu tư khi đề xuất chủ trương đầu tư đều có báo cáo đầu tư trong đó có nội dung về tác động môi trường (là một mục hoặc một chương của báo cáo đầu tư, tùy thuộc quy mô và tính chất của dự án. Thông lệ quốc tế cũng quy định mọi dự án đều phải thực hiện đánh giá môi trường sơ bộ (hoặc đánh giá môi trường ban đầu) để cung cấp cơ sở cho chủ đầu tư tự sàng lọc dự án, và cơ quan thẩm quyền phân loại quản lý dự án khi ra quyết định.
Hiện nay, Dự thảo Luật BVMT cũng có quy định phân loại dự án đầu tư để quản lý theo công cụ ĐTM và Giấy phép môi trường, cụ thể: 1) Dự án đầu tư chỉ phải thực hiện ĐTM trong giai đoạn chuẩn bị dự án và không phải có Giấy phép môi trường; 2) Dự án đầu tư phải thực hiện ĐTM trong giai đoạn chuẩn bị dự án và phải có giấy phép môi trường trước khi vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải của dự án (giai đoạn thực hiện dự án); 3) Dự án đầu tư không phải thực hiện ĐTM nhưng phải có giấy phép môi trường trong giai đoạn chuẩn bị dự án; và 4) Dự án không phải thực hiện quy định tại các khoản 1, 2 và 3 nêu trên. Tuy nhiên không có quy định rõ cơ quan nào thực hiện phân loại, thực hiện khi nào và dựa trên cơ sở nào để phân loại dự án đầu tư như vậy.
Vậy nên chăng cân nhắc quy định đối tượng phải đánh giá sơ bộ ĐTM là tất cả các dự án đầu tư, để các cơ quan thẩm quyền khi xem xét hồ sơ có cơ sở ra quyết định đầu tư, bao gồm phân loại dự án, để thực hiện tiếp các thủ tục môi trường trong giai đoạn sau?
Đánh giá tác động và bồi hoàn đa dạng sinh học trong ĐTM
Việt Nam được ghi nhận là một trong 16 quốc gia có tính đa dạng sinh học (ĐDSH) cao trên thế giới, với nhiều kiểu hệ sinh thái, các loài sinh vật. Các cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp của Việt Nam đã và đang thu hút nhiều khách tham quan du lịch từ khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam đang đối diện với nguy cơ suy thoái ĐDSH và sự mất cân bằng sinh thái diễn ra mạnh mẽ, đồng thời nhiều vụ việc xảy ra các hoạt động phá hủy/phá vỡ toàn bộ hay một hợp phần của cảnh quan. Nguyên nhân của tình trạng này là do áp lực gia tăng dân số kéo theo việc khai thác quá mức tài nguyên sinh vật, không bảo đảm cho việc tái tạo lại. Các hoạt động này có thể đạt được ích lợi kinh tế và có thể là xã hội trước mắt, nhưng đã và đang để lại hoặc dẫn đến hậu quả xấu về lâu dài.
Hầu hết các quy hoạch, kế hoạch, kéo theo là các dự án đầu tư lại chỉ quan tâm đến các mục tiêu kinh tế - xã hội mà chưa dành mức quan tâm thích đáng đến bảo tồn thiên nhiên, ĐDSH. Các dự án sản xuất, kinh doanh đã và đang gây những tổn thất ĐDSH do việc lấn chiếm diện tích, làm mất sinh cảnh của các loài. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, khi thực hiện một dự án đầu tư phát triển gây tổn thất ĐDSH thì cần phải thực hiện các giải pháp để bù đắp, cải tạo, phục hồi ĐDSH tại khu vực đó hoặc ở một nơi khác để bảo đảm duy trình giá trị sinh khối bị mất. Trong đánh giá tác động ĐDSH (như là 1 nội dung của ĐTM), hệ thống phân cấp giảm thiểu các tác động tiêu cực đến ĐDSH được coi là một cách tiếp cận thực tiễn tốt nhất để quản lý rủi ro ĐDSH. Theo hệ thống phân cấp giảm thiểu, (i) trước tiên, cần nỗ lực để ngăn chặn hoặc tránh các tác động tiêu cực đến ĐDSH; (ii) sau đó, mới tiến hành các giải pháp, biện pháp giảm thiểu; (iii) rồi khôi phục tình trạng ban đầu của môi trường (trong đó có ĐDSH và thường khó đạt được 100%); (iv) Theo tính toán sau hoàn thành giảm thiểu, nếu còn các tác động - suy giảm đáng kể nào thì cần được giải quyết thông qua bồi hoàn (bù đắp) ĐDSH để đạt được “không mất mát ròng/mất mát thực” ĐDSH (No net Loss in Biodiversity) bằng cách tăng cường, tạo ra và/hoặc bảo vệ ĐDSH (môi trường sống) tại chỗ hoặc một vị trí khác có đặc điểm sinh thái tương tự. Mục đích cuối cùng của bồi hoàn ĐDSH là tạo ra sự cân bằng sinh thái trong quá trình phát triển của loài người, sao cho ĐDSH hiện có không bị mất đi, không suy giảm và trong một số trường hợp, có thể được làm giàu thêm (Thu lợi ròng – Net Gain) vì mục tiêu phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, trong một số trường hợp, do thiếu các đánh giá phù hợp về tác động của dự án đối với sử dụng tài nguyên thiên nhiên, dẫn đến việc cho phép thực hiện các dự án tiềm ẩn các tác động vượt qua ngưỡng chịu tải của các hệ sinh thái, ngưỡng khai thác của tài nguyên sinh vật khiến các hệ sinh thái và tài nguyên sinh vật không thể phục hồi, tái tạo, mất đi các chức năng quan trọng. Hiện nay, nội dung ĐTM cũng đã có quy định phải dự báo và đánh giá tác độnglàm suy giảm ĐDSH, tuy nhiên, chưa có quy định rõ ràng về mức độ tác động đến ĐDSH, cũng như chưa có quy định cụ thể về thực hiện việc bồi hoàn ĐDSH như một biện pháp giảm thiểu cần đề xuất trong ĐTM.
Đánh giá rủi ro BĐKH trong ĐTM
Việt Nam là một trong các quốc gia đang và sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do tác động của BĐKH: xâm nhập mặn, ngập úng, mất đất, mất ĐDSH, suy giảm tài nguyên nước, đất và chất lượng môi trường, ảnh hướng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội.
Cấp độ dự án là đặc biệt quan trọng đối với việc xem xét tác động, rủi ro khí hậu để kết hợp các biện pháp thích ứng phù hợp. Nếu bỏ qua xem xét tác động rủi ro do BĐKH các dự án phát triển đô thị, công nghiệp, cơ sở hạ tầng có thể ảnh hưởng đến tính dễ bị tổn thương của hệ thống tự nhiên và con người, dẫn đến đến tác hại đến quá trình phát triển của quốc gia và của chính bản thân dự án.
Trong thực tế các tác động môi trường của một dự án là hệ quả không chỉ do bản chất dự án (công suất, thiết kế, công nghệ, nguyên, nhiên liệu, quản lý…) mà còn vào các điều kiện môi trường chung quanh (thí dụ, địa hình, độ cao, lượng mưa, nhiệt độ, bão, lũ...). Vì vậy, không thể bỏ qua đánh giá rủi ro do BĐKH trong quá trình ĐTM cho dự án, trong đó phải có đủ thông tin về đặc điểm tự nhiên, sinh thái vùng dự án. Một đánh giá tác động do BĐKH đến dự án chỉ chính xác khi có thông tin chính xác về điều kiện môi trường nền.
Những người ra quyết định thẩm định dự án cũng phải xem xét các tác động của BĐKH đối với chính dự án và đánh giá liệu những tác động này có tích hợp với các tác động khác, làm trầm trọng thêm hậu quả môi trường hay tạo ra rủi ro mới không.
Hiện nay cách tiếp cận ĐTM ở Việt Nam là việc nghiên cứu để nhận dạng, dự báo tác động đến môi trường của dự án đầu tư và đưa ra giải pháp, biện pháp giảm thiểu các tác động tiêu cực, tức là chỉ quan tâm đến tác động từ dự án đến môi trường, ít (gần như không) quan tâm đến tác động ngược lại - từ môi trường đến dự án. Kể cả nội dung đánh giá rủi ro sự cố môi trường cũng chỉ quy định nhận dạng, dự báo các tác động tiêu cực của dự án có thể gây rủi ro, sự cố môi trường. Đánh giá rủi ro BĐKH là sự xác định các mối nguy hại và mức độ tác động của BĐKH và tới BĐKH, và xác định hậu quả tương ứng. Có nghĩa là khi đánh giá rủi ro BĐKH trong ĐTM cần quan tâm đến tác động 2 chiều: tác động từ dự án đến BĐKH và tác động từ BĐKH đến dự án.
Nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế đã công nhận rằng. vì thiếu các yêu cầu chi tiết về gắn kết xem xét BĐKH trong ĐTM nên ĐTM không thể phục vụ đầy đủ như một công cụ để xem xét, thẩm định mức độ bị tác động và khả năng thích ứng, ứng phó của dự án đối với các tác động do BDKH gây ra và với các tác động của chính dự án đó đến BĐKH toàn cầu.
Đánh giá tác động xã hội trong ĐTM
Dự thảo Luật BVMT sửa đổi có đề cập đến nhận dạng các tác động trực tiếp của Dự án đến các hoạt động kinh tế - xã hội, các vấn đề xã hội và sức khỏe con người trong phạm vi không gian có khả năng bị tác động bởi dự án. Tuy nhiên có nhiều yếu tố xã hội phức tạp như di dân giải phóng mặt bằng, sinh kế, phong tục tập quán, tôn giáo tín ngưỡng, chia cắt cộng đồng, cần phương pháp luận đánh giá tác động tương ứng khác với phương pháp luận đánh giá tác động môi trường. Việc sử dụng phương pháp ĐTM trong đánh giá tác động xã hội có thể dẫn đến những hạn chế làm gia tăng rủi ro về xã hội trong quá trình thực hiện dự án, không bảo đảm tính bền vững khi thực hiện dự án, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn xã hội.
Việc đưa ra các quy định về đánh giá tác động xã hội cần phải có những tiêu chí rõ ràng để có thể áp dụng phương pháp đánh giá tác động phù hợp, góp phần tạo sự đồng thuận của người dân tại khu vực Dự án, tránh cho doanh nghiệp những rủi ro khiếu nại, khiếu kiện và đền bù thiệt hại về môi trường do không tính hết các yếu tố xã hội đối với cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng khi thực hiện ĐTM.
[1] Mới đây, Nghị định số 40/2019/NĐ-CP đã có quy định nội dung về đánh giá sơ bộ tác động môi trường đối với các dự án đầu tư công (Nghị định này chưa quy định nội dung đánh giá sơ bộ tác động môi trường .
TS. Lê Hoàng Lan
Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 5/2020)