Banner trang chủ

Bắc Giang phát huy hiệu quả công tác xã hội hóa bảo vệ môi trường

24/12/2013

    

Lễ trao Giải thưởng Môi trường của tỉnh Bắc Giang cho các tập thể, cá nhân

tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong công tác BVMT năm 2012

 

      Cùng với cả nước, tỉnh Bắc Giang đã phát triển nhiều phong trào BVMT, trong đó, một số mô hình xã hội hóa BVMT tiêu biểu được nhân rộng mang lại hiệu quả rõ rệt. Việc tham gia tích cực của cộng đồng trong các hoạt động BVMT, góp phần bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường tỉnh. Để khuyến khích, phát huy các mô hình cộng đồng trong công tác BVMT, từ năm 2001 đến nay, tỉnh đã ban hành và duy trì liên tục hàng năm việc xét tặng Giải thưởng môi trường (GTMT) cho các tổ chức, cá nhân, cộng đồng có thành tích điển hình trong công tác BVMT.

     Sau 10 năm thực hiện, năm 2012, UBND tỉnh Bắc Giang đã tổ chức Hội nghị Đánh giá công tác xét tặng GTMT trên địa bàn tỉnh, qua đó cho thấy, GTMT đã tạo ra bước chuyển biến rõ nét trong công tác BVMT trên toàn tỉnh Bắc Giang. Từ đó, nhiều mô hình về xã hội hóa công tác BVMT được hình thành và nhân rộng mang lại hiệu quả cao. Những tập thể, cá nhân này đã và đang phát huy hiệu quả tích cực trong công tác BVMT trên địa bàn tỉnh như: Hợp tác xã (HTX) Nước sạch - vệ sinh môi trường (VSMT) huyện Hiệp Hòa; Công ty CP VSMT đô thị huyện Lục Ngạn; mô hình bảo vệ rừng của ông Vũ Xuân Quý, xã Xuân Lương, huyện Yên Thế... được các đơn vị ở các tỉnh/thành phố khác đến thăm quan, học tập kinh nghiệm để nghiên cứu, áp dụng. Tuy nhiên, cũng còn một số mô hình điển hình sau khi được trao tặng GTMT đã gặp khó khăn trong quá trình thực hiện nên không đóng góp được nhiều cho công tác BVMT. Nguyên nhân là do thiếu hụt các nguồn lực để khuyến khích, động viên, duy trì, nhân rộng các điển hình sau khi được tặng GTMT...

     Việc trao tặng GTMT hàng năm vào dịp kỷ niệm Ngày Môi trường thế giới (5/6) là một hình thức tuyên truyền tới các cơ quan, ban ngành của tỉnh, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh hiểu rõ hơn về GTMT. Tính đến nay, tỉnh đã có 2 tổ chức, 6 cá nhân đạt GTMT Việt Nam (điển hình như ông Đặng Đình Quyển - Chủ vườn cò thôn Mỹ Phúc, xã Đào Mỹ, huyện Lạng Giang; Nguyễn Minh Châu - Chủ nhiệm HTX Nước sạch - VSMT huyện Hiệp Hòa; Ông Trần Danh Hùng - Chủ cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ phường Thọ Xương, thành phố Bắc Giang...); 98 tổ chức, 40 cá nhân đạt GTMT cấp tỉnh và trên 200 tổ chức, cá nhân đạt GTMT cấp huyện.

     Có thể nói, hoạt động xét tặng và trao GTMT tỉnh đã được triển khai sâu rộng trong cộng đồng nhân dân, góp phần động viên, khuyến khích các phong trào xã hội hóa BVMT ngày càng phát triển, đồng thời nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của mọi tầng lớp nhân dân đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh Bắc Giang.

     Cùng với đó, để thúc đẩy công tác xã hội hóa về BVMT phát triển rộng khắp trên địa bàn, tỉnh đã tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư về lĩnh vực BVMT. Vận động các hộ dân cư, các tổ chức chính trị, xã hội, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên tích cực tham gia các hoạt động BVMT, hình thành nhiều mô hình BVMT có hiệu quả (các khu phố tự quản về trật tự xã hội và BVMT; tổ chức dọn vệ sinh khu dân cư, vệ sinh kênh, mương và các ao, hồ, sông, ngòi; bảo vệ vườn cò…). Nhiều chương trình, dự án BVMT được triển khai trên địa bàn tỉnh có sự tham gia, đóng góp của cộng đồng địa phương. Đến nay, toàn tỉnh đã có 22 làng năng xuất xanh, 4.653 hầm khí biogas (năm 2004 chỉ có 600 hầm), đã thành lập 249 đơn vị cổ phần làm VSMT (2 Công ty, 6 HTX, 241 tổ, đội VSMT, 100% các thị trấn trong tỉnh có tổ đội VSMT), có 275 CLB phụ nữ làm VSMT với gần 11.765 hội viên tham gia (năm 2004 có gần 100 CLB với gần 4.000 hội viên), hơn 600 trường học các cấp đạt tiêu chuẩn trường Xanh - Sạch - Đẹp…

     Có thể nói, hoạt động xét tặng và trao GTMT tỉnh đã được triển khai sâu rộng trong cộng đồng nhân dân, góp phần động viên, khuyến khích các phong trào xã hội hóa BVMT ngày càng phát triển, đồng thời nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của mọi tầng lớp nhân dân đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh Bắc Giang.

 

Mô hình vườn cò được người dân bảo vệ tại thôn Vụ Nông, xã Bắc Lý, Hiệp Hòa, Bắc Giang

 

     Để tăng cường công tác XHH BVMT trong thời gian tới, tỉnh cần thực hiện một số giải pháp sau: Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về BVMT; Tăng cường nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường cho các công trình xử lý nước thải và BVMT khu vực công cộng; Thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong việc xử lý nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt, chất thải rắn; Ưu tiên công nghệ sinh học trong xử lý ô nhiễm môi trường, đồng thời khuyến khích thực hiện các dự án đầu tư áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn, công nghệ thân thiện môi trường; Huy động các nguồn vốn viện trợ, các nguồn tài trợ của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước để đầu tư cho công tác BVMT… Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức BVMT; Phát triển các phong trào quần chúng tham gia BVMT, xây dựng các hương ước BVMT làng nghề; Đề cao trách nhiệm, tăng cường sự tham gia có hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội, các phương tiện truyền thông trong hoạt động BVMT; Phát hiện các mô hình, điển hình tiên tiến trong hoạt động BVMT để khen thưởng, phổ biến, nhân rộng; duy trì và phát triển GTMT hàng năm; Đưa nội dung BVMT vào cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá và vào tiêu chuẩn xét khen thưởng…

 

Châu Loan

Chuyên đề Cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường

Ý kiến của bạn