Banner trang chủ

Bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước

12/08/2019

    Ngày 29/7/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Nghị định số 66/2019/NĐ-CP về Bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước (ĐNN).

   Nghị định gồm 5 chương, 33 Điều quy định về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng ĐNN trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam, áp dụng đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động trực tiếp hoặc liên quan đến bảo tồn và sử dụng các vùng ĐNN trên phạm vi lãnh thổ của Việt Nam.

    Nghị định nêu rõ 3 nguyên tắc bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng ĐNN gồm:

    Việc bảo tồn và sử dụng vùng ĐNN phải được thực hiện trên nguyên tắc tiếp cận hệ sinh thái, bảo đảm duy trì toàn vẹn cấu trúc, chức năng, đặc tính sinh thái và đa dạng sinh học của vùng ĐNN;

   Tăng cường vai trò, sự tham gia của cộng đồng dân cư sinh sống trên, xung quanh vùng ĐNN và các bên liên quan trong bảo tồn, sử dụng bền vững vùng ĐNN;

    Đảm bảo cơ chế chia sẻ lợi ích công bằng, hợp lý về quyền lợi và nghĩa vụ giữa các bên liên quan trong việc sử dụng dịch vụ hệ sinh thái ĐNN.

 

Vườn quốc gia Xuân Thủy - Nơi dừng chân và trú đông của các loài chim nước di cư

 

    Theo Nghị định, Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, cộng đồng dân cư đầu tư, tham gia vào các hoạt động sau đây: Bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên và loài chim di cư tại vùng ĐNN; Phục hồi các vùng ĐNN quan trọng, các hệ sinh thái ĐNN tự nhiên đã bị suy thoái hoặc bị khai thác quá mức; duy trì và phòng ngừa sự biến đổi các đặc tính sinh thái vùng ĐNN; Giám sát các hoạt động trên vùng ĐNN quan trọng; phát hiện và thông báo kịp thời với cơ quan chức năng về các hành vi vi phạm pháp luật về bảo tồn và sử dụng bền vững vùng ĐNN quan trọng; Thực hiện mô hình sinh kế bền vững về môi trường, mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng ĐNN, các hoạt động du lịch sinh thái theo quy định của pháp luật.

    Nghị định cũng quy định cụ thể các tiêu chí xác định vùng ĐNN quan trọng; Danh mục các vùng ĐNN quan trọng; điều kiện thành lập khu bảo tồn ĐNN... Đồng thời nêu rõ điều kiện thành lập khu bảo tồn ĐNN. Khu bảo tồn ĐNN được phân cấp thành cấp quốc gia, cấp tỉnh và phân hạng thành vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh và khu bảo vệ cảnh quan theo quy định của Luật đa dạng sinh học. Vùng ĐNN được xem xét thành lập khu bảo tồn ĐNN quốc gia khi là vùng ĐNN quan trọng đối với quốc gia thuộc Danh mục các vùng ĐNN quan trọng được công bố; đáp ứng các tiêu chí của khu bảo tồn cấp quốc gia theo quy định của Luật đa dạng sinh học. Vùng ĐNN được xem xét thành lập khu bảo tồn ĐNN cấp tỉnh khi thuộc Danh mục các vùng ĐNN quan trọng được công bố; đáp ứng các tiêu chí của khu bảo tồn cấp tỉnh theo quy định của Luật đa dạng sinh học.

    Nhà nước có chính sách khuyến khích đầu tư cho bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng ĐNN quan trọng như ưu tiên hỗ trợ, đầu tư cho các hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng ĐNN; hỗ trợ, đầu tư cho các hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng ĐNN trong khu bảo tồn ĐNN, khu Ramsar, vùng ĐNN quan trọng nằm ngoài khu bảo tồn và vùng đệm của khu bảo tồn ĐNN.

    Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9/2019. Nghị định số 109/2003/NĐ-CP ngày 23 tháng 9 năm 2003 của Chính phủ về Bảo tồn và phát triển bền vững các vùng ĐNN hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành. Các vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh và khu bảo vệ cảnh quan thuộc Danh mục các vùng ĐNN quan trọng, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, không phải thực hiện lại việc lập, phê duyệt thành lập mới khu bảo tồn, tổ chức quản lý khu báo tồn và có trách nhiệm thực hiện các quy định về bảo tồn và sử dụng bền vững ĐNN theo quy định tại Nghị định này.

 

Phương Tâm

Ý kiến của bạn