Banner trang chủ

Lai Châu tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường

12/01/2017

   Thời gian qua công tác BVMT trên địa bản tỉnh Lai Châu đã đươc các cấp, ngành, cộng đồng dân cư quan tâm tổ chức thực hiện. Hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về môi trường được tăng cường; ý thức, trách nhiệm BVMT trong xã hội được nâng lên; các công trình BVMT trong các dự án đầu tư đã được quan tâm. Tuy nhiên, công tác BVMT của tỉnh vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; nguy cơ suy thoái, cạn kiệt tài nguyên, đất đai bị xói mòn, thoái hóa, suy giảm đa dạng sinh học (ĐDSH) nếu không được bảo vệ và quản lý chặt chẽ; cá biệt vẫn còn cơ sở chưa thực hiện thủ tục pháp lý về môi trường trước khi triển khai dự án tạo nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và sự phát triển bền vững của tỉnh. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Văn Lương - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Lai Châu về việc tăng cường công tác BVMT trên địa bàn tỉnh thời gian qua.

Ông Vũ Văn Lương - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Lai Châu

   Lai Châu là một tỉnh có nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng, xin ông cho biết tình hình quản lý, BVMT trong hoạt động khai thác khoáng sản cũng như công tác cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ tại các mỏ đã được thực hiện như thế nào?

   Ông Vũ Văn Lương: Trên địa bàn tỉnh Lai Châu có tổng số 68 mỏ, điểm mỏ khoáng sản, trong đó có 33 mỏ, điểm mỏ khoáng sản kim loại như: sắt, đồng, chì, kẽm molipden, đất hiếm, vàng…, những khoáng sản được đánh giá là có trữ lượng như đất hiếm, vật liệu xây dựng. Tuy được đánh giá là tỉnh đa dạng, phong phú về loại hình khoáng sản, tuy nhiên khoáng sản phân bố không tập trung thành mỏ lớn, loại hình cấu trúc phức tạp, chưa được thăm dò chi tiết (trừ đất hiếm mỏ Đông Pao và phần nông mỏ đất hiếm Nậm Xe), các khoáng sản còn lại mới dừng ở bước điều tra, khảo sát; mặt khác tỉnh có địa hình phức tạp, trên 60% diện tích có độ cao hơn 1.000 m nên khó khăn trong công tác khai thác và quản lý nguồn tài nguyên khoáng sản.

   Công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn tỉnh tuân thủ đúng quy định, việc cấp phép hoạt động khoáng sản được thực hiện đúng thẩm quyền, quy định. Hoạt động khoáng sản trên địa bàn chủ yếu là khai thác vật liệu xây dựng quy mô nhỏ phục vụ cho nhu cầu trong tỉnh.

   Tính đến hết tháng 11/2016, trên địa bàn tỉnh Lai Châu có 23 giấy phép hoạt động khoáng sản còn hiệu lực giấy phép, trong đó, Bộ TN&MT cấp 2 giấy phép (khai thác đất hiếm và khai thác đá phiến đen); UBND tỉnh cấp 21 giấy phép, trong đó (18 khai thác đá, 3 khai thác cát).

   Các tổ chức được cấp phép cơ bản tuân thủ quy định pháp luật trong hoạt động khoáng sản; hoạt động khai thác trái phép được phát hiện và giải tỏa kịp thời, cơ bản không có tình trạng khai thác trái phép tập trung đông người.

   Về công tác BVMT trong hoạt động khai thác khoáng sản: Tất cả các dự án khai thác khoáng sản đều có ĐTM hoặc kế hoạch BVMT và dự án cải tạo phục hôi môi trường được phê duyệt/xác nhận, trong đó xác định rõ khối lượng, phương pháp phục hồi môi trường sau khai thác. Các đơn vị này đa số đã số đã đầu tư các công trình BVMT theo ĐTM, được kiểm tra và xác nhận hoàn thành công trình BVMT.

   Để đảm bảo các doanh nghiệp sau khi kết thúc khai thác thực hiện nghiêm túc quy định về cải tạo, phục hồi môi trường, thực hiện ký quỹ, Chi cục BVMT đã mở tài khoản tạm gửi tại ngân hàng để tổ chức nhận ký quỹ (vì hiện tại tỉnh chưa thành lập Quỹ BVMT). Đến nay, tổng số tiền ký quỹ là 1.633.001.812 đồng.

   Có thể nói công trình thủy điện Lai Châu có những đóng góp to lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) tại địa phương, đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực Tây Bắc, tuy nhiên cũng sẽ có những tác động nhất định đến môi trường. Vậy Sở TN&MT đã có kế hoạch gì để tham mưu lãnh đạo tỉnh về công tác quản lý và BVMT gắn với sinh kế người dân trong khu vực, thưa ông?

   Ông Vũ Văn Lương: Công trình thủy điện Lai Châu là công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh, công tác di dân, tái định cư dự án Thủy điện Lai Châu với 8 khu, 17 cụm, điểm là một trong những nhiệm vụ đặc biệt đã được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện; người dân tái định cư được cấp đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ lương thực, cải thiện sinh kế cho cộng đồng, xây dựng cơ sở hạ tầng điện, nước, đường, trường, trạm tại nơi tái định cư đồng bộ, đảm bảo nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, người dân hài lòng với cuộc sống mới.

   Trong thời gian tới, để làm tốt công tác BVMT đối với các điểm tái định cư, Sở TN&MT tiếp tục chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền cấp huyện tổ chức tuyên truyền cho bà con từng bước bỏ thói quen canh tác cũ, hạn chế phá rừng làm nương rẫy, nuôi nhốt vật nuôi dưới gầm sàn; gắn vấn đề quản lý và BVMT của nhân dân với triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Chương trình đã giúp bà con nâng cao nhận thức về môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống, tiếp tục thực hiện tốt tiêu chí thứ 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới (các hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh, đầu tư hệ thống cấp nước sinh hoạt, tổ chức thu gom rác thải và đổ thải đúng nơi quy định, xây dựng chuồng trại cho chăn nuôi ngoài nhà sàn cách xa nguồn nước…).

   Phối hợp với các cấp ngành tiếp tục tham mưu cho tỉnh quy hoạch đất cho vùng sản xuất cho bà con tại các khu, điểm tái định cư; tiếp tục tổ chức phát triển nghề rừng và thực hiện chủ trương xã hội hóa nghề rừng: Tổ chức thực hiện tốt các Chương trình phủ xanh đất trống đồi trọc, nâng cao độ che phủ rừng, bảo vệ ĐDSH. Khuyến khích doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế liên doanh, liên kết với dân để phát triển rừng bằng nhiều hình thức linh hoạt như thuê đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của dân để trồng rừng nguyên liệu, chế biến lâm sản, cung ứng giống, chuyển giao kỹ thuật; Khoán, giao rừng, đất rừng cho cộng đồng dân cư bản địa.

   Thực hiện Luật ĐDSH năm 2008, Chiến lược bảo tồn ĐDSH đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh đã có kế hoạch gì nhằm bảo tồn gắn với phát triển du lịch và phát triển kinh tế?

   Ông Vũ Văn Lương: Sau khi Luật ĐDSH năm 2008 có hiệu lực thi hành, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động ĐDSH của tỉnh Lai Châu đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 774/QĐ-UBND ngày 18/6/2010.

Công trình thủy điện Lai Châu có vai trò quan trọng,
trong cung cấp điện năng quốc gia và đảm bảo cải thiện sinh kế cho cộng đồng dân cư

   Thực hiện việc lồng ghép bảo tồn ĐDSH vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch chính sách phát triển KT-XH của tỉnh theo định hướng phát triển bền vững: Kế hoạch Hành động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) tỉnh Lai Châu, Quy hoạch Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Lai Châu năm 2011-2020; Chương trình, kế hoạch hành động Chiến lược Tăng trưởng xanh của tỉnh...

   Hàng năm, tổ chức các lớp tập huấn nhằm tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức của cộng đồng nhằm chia sẻ thông tin và chủ động tham gia của người dân vào việc bảo vệ ĐDSH và quản lý an toàn sinh học. Tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng thông qua Ngày ĐDSH 22/5, Ngày đất ngập nước quốc tế 2/2.

   Khuyến khích các hoạt động trồng rừng theo tiêu chí phát triển bền vững, phù hợp với mục tiêu bảo tồn.

   Trong thời gian tới, Sở TN&MT sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tổ chức thực hiện điều tra cơ bản ĐDSH trên địa bàn toàn tỉnh làm cơ sở thực hiện xây dựng Quy hoạch Bảo tồn ĐDSH trên địa bàn tỉnh nhằm gắn với phát triển du lịch và phát triển kinh tế, giao nhiệm vụ cho các cấp, các ngành tại địa phương.

   Thưa ông, trong quá trình triển khai nhiệm vụ quản lý nhà nước về BVMT, địa phương có gặp khó khăn và đề xuất kiến nghị gì đối với các cơ quan chức năng?

   Ông Vũ Văn Lương: Một trong những khó khăn về thực hiện nhiệm vụ quản lý môi trường ở địa phương, đó là nhiều văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, thiếu cụ thể, hướng dẫn thực hiện chưa kịp thời, thủ tục hành chính phức tạp gây khó khăn trong công tác triển khai thực hiện ở cơ sở. Năng lực thiết bị phục vụ công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra còn yếu và thiếu, hạn chế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

   Việc phân công trách nhiệm, phân cấp quản lý còn nhiều vướng mắc, bất cập, cụ thể: phân cấp quản lý môi trường cho cấp huyện, xã chưa xem xét đến biên chế và năng lực cán bộ nên chưa đạt mục tiêu đề ra. Phân công công tác quản lý môi trường cho các ngành hiện nay (ngoài ngành TN&MT) còn quá nhiều chồng chéo, nhiều nội dung lại bỏ trống.

   Kinh phí đầu tư cho công tác BVMT còn quá ít so với yêu cầu thực tế, đặc biệt là các dự án đầu tư khu xử lý chất thải rắn, chưa đầu tư cho thực hiện xử lý nước thải sinh hoạt tập trung. Trên cơ sở đó, xin đề xuất, kiến nghị một số nội dung sau:

   Thứ nhất, trong quá trình triển khai thi hành Luật BVMT năm 2014 còn có sự không thống nhất trong quy định giữa Luật Đầu tư; Do có quy định khác biệt giữa hai Luật trên nên địa phương gặp khó khăn trong việc xác định thời điểm thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM đối với các dự án mà theo Luật Đầu tư phải có quyết định chủ trương đầu tư thuộc thẩm quyền UBND cấp tỉnh. Đề nghị sớm có hướng dẫn cụ thể thời điểm phê duyệt ĐTM đối với các dự án mà theo Luật Đầu tư phải có quyết định chủ trương đầu tư thuộc thẩm quyền UBND cấp tỉnh (Tổ chức thẩm định, phê duyệt ĐTM trước hay sau khi có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư);

   Thứ hai, hoàn thiện các quy định còn thiếu như: trình tự, thủ tục, thành phần hồ sơ đối với Xác nhận hoặc điều chỉnh xác nhận bảo đảm yêu cầu BVMT đối với cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt; lập kế hoạch và kiểm tra, xác nhận việc thu dọn lòng hồ trước khi tích nước của các dự án có hồ chứa; đền bù thiệt hại về môi trường; định mức kinh tế - kỹ thuật cho lập Quy hoạch bảo tồn ĐDSH , quy hoạch BVMT, báo cáo hiện trạng môi trường cấp tỉnh 5 năm....

   Thứ ba, cần sớm xem xét điều chỉnh các quy định về phân công, phân cấp trong công tác quản lý môi trường tránh chồng chéo hoặc bỏ trống nhiệm vụ đặc biệt trong quy định chức năng, nhiệm vụ về quản lý quản lý ĐDSH ở cấp tỉnh giữa Sở TN&MT với Sở NN&PNTN.

   Thứ tư, bổ sung chức năng thanh tra môi trường thuộc Chi cục BVMT cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành.

   Thứ năm, tăng cường tập huấn đào tạo, đào tạo lại cán bộ phụ trách công tác môi trường ở cấp xã.

   Thứ sáu, tăng cường kinh phí cho hoạt động BVMT trong đó tập trung điều tra cơ bản như điều tra các nguồn thải vào môi trường nước, điều tra đa dạng sinh học, tăng cường trang thiết bị cho các trung tâm quan trắc môi trường ở địa phương.

   Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn.

Phạm Tuyên - Đinh Hương
(Thực hiện)

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2016

Ý kiến của bạn