Banner trang chủ

Bảo tồn đất ngập nước và sinh cảnh liên kết ở Việt Nam

02/03/2015

     Đất ngập nước (ĐNN) có vai trò quan trọng đối với việc duy trì hệ sinh thái và phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam có diện tích ĐNN chiếm khoảng 30% đất tự nhiên, tương đương 10 triệu ha và là thành viên chính thức của Công ước Ramsar về ĐNN từ năm 1989. Trên thế giới có 42 loại ĐNN khác nhau, Việt Nam có ít nhất 39 loại gồm ĐNN tự nhiên, chuyển đổi và nhân tạo, ĐNN ngọt trong đất liền, hệ sinh thái nước lợ ven biển, ĐNN ven biển... Như vậy, Việt Nam là quốc gia có diện tích ĐNN khá lớn. Do đó, việc bảo tồn ĐNN không tập trung vào khu vực có ĐNN mà cần phải xác định được những sinh cảnh liên quan đến khu vực ĐNN đó (những sinh cảnh này được gọi là sinh cảnh liên kết (SCLK)) như thượng nguồn các con sông, khu vực chim cư trú, cá đẻ và những khu vực khác.

     Những đặc trưng cơ bản của ĐNN

     ĐNN là những vùng có hoạt động kinh tế sôi động và mang lại giá trị kinh tế lớn. Ở Việt Nam, điển hình là vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và đồng bằng ven biển miền Trung, gắn với sông Mã, sông Cả, đồng bằng ven biển Thừa Thiên - Huế gắn với sông Hương, sông Ô Lâu, đồng bằng Tuy Hòa gắn với cửa sông Ba.

     Bên cạnh đó, những vùng ĐNN thường là các hồ đầm, khu vực ven biển, sông suối là nơi nuôi trồng thủy hải sản. Không chỉ vậy, đây cũng là những vùng sinh thái có tính ĐDSH cao, bao gồm cá, tôm và các loài sinh vật khác trong một chu trình sinh học gắn kết với nhau trên nền tảng của hệ sinh thái ĐNN vùng nhiệt đới và cận chí tuyến như các loài chim, thú...

     Mặt khác, ĐNN ven biển, những nơi có lượng phù sa lớn là khu vực phát triển rừng ngập mặn (RNM), tạo nên bức tường “vững chắc” có tác dụng chắn gió, chắn sóng biển. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, các khu vực có RNM như Yên Hưng (Quảng Ninh), Thái Thụy (Thái Bình), Giao Thủy (Nam Định)... là khu vực bảo vệ sự sống cho con người trước tác động bất lợi của thiên nhiên.

     Đồng thời, ĐNN còn là bể chứa nước tự nhiên hay nhân tạo, cung cấp và bổ sung cho nguồn nước ngầm, phục vụ tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp, cung cấp cho hoạt động công nghiệp hay dịch vụ.

     Với những đặc điểm trên, việc duy trì, bảo vệ và mở rộng diện tích ĐNN cũng có nghĩa là duy trì nguồn nước, bảo tồn và phát triển ĐDSH và tăng khả năng hoạt động kinh tế.

     Ý nghĩa kinh tế - xã hội của ĐNN ở Việt Nam

     Hệ thống ĐNN đã đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản và du lịch. Sự phát triển của hoạt động trồng lúa nước và nuôi trồng thủy sản là những nhân tố chính cho việc chuyển đổi kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu tại Việt Nam từ năm 1989 - 2009.

     Vùng ĐNN cửa sông của Việt Nam cũng là một trong những nguồn lợi kinh tế lớn, đặc biệt là vùng ĐBSCL và ĐBSH, nơi sinh sống của 43% trong tổng số 90 triệu người Việt Nam. Hai vùng đồng bằng này đóng góp tới 70% tổng sản lượng gạo quốc gia, đồng thời, sản lượng thủy sản cũng rất đáng kể, theo ước tính của Ủy ban sông Mê Kông có khoảng 300.000 - 900.000 tấn/năm (dựa trên lượng thủy sản tiêu thụ). Những năm gần đây, hoạt động du lịch tại các vùng ĐNN ở các địa phương như vịnh Hạ Long, Nha Trang và Vườn quốc gia Xuân Thủy phát triển mạnh mẽ, đóng góp không nhỏ cho kinh tế địa phương.

 

Cà Mau là vùng ĐNN tiêu biểu ở ĐBSCL

 

     Bên cạnh đó, các vùng ĐNN còn góp phần duy trì các chức năng sinh thái quan trọng trong việc lọc nước, điều hòa nước ngầm, chu kỳ dinh dưỡng và tích lũy chất dinh dưỡng, kiểm soát xói mòn, lũ lụt, phòng tránh bão, duy trì vi khí hậu, sinh cảnh và ĐDSH. Ngoài ra, nhiều loại hình ĐNN đóng vai trò là bồn chứa cácbon, hấp thụ khí nhà kính, điển hình là RNM, thảm cỏ biển và đầm lầy.

     ĐNN có mối liên hệ mật thiết với văn hóa địa phương, gắn liền với lịch sử phát triển đất nước như văn minh lúa nước, văn hóa rối nước truyền thống... ĐNN và các thành tố của ĐNN là nguồn cảm hứng lâu đời cho nhiều nhà văn, nhà thơ, họa sĩ và nhạc sĩ. Loài sếu khuê tú và rồng sống ở vùng ĐNN có tên trong bốn linh vật của Việt Nam, cùng với đó là hoa sen, loài hoa điển hình ở vùng ĐNN của Việt Nam.

     Những mối đe dọa đối với tính ĐDSH của ĐNN ở Việt Nam

     Do phát triển kinh tế và nhu cầu tăng trưởng nên những năm qua, chúng ta đã không ngừng mở rộng diện tích đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, một lượng lớn ĐNN phải nhường lại cho phát triển hạ tầng, các khu công nghiệp và dân cư. Điều đó đã tác động mạnh mẽ tới ĐDSH của các vùng ĐNN, làm thay đổi sinh cảnh, suy giảm hay triệt tiêu tính ĐDSH vốn có của vùng ĐNN trước đây.

     Đồng thời, việc khai thác quá mức các nguồn lợi của ĐNN, không có cơ chế giám sát và thực thi hiệu quả cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng suy giảm nghiêm trọng tính ĐDSH của các vùng ĐNN.

     Thêm vào đó, việc khai thác nguồn nước (cả nước mặt và nước ngầm) thiếu tính toán đã tác động không nhỏ tới các vùng ĐNN, dẫn đến nguy cơ giảm nguồn nước hay hạ thấp mực nước, từ đó dẫn đến thay đổi hệ sinh thái và suy giảm ĐDSH do thiếu nước.

     Ngoài ra, tình trạng phát thải gây ô nhiễm môi trường đất và nước của các cơ sở sản xuất công nghiệp, làng nghề, khu dân cư đã tác động đến các khu vực ĐNN, làm cho suy giảm ĐDSH.

     Hơn nữa, việc nhập khẩu thiếu kiểm soát và hiểu biết dẫn đến sự xâm nhập của các loài ngoại lai vào Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng tới hệ sinh thái ĐNN như ốc bươu vàng, rùa tai đỏ, cây mai dương… đòi hỏi phải có những biện pháp ngăn chặn kịp thời để bảo vệ ĐDSH của các khu ĐNN. Trong khi đó, biến đổi khí hậu đang diễn ra phức tạp, với quy mô toàn cầu, mà Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất và sẽ gây ra những tác động không nhỏ tới ĐDSH của các vùng ĐNN.

     Một số kiến nghị bảo tồn ĐNN gắn với SCLK

     Để đạt được mục tiêu bảo tồn ĐNN, gắn với SCLK, xin đề xuất một số kiến nghị sau:

     Cần phải hài hòa và tăng cường khung pháp lý, cũng như chính sách về bảo tồn ĐNN

     Sau khi Luật ĐDSH được ban hành, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), cùng với Bộ TN&MT đã phối hợp, xây dựng các cơ chế, chính sách chung về quản lý ĐDSH tại Việt Nam. Tuy nhiên, ĐNN không được xếp vào các lĩnh vực ưu tiên giải quyết trong một vài năm tới. Vì vậy, cần phải tăng cường xây dựng các cơ chế chính sách thích hợp cho bảo tồn ĐNN gắn với SCLK.

     Tăng cường năng lực thể chế về quy hoạch và quản lý hệ thống khu bảo tồn ĐNN

     Cách thức duy nhất để đẩy mạnh bảo tồn ĐNN là đào tạo nâng cao trình độ cho các cán bộ làm công tác TN&MT các cấp để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ quản lý ĐNN. Tuy vậy, Bộ TN&MT cần có kế hoạch xây dựng năng lực về ĐNN trong vài năm tới. Bên cạnh đó, việc tăng cường năng lực cho cán bộ ngành nông nghiệp từ Trung ương đến địa phương về quản lý ĐNN và ĐDSH cũng có vai trò rất quan trọng.

     Thúc đẩy hợp tác và phối hợp liên ngành trong quản lý và bảo tồn ĐNN

     Căn cứ theo Luật ĐDSH, các hoạt động phối hợp liên ngành trong quản lý và bảo tồn ĐDSH đã được triển khai. Thời gian tới,  cần thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động hợp tác giữa các Bộ, ngành ở Trung ương và địa phương, cũng như hợp tác với các nước và tổ chức quốc tế.

     Lồng ghép bảo tồn ĐDSH ĐNN vào quy hoạch phát triển địa phương

     Tại Việt Nam, việc duy trì và bảo tồn tài nguyên nước đã được luật hóa, các hoạt động duy trì, cải thiện chất lượng nước thông qua kiểm soát ô nhiễm ngày càng được tăng cường, nhưng áp lực từ nhu cầu cạnh tranh về nước vẫn rất lớn. Tuy nhiên, trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương chưa tiến hành lồng ghép bảo tồn ĐDSH ĐNN. Vấn đề này cần được nghiên cứu và thực hiện trong thời gian tới.

     Thúc đẩy sinh kế bền vững, nhất là đối với người dân có cuộc sống gắn với khu vực ĐNN

     Sinh kế bền vững không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, mà còn nêu cao vai trò người dân là chủ thể chính thực hiện bảo tồn ĐNN, khai thác và sử dụng khôn khéo ĐNN gắn với cuộc sống của người dân tại địa phương. Tùy theo đặc thù của mỗi vùng ĐNN và những SCLK khác nhau, cần thực hiện các sinh kế bền vững phù hợp...

     Nhìn chung, bảo tồn ĐNN gắn với SCLK là một cách tiếp cận mới, có tính bao quát và toàn diện. Với gần 1/3 diện tích ĐNN,Việt Nam có diện tích ĐNN khá lớn, ĐDSH cao, nhiều loài đặc hữu, nhất là các loài chim có SCLK rộng, vì vậy, việc bảo tồn ĐNN gắn với SCLK có ý nghĩa quan trọng và cần được nghiên cứu, tiến hành thực hiện các mô hình thí điểm, rút kinh nghiệm và triển khai trên diện rộng. Muốn vậy, cần có những giải pháp và cách tiến hành phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội cả nước và từng địa phương.

 

PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh

ThS. Đặng Thị Phương Hà

Viện Chiến lược chính sách TN&MTĐ

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 1+2/2015

 

 

 

Ý kiến của bạn