10/03/2020
BVMT được xem là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, là một trong những mục tiêu cơ bản của phát triển bền vững.Tại nhiều vùng nông thôn, tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới (NTM) đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể địa phương phát huy vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, góp phần nâng cao ý thức và trách nhiệm BVMT của đoàn viên, hội viên và nhân dân.
Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định, môi trường là một trong ba vấn đề cần được quan tâm thực hiện giai đoạn 2016-2020. Trong đó, tiêu chí môi trường (gồm 8 chỉ tiêu) là một trong những tiêu chí quan trọng được tăng cường, tập trung chỉ đạo, thực hiện, kiểm tra, giám sát chặt chẽ trong thời gian qua.Nhằm thực hiện hiệu quả tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM giai đoạn tiếp theo, một số đánh giá về bộ tiêu chí môi trường hiện hành và đề xuất ý kiến hoàn thiện bộ tiêu chí trong thời gian tới (sau năm 2020) là cần thiết và có ý nghĩa tích cực.
Đánh giá về cơ sở lý luận và thực tiễn khi thực hiện tiêu chí 17 về môi trường trong xây dựng NTM
Bộ Tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016-2020 ban hành kèm theo Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 đưa ra 19 tiêu chí về các lĩnh vực khác nhau theo yêu cầu của một xã NTM, trong đó có tiêu chí 17 (Môi trường và an toàn thực phẩm)có 8 nội dung. Trong mỗi nội dung của tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm (chủ yếu liên quan đến môi trường) đã sơ bộ đưa ra các chỉ tiêu đánh giá chung cho cả nước và chỉ tiêu đánh giá cho 7 vùng sinh thái: Trung du, miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ, Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long.
Để tiếp tục nâng cao và duy trì bền vững các tiêu chí, Bộ NN&PTNT đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về xã NTM kiểu mẫu, trong đó tiêu chí môi trường nhấn mạnh vào những vấn đề nổi cộm, cần tiếp tục duy trì và siết chặt theo hướng lượng hóa các chỉ tiêu để giữ gìn cảnh quan và hạn chế ô nhiễm môi trường tại khu vực nông thôn theo Quyết định số 691/QĐ-TTg ngày5/6/2018 bao gồm các nội dung: Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom và xử lý theo đúng quy định đạt từ 90% trở lên; tỷ lệ rác thải sinh hoạt được phân loại, áp dụng biện pháp xử lý phù hợp đạt từ 50% trở lên; 60% trở lên số tuyến đường xã, thôn, bản, ấp có rãnh thoát nước và được trồng cây bóng mát hoặc trồng hoa, cây cảnh toàn tuyến;có mô hình BVMT (hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ, đội, nhóm tham gia thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, vệ sinh đường làng ngõ xóm và các khu vực công cộng; câu lạc bộ, đội tuyên truyền về BVMT) hoạt động thường xuyên, hiệu quả, thu hút sự tham gia của cộng đồng;90% trở lên số hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường;100% cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện xử lý rác thải, nước thải đạt tiêu chuẩn và đảm bảo bền vững.
Hội nghị toàn quốc đánh giá tình hình triển khai thực hiện Tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM
giai đoạn 2010 - 2020 và định hướng cho giai đoạn sau năm 2020 do Bộ TN&MT tổ chức tại TP. Hưng Yên, ngày 10/12/2019
Có thể nói, Bộ tiêu chí xây dựng NTM đã đề cập tới các hoạt động BVMT, thể hiện tính toàn diện và đa lĩnh vực. Tiêu chí 17 với 8 nội dung được cụ thể hóa đã tác động tích cực,góp phần nâng cao nhận thức và hành động BVMT ở nông thôn. Đây là căn cứ để xây dựng và triển khai chính sách về BVMT tại các địa phương như: Đề án thu gom, xử lý rác thải và thành lập các tổ thu gom rác; việc thu gom, xử lý rác được giao cho hợp tác xã, doanh nghiệp có năng lực; Tiêu chí BVMT đã được gắn với gia đình văn hóa, đưa tiêu chí BVMT vào quy ước, hương ước của bản. Nhiều phong trào, mô hình về BVMT được duy trì có hiệu quả như: Vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm, phong trào “5 không, 3 sạch” do Hội Phụ nữ làm nòng cốt… Đặc biệt, Bộ tiêu chí này có vai trò điều phối, kết nối về chức năng quản lý, BVMT khu vực nông thôn.Tiêu chí môi trường liên quan đến nhiều lĩnh vực, đòi hỏi cần có sự phối hợp, vào cuộc của các ngành, các cấp chính quyền trong công tác chỉ đạo điều hành, triển khai chính sách. Vai trò của các ngành: NN&PTNT, TN&MT, Xây dựng, Y tế...hay các tổ chức chính trị - xã hội như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên...đều được thể hiện rõ và đầy đủ. Đồng thời, nội dung của tiêu chí môi trường cũng trở thành công cụ để thực hiện vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc trong xây dựng NTM.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các nội dung của tiêu chí 17 trong thời gian qua vẫn còn những bất cập, tồn tại:Quá trình triển khai thực hiện Tiêu chí 17 về môi trường không đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn, mà phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức, ý thức trách nhiệm của chính quyền và người dân. Bài học từ nhiều địa phương cho thấy, sau thời điểm công nhận, một số địa phương mà không tiếp tục quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện, nên kết quả đạt được không được giữ vững.Tiêu chí 17 về môi trường là một trong những tiêu chí không ổn định, thường xuyên thay đổi và chịu ảnh hưởng từ các rào cản của các tiêu chí khác về hạ tầng (hệ thống đường, thu gom nước thải, tiêu thoát nước mưa)…
Nhìn chung, nông nghiệp, nông thôn đang bước vào giai đoạn phát triển mới, đứng trước những yêu cầu về quá trình đô thị hóa, yêu cầu về bảo tồn và giữ gìn cảnh quan, văn hóa truyền thống…, do đó, cần xác định các hoạt động BVMT là yếu tố then chốt đánh giá chất lượng NTM, cần nhận diện được chuyển đổi cấu trúc nông thôn về kinh tế, xã hội, môi trường trong mối quan hệ giữa nông thôn và thành thị, giữa kinh tế và môi trường hướng tới phát triển bền vững. Các vấn đề về môi trường nông thôn cần được quan tâm nghiên cứu gồm:Chức năng về BVMT của nông thôn trong tương lai;thiết kết cảnh quan môi trường nông thôn; cơ sở hạ tầng môi trường cần được ưu tiên đầu tư từ nguồn ngân sách trong xây dựng NTM…
Một số đề xuấthoàn thiện Tiêu chí 17 cho phù hợp với giai đoạn tiếp theo (2021 - 2025)
Cần tiếp tục và hoàn thiện xây dựng tiêu chí môi trường trong xây dựng xã NTM áp dụng cho giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở kế thừa tiêu chí về xã NTM giai đoạn 2016-2020 để có những điều chỉnh, bổ sung phù hợp, khắc phục những hạn chế đã được đề cập.
Tiêu chí môi trường là tiêu chí động, thay đổi thường xuyên theo tốc độ phát triển kinh tế. Vì vậy để thực hiện có kết quả tốt phải có quyết tâm chính trị cao, có kế hoạch chỉ đạo cụ thể, chủ động, sáng tạo, sâu sát, liên tục của các cấp ủy, chính quyền, nhất là có vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các cấp để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng với sự quan tâm của toàn xã hội. Điều này có ý nghĩa quan trọng dẫn dắt và thúc đẩy thực hiện tiêu chí môi trường trong thực hiện Chương trình xây dựng NTM.
Về nội dung cần điều chỉnh, bổ sung:Tách tiêu chí về an toàn thực phẩm để thuận lợi cho việc hướng dẫn, đánh giá kiểm tra chuyên ngành, đồng thời có những chỉ số lượng hóa rõ hơn nhằm thúc đẩy việc bảo vệ tài nguyên tự nhiên, cảnh quan và môi trường; xây dựng bộ tiêu chí phân theo vùng để đảm bảo việc xây dựng NTM phù hợp với các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa (tỷ lệ thu gom, phân loại chất thải rắn; xây dựng nghĩa trang, bãi rác theo cụm xã...); Nên chia thành nhóm chỉ tiêu bắt buộc, nhóm chỉ tiêu khuyến khích (trồng hoa bên đường, đầu tư hệ thống điện chiếu sáng đường). Triển khai thực hiện xây dựng tiêu chí, đáp ứng đúng thực chất nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp đặc thù từng xã; tránh việc làm hình thức, máy móc theo tiêu chí, gây lãng phí nguồn lực.
Cần xây dựng định mức, tiêu chuẩn thiết kế đối với công trình thoát nước, xử lý nước thải nông thôn; quy định về tỷ lệ nước thải được thu gom phù hợp với từng vùng miền; quy định về yêu cầu vệ sinh môi trường trong tái sử dụng nước thải cho mục đích tưới tiêu. Các chỉ tiêu 17.3, 17.4, 17.5 cần quy định tỷ lệ % đạt chuẩn để có cơ sở đánh giá (như quy định rõ tỷ lệ hộ gia đình phải thực hiện xử lý nước thải sinh hoạt; tỷ lệ hộ gia đình phân loại rác tại nguồn; tỷ lệ các tuyến đường trồng cây, trồng hoa; cần lượng hóa trong bảo vệ rừng, nguồn nước, đất đai và các nguồn tài nguyên khác).
Có thể nói,nông thôn Việt Nam đang từng bước chuyển mình, có nhiều thay đổi trước những yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi bộ mặt nông thôn về hạ tầng cơ sở, cảnh quan, chất lượng sống… theo hướng phát triển bền vững. Vì vậy, tiêu chí 17 về môi trường trong bộ tiêu chí về NTM càng được quan tâm và cần được xem xét đánh giá, bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp với tình hình phát triển của nông thôn Việt Nam trong thời kỳ mới.
Nguyễn Hoàng Ánh
Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý chất lượng Môi trường, Tổng cục Môi trường
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 2/2020)