22/06/2017
Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về tăng cường công tác BVMT trên địa bàn TP đến năm 2020 và những năm tiếp theo.
Theo đó, TP đặt mục tiêu, đối với chất thải rắn: Tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom, xử lý khu vực đô thị đạt 100%, khu vực nông thôn đạt từ 95 đến 100%. Phấn đấu giảm tỷ lệ chôn lấp rác thải còn 30%, tăng tỷ lệ rác thải được tái chế theo công nghệ hiện đại. Phấn đấu thu gom 100%, xử lý 80% chất thải rắn công nghiệp, trong đó, 100% chất thải công nghiệp nguy hại và chất thải y tế phải được thu gom, xử lý; 100% phế thải xây dựng được thu gom, tập kết đúng nơi quy định.
Đối với môi trường nước: Xử lý ô nhiễm nước sông Tô Lịch, đảm bảo dòng chảy vào mùa khô; Hoàn thành đúng tiến độ Đề án tổng thể BVMT lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy; Tập trung xây dựng, triển khai các phương án tạo cảnh quan, xử lý môi trường nước, từng bước làm “sống lại” các sông Tô Lịch, Tích, Nhuệ và Đáy.
Bên cạnh đó, phấn đấu hoàn thành việc tách nước thải đưa về hệ thống xử lý tập trung trước khi đổ vào hồ, xử lý thành công tất cả các hồ nội thành, hồ gắn với di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh bị ô nhiễm nghiêm trọng; 100% người dân ở nông thôn được dùng nước sạch; 100% số hộ có các công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn; 100% các khu, cụm công nghiệp đang hoạt động hoàn thành hệ thống xử lý nước thải tập trung, đảm bảo xử lý đạt Quy chuẩn Việt Nam trước khi thải ra môi trường; 100% các bệnh viện và trung tâm y tế do TP quản lý có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường; Kiến nghị Bộ Y tế và các Bộ chủ quản đầu tư, xử lý nước thải đạt khoảng 90% số bệnh viện tuyến Trung ương; 100% các bệnh viện tư nhân có hệ thống xử lý nước thải.
Thành phố phấn đấu từng bước làm “sống lại” các con sông trên đại bàn
Đối với môi trường làng nghề: Quy hoạch để đưa các công đoạn sản xuất gây ô nhiễm lớn tại các làng nghề ra khu sản xuất tập trung; Yêu cầu xây dựng hệ thống xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường đối với số hộ có nghề có nguồn xả thải.
Đối với môi trường không khí: 100% các công trường xây dựng phải được che chắn và áp dụng các biện pháp giảm bụi; 100% cơ sở khai thác và chế biến khoáng sản có các giải pháp BVMT đảm bảo quy định hiện hành; 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát sinh khí thải phải trang bị và hoạt động thường xuyên thiết bị giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí; Áp dụng các công nghệ hiện đại để giảm thiểu khí thải từ các phương tiện cơ giới, xe tải, xe buýt.
Để thực hiện các mục tiêu trên, Thành ủy chỉ đạo thực hiện tốt 3 nhiệm vụ trọng tâm và 4 giải pháp chủ yếu.
3 nhiệm vụ trọng tâm gồm: Thứ nhất, BVMT nước mặt và sử dụng bền vững tài nguyên nước; Quản lý tốt các nguồn xả thải; Cải tạo sông, hồ bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt kết hợp với xây dựng hồ điều hòa mới và bảo vệ kiến trúc, cảnh quan, môi trường của Thủ đô. Thứ hai, quản lý hiệu quả chất thải rắn và chất thải nguy hại. Thứ ba, giảm thiểu ô nhiễm không khí và tiếng ồn, đặc biệt ở các khu vực nội thành.
4 giải pháp chủ yếu được đặt ra là: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BVMT; Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về BVMT, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên; Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát môi trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về BVMT; Tập trung nguồn lực và huy động nguồn vốn hợp pháp khác trong đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật về môi trường.
Quỳnh Như