Banner trang chủ

Bà Rịa - Vũng Tàu: Thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ môi trường

13/03/2015

     Năm 2014, Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, khắc phục những khó khăn, thách thức để cùng với các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh hoàn thành mục tiêu xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành tỉnh công nghiệp, phát triển toàn diện. Nhân dịp Xuân Ất Mùi 2015, Tạp chí Môi trường có cuộc phỏng vấn Giám đốc Sở TN&MT Bà Rịa - Vũng Tàu Lê Văn Sâm về kết quả công tác BVMT trên địa bàn tỉnh thời gian qua.

 

Ông Lê Văn Sâm - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

 

     Ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp đang làm suy thoái môi trường, đe dọa trực tiếp đến các thành quả về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vậy trong năm 2014, tỉnh đã có những giải pháp gì để giải quyết những vấn đề trên, thưa ông?

     Ông Lê Văn Sâm: Hoạt động sản xuất công nghiệp của các cơ sở trong các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chủ yếu phát sinh nước thải, khí thải và chất thải rắn. Để kiểm soát lượng nước thải phát sinh, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các chủ đầu tư hạ tầng phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải (XLNT) tập trung theo quy định. Đến nay, 7/9 KCN đang hoạt động (Mỹ Xuân A, Mỹ Xuân A2, Phú Mỹ I, Phú Mỹ II, Đông Xuyên, Mỹ Xuân B1 Tiến Hùng, Mỹ Xuân B1 Conac) đã đầu tư xây dựng hệ thống XLNT tập trung, trong đó có 4 KCN đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động nước thải (Mỹ Xuân A, Mỹ Xuân A2, Phú Mỹ I, Đông Xuyên).

     Tại KCN Cái Mép, theo báo cáo của Tổng Công ty xây dựng Sài Gòn (Chủ đầu tư hạ tầng KCN), hiện KCN có 8 dự án thành phần hoạt động và các dự án đã đầu tư hệ thống XLNT đảm bảo quy định. Bên cạnh đó, Tổng Công ty đã khởi công xây dựng hệ thống XLNT tập trung cho KCN Cái Mép trong Quý IV năm 2014 và cam kết đưa vào vận hành trong Quý IV năm 2015.

     Tại KCN Mỹ Xuân B1 Đại Dương, theo báo cáo của Công ty CP đầu tư xây dựng giải trí Đại Dương (Chủ đầu tư hạ tầng KCN), hiện KCN chỉ có duy nhất 1 dự án thành phần hoạt động (đã đầu tư hệ thống XLNT) và 2 dự án thuê đất. Do đó, Công ty đã thỏa thuận với Công ty TNHH Thương mại sản xuất Tiến Hùng (Chủ đầu tư hạ tầng KCN Mỹ Xuân B1 Tiến Hùng) sử dụng chung hệ thống XLNT tập trung công suất 1.500 m3/ngày, đêm của KCN Mỹ Xuân B1 Tiến Hùng (hiện nay KCN Mỹ Xuân B1 Tiến Hùng chỉ có 2 dự án thứ cấp đang hoạt động nên hệ thống XLNT tập trung đảm bảo XLNT phát sinh cho 2 KCN này). Đồng thời, Công ty cam kết sẽ khởi công xây dựng hệ thống XLNT tập trung cho KCN Mỹ Xuân B1 Đại Dương trong năm 2015 và đưa vào vận hành trong năm 2016.

     Đối với CCN, hiện tỉnh có 3 CCN hoạt động và đã đầu tư hệ thống XLNT tập trung theo quy định, gồm Hắc Dịch 1 (huyện Tân Thành); Boomin Vina (huyện Tân Thành) và Ngãi Giao (huyện Châu Đức).

     Nhìn chung, từ năm 2010 đến nay, với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh và nỗ lực của các ngành, các cấp, các nhà đầu tư, nước thải phát sinh từ hoạt động sản xuất của các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát, không còn trình trạng nước thải xả trực tiếp ra môi trường mà chưa qua xử lý.

     Vừa qua, VQG Côn Đảo được công nhận là khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (Ramsar) thứ 2.203 của thế giới, thứ 6 của Việt Nam. Đây là vinh dự, đồng thời là trách nhiệm của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong việc bảo tồn, giữ gìn các giá trị đặc trưng của VQG Côn Đảo. Xin ông cho biết, kế hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cũng như phát triển giá trị của VQG Côn Đảo trong thời gian tới?

     Ông Lê Văn Sâm: Ngày 1/11/2014, UBND tỉnh đã long trọng tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận Vườn quốc gia (VQG) Côn Đảo là khu Ramsar. Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu sự cố gắng, nỗ lực của chính quyền các cấp, nhân dân huyện Côn Đảo và của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Để quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị VQG Côn Đảo và thực hiện nghĩa vụ đã cam kết, UBND tỉnh đã giao Sở NN&PT tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND huyện Côn Đảo, Ban quản lý VQG Côn Đảo xây dựng, trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án quản lý, bảo vệ và sử dụng bền vững khu Ramsar VQG Côn Đảo để thực hiện từ đầu quý II năm 2015. Trong đó phân công trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ các hệ sinh thái (HST) rừng, đất ngập nước và biển theo quy định của pháp luật; Xác định tài nguyên rừng, đất ngập nước và biển không thuộc danh sách các loài nguy cấp, quý, hiếm theo quy định của pháp luật, có thể sử dụng; Phương thức khai thác, sử dụng bền vững; Hiệu quả và rủi ro. Bên cạnh đó, xây dựng phương thức sử dụng HST rừng, đất ngập nước và biển của VQG Côn Đảo để phát triển du lịch sinh thái; Các loại hình và sản phẩm du lịch; Phương thức tổ chức hoạt động du lịch theo các quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý rừng đặc dụng. Đồng thời, có cơ chế quản lý, sử dụng nguồn lợi từ việc sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên của khu Ramsar và chia sẻ lợi ích công bằng, minh bạch, đồng thuận giữa các bên; Xây dựng cơ chế có sự tham gia của cộng đồng dân cư địa phương trong các hoạt động quản lý, bảo vệ, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên và chia sẻ lợi ích.

     Luật BVMT năm 2014 có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, vậy Sở TN&MT có kế hoạch gì để triển khai việc tuyên truyền phổ biến Luật tới các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh?

     Ông Lê Văn Sâm: Để triển khai Luật BVMT năm 2014, Sở TN&MT đã tổ chức Hội nghị triển khai Luật cho các cấp, các ngành và các tổ chức kinh tế đang hoạt động trên địa bàn tỉnh; Phối hợp với TP. Bà Rịa và huyện Long Điền tổ chức 2 lớp tập huấn Luật cho đội ngũ cán bộ công chức, các đoàn thể và doanh nghiệp. Đồng thời, tổ chức tập huấn phổ biến Luật cho chủ đầu tư hạ tầng KCN Mỹ Xuân A2, Công ty vận chuyển khí Đông Nam bộ và đội ngũ cán bộ, công nhân viên, người lao động của 2 đơn vị nêu trên.

     Tại các lớp tập huấn, học viên đã được nghe các chuyên đề về Luật BVMT năm 2014, giới thiệu các văn bản quy định về BVMT trên địa bàn tỉnh. Từ đó góp phần thay đổi hành vi, có ý thức sử dụng hợp lý tiết kiệm tài nguyên, cải thiện môi trường, xây dựng nếp sống văn minh vì sự phát triển bền vững.

 

KCN Phú Mỹ I, Bà Rịa - Vũng Tàu đầu tư hệ thống xử lý nước thải tiên tiến

 

     Ngoài công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, Sở sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về BVMT; thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc chấp hành Luật BVMT, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật môi trường…

     Xin ông cho biết kế hoạch thực hiện công tác BVMT trên địa bàn tỉnh trong năm 2015?

     Ông Lê Văn Sâm: Năm 2015 là năm đầu tiên thi hành Luật BVMT năm 2014, do đó nhiệm vụ đặt ra là sớm đưa Luật vào cuộc sống. Sở TN&MT sẽ tập trung nghiên cứu Luật BVMT năm 2014 và các văn bản quy phạm pháp luật về BVMT do Chính phủ, Bộ TN&MT ban hành để tham mưu UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Luật có hiệu quả. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng toàn bộ quy trình, thủ tục hành chính về môi trường để tham mưu UBND tỉnh ban hành, công bố thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở TN&MT và tham mưu tổ chức thực hiện theo đúng quy định, đúng thẩm quyền; Phối hợp với Viện Môi trường và Tài nguyên hoàn thiện Chiến lược BVMT của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 để trình UBND tỉnh phê duyệt. Bên cạnh đó, tổ chức nghiên cứu các Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh liên quan đến lĩnh vực BVMT để kịp thời tham mưu các giải pháp, xây dựng các đề án khả thi, trong đó xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp và phân công cụ thể cho các ngành, các địa phương có liên quan theo thẩm quyền.

     Tiếp tục tăng cường kiểm soát và xử lý các cơ sở gây ô nhiễm kéo dài, đặc biệt trong lĩnh vực chế biến hải sản khu vực Tân Hải, Cửa Lấp; Luyện phôi thép; Các cơ sở chăn nuôi; Các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đẩy mạnh hoạt động cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản. Ngoài ra, phối hợp với các ngành triển khai các dự án cải thiện ô nhiễm tại một số khu vực đang bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như kênh Bến Đình, vịnh Gành Rái, Cống số 6 (xã Tân Hải, huyện Tân Thành), Cửa Lấp (huyện Long Điền) và TP. Vũng Tàu.

     Nghiên cứu, triển khai có hiệu quả Kế hoạch truyền thông nâng cao nhận thức BVMT đến năm 2020 theo Quyết định số 2553/QĐ-UBND ngày 19/11/2014 của UBND tỉnh. Bên cạnh đó, tiếp tục tham mưu UBND tỉnh triển khai các nhiệm vụ liên quan đến đa dạng sinh học theo quy định của Luật Đa dạng sinh học (ĐDSH) và Kế hoạch hành động về ĐDSH đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, trong đó chú trọng triển khai một số nhiệm vụ: Điều tra khảo sát, đánh giá thực trạng và xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học vùng nội địa tỉnh; Triển khai nhiệm vụ Quy hoạch bảo tồn ĐDSH đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Các nhiệm vụ bảo vệ, bảo tồn khu Ramsar VQG Côn Đảo.

     Tổ chức triển khai hiệu quả các chương trình, dự án từ nguồn chi sự nghiệp môi trường theo đúng quy định; Tiếp tục triển khai dự án hợp tác quốc tế về môi trường do Bộ TN&MT chủ trì liên quan đến cải thiện môi trường lưu vực sông Đồng Nai do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Đồng thời, tăng cường công tác thu phí BVMT đối với chất thải, định kỳ tiến hành giám định mẫu nước thải công nghiệp từ các cơ sở sản xuất để đảm bảo thu đúng, thu đủ và góp phần nâng cao trách nhiệm của tổ chức kinh tế trong công tác đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn và đầu tư xử lý ô nhiễm, nhằm giảm chi phí đóng phí BVMT theo quy định.

 

                Phạm Đình Tuyên (Thực hiện)

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 1+2/2015

 

 

 

 

Ý kiến của bạn