Banner trang chủ

Bảo vệ môi trường nước theo lưu vực sông: Bài học thực tiễn từ quá trình triển khai các đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông

13/01/2014

     LTS: Công tác BVMT các lưu vực sông là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bài viết gồm hai phần: Phần thứ thứ nhất giới thiệu về hiện trạng cũng như một số kết quả triển khai 3 Đề án BVMT lưu vực sông (sông Cầu, sông Nhuệ - sông Đáy, hệ thống sông Đồng Nai); Phần thứ hai Định hướng triển khai các Đề án BVMT lưu vực sông sẽ đăng trên Tạp chí số 1/2014.

     Nowadays, key socioeconomic development zones are associated with major river basins. However, river water quality has been problematic with environmental pollution in three major river basins of Cau, Nhue-Day and Dong Nai.

     Over the past few years, some initial achievements have been made in implementing master plans for environmental protection of river basins. However, we are facing numerous challenges of requirements for environmental protection and sustainable development against economic growth and job creation. International experience shows that in many cases, river basin organizations are administrative institutions with operational funding. In Vietnam, the current river basin organizational structure with rotating chairmanship among the related provinces has proved inefficient as it is not an administrative institution and its decisions are on a unanimous basis.

     To increase effectiveness of environmental protection, the government has issued resolution 101/NQ-CP dated 20 August 2013 in which Prime Minister urged the Ministry of Natural Resources and Environment to establish three sub-departments of environmental protection for Cau, Nhue-Day and Dong river system basins. In the meantime, it is recommended that the Party and the State continue to consider environmental protection of river basins as an urgent and important task in the period of boosting industrialization and modernization of the country.

     1. Báo động ô nhiễm môi trường nước LVS

     Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, lượng mưa lớn cùng với đặc điểm địa hình, địa mạo tạo nên mạng lưới sông ngòi khá dày (3.450 sông, suối, trong đó, lưu vực của 8 hệ thống sông lớn chiếm 81,7% diện tích toàn quốc). Cuộc sống của người dân gắn liền với các dòng sông, qua lịch sử hàng nghìn năm đã hình thành các đô thị sầm uất ven sông và hun đúc các giá trị văn hóa, tinh thần tiêu biểu của dân tộc.

     Ngày nay, các khu vực trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội của nước ta đều gắn với các lưu vực sông (LVS) lớn như hệ thống sông Hồng - Thái Bình, hệ thống sông Đồng Nai, Mê Công… và các cửa sông ven biển, đã đóng góp to lớn vào sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, cũng gây ra nhiều tác động tiêu cực cho môi trường nói chung và môi trường nước nói riêng tại các LVS. Chất lượng nước các sông đang diễn biến phức tạp, nhiều nơi bị suy thoái, nhất là các khu vực nội thành, nội thị, các đoạn sông chảy qua các đô thị, khu công nghiệp (KCN), làng nghề. Nổi cộm nhất là tình trạng ô nhiễm môi trường tại 3 LVS: sông Cầu, sông Nhuệ - sông Đáy và hệ thống sông Đồng Nai.

     LVS Cầu gồm địa giới 6 tỉnh và một phần Thủ đô Hà Nội. Trong thời gian qua, việc phát triển khai thác và chế biến khoáng sản ở thượng lưu (Bắc Cạn và Thái Nguyên) và mở rộng sản xuất tại các làng nghề khu vực trung và hạ lưu (Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương), tốc độ đô thị hóa cao trong khi phần lớn các đô thị chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, sự mở rộng nhanh chóng của các KCN, CCN trong khi hệ thống xử lý nước thải chưa có hoặc vận hành không đúng quy định... là những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước mặt LVS Cầu, nguồn cung cấp 70% nước cấp sinh hoạt và công nghiệp trên địa bàn. Kết quả quan trắc cho thấy, môi trường nước mặt LVS Cầu bị ô nhiễm cục bộ, bắt đầu từ đoạn chảy qua thị xã Bắc Cạn về hạ lưu (các thông số BOD5, NH4 và TSS đã vượt Quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước mặt QCVN 08:2008/BTNMT mức A1, xấp xỉ mức B1). Từ đoạn chảy qua TP. Thái Nguyên, mức độ ô nhiễm gia tăng đáng kể, các thông số quan trắc đều vượt QCVN nhiều lần, nước sông có mùi dầu cốc. Đoạn sông Cầu chảy qua tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh chịu ảnh hưởng do tiếp nhận nước của sông Cà Lồ và sông Ngũ Huyện Khê và các KCN, làng nghề dọc 2 bên bờ sông nên nước sông bị ô nhiễm rõ rệt, các thông số chỉ đạt QCVN 08:2008/BTNMT loại B2.

     LVS  Nhuệ - sông Đáy bao gồm một phần Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình. Dòng chảy sông Nhuệ phụ thuộc hoàn toàn vào chế độ đóng mở các cống điều tiết: Liên Mạc (lấy nước sông Hồng), Thanh Liệt (lấy nước sông Tô Lịch) và các cống khác trên trục chính: Hà Đông, Đồng Quan, Nhật Tựu, Lương Cổ - Điệp Sơn. Môi trường nước LVS Nhuệ - sông Đáy bị ô nhiễm một phần do đặc điểm điều kiện tự nhiên đặc thù là sông có độ dốc tự nhiên thấp, nguồn nước cấp không đảm bảo do phụ thuộc các cống điều tiết, vào mùa kiệt nguồn nước cấp chủ yếu là nước thải từ đầu nguồn... Chất lượng nước của nhiều đoạn thuộc LVS Nhuệ - sông Đáy đã bị ô nhiễm tới mức báo động, đặc biệt vào mùa khô, giá trị các thông số BOD5, COD, Coliform… tại các điểm đo đều vượt QCVN 08:2008/BTNMT nhiều lần. Khu vực đầu nguồn sông Nhuệ, nước sông còn tương đối tốt nhưng sau hợp lưu với sông Tô Lịch (nguồn tiếp nhận nước thải chính của các quận nội thành Hà Nội), nước sông Nhuệ đã bị ô nhiễm trầm trọng (đặc biệt tại điểm Cầu Tó trở đi). Mặc dù đã được pha loãng từ đoạn hợp lưu với sông Đáy trở về hạ lưu và áp dụng giải pháp điều tiết đưa nước sông Tô Lịch qua hệ thống hồ điều hòa Yên Sở bơm ra sông Hồng vào mùa kiệt, nước sông Nhuệ vẫn là nguyên nhân chính gây ô nhiễm cục bộ cho LVS Nhuệ - sông Đáy, nguồn cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho thành phố Phủ Lý và một số địa phương phía hạ nguồn.

     Lưu vực hệ thống sông Đồng Nai bao gồm 11 tỉnh/TP, trong đó 7 tỉnh/TP nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Theo thống kê sơ bộ, trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai có đến 103 KCN do Chính phủ ra quyết định thành lập (chưa kể các KCN/CCN do địa phương thành lập) với diện tích quy hoạch trên 33.600 ha, thải ra lượng nước thải từ sản xuất công nghiệp khoảng 1,8 triệu m3/ngày đêm. Tuy nhiên, hiện mới có khoảng 1/3 các KCN/khu chế xuất đã và đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung; một số KCN có trạm xử lý nước thải tập trung nhưng vận hành chưa đúng quy định; tỷ lệ đấu nối nước thải các nhà máy vào hệ thống xử lý nước thải tập trung còn thấp; nguồn phát sinh nước thải chủ yếu từ các ngành: chế biến thực phẩm, dệt nhuộm, giấy, chế biến mủ cao su, xi mạ... Tại nhiều vị trí các giá trị N-NH4+, BOD5, COD vượt ngưỡng QCVN 08 mức B1 nhiều lần. Khu vực cửa sông đã bị ô nhiễm hữu cơ, giá trị các thông số đều vượt QCVN 08:2008/BTNMT mức A1, một số nơi còn vượt mức B1 (cảng Gò Dầu, Phú Mỹ, Cái Mép). Ngoài ra, các tác động tiêu cực từ thủy điện, khai thác khoáng sản phía thượng nguồn, xâm nhập mặn và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã và đang là những mối đe dọa đến môi trường nước lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.

     2. Triển khai các Đề án BVMT LVS

     Nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường các LVS, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 3 Đề án BVMT LVS: Sông Cầu (Quyết định số 174/2006/QĐ-TTg ngày 28/7/2006), hệ thống sông Đồng Nai (Quyết định số 187/2007/QĐ-TTg ngày 03/12/2007) và sông Nhuệ - sông Đáy (Quyết định số 57/2008/QĐ-TTg ngày 29/4/2008). Thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT đã chủ trì, phối hợp với các tỉnh/TP trên 3 LVS tích cực triển khai nội dung của các Đề án đã được phê duyệt. Có thể điểm một số kết quả triển khai 3 Đề án BVMT LVS trong thời gian qua.

     Hoàn thiện cơ chế, chính sách: Đảng và Nhà nước đã quan tâm đến công tác BVMT các LVS thông qua các chủ trương, đường lối, chính sách và văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó phải kể đến Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 Hội nghị Trung ương 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT đã nhấn mạnh mục tiêu đến năm 2020 xử lý 70% lượng nước thải ra môi trường các LVS; Luật BVMT (sửa đổi) đang trình Quốc hội có riêng một mục về BVMT LVS, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/3/2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực BVMT đề cập đến chương trình quốc gia về xử lý nước thải, trước mắt đầu tư vào các đô thị lớn và các LVS.

 

Sông Sài Gòn đoạn chảy qua thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh:Trọng Đức - TTXVN

 

     Để tăng cường nguồn vốn từ ngân sách cho BVMT LVS, Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012-2015 được phê duyệt tại Quyết định số 1206/QĐ-TTg ngày 2/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ đã tập trung vào các nội dung: Khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường đối với 47 làng nghề đang bị ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng; cải thiện và phục hồi môi trường đối với 100 khu vực bị ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu gây ra; hỗ trợ các dự án thu gom, xử lý nước thải từ các đô thị loại II trở lên, xả trực tiếp ra 3 lưu vực: sông Cầu, sông Nhuệ - sông Đáy, hệ thống sông Đồng Nai. Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 14/2009/TT-BTC ngày 22/1/2009 về Hướng dẫn lập, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc Đề án BVMT LVS theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

     Hình thành tổ chức chỉ đạo, điều phối cấp lưu vực: 3 Ủy ban BVMT LVS đã được thành lập theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, gồm sông Cầu (Quyết định số 171/2007/QĐ-TTg ngày 14/11/2007); sông Nhuệ - sông Đáy (Quyết định số 1404/QĐ-TTg ngày 31/8/2009) và sông Đồng Nai (Quyết định số 157/2008/QĐ-TTg ngày 1/12/2008). Các Ủy ban BVMT LVS đã thực hiện chức năng chỉ đạo, điều phối việc triển khai các Đề án BVMT LVS thông qua các phiên họp toàn thể của Ủy ban. Đồng thời, đề xuất một số giải pháp nhằm triển khai hiệu quả Đề án BVMT LVS như: Nghiên cứu xây dựng cơ chế tài chính đặc thù; Xây dựng quy định về các ngành nghề cần cấm hoặc hạn chế đầu tư trên LVS; Kiến nghị dừng cấp phép đầu tư thủy điện trên hệ thống sông Đồng Nai… Các văn phòng giúp việc cho các Ủy ban BVMT LVS cũng được thành lập, đặt tại Tổng cục Môi trường. Tại các địa phương thuộc 3 LVS, tùy theo đặc thù của địa phương và theo kết luận tại các phiên họp Ủy ban BVMT LVS để thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh. Đối với lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, tỷ lệ các tỉnh/TP đã thành lập Ban chỉ đạo đạt 100%. Giúp việc cho Ban chỉ đạo cấp tỉnh là tổ chuyên viên đặt tại Sở TN&MT.

     Lập các dự án, quy hoạch liên ngành, liên vùng: Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và Bộ TN&MT đã tiến hành lập các Quy hoạch thành phần liên quan cho cấp LVS. Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực dân cư, KCN thuộc LVS Nhuệ - sông Đáy đến năm 2030 (Quyết định số 681/QĐ-TTg ngày 3/5/2013); Quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực dân cư, KCN trên LVS Cầu đến năm 2030 (Quyết định số 228/QĐ-TTg ngày 25/1/2013); Kế hoạch triển khai 3 Đề án BVMT LVS. Các Quy hoạch BVMT của 3 LVS đến năm 2020, Quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực dân cư, KCN thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai và Quy hoạch quản lý chất thải rắn trên 3 LVS đang được hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

     Bộ TN&MT đã tiến hành điều tra, khảo sát và đánh giá tình hình ô nhiễm môi trường do các loại hình sản xuất, kinh doanh gây ra trên LVS, phục vụ xây dựng “Nghị định Chính phủ quy định về các loại hình sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cần cấm hoặc hạn chế đầu tư trên các LVS: Cầu, Nhuệ - Đáy, Đồng Nai”; điều tra, thống kê nguồn thải và đề xuất các giải pháp quản lý; tiến hành phân vùng môi trường phục vụ cải thiện chất lượng nước các đoạn sông thuộc 3 LVS; xây dựng hệ thống thông tin môi trường cho 3 LVS (đã xây dựng và vận hành hệ thống thông tin và giám sát môi trường cho LVS Cầu tại địa chỉ http://lvscau.cem.gov.vn và sông Nhuệ - sông Đáy tại địa chỉ http://lvsnhue.cem.gov.vn). Bộ NN&PTNT tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cân bằng dòng chảy, bổ cập nước, bảo đảm đủ nhu cầu sử dụng nước cho lưu vực, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm trong đó đã xây dựng và trình Chính phủ dự án bổ cập nước sông Hồng để điều tiết nước sông Nhuệ - sông Đáy; đồng thời đang triển khai, phối hợp với các địa phương trên lưu vực triển khai các hạng mục đầu tư theo Quy hoạch tiêu nước hệ thống sông Nhuệ được phê duyệt tại Quyết định số 937/QĐ-TTg ngày 1/7/ 2009 của Thủ tướng Chính phủ.

     Ngoài các dự án liên vùng do các Bộ, ngành Trung ương chủ trì thực hiện, các tỉnh/TP trên 3 LVS cũng đã tích cực tiến hành các dự án thoát nước và vệ sinh môi trường, cải tạo, nạo vét dòng chảy, nâng cấp các hệ thống bơm tiêu thoát nước, đồng thời phối hợp giải quyết một số vấn đề liên địa phương như giám sát vận hành cống Thanh Liệt (LVS Nhuệ - sông Đáy), phối hợp thực hiện dự án kênh Ba Bò (lưu vực hệ thống sông Đồng Nai).

     Xây dựng Kế hoạch triển khai Đề án BVMT LVS tại các địa phương: Thực hiện kết luận các phiên họp Ủy ban BVMT LVS, 22 tỉnh/TP thuộc 3 LVS đã xây dựng, phê duyệt và thực hiện Kế hoạch triển khai Đề án BVMT LVS trên địa bàn giai đoạn đến năm 2015. Hàng năm, 3 Ủy ban BVMT LVS tiến hành đánh giá tiến độ và đề xuất các giải pháp thúc đẩy triển khai Kế hoạch tại các địa phương trên lưu vực. Từ các Kế hoạch này, các dự án đầu tư xử lý nước thải đô thị và công nghiệp đã được các tỉnh/TP tập trung xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện, đặc biệt tại các tỉnh/TP lớn như Hà Nội, Thái Nguyên, Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương... Có thể kể đến các dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, Yên Xá, Cầu Ngà (Hà Nội), Bắc Ninh, Từ Sơn (Bắc Ninh), Bình Hưng, Tham Lương - Bến Cát (Hồ Chí Minh), Nam Bình Dương (Bình Dương)...

     Tăng cường quản lý nhà nước về BVMT: Từ khi các Đề án BVMT LVS được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các nhiệm vụ quản lý thường xuyên như công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; cấp phép xả thải vào nguồn nước; thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; điều tra, thống kê nguồn thải; lập quy hoạch và phân vùng xả thải được Bộ TN&MT phối hợp với UBND các tỉnh/TP tập trung chỉ đạo, tạo được hiệu quả rõ rệt. Công tác điều tra, phát hiện và đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT trong lĩnh vực xả nước thải gây ô nhiễm môi trường được tăng cường, nhất là từ khi lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường được thành lập, qua đó đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc nổi cộm như: Vedan, Sonadezi, Hào Dương, Phú Giang...

     Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cộng đồng: Ngoài các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Ngày Đa dạng sinh học, Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn, Tuần lễ quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường… công tác giáo dục và truyền thông về môi trường đã được tăng cường với nhiều hình thức phong phú. Công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ đề về BVMT LVS đã được triển khai với nhiều mô hình có hiệu quả như hội nghị “Doanh nghiệp, doanh  nhân với sông Cầu - Việt Nam”, phong trào “Thanh niên tham gia BVMT, bảo vệ dòng sông quê hương”, các buổi tập huấn kỹ năng truyền thông về BVMT tại các LVS do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức…

     Tăng cường nguồn lực: Nhìn chung, hầu hết các tỉnh/TP trên 3 LVS trong những năm qua đã chú trọng đầu tư cho công tác BVMT. Theo báo cáo của các địa phương, nguồn đầu tư cho công tác BVMT hầu hết bằng hoặc vượt quy định là 1% chi ngân sách. Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn ngân sách này còn chưa đúng các nội dung chi sự nghiệp môi trường. Một số tỉnh/TP sử dụng kinh phí này đầu tư vào xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước đô thị hoặc xây dựng bãi chôn lấp, xử lý chất thải rắn. Cho đến nay, các địa phương vẫn chưa bố trí được mục chi riêng cho các dự án, nhiệm vụ thuộc các Đề án BVMT LVS mà sử dụng nguồn chi chung của công tác BVMT. Trong khi đó, các chương trình, dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật về BVMT liên quan đến nhiều ngành, nhiều địa phương và cần kinh phí rất lớn. Do vậy, kinh phí vẫn là vấn đề lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các Đề án BVMT LVS.

     Hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường tại địa phương đã từng bước được kiện toàn, nhất là sau khi Nghị định số 81/2007/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành. Các Chi cục BVMT cấp tỉnh đã được thành lập, lực lượng cảnh sát môi trường và cán bộ TN&MT cấp huyện được kiện toàn và củng cố. Hàng năm, Bộ TN&MT đã chỉ đạo Tổng cục Môi trường, các Chi cục BVMT các địa phương phối hợp với các cơ quan chuyên môn Trung ương, các Sở, ban, ngành địa phương tổ chức được nhiều lớp tập huấn quản lý nhà nước về TN&MT cho hàng trăm lượt cán bộ quản lý môi trường từ cấp huyện đến cấp cơ sở, qua đó năng lực quản lý về BVMT, trong đó có BVMT LVS được tăng cường.

(Xem tiếp phần 2 trên Tạp chí Môi trường, số 1/2014)

 

Nguyễn Thượng Hiền - Nguyễn Thị Lệ Anh

Văn phòng các Ủy ban BVMT LVS

Tổng cục Môi trường

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 12/2013

 

 

 

 

Ý kiến của bạn