16/12/2016
An Giang là một trong các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long, với nhiều lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH). Tuy nhiên, cùng với sự phát triển KT - XH thì lượng nước thải, chất thải rắn phát sinh ngày càng gia tăng, chất lượng môi trường suy giảm nếu không có biện pháp quản lý và xử lý hiệu quả. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác BVMT trong phát triển bền vững, An Giang đã đề ra nhiều giải pháp nhằm khắc phục ô nhiễm, cải thiện vệ sinh môi trường nông thôn, làng nghề, cơ bản hoàn thành bộ chỉ tiêu về môi trường trong tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM); Khắc phục, xử lý triệt để các khu, điểm ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt là các bãi rác, đoạn sông, kênh, rạch, làng nghề. Để hiểu rõ hơn về việc thực hiện các mục tiêu BVMT của địa phương, Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với ông Võ Hùng Dũng - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh An Giang.
Ông Võ Hùng Dũng - Phó Giám đốc Sở TN&MT |
Xin ông cho biết, trong thời gian qua, việc chấp hành các quy định pháp luật về BVMT tại các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh được triển khai như thế nào?
Ông Võ Hùng Dũng: Tỉnh An Giang hiện có 2 KCN và 8 CCN đang hoạt động, trong đó có 1 KCN vừa hoàn thành hệ thống xử lý nước thải (XLNT) tập trung; 1 KCN còn lại dự kiến sẽ đầu tư trong năm 2017; Các CCN đang xin vốn đầu tư xây dựng hệ thống XLNT tập trung vào các năm tiếp theo. Hiện nay, các doanh nghiệp (DN) đầu tư trong các KCN, CCN đều thực hiện nghiêm túc những thủ tục về BVMT như báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), kế hoạch BVMT và các công trình BVMT.
Hàng năm, Ban Quản lý Khu kinh tế đều tiến hành giám sát môi trường và tổ chức kiểm tra việc BVMT định kỳ; Tuyên truyền phổ biến các quy định pháp luật về BVMT cho các DN hoạt động tại các KCN, CCN. Từ đó, ý thức chấp hành pháp luật của các DN từng bước được nâng lên, chất lượng môi trường của các KCN được kiểm soát ngày càng chặt chẽ.
Hiện nay, hoạt động nuôi trồng, chế biến thủy sản của tỉnh có bước phát triển vượt bậc, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, song cũng là nguyên nhân gây ra tác động đối với môi trường. Vậy tỉnh đã có những giải pháp gì để giải quyết bài toán môi trường trong lĩnh vực này, thưa ông?
Ông Võ Hùng Dũng: Thời gian qua, các hoạt động nuôi trồng và chế biến thủy sản đều được tỉnh kiểm soát thông qua công tác quy hoạch các khu, vùng nuôi tập trung; Sắp xếp lại các ao nuôi, làng bè phù hợp theo quy hoạch. Các dự án nuôi và chế biến thủy sản đều thực hiện các thủ tục về môi trường và chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng. Ngoài ra, tỉnh cũng thường xuyên tổ chức quan trắc, giám sát chất lượng nước mặt, các vùng nuôi trồng thủy sản và công trình, biện pháp BVMT đối với các nhà máy chế biến thủy sản. Tuy nhiên, tại một số nơi cũng có việc xả thải và chất lượng môi trường vượt tiêu chuẩn, nhưng tất cả các hoạt động này vẫn nằm trong tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý vùng nuôi, sắp xếp lại các ao nuôi, làng bè phù hợp với điều kiện tự nhiên và quy hoạch nuôi trồng thủy sản trên địa bàn. Đồng thời, kiểm soát chặt quy trình nuôi và tăng cường kiểm tra các hoạt động xả thải của các dự án nuôi, các nhà máy chế biến thủy sản; Yêu cầu thực hiện giám sát môi trường theo quy định về Tiêu chí 17 về môi trường trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM với 5 nội dung lớn, vậy tỉnh An Giang đã triển khai các hoạt động gì nhằm sớm hoàn thành tiêu chí này, thưa ông?
Ông Võ Hùng Dũng: Nhằm cụ thể hóa các Bộ tiêu chí quốc gia NTM, UBND tỉnh đã ban hành tiêu chí xây dựng NTM theo Quyết định số 2361/QĐ-UBND ngày 15/11/2013, trong đó phân công Sở TN&MT phụ trách 5 chỉ tiêu: Quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu cho phát triển nông nghiệp hàng hóa, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ (Chỉ tiêu 1.1); Các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn xã (thuộc diện phải thực hiện đăng ký thủ tục môi trường) đạt tiêu chuẩn về môi trường (Chỉ tiêu 17.4); Không xả chất thải (rác thải, xác chết động vật...), nước thải xuống sông, kênh, rạch gây ô nhiễm môi trường và các hoạt động BVMT nông thôn (Chỉ tiêu 17.5); Xây dựng cảnh quan nông thôn xanh - sạch - đẹp (chỉnh trang hàng rào, nhà ở sạch - đẹp, cải tạo vườn tạp; Tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn, trồng cây xanh trên lộ giao thông, bờ đê tạo cảnh quan nông thôn xanh - sạch - đẹp) (Chỉ tiêu 17.6); Chất thải trong khu dân cư, chợ, trụ sở cơ quan, sản xuất kinh doanh được thu gom, vận chuyển đến điểm tập trung (bãi rác, khu xử lý chất thải) theo quy định (Chỉ tiêu 17.7). Đối với các hộ gia đình không có điều kiện thu gom, vận chuyển thì áp dụng các biện pháp xử lý (chôn lấp, tiêu hủy…) để đảm bảo vệ sinh môi trường.
Sau khi Tỉnh ủy phát động và UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM tỉnh An Giang, Sở TN&MT đã xây dựng Kế hoạch hành động nhằm thực hiện các chỉ tiêu do Sở phụ trách trên địa bàn.
Ngoài ra, Sở TN&MT cũng được phân công phối hợp với các Sở, ngành thực hiện 4 chỉ tiêu: Nước sạch (17.1); nhà tiêu hợp vệ sinh (17.2); chuồng, trại chăn nuôi hợp vệ sinh (17.3); nghĩa trang, nghĩa địa nhân dân được xây dựng theo quy hoạch (17.7).
Tính đến tháng 9/2016, tỉnh đã đạt được một số chỉ tiêu: Đối với chỉ tiêu tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh: 81/119 xã, tỷ lệ: 68,06%; Bình quân các hộ sử dụng nước hợp vệ sinh toàn xã đạt tỷ lệ: 81,11% (299.982/369.875 hộ). Đối với chi tiêu các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt chuẩn về môi trường: 75/119 xã, chiếm tỷ lệ 63,03%; Bình quân các cơ sở đạt tiêu chuẩn môi trường là: 4.430/5.109 cơ sở, chiếm tỷ lệ: 86,7%...
Sở TN&MT An Giang tăng cường kiểm tra, giám sát môi trường tại các vùng nuôi thủy sản tập trung |
Xin ông cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện chính sách pháp luật về BVMT, địa phương gặp những khó khăn, vướng mắc gì và có đề xuất, kiến nghị gì, thưa ông?
Ông Võ Hùng Dũng: Việc xây dựng, ban hành một số văn bản hướng dẫn thi hành Luật BVMT năm 2014 còn chậm, đến nay còn một số văn bản chưa được ban hành, hướng dẫn đầy đủ đối với các nội dung của Luật (ví dụ: Điều kiện của tổ chức thực hiện tư vấn ĐTM; Quy định về quan trắc tự động, liên tục đối với các dự án có nguồn thải lớn; Quy định về mục chi, định mức chi cho việc thẩm định Đề án BVMT chi tiết…). Một số văn bản hướng dẫn đã ban hành theo Luật BVMT năm 2005 không còn phù hợp với thực tiễn (Thông tư số 04/2012/TT-BTNMT; Nghị định số 179/2013/NĐ-CP; Quyết định số 10/2006/QĐ-BTNMT…).
Luật BVMT năm 2014 có quy định về các trường hợp phải có khoảng cách bảo đảm không gây tác động xấu, đáp ứng yêu cầu về vệ sinh môi trường, cảnh quan khu dân cư, khu vực công cộng… nhưng cụ thể khoảng cách này như thế nào thì hiện vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể. Việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm xen kẽ khu dân cư chưa có cơ chế, chính sách, hướng dẫn cụ thể, đặc biệt là các cơ sở xay xát, sấy lúa, làm khô, mắm… nằm xen kẽ trong khu dân cư.
Mặc dù có sự hỗ trợ từ Trung ương cho công tác bảo vệ, giảm thiểu và xử lý môi trường nhưng An Giang là tỉnh nông nghiệp, nguồn thu ngân sách còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Do đó, gây không ít khó khăn trong việc đầu tư cho công tác BVMT, đặc biệt là việc đầu tư xây dựng các hệ thống XLNT, rác thải sinh hoạt, rác từ hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Trên cơ sở những bất cập nêu trên, kiến nghị Bộ TN&MT sớm tham mưu ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật phù hợp với thực tiễn; Rà soát các văn bản hết hiệu lực, hoặc không còn phù hợp để sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, ban hành mới. Bên cạnh đó, cần tăng cường hỗ trợ các nguồn vốn để đầu tư các hệ thống XLNT, rác thải, khu điểm ô nhiễm...
Mặt khác, Bộ TN&MT cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trạm quan trắc, nhất là trạm quan trắc môi trường nước xuyên biên giới cho tỉnh An Giang theo Quy hoạch được phê duyệt tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 12/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
PV: Xin cảm ơn ông!
P. Tuyên - B.Hằng
(Thực hiện)
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11/2016