23/08/2018
Thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh (TTX) của ngành Công Thương giai đoạn 2015 - 2020 (Kế hoạch TTX), Bộ Công Thương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về cơ chế chính sách và các biện pháp quản lý, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Tạp chí Môi trường đã có cuộc phỏng vấn ông Hoàng Văn Tâm - Phó Chánh Văn phòng biến đổi khí hậu (BĐKH) Bộ Công Thương về kết quả thực hiện một số nội dung trong Kế hoạch hành động TTX giai đoạn vừa qua cũng như giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Ông Hoàng Văn Tâm - Phó Chánh Văn phòng BĐKH (Bộ Công Thương)
PV. Xin ông cho biết một sốkết quả thực hiện Kế hoạchTTXcủa Bộ Công Thương trong thời gian qua?
Ông Hoàng Văn Tâm: Thực hiện mục tiêu phát triển ngành Công Thương theo hướng TTX và phát triển bền vững (PTBV), Bộ Công Thương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về cơ chế chính sách và các biện pháp quản lý, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành. Năm 2014 và 2015, Bộ Công Thương đã tham mưu và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành một số văn bản quan trọng để định hướng chuyển đổi, tái cơ cấu ngành Công Thương theo hướng TTX, giảm phát thải khí nhà kính (KNK), thân thiện với môi trường và PTBV, cụ thể như: Chiến lược phát triển ngành công nghiệp (CN) Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 (Quyết định số 879/QĐ-TTg ngày 9/6/2014), Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương phục vụ sự nghiệp CN hóa, hiện đại hóa và PTBV giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 2146/QĐ-TTg ngày 1/12/2014); Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia vềTTX giai đoạn 2015 - 2020 (Quyết định số 13443/QĐ-BCT ngày 8/12/2015)… và gần đây nhất là Kế hoạch cơ cấu lại ngành Công Thương giai đoạn 2018 - 2020, xét đến 2025 (Quyết định số 598/QĐ-TTg ngày 25/5/2018). Tất cả các Chiến lược và kế hoạch nêu trên đều hướng đến huy động hiệu quả mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế trong nước và bên ngoài để phát triển TTX, tái cơ cấu ngành CN theo hướng hiện đại; Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực CN có kỹ năng, có kỷ luật, có năng lực sáng tạo; Ưu tiên phát triển và chuyển giao công nghệ đối với các ngành, các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh và công nghệ hiện đại, tiên tiến ở một số lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản, điện tử, viễn thông, năng lượng mới và tái tạo, cơ khí chế tạo và hóa dược; Điều chỉnh phân bố không gian CN hợp lý nhằm phát huy sức mạnh liên kết giữa các ngành, vùng, địa phương để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Căn cứ vào các quan điểm và định hướng TTX của Chính phủ, Bộ Công Thương đã và đang triển khai các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành gắn với mục tiêu BVMT, TTX, ứng phó với BĐKH, trong đó tập trung vào một số ngành lĩnh vực ưu tiên bao gồm: Ngành CN chế biến, chế tạo (cơ khí, luyện kim, hóa chất, chế biến nông, lâm thủy sản, dệt may, da giày); Ngành điện tử, viễn thông (sản xuất thiết bị điện tử, máy tính, điện thoại và linh kiện điện tử); Ngành năng lượng mới và năng lượng tái tạo (NNTT) (gió, mặt trời, địa nhiệt, năng lượng sinh khối)…
Triển khai một số nhiệm vụ ưu tiên trong giai đoạn 2015 - 2020, Bộ Công Thương đã cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ thực hiện mục tiêu xanh hóa sản xuất, giảm phát thải khí nhà kính (KNK) trong một số lĩnh vực thông qua việc ban hành các quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hiệu suất năng lượng và quy định dán nhãn năng lượng, nâng cao năng lực và nhận thức về TTX cho các đối tượng có liên quan.
Từ năm 2012 đến nay, Bộ đã ban hành các thông tư quy định về định mức tiêu hao năng lượng, mức hiệu suất năng lượng tối thiểu cho các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng như thép, hóa chất, bia, nước giải khát, công nghiệp sản xuất giấy, sản xuất nhựa. Trong năm 2018 và những năm tiếp theo, Bộ sẽ tiếp tục ban hành Thông tư quy định về hiệu suất năng lượng tối thiểu cho các ngành công nghiệp khác làm cơ sở cho các hoạt động sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp trên cả nước và tăng cường việc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, trong đó tập trung kiểm tra đối với các cơ sở tiêu thụ năng lượng trọng điểm nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và góp phần quan trọng đảm bảo ổn định nguồn cung năng lượng, giảm áp lực về nhu cầu năng lượng quốc gia.
Để thực hiện các mục tiêu về PTBV và TTX lĩnh vực năng lượng, Bộ đã trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp luật và thúc đẩy tổ chức thực hiện hoạt động phát triển năng lượng tái tạo như Chiến lược quốc gia về phát triển NLTT đến năm 2030, tầm nhìn 2050; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển các dạng NLTT như phát điện từ rác thải, điện sinh khối, điện gió, điện mặt trời, đã ban hành nhiều quy định cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phát triển các dự án điện tái tạo ở Việt Nam như Hợp đồng mẫu, trình tự, thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch phát triển và sử dụng điện sinh khối,… với các cơ chế chính sách nêu trên, số lượng các dự án phát triển NLTT được đăng ký và từng bước đi vào giai đoạn đầu tư đã tăng lên đáng kể.
Trong những năm qua, tiếp tục phát huy kết quả của các Chương trình, đề án có liên quan đến TTX như Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục duy trì các mô hình truyền thông đa dạng, phong phú nhằm nâng cao khả năng tiếp cận thông tin và tuyên truyền các mô hình, bài học kinh nghiệm tốt thực hiện TTX của ngành công thương.
Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về TTX, Bộ Công Thương đã thiết lập hệ thống mạng lưới các tổ chức, cá nhân liên quan đến ứng phó với BĐKH và TTX trên cả nước, bao gồm đầu mối của 63 Sở Công Thương, các trường đại học, các viện nghiên cứu, các tập đoàn, tổng công ty, đơn vị có liên quan thuộc Bộ. Hàng Quý, Văn phòng ứng phó với Biến đổi khí hậu và TTX Bộ Công Thương phát hành các bản tin điện tử qua hệ thống email để đưa tin và cập nhật các thông tin mới nhất về BĐKH và TTX, thông qua mạng lưới này trên phạm vi cả nước, kịp thời hỗ trợ và giải đáp các câu hỏi, thắc mắc về những vấn đề chuyên môn có liên quan cho các đối tượng có quan tâm.
PV. Để thực hiện các mục tiêu TTX, không thể thiếu được vai trò của các DN, vậy Bộ Công Thương đã triển khai những chương trình, đề án cụ thể nào nhằm khuyến khích các DN đẩy mạnh áp dụng sản xuất sạch hơn (SXSH)? Ông có đề xuất hay kiến nghị gì về vấn đề nâng cao nhận thức cho các DN về TTX?
Ông Hoàng Văn Tâm: Để hỗ trợ và thúc đẩy các DN hoạt động liên quan đến TTX , Bộ Công Thương đã và đang triển khai Chiến lược quốc gia về SXSH trong CN, các dự án hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực và giúp các DN tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi dài hạn để đầu tư dự án về tiết kiệm năng lượng, BVMT.
Thông qua các hoạt động của Chiến lược quốc gia về SXSH, hàng chục hướng dẫn kỹ thuật về quản lý sản xuất, cải tiến công nghệ, các giải pháp sử dụng hiệu quả nguyên, nhiên liệu cho các ngành, tiểu ngành CN đã được ban hành và phổ biến rộng rãi cho cộng đồng DN. Các tài liệu tham khảo, kinh nghiệm trong nước và quốc tế về SXSH đã và đang được Bộ Công Thương xây dựng, cập nhật và công bố trên trang thông tin điện tử www.sxsh.vn.
Ngoài ra, Bộ Công Thương và Ngân hàng Thế giới đang triển khai Dự án vốn vay trị giá 100 triệu USD cho vay các dự án đầu tư về tiết kiệm năng lượng cho các ngành CN của Việt Nam, có hiệu lực triển khai từ tháng 12/2017 đến 12/2022. Các DN có thể tiếp cận nguồn vốn này qua hai Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV). Để thúc đẩy các dự án đầu tư về TKNL, Bộ Công Thương cùng với Ngân hàng Thế giới (WB) đã tiếp nhận nguồn tài trợ từ Quỹ Khí hậu xanh trị giá 75 triệu USD để thực hiện bảo lãnh rủi ro đối với các dự án vốn vay đầu tư cho TLNL. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương và WB tiếp tục triển khai Chương trình tài chính các bon cho các hoạt động TKNL. Theo đó, WB tài trợ khoản kinh phí khoảng 8 triệu USD để mua lại các tín chỉ giảm phát thải KNK từ hoạt động TKNL. Các chương trình và hoạt động nêu trên sẽ tạo động lực giúp các nhà đầu tư, các ngân hàng thương mại quan tâm, đầu tư các hoạt động TKNL, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thực hiện cam kết của Việt Nam về giảm phát thải KNK trong khuôn khổ các hoạt động triển khai Đóng góp quốc gia tự xác định (NDCs) và Thỏa thuận Pari về BĐKH.
Về vấn đề nâng cao nhận thức cho các DN thực hiệnTTX, trong những năm gần đây, giảm phát thải KNK và BVMT đã được cộng đồng DN và toàn xã hội đón nhận và nghiên cứu nghiêm túc về những lợi ích mà nó mang lại. Tuy nhiên, nếu xét tổng thể, vẫn còn một số lượng không nhỏ các DN nhận thức một cách chưa đầy đủ về TTX trong sản xuất và tiêu dùng, nguyên nhân chính có thể kể đến: Nhiều DN vẫn chưa có tầm nhìn và chiến lược sản xuất kinh doanh dài hạn, do đó, họ vẫn chưa nhận ra những lợi ích lâu dài và bền vững của việc chuyển dịch phương thức sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ theo hướng phát thải các bon thấp, TTX; Việc thực hiện các giải pháp để xanh hóa sản xuất thường có chi phí đầu tư cao, thời gian thu hồi vốn dài hơn so với các hoạt động kinh doanh khác, do đó, kém hấp dẫn đối với các DN; Các tác động về cơ chế, chính sách toàn cầu về BĐKH, TTX chưa ảnh hưởng lớn và trực tiếp đến các DN Việt Nam trong ngắn hạn. Do đó, nhiều DN vẫn chưa quan tâm đến xu thế này của thế giới;Công tác tuyên truyền về những vấn đề mới liên quan đến TTX, giảm phát thải KNK đối với cộng đồng DN chưa được đầu tư tương xứng với tầm quan trọng của vấn đề. Khả năng tiếp cận thông tin và sự quan tâm của DN về cơ chế chính sách, công nghệ sạch, phát thải thấp trên thế giới còn hạn chế; Các cơ chế, chính sách của nhà nước, quy định của pháp luật về giảm phát thải KNK, TTX chưa đầy đủ và cụ thể, chưa có quy định bắt buộc về vấn đề này. Do đó, việc tự giác, tự nhận thức và tổ chức thực hiện của các DN phần nào chưa đáp ứng nhu cầu của xã hội và xu thế thế giới.
Để giải quyết những vấn đề tồn tại nêu trên, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền các cơ chế chính sách của quốc gia, cũng như những vấn đề mới như các rào cản kỹ thuật, xu thế phát triển theo hướng phát thải thấp, TTX của các quốc gia trên thế giới và khu vực, đặc biệt là ở các thị trường lớn có tính dẫn dắt nền kinh tế toàn cầu như Trung Quốc, Mỹ, EU…; Nhà nước cần triển khai các cơ chế, chính sách vừa mang tính bắt buộc, vừa mang tính khuyến khích trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng TTX, giảm phát thải KNK; Mở rộng cơ hội tiếp cận các nguồn lực tài chính, chuyển giao công nghệ phát thải thấp, TTX cho các DN; Xây dựng cơ chế chính sách và hỗ trợ các DN thực hiện các nỗ lực giảm phát thải KNK thông qua các cơ chế mới về BĐKH như mua bán, trao đổi tín chỉ các bon.
Hội thảo Phương pháp luận xây dựng kế hoạch thực hiện Báo cáo đóng góp
quốc gia tự xác định lĩnh vực năng lượng do Bộ Công Thương tổ chức ngày 15/5/2018
PV. Ông có thể cho biết những khó khăn, thách thức trong việc thực hiện Kế hoạch TTX? Để tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm phát thải KNK, ứng phó với BĐKH toàn cầu, Bộ Công thương sẽ triển khai những giải pháp gì trong thời gian tới?
Ông Hoàng Văn Tâm: Triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng gắn liền với các mục tiêu về TTX của ngành Công thương, bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên thì vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh ứng phó với BĐKH toàn cầu mà ngành phải đối mặt trong thời gian tới có thể kể đến: Nhu cầu về tài chính để thực hiện TTX rất lớn, trong khi nguồn lực dài hạn cho việc này lại đang rất hạn chế. Các Dự án về TTX được đánh giá đem lại lợi ích lâu dài cho DN và nền kinh tế. Tuy nhiên, nhận thức về vấn đề này vẫn còn hạn chế cả ở lĩnh vực tài chính, ngân hàng và cộng đồng DN. Do đó, việc phát triển các dự án về TTX vẫn chưa đạt như mong muốn.
Tiếp theo, việc giảm phát thải KNK bắt buộc chưa có quy định của pháp luật, các hướng dẫn kỹ thuật của quốc tế và trong nước vẫn chưa được hoàn thiện. Do đó, đây vẫn còn là vấn đề rất mới đối với Việt Nam nói chung và lĩnh vực CN nói riêng. Do đó, nguồn lực về con người và chuyển giao công nghệ về TTX chưa được xã hội quan tâm và đầu tư tương xứng.
Bên cạnh đó, những cơ hội và thách thức trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay vẫn là bài toán khó cho các DN Việt Nam quyết định trong việc chuyển dịch sang nền kinh tế các bon thấp, TTX.
Ngoài ra, những chính sách và cơ chế mới về BĐKH sẽ tác động không nhỏ đến chiến lược phát triển lâu dài đối với ngành CN như cơ chế mua bán phát thải các bon, chính sách về dấu vết các bon trong sản xuất và lưu thông hàng hóa trên thị trường, chính sách tài chính toàn cầu về hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch…
Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững trong bối cảnh ứng phó với BĐKH của ngành Công Thương, trong thời gian tới, Văn phòng Ứng phó với BĐKH và TTX sẽ tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công Thương chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, rà soát, cập nhật Kế hoạch hành động TTX và ứng phó với BĐKH của Bộ và xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể trong giai đoạn 2021-2030 để thực hiện Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 31/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH và TTX.
Thứ hai, tiếp tục triển khai các hoạt động tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực triển khai các giải pháp về SXSH, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, BVMT, giảm phát thải KNK cho cộng đồng DN.
Thứ ba, tổ chức và triển khai có hiệu quả Quyết định số 598/QĐ-TTg ngày 25/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2018-2020, xét đến 2025, trong đó một số nhiệm vụ liên quan đến TTX, ứng phó với BĐKH và BVMT sẽ được triển khai, bao gồm:
Tăng cường áp dụng hệ thống tổ chức sản xuất tiên tiến và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ của cuộc cách mạng CN lần thứ tư trong sản xuất CN, gắn sản xuất CN với BVMT và ứng phó với BĐKH; sử dụng tài nguyên và NLTK, hiệu quả trong sản xuất CN; xây dựng danh mục các dự án, nhà máy sản xuất CN có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao và triển khai theo lộ trình thay thế và loại bỏ dần các thiết bị lạc hậu trong các nhà máy và đóng cửa các nhà máy gây ô nhiễm.
Bổ sung và hoàn thiện các chính sách về BVMT đối với một số ngành CN có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; xây dựng, điều chỉnh và thực hiện hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật trong ngành CN, môi trường phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và điều kiện thực tế của Việt Nam.
Thu hút đầu tư phát triển năng lượng sạch, NLTT và năng lượng mới nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đảm bảo thực hiện các mục tiêu về TTX, giảm thiểu BĐKH và cung cấp đầy đủ năng lượng với giá hợp lý, làm động lực phát triển cho các ngành CN khác.
PV. Xin cảm ơn ông!
Châu Loan (Thực hiện)
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tăng trưởng xanh năm 2018)