11/01/2016
Xây dựng báo cáo môi trường là một trong những hoạt động đã được triển khai ở các cấp từ những năm 1995, sau khi Luật BVMT năm 1993 được ban hành và có hiệu lực. Đến giai đoạn 2009 - 2010, nhằm hướng dẫn chi tiết Điều 98, 99, 100, 101 Luật BVMT năm 2005, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư số 09/2009/TT-BTNMT quy định về xây dựng và quản lý các chỉ thị môi trường quốc gia, Thông tư 10/2009/TT-BTNMT quy định về bộ chỉ thị môi trường quốc gia đối với môi trường không khí, nước mặt lục địa, nước biển ven bờ và Thông tư số 08/2010/TT-BTNMT quy định việc xây dựng báo cáo môi trường quốc gia, báo cáo tình hình tác động môi trường của ngành, lĩnh vực và báo cáo hiện trạng môi trường cấp tỉnh. Theo đó, Bộ chỉ thị môi trường được xem là nguồn cơ sở dữ liệu để xây dựng báo cáo hiện trạng môi trường.
Qua thời gian triển khai thực hiện, các văn bản nêu trên đã hỗ trợ tích cực cho công tác xây dựng báo cáo hiện trạng môi trường các cấp. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các văn bản này còn bộc lộ những hạn chế nhất định như quy định về quy trình lập báo cáo chưa cụ thể, một số quy định chưa phù hợp với điều kiện thực tế của các địa phương; bộ chỉ thị môi trường chưa phát huy hiệu quả như mục tiêu đã đặt ra, mới chỉ quy định cho 3 thành phần môi trường (không khí, nước mặt lục địa và nước biển ven bờ)…
Song song với đó, hệ thống quan trắc môi trường ngày càng được đầu tư, nhưng vấn đề quản lý các số liệu quan trắc môi trường vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật chuyên biệt quy định cụ thể. Trong khi đó, số liệu quan trắc môi trường là dạng dữ liệu chuyên đề, mang tính đặc thù, đối tượng tham gia lớn, rất cần có các quy định, hướng dẫn, cụ thể, chi tiết để thuận tiện cho việc triển khai áp dụng từ cấp Trung ương đến địa phương.
Luật BVMT năm 2014 được ban hành đã có những điều chỉnh đối với các quy định liên quan đến hoạt động xây dựng báo cáo hiện trạng môi trường, xây dựng và quản lý bộ chỉ thị môi trường các cấp. Đồng thời, giao Bộ TN&MT ban hành quy định hướng dẫn kỹ thuật quản lý số liệu quan trắc môi trường.
Ngày 29/9/2015, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư số 43/2015/TT-BTNMT về báo cáo hiện trạng môi trường, bộ chỉ thị môi trường và quản lý số liệu quan trắc môi trường. Thông tư gồm 4 chương, 27 điều, hướng dẫn chi tiết các Điều 127, Khoản 2 Điều 132 và Khoản 3 Điều 137 của Luật BVMT năm 2014.
Đối với hoạt động xây dựng báo cáo hiện trạng môi trường, các quy định tập trung vào các vấn đề như thời gian, phương pháp xây dựng báo cáo, cấu trúc, nội dung của báo cáo. Theo đó, quy định về cấu trúc của báo cáo sẽ được vận dụng linh hoạt, tùy theo điều kiện thực tế nhưng yêu cầu phải đảm bảo đầy đủ các nội dung đã được quy định trong Luật BVMT. Đặc biệt, Thông tư cũng tập trung làm rõ trình tự các bước xây dựng báo cáo và trách nhiệm của đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng báo cáo, từ cấp Trung ương đến địa phương.
Tương ứng với các quy định về báo cáo hiện trạng môi trường, các quy định đối với nội dung bộ chỉ thị môi trường cũng tập trung vào các vấn đề về trách nhiệm xây dựng, quản lý và cập nhật thông tin cho bộ chỉ thị môi trường ở các cấp. Đặc biệt, danh sách bộ chỉ thị môi trường cấp quốc gia đã được điều chỉnh, bổ sung so với 3 bộ chỉ thị môi trường đã được ban hành tại Thông tư số 10/2009/TT-BTNMT. Bộ chỉ thị môi trường quốc gia được quy định tại Thông tư số 43/2015/TT-BTNMT là 1 bộ chỉ thị môi trường tổng hợp, bao gồm tất cả các thành phần môi trường tuân theo mô hình động lực - áp lực - hiện trạng - tác động - đáp ứng (mô hình DPSIR). Thông tư cũng quy định bắt buộc, bộ chỉ thị môi trường phải được sử dụng để thu thập thông tin số liệu trong quá trình xây dựng báo cáo hiện trạng môi trường.
Đối với hoạt động quản lý số liệu quan trắc môi trường, Thông tư quy định về trách nhiệm quản lý số liệu quan trắc môi trường, chế độ, hình thức, tần suất thực hiện báo cáo số liệu quan trắc, vấn đề lưu trữ và công bố số liệu quan trắc môi trường. Thông tư cũng đưa ra quy định cụ thể các mẫu báo cáo quan trắc môi trường đối với các chương trình quan trắc môi trường định kỳ và chương trình quan trắc môi trường tự động, liên tục.
Đối tượng áp dụng của Thông tư gồm 2 nhóm chính: Cơ quan quản lý nhà nước về BVMT, các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia, báo cáo chuyên đề về môi trường quốc gia, báo cáo hiện trạng môi trường của địa phương, báo cáo chuyên đề về môi trường của địa phương; Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thực hiện chương trình quan trắc môi trường quốc gia; chương trình quan trắc môi trường trên địa bàn các tỉnh; chương trình quan trắc môi trường của các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam.
Thông tư số 43/2015/TT-BTNMT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/12/2015 và thay thế cho Thông tư số 08/2010/TT-BTNMT; Thông tư số 09/2009/TT-BTNMT và Thông tư 10/2009/TT-BTNMT. Thông tư là cơ sở pháp lý quan trọng hỗ trợ cho công tác quản lý nhà nước về BVMT; tăng cường quản lý thống nhất thông tin, số liệu quan trắc môi trường, cung cấp các số liệu, thông tin tin cậy về chất lượng môi trường cho công tác hoạch định chính sách, BVMT.
Lê Hoàng Anh - Mạc Thị Minh Trà
Trung tâm Quan trắc Môi trường,
Tổng cục Môi trường
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2015)