Banner trang chủ

Bắc Ninh: Tăng cường quản lý nước thải tại các làng nghề trên lưu vực sông Cầu

06/03/2019

     Hiện nay, toàn tỉnh Bắc Ninh có 62 làng nghề, trong đó có 39 làng nghề có nguồn thải ảnh hưởng trực tiếp trên lưu vực sông (LVS) Cầu, thuộc các huyện Tiên Du, Yên Phong, thị xã Từ Sơn và TP. Bắc Ninh. Mặc dù có đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương, tuy nhiên, sự phát triển của các làng nghề cũng ảnh hưởng đến chất lượng nước trên LVS Cầu.

     Trong 39 làng nghề ở Bắc Ninh ảnh hưởng đến chất lượng nước LVS Cầu có một số làng nghề có lượng phát sinh nước thải lớn, gây ô nhiễm môi trường (ÔNMT) LVS, điển hình như: Tái chế giấy Phong Khê (khoảng 10.000 m3/ngày, đêm), tái chế giấy Phú Lâm (4.000 m3/ngày, đêm), làm bún Khắc Niệm (3.500 m3/ngày, đêm), nấu rượu Đại Lâm (2.500 m3/ngày, đêm). Ngoài ra, một số làng nghề tái chế kim loại cũng có nguồn thải lớn, chủ yếu là nước làm mát và nước thải lẫn với chất thải rắn, gây ÔNMT như làng nghề tái chế thép Đa Hội, tái chế nhôm Văn Môn.

     Theo kết quả phân tích mẫu nước thải của các làng nghề trên,  các chỉ tiêu BOD5, COD, Amoni… đều vượt Quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước thải (QCVN 40:2011/BTNMT). Điển hình là làng nghề sản xuất giấy Phong Khê, hàm lượng BOD5 cao hơn QCVN từ 10 - 20 lần, COD cao hơn từ 15 - 24 lần; làng nghề sản xuất bún Khắc Niệm, COD cao hơn QCVN từ 9 - 15 lần; Làng nghề tái chế nhôm Văn Môn, Amoni cao hơn QCVN từ 3,9 - 10 lần…

     Trước thực trạng trên, trong những năm qua, tỉnh Bắc Ninh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giải quyết vấn đề ÔNMT tại các làng nghề trên địa bàn. Tỉnh đã ban hành một số văn bản, chính sách liên quan đến BVMT làng nghề như: Quy định hỗ trợ xử lý ÔNMT làng nghề, khu vực nông thôn; Quy định chế độ hỗ trợ xây dựng điểm tập kết, vận chuyển rác thải khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, nhằm cải thiện chất lượng môi trường nông thôn do ô nhiễm rác thải sinh hoạt; Quy chế BVMT làng nghề, khu dân cư, cụm công nghiệp (CCN) và khu kinh doanh dịch vụ làng nghề tỉnh Bắc Ninh; Kế hoạch thực hiện Đề án tổng thể BVMT làng nghề tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020 và định hướng đến 2030; Kế hoạch di dời và xử lý các cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng; Quy chế phối hợp thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về môi trường giữa ngành TN&MT với lực lượng cảnh sát môi trường...

     Nhằm giảm thiểu ÔNMT đối với một số làng nghề trên địa bàn tỉnh, Sở TN&MT Bắc Ninh đã xây dựng và triển khai các Đề án: Đánh giá hiện trạng môi trường và đề xuất các giải pháp BVMT sông Ngũ Huyện Khê; Xử lý ÔNMT làng nghề sản xuất giấy Phong Khê theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Điều tra hiện trạng và tăng cường giải pháp xử lý ÔNMT làng nghề trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Đồng thời, Sở phối hợp với Viện Khoa học thủy lợi triển khai Dự án xử lý nước thải (XLNT) làng nghề sản xuất rượu Đại Lâm bằng công nghệ yếm khí; Phối hợp với Bộ NN&PTNT triển khai Dự án đầu tư xây dựng hệ thống XLNT làng nghề sản xuất bún Khắc Niệm với công suất 400 m3/ngày, đêm; Xây dựng và vận hành thử nghiệm hệ thống XLNT tập trung làng nghề sản xuất giấy tái chế Phong Khê (TP. Bắc Ninh), công suất giai đoạn 1 là 5.000 m3/ngày đêm; Hoàn thành và đưa vào vận hành hệ thống XLNT tập trung thị xã Từ Sơn, giai đoạn 1, với công suất 33.000 m3/ngày đêm (trong đó có XLNT một số làng nghề trên địa bàn thị xã); Triển khai Dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý khí thải đối với 6 hợp tác xã luyện kim loại màu tại làng nghề Văn Môn, Đại Bái, Châu Khê do Nhật Bản tài trợ.

     Cùng với đó, UBND tỉnh đã thành lập Tổ phản ứng nhanh để xử lý các vấn đề ÔNMT trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm đối với các cơ sở sản xuất vi phạm pháp luật về BVMT… Trong giai đoạn 2016 - 2018, Sở TN&MT, Ban Quản lý các KCN và lực lượng cảnh sát môi trường đã tiến hành kiểm tra theo kế hoạch, đột xuất việc chấp hành pháp luật về BVMT đối với 518 cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính đối với 106 cơ sở, với tổng số tiền phạt 3,771 tỷ đồng. Ngoài ra, UBND các huyện, thị xã, thành phố cũng tổ chức kiểm tra đối với 403 cơ sở, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính đối với 50 cơ sở, với tổng số tiền phạt gần 3 tỷ đồng. Năm 2016 và 2017, Chủ tịch UBND tỉnh đã thành lập Đoàn thanh tra liên ngành tiến hành thanh tra toàn diện đối với 60 cơ sở sản xuất trong CCN Phong Khê 1 và 32 cơ sở sản xuất trong CCN Phú Lâm, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với 28 cơ sở sản xuất với tổng số tiền xử phạt trên 5 tỷ đồng. Mặt khác, các đơn vị còn tổ chức chốt chặn (24/24 giờ) nhằm kiểm soát các xe vận chuyển chất thải ra vào địa bàn phường Phong Khê, Phú Lâm. Trong quá trình kiểm tra đã xử lý 26 lượt xe vận chuyển chất thải trái phép với tổng số tiền 573,5 triệu đồng, thu giữ 716,4 tấn vải vụn và rác thải công nghiệp.

 

Kênh, ao hồ ở làng nghề bún Khắc Niệm bị ô nhiễm nghiêm trọng

 

     Đặc biệt, công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về BVMT cho các doanh nghiệp ngày càng đi vào nề nếp. Đến nay, Sở TN&MT đã xây dựng hơn 100 chuyên mục và 500 tin, bài có nội dung về BVMT làng nghề; Hội thi cộng đồng tham gia BVMT tại làng nghề sản xuất tái chế giấy Phong Khê và sản xuất bún, bánh tại phường Khắc Niệm (TP. Bắc Ninh); Tổ chức các lớp tập huấn về BVMT làng nghề cho cơ sở sản xuất trong làng nghề và nhân dân.

     Để khắc phục tình trạng ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường nói chung và môi trường nước LVS Cầu nói riêng, thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh cần tập trung triển khai một số giải pháp:

     Hoàn thiện cơ chế, chính sách về BVMT làng nghề: Quy định về hạn chế, không cho phép đầu tư đối với loại hình sản xuất có nguy cơ gây ÔNMT nghiêm trọng, sử dụng công nghệ lạc hậu trên địa bàn tỉnh; Quy định về hỗ trợ kinh phí, ưu đãi để chuyển đổi công nghệ sản xuất, vay vốn xử lý ÔNMT làng nghề; Xây dựng Kế hoạch di dời, xử lý các cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng trong khu dân cư đối với các cơ sở không thực hiện các biện pháp xử lý chất thải đạt quy chuẩn về môi trường.

     Đẩy mạnh công tác truyền thông, đào tạo và nâng cao năng lực BVMT làng nghề: Tuyên truyền, vận động các cơ sở sản xuất trong các làng nghề đầu tư các công trình, biện pháp xử lý chất thải; đóng góp kinh phí đầu tư xây dựng và vận hành hệ thống XLNT tập trung; di chuyển các công đoạn sản xuất ÔNMT ra khỏi khu dân cư. Phát động phong trào toàn dân tham gia BVMT trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Hàng tháng lựa chọn 1 ngày ra quân làm sạch môi trường; biểu dương, khen thưởng kịp thời gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến trong BVTM.

     Tăng cường quản lý nhà nước về BVMT: Giữ nguyên hiện trạng sản xuất, không cấp mới thủ tục đăng ký kinh doanh cho các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất đối với ngành nghề tái chế phế liệu; Đình chỉ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp không đủ điều kiện về BVMT; Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành Luật BVMT đối với các cơ sở sản xuất, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, với các hình thức: Phạt tiền; tạm đình chỉ hoạt động sản xuất, buộc di dời, cấm hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. UBND các xã, phường có làng nghề thành lập Tổ tự quản về BVMT; xây dựng Hương ước, Quy ước về BVMT dựa trên tính chất sản xuất đặc thù của từng thôn, làng.

     Triển khai quy hoạch, di dời cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng, chuyển đổi ngành nghề sản xuất: Đối với các làng nghề chưa có quy hoạch CCN, khu kinh doanh dịch vụ làng nghề, cần xây dựng quy hoạch căn cứ vào tính chất đặc thù của từng loại hình sản xuất. Đối với các làng nghề đã có CCN, khu kinh doanh dịch vụ làng nghề thì tổ chức rà soát, bổ sung, xây dựng, cải tạo cơ sở hạ tầng đồng bộ, với hệ thống cấp thoát nước và trạm XLNT tập trung, bố trí diện tích đất lưu giữ chất thải công nghiệp tại các cở sở. Đồng thời, xây dựng Kế hoạch di dời, xử lý các cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng ra khỏi khu dân cư; Lập danh mục các làng nghề cần có lộ trình chuyển đổi ngành nghề sản xuất, hoặc di dời ra khỏi khu dân cư.

     Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ: Tăng cường kiểm soát công nghệ cũ, lạc hậu tại cơ sở sản xuất trong các làng nghề; Tổ chức giám sát chặt chẽ công tác thẩm định công nghệ của các dự án đầu tư vào các CCN, làng nghề, chỉ tiếp nhận các dự án đầu tư công nghệ hiện đại, ít tiêu tốn nguyên, nhiện liệu; Nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sạch, giải pháp xử lý chất thải cho các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ theo hướng vận hành đơn giản, tiết kiệm chi phí và hiệu quả.

     Triển khai các đề án, dự án về xử lý chất thải: Tiếp tục triển khai Dự án xây dựng Nhà máy XLNT tập trung làng nghề Phong Khê, giai đoạn 2, nâng công suất lên 10.000 m3/ngày, đêm; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hệ thống XLNT tập trung 4.500 m3/ngày, đêm cho CCN Phú Lâm đi vào hoạt động theo đúng kế hoạch. Xây dựng lộ trình chuyển đổi CCN Phong Khê, Phú Lâm sang khu đô thị. Tập trung triển khai các đề án, chương trình BVMT nông thôn, làng nghề; Xử lý ÔNMT tại các CCN, làng nghề: Văn Môn, Đại Bái, Châu Khê, Khắc Niệm, Đại Lâm, Phú Lâm và Phong Khê theo nguyên tắc đầu tư xử lý ÔNMT đối với khu vực nông thôn, làng nghề đã được HĐND tỉnh Khóa 18, Kỳ họp thứ 3 thông qua; Xây dựng Quy hoạch BVMT tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2020 - 2030 và định hướng đến năm 2050.

 

Nguyễn Đại Đồng - Phó Giám đốc

Sở TN&MT tỉnh Bắc Ninh

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 2/2019)

 

Ý kiến của bạn