Banner trang chủ

Điều chỉnh chính sách thuế hướng tới tăng trưởng xanh

26/04/2016

     Mới đây, Bộ Tài chính đã lên kế hoạch hành động để rà soát, điều chỉnh chính sách thuế hướng tới BVMT. Đây cũng là một trong những nội dung mà Việt Nam đang nghiên cứu để đưa ra bàn thảo tại hội nghị chuyên đề của Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) sẽ diễn ra tại Việt Nam vào năm 2017.

 

     Cùng với các quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam đã và đang thực hiện một số chính sách tài chính vì mục tiêu tăng trưởng xanh, bao gồm thuế bảo vệ môi trường áp dụng đối với xăng dầu, túi nilông, thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật; miễn thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cho đất của các doanh nghiệp thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực môi trường… Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các chính sách tài chính liên quan đến tăng trưởng xanh của Việt Nam chưa thực sự phát huy hiệu quả.

     Để khắc phục những hạn chế này, đồng thời thực hiện mục tiêu kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020, Bộ Tài chính đã xây dựng kế hoạch triển khai và đặt ra những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện. Theo đó, sẽ thiết kế khung chính sách (thuế, tài chính) hướng đến tăng trưởng xanh, trong đó tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách thuế tài nguyên; bổ sung đối tượng thu thuế bảo vệ môi trường; rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm khuyến khích sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.

     Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ ban hành quy chế mua sắm công xanh, trong đó các khoản chi mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước phải ưu tiên hàng hóa có dán nhãn sinh thái, hàng hóa có khả năng tái chế. Từ năm 2017, tất cả các phương tiện cơ giới mua bằng kinh phí công phải đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4, đồng thời ưu tiên các loại phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch (điện, khí hóa lỏng) và xe lai xăng, điện (hybid).

     Được biết, chính sách thuế đối với tăng trưởng xanh đã được các nước trên thế giới thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như thuế BVMT, thuế carbon, thuế phát thải… Theo đó, Ấn Độ, Trung Quốc, Mêxicô khuyến khích phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái sinh; Bỉ, Hàn Quốc áp thuế đối với bao bì nhằm giảm lượng rác thải từ các sản phẩm này. Phần Lan áp dụng thuế đánh vào phát thải CO2 với nhiên liệu; Na Uy, Đan Mạch áp dụng thuế carbon đối với nhiên liệu hóa thạch. Chỉ tính riêng năm 2012, số lượng các quốc gia áp dụng công cụ thuế carbon tăng gấp đôi, từ 20 lên 40 nước trên thế giới (tập trung chủ yếu ở châu Âu) nên lượng phát thải khí nhà kính ở khu vực này đã giảm 7%.

 

Đức Anh

Ý kiến của bạn