Banner trang chủ

Bình Dương: Ðẩy mạnh công tác triển khai Kế hoạch bảo vệ môi trường giai đoạn 2016 - 2020

07/03/2017

   Trong 20 năm phát triển (1/1/1997 - 1/1/2017), Bình Dương đã trở thành một tỉnh có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa cao trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Cùng với phát triển kinh tế, Bình Dương luôn quan tâm, chú trọng tới công tác BVMT, thường xuyên kiểm tra, giám sát và xử lý các vụ việc gây ô nhiễm môi trường, đồng thời tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức về BVMT cho các tầng lớp nhân dân và cộng đồng DN…

   Năm 2016 là năm đầu tiên tỉnh Bình Dương triển khai thực hiện Kế hoạch BVMT giai đoạn 2016 - 2020, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế gắn với BVMT; kết hợp BVMT trong các quy hoạch, dự án phát triển; tiếp tục cải thiện môi trường trong khu dân cư, đô thị; quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên nước mặt, nước dưới đất, đất đai, khoáng sản; đảm bảo cân bằng sinh thái và đa dạng sinh học; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

70% tổng lượng nước thải công nghiệp phát sinh trên địa bàn tỉnh Bình Dương được kiểm soát

   Trong năm qua, tỉnh đã ban hành quy định về bố trí ngành nghề sản xuất công nghiệp theo định hướng không thu hút các dự án đầu tư có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; hạn chế bố trí các cơ sở sản xuất nằm ngoài khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) ở phía Nam của tỉnh và có chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nằm trong khu dân cư, đô thị...

   Đặc biệt, tỉnh cũng đẩy mạnh công tác kiểm soát các nguồn thải công nghiệp và dân sinh. Tính đến nay, tổng lượng nước thải phát sinh trên địa bàn tỉnh là 284.000 m3/ngày, trong đó nguồn thải từ hoạt động công nghiệp khoảng 140.000 m3/ngày (55.400 m3/ngày từ KCN, còn lại từ các CCN và DN ngoài KCN). Để kiểm soát các nguồn thải công nghiệp một cách có hệ thống, ngăn chặn kịp thời các hành vi không xử lý nước thải, hoặc xả nước thải trái phép ra môi trường, tỉnh đã đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc tự động cho 52 nguồn thải lớn, giúp kiểm soát liên tục và tự động 70% tổng lượng nước thải công nghiệp phát sinh trên địa bàn tỉnh.

   Cải thiện chất lượng môi trường, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường cũng là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác BVMT của tỉnh. Để có cơ sở thực hiện, hàng năm, Bình Dương đều ban hành danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường để tập trung xử lý, đến nay, tỉnh có 266/269 cơ sở trong danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoàn thành biện pháp khắc phục ô nhiễm, đạt tỷ lệ 98,9%. Đối với việc đầu tư các công trình, dự án xây dựng hạ tầng, trang bị cơ sở vật chất, xử lý chất thải, hiện đã có 13 dự án được triển khai thực hiện, trong đó 8 dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng và 5 dự án đang trong giai đoạn triển khai thi công...

   Từ năm 2011, tỉnh đã xây dựng Sách Xanh với ý nghĩa nhằm thúc đẩy hoạt động trong sản xuất công nghiệp trên địa bàn nói riêng và hoạt động BVMT trong toàn cộng đồng nói chung; đồng thời góp phần nâng cao hình ảnh, uy tín của doanh nghiệp (DN) và các sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hoạt động của DN. Qua 4 lần công bố Sách Xanh tỉnh Bình Dương, số DN được ghi tên vào Sách Xanh ngày càng tăng lên, cụ thể, năm 2011, có 32 DN; năm 2012 có 47 DN; năm 2014 có 59 DN và năm 2016 có 61 DN. Trong số các DN được công nhận trong Sách Xanh năm 2016 có 52 DN nằm trong KCN, 9 DN nằm ngoài KCN, 51 DN có vốn đầu tư nước ngoài, 10 DN có vốn đầu tư trong nước; 31 DN đã từng có tên trong Sách Xanh tỉnh Bình Dương năm 2014.

   Theo ông Nguyễn Hồng Nguyên - Phó Giám đốc Sở TN&MT Bình Dương, việc công khai thông tin về thực trạng môi trường DN là một biện pháp hiệu quả trong chính sách và giải pháp nhằm ngăn ngừa tình trạng ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh. Trên cơ sở đó, thông tin các DN thực hiện tốt công tác BVMT được công bố dưới dạng Sách Xanh để kịp thời tuyên dương, khen thưởng và tuyên truyền cho cộng đồng.

   Nhìn chung, công tác triển khai Kế hoạch BVMT trên địa bàn tỉnh bước đầu đã đạt được kết quả nhất định như nhận thức, trách nhiệm và hành động về BVMT đã có sự chuyển biến tích cực trong các DN và cộng đồng dân cư; công tác phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm ngày càng chủ động; các hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, khoáng sản và xả thải vào nguồn nước đã được kiểm soát; chất lượng môi trường từng bước được cải thiện… Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế như một số dự án quan trọng chưa được triển khai; tiến độ thực hiện các dự án, đề án, nhiệm vụ còn chậm; việc bố trí vốn đầu tư cho các dự án gặp nhiều khó khăn…

   Trong thời gian tới, tỉnh sẽ rà soát lập danh sách các dự án đầu tư, các vùng, các địa điểm có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường để có biện pháp phòng ngừa, xử lý; Triển khai thực hiện đồng bộ Kế hoạch thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; Nâng cao chất lượng thẩm định các báo cáo đánh giá tác động môi trường; Tổ chức thực hiện nghiêm quy định về vùng cấm và hạn chế khai thác khoáng sản, khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo tài nguyên khoáng sản và tài nguyên nước được khai thác và sử dụng hiệu quả. Đồng thời, tỉnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực BVMT; Tập trung xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh; Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về BVMT cho các DN, cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh.

                Đỗ Bình

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 2/2017

Ý kiến của bạn