Banner trang chủ

Các khu dự trữ sinh quyển Việt Nam hiện nay và định hướng công tác quản lý, bảo tồn

11/05/2020

    Theo định nghĩa của UNESCO, khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) là “những khu vực hệ sinh thái (HST) bờ biển và trên cạn giúp thúc đẩy các giải pháp điều hòa việc bảo tồn sự đa dạng sinh học với việc sử dụng bền vững khu vực đó”. Mục tiêu khu DTSQ thế giới là đảm bảo hài hòa giữa con người và thiên nhiên thông qua thực hiện 3 chức năng chính là bảo tồn, phát triển và hỗ trợ. Tiếp cận quản lý các khu DTSQ được thực hiện theo hướng mở, liên ngành và đa lĩnh vực.

    Trên cơ sở mục tiêu đặt ra, khu DTSQ có 3 vùng chức năng: Vùng lõi nhằm bảo tồn lâu dài đa dạng loài, các cảnh quan, HST; Vùng đệm nằm bao quanh hoặc tiếp giáp vùng lõi. Ở đây, có thể tiến hành các hoạt động kinh tế, nghiên cứu, giáo dục và giải trí nhưng không ảnh hưởng đến vùng lõi; Vùng chuyển tiếp nằm ở ngoài cùng. Tại đây, các hoạt động kinh tế vẫn duy trì bình thường trên cơ sở phát triển bền vững nguồn lợi tài nguyên thiên nhiên mà khu DTSQ đem lại.

    Các khu DTSQ không phải là đối tượng trong công ước hay hiệp định quốc tế, nhưng được điều hành bởi một "luật mềm". Nguyên tắc khung cho các khu DTSQ được thông qua bởi Đại hội đồng UNESCO và tất cả các quốc gia đều cam kết sẽ tuân thủ. Việc điều hành quản lý các khu DTSQ đều phụ thuộc vào chính sách của từng quốc gia. Ban Thư ký UNESCO không có "chức năng giám sát" mà là trách nhiệm của mỗi quốc gia thông qua Ủy ban quốc gia khu DTSQ.

 

KDTSQ thế giới châu thổ sông Hồng

 

    Theo Kế hoạch hành động Lima về các khu DTSQ thế giới 2016 - 2025, khu DTSQ là “những mô hình trình diễn của quốc gia, khu vực về phát triển bền vững”. Các tiêu chí khu DTSQ là một tập hợp các HST đại diện cho những khu vực địa sinh học lớn, bao gồm cả những khu vực có sự tác động của con người ở những mức độ khác nhau; Có tầm quan trọng cho bảo tồn ĐDSH; Tạo ra các cơ hội để khám phá và trình diễn những cách thức phát triển bền vững ở quy mô vùng; Có diện tích phù hợp để đáp ứng 3 chức năng của khu DTSQ; Có đủ các phân vùng thích hợp để thực hiện 3 chức năng nêu trên của khu DTSQ.

Các khu DTSQ tại Việt Nam

    Tại Việt Nam, Ủy ban quốc gia Chương trình con người và sinh quyển (MAB Việt Nam) là cơ quan đầu mối quốc gia của UNESCO tại Việt Nam được thành lập vào năm 1985, với mục đích xây dựng và đề xuất các khu DTSQ để quốc tế công nhận, hỗ trợ quản lý và duy trì việc kết nối quốc gia với quốc tế trong lĩnh vực này.

    Việt Nam đã gia nhập các hoạt động quốc tế trong Chương trình “Con người và Sinh quyển” với sự đóng góp 9 khu DTSQ thế giới bao gồm: Cần Giờ; Đồng Nai; quần đảo Cát Bà; châu thổ sông Hồng; Kiên Giang; Tây Nghệ An; Cù Lao Chàm - Hội An; Mũi Cà Mau; Langbiang. Các khu DTSQ này nằm trong phạm vi một tỉnh hoặc liên tỉnh. Bộ máy quản lý, điều hành có tính chất kiêm nhiệm, tùy thuộc từng địa phương cụ thể, tổ chức quản lý không giống nhau, một số khu lấy bộ máy quản lý tại vùng lõi là các khu bảo tồn làm nòng cốt, một số khu có bộ phận độc lập kết hợp với Ban quản lý các khu bảo tồn. Thông thường, trưởng Ban quản lý khu DTSQ là lãnh đạo UBND tỉnh. Hiện nay, chưa có văn bản nào hướng dẫn, quy định quản lý dành riêng cho các khu DTSQ. Nguồn kinh phí hoạt động, vận hành các khu DTSQ cũng chưa có quy định cụ thể.

    Thực tế hoạt động thời gian qua cho thấy, việc quản lý, vận hành các khu DTSQ có những thuận lợi và đạt được những kết quả nhất định, cụ thể: Nhận thức các cấp, ngành về vai trò, chức năng của khu DTSQ ngày càng được nâng cao; các khu DTSQ nhận được sự quan tâm của nhiều tổ chức quốc tế, dự án quốc tế, các nhà khoa học trong công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên; Nhiều sáng kiến, mô hình bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH; cải thiện sinh kế; phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại các khu DTSQ được triển khai thực hiện thành công, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và công tác bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH.

   Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn có nhiều khó khăn, thách thức được đặt ra. Bởi đây là cách tiếp cận mới, nhiều lĩnh vực và đa ngành nghề trong quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên của khu DTSQ, trong khi các quy định tổ chức bộ máy và hướng dẫn kỹ thuật quản lý chưa rõ ràng, thậm chí còn thiếu sáng tạo, nên việc phối hợp thực hiện giữa cán bộ các cấp, các ngành còn chưa chặt chẽ. Công tác quản lý khu DTSQ liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, các thành viên ban quản lý hầu hết là cán bộ kiêm nhiệm, vì vậy chưa có nhiều tham mưu kịp thời, đầy đủ cho UBND tỉnh trong công tác quản lý, chỉ đạo; nguồn lực tài chính, kỹ thuật cho công tác quản lý, bảo tồn tại các ku DTSQ còn hạn chế.

   Ở góc độ quản lý nhà nước, chỉ có vườn quốc gia, khu bảo tồn là có các cấp quản lý nhà nước từ địa phương tới Trung ương, còn các khu DTSQ ngoài nằm trong mạng lưới của MAP/UNESCO, thì chưa có quy định cụ thể về quản lý nhà nước của Bộ, ngành nào. Mặt khác, địa bàn, diện tích các khu DTSQ thường rất lớn, điều kiện tự nhiên, xã hội phức tạp, bị nhiều áp lực do có nhiều hoạt động phát triển kinh tế, xã hội tác động ảnh hưởng trực tiếp đến công tác quản lý, cũng như hiện trạng tài nguyên thiên nhiên tại các khu DTSQ. Vấn đề tổ chức quản lý ở cấp độ khu DTSQ còn khó khăn hơn nhiều khi khu DTSQ đó là liên tỉnh, mỗi tỉnh lại có những cách tiếp cận riêng với phát triển và bảo tồn.

 

Khu DTSQ thế giới Mũi Cà Mau

 

Đề xuất định hướng quản lý các khu DTSQ tại Việt Nam

   Kiện toàn công tác quản lý các khu DTST, trong đó thể chế chế hóa chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức quản lý. Trong giai đoạn trước mắt cần ưu tiên đưa nội dung quản lý các khu DTSQ vào Luật BVMT năm 2014 sửa đổi. Trong thời gian tiếp theo tiếp tục xây dựng các Nghị định, Thông tư hướng dẫn quản lý, cũng như quy định rõ chức năng, nhiệm vụ quản lý các khu DTSQ cho các Bộ, ngành liên quan và địa phương.

    Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan, trong đó có Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học và Công nghệ; xây dựng mô hình quản lý tại các khu DTST từ cấp Trung ương đến địa phương.

    Xây dựng Chiến lược phát triển các khu DTSQ trình cấp thẩm quyền ban hành theo hướng tiếp cận quản lý các khu DTSQ của Việt Nam.

    Xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật, quản lý cho các khu DTSQ, hướng dẫn lập kế hoạch quản lý các khu DTSQ; hướng dẫn xây dựng các mô hình quản lý tài nguyên thiên nhiên, các mô hình cải thiện sinh kế cộng đồng... Đối với các khu DTSQ tiềm năng cần hướng dẫn quy trình, cũng như nội dung hồ sơ đề cử trở thành khu DTSQ.

    Chú trọng công tác tăng cường năng lực, truyền thông nâng cao nhận thức, quảng bá cho các bên liên quan về giá trị vai trò cũng như tham gia trong công tác quản lý các khu DTSQ.

    Thúc đẩy xây dựng cơ sở dữ liệu cho các khu DTSQ trong hệ thống cơ sở dữ liệu ĐDSH quốc gia.

    Tiếp tục huy động nguồn lực, sự tham gia các tổ chức quốc tế, các dự án hỗ trợ cho các khu DTSQ.

 

Chương trình Con người và sinh quyển (MAB) của Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) được thành lập năm 1970. Khái niệm khu DTSQ và khu DTSQ đầu tiên ra đời vào năm 1974, mạng lưới các DTSQ thế giới được thành lập vào năm 1976. Đến nay, thế giới có 669 khu DTSQ ở 120 quốc gia, trong đó Việt Nam có 9 khu.

 

TS. Nguyễn Xuân Dũng

Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2020)

Ý kiến của bạn