Banner trang chủ

Đề cao vai trò của người dân và các tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong việc giám sát bảo vệ môi trường

14/07/2020

    Là tổ chức chính trị - xã hội tập hợp đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, thời gian qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã tham gia tích cực vào hoạt động tư vấn, phản biện xã hội trong công tác xây dựng chính sách pháp luật về BVMT, cụ thể góp ý về Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi). Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với ông Nghiêm Vũ Khải - Phó Chủ tịch VUSTA, Đại biểu Quốc hội khóa XIV về vấn đề này.

 

Ông Nghiêm Vũ Khải - Phó Chủ tịch VUSTA, Đại biểu Quốc hội khóa XIV

 

PV: Là người tham gia đóng góp tích cực cho quá trình xây dựng Luật BVMT năm 2005, Luật BVMT năm 2014, ông có đánh giá thế nào về Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) lần này?

Ông Nghiêm Vũ Khải: Năm 1993, Luật BVMT được xây dựng và đến năm 2005 được sửa đổi lần thứ nhất, năm 2014 được sửa đổi lần thứ hai và năm nay, Luật tiếp tục được sửa đổi lần thứ 3. Thời gian sửa đổi ngày càng được rút ngắn, điều đó phản ánh thực tế là vấn đề tài nguyên, môi trường biến động rất lớn, nguy cơ tiềm ẩn cao, ý thức về nhu cầu và quyền được sống trong môi trường trong lành của người dân cũng được nâng lên. Vì thế, những quy định cũ cần phải sửa đổi sao cho phù hợp với thời đại, nhất là khi Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định, cam kết quốc tế như Hiệp định thương mại tự do. Qua nghiên cứu, tôi thấy Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) lần này là sự nỗ lực lớn của Bộ TN&MT, nhưng cũng có thách thức vì nội dung của Dự thảo rất phong phú, cần phải quy định đúng và trúng, đảm bảo tính lôgic, toàn diện, tra cứu tốt, quan trọng là phải khả thi, sát với thực tiễn, song không quá cụ thể.

PV: Ông có nhận xét gì về những quy định trong Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) liên quan đến quyền và trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư trong BVMT?

Ông Nghiêm Vũ Khải: Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) đã được trình Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 9 (tháng 6/2020), Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thẩm tra vào tháng 4/2020, trong đó có quy định khá đầy đủ về quyền và trách nhiệm liên quan đến các tổ chức chính trị - xã hội truyền thống là Mặt trận Tổ quốc, Công đoàn, Nông dân, Phụ nữ, Thanh niên, Cựu chiến binh..., nhưng đối với các tổ chức hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp khác, tôi cho rằng còn mờ nhạt, cần quy định rõ, đậm nét hơn. Từ kinh nghiệm quốc tế, với quan điểm BVMT là hoạt động của cơ sở và khẩu hiệu “suy nghĩ toàn cầu, hành động địa phương” thì cần phải coi trọng và phát huy vai trò của cộng đồng dân cư, đặc biệt là các hội, tổ chức tình nguyện, tổ chức phi chính phủ… Muốn nâng cao hiệu quả công tác BVMT, cần phải huy động được đông đảo người dân tham gia, cụ thể là các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Việc đề cao vai trò của người dân và các tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong việc giám sát BVMT trong các quy định pháp luật sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững quốc gia.

PV: Vừa qua, dư luận xã hội rất quan tâm đến vấn đề thu phí rác thải sinh hoạt được quy định trong Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi), ông có suy nghĩ gì về những điểm mới này?

Ông Nghiêm Vũ Khải: Tôi cho rằng, một nguyên tắc trong BVMT là “người gây ô nhiễm, người thải chất thải ra môi trường phải có trách nhiệm xử lý ô nhiễm”, nên việc thu phí là rất bình thường, kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy rõ điều đó. Tuy nhiên, số tiền thuế, phí, Nhà nước thu trên danh nghĩa là thuế môi trường sẽ được phân bổ lại cho các hoạt động BVMT ở cấp quốc gia, địa phương, cũng như trong các cơ sở, cần có sự tính toán hợp lý giữa nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ và nguồn người dân tự đóng góp vì BVMT không chỉ là nghĩa vụ, mà cũng là quyền của người dân. Người dân đóng tiền để thu gom, xử lý rác thải, hoặc đóng phí xử lý nước thải, tái sử dụng nước thải là thỏa đáng, nhưng chúng ta cần giải thích và làm rõ để người dân hiểu đồng tiền họ đóng góp như thế là đúng mức, được sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả vì người dân, vì cộng đồng, thì tôi nghĩ sẽ được người dân ủng hộ.

PV: Xin ông cho biết, một số kết quả nổi bật của VUSTA trong các hoạt động tư vấn, phản biện xã hội về BVMT?

Ông Nghiêm Vũ Khải: Với chức năng tư vấn, phản biện và giám định xã hội, VUSTA đã thúc đẩy các dự án tư vấn phản biện về chính sách trong lĩnh vực BVMT. Trong đó có một số vấn đề như chính sách tài chính cho việc xử lý rác thải đô thị; chính sách truyền thông môi trường, chính sách quản lý, vận hành Quỹ BVMT... Các hoạt động phản biện báo cáo đánh giá môi trường chiến lược và báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư phát triển được VUSTA thực hiện khá thành công. Điển hình là việc phản biện Dự án khai thác Bauxit Tây Nguyên; Dự án đường Hồ Chí Minh; Dự án thay nước Hồ Tây; Dự án xây dựng Khu Du lịch Tam Đảo;  Dự án đê biển Gò Công... Các ý kiến phản biện của VUSTA đã được Chính phủ và dư luận xã hội hoan nghênh, đánh giá cao, góp phần nâng cao uy tín của VUSTA.

    Bên cạnh đó, vấn đề BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), bảo tồn và khai thác tài nguyên, thiên nhiên cũng được các tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) trực thuộc VUSTA tham gia rất tích cực. Cụ thể, trong giai đoạn 2016  - 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, các tổ chức đã xây dựng và triển khai 301 mô hình BVMT có sự tham gia của cộng đồng, đây là một trong những hoạt động ưu tiên của VUSTA, với mục đích chuyển giao kiến thức và công nghệ môi trường đến người dân. Các mô hình BVMT rất đa dạng như xử lý nước thải sinh hoạt, xử lý nước thải trong chăn nuôi gia súc, xử lý nước thải làng nghề; kinh tế sinh thái, kinh tế xanh kết hợp du lịch sinh thái; cải tạo đất thoái hóa bằng giải pháp sinh học... đã mang lại các kết quả khả quan, tiêu biểu là mô hình xử lý nước thải làng nghề (Hà Tây); xử lý và tái chế rác thải sinh hoạt (Vĩnh Phúc); xử lý nước thải chợ quê (Bắc Ninh); giải pháp cải tạo đất hoang hóa và đất trống đồi núi trọc, đất dốc bằng thảm thực vật thích hợp (Hòa Bình, Bắc Giang, Tuyên Quang); Nghiên cứu và ứng dụng thành công công nghệ tái chế rác thải sinh hoạt thành vật liệu xây dựng (Phú Thọ, Quảng Ninh); mô hình phục hồi môi trường sau khai thác mỏ ở Tuyên Quang; mô hình bảo tồn đa dạng sinh học vùng đệm khu bảo tồn quốc gia, bảo tồn cây dược liệu quý hiếm tại cộng đồng ở Sa Pa (Lào Cai) và Tây Yên Tử (Vĩnh Phúc)...

   Ngoài ra, VUSTA cũng đã thực hiện 26 dự án ứng dụng kỹ thuật và công nghệ tiên tiến trong xử lý ô nhiễm môi trường (đất, nước) như xử lý nước thải mỏ bằng công nghệ nano, sinh học; kỹ thuật lọc nước sinh hoạt bằng gốm sứ. Đặc biệt, với cách tiếp cận dựa vào cộng đồng, các đơn vị thuộc VUSTA đã huy động được người dân địa phương tham gia xử lý, cải tạo ô nhiễm nước ở các ao hồ để tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch tại địa phương. Qua đó, tăng cường các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về BVMT cho người dân và cộng đồng; phổ biến Luật và chính sách BVMT liên quan, cũng như tuyên truyền các kiến thức, mô hình BVMT hiệu quả; tổ chức hội thảo và tập huấn cho người dân, các tổ chức khác nhau về những vấn đề liên quan đến BVMT.

 

Lễ ký kết Chương trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực TN&MT giai đoạn 2020 - 2025 giữa Bộ TN&MT với VUSTA ngày 15/2/2020

 

PV: VUSTA là tổ chức chính trị - xã hội tập hợp đội ngũ trí thức KH&CN trong nhiều lĩnh vực, trong đó có BVMT. Để phát huy nguồn lực, vai trò của các nhà khoa học tham gia vào công tác BVMT cần có những giải pháp gì, thưa ông?

Ông Nghiêm Vũ Khải: VUSTA là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được tham gia thực hiện một số nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ BVMT. VUSTA là tổ chức của trí thức khoa học - công nghệ, một lực lượng rất hùng hậu và có trình độ, chuyên môn cao; đồng thời, có rất nhiều tổ chức, trung tâm, viện nghiên cứu ngoài công lập hoạt động trong lĩnh vực BVMT, ứng phó BĐKH, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Vì thế, trách nhiệm của VUSTA là tư vấn, phản biện, giám định xã hội; triển khai các nghiên cứu, ứng dụng trong lĩnh vực BVMT, lấy KH&CN làm nòng cốt trong phát triển bền vững. Như vậy, muốn áp dụng cơ chế sản xuất, kinh doanh sạch, phát triển xanh, đòi hỏi phải có nền khoa học tiên tiến, ứng dụng công nghệ hiện đại ngay từ khâu sản xuất để ngăn ngừa, giảm thiểu phát thải, hay trong công tác quan trắc môi trường, dự báo sự cố môi trường; xử lý rác thải... Trong Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) cũng đề cập đến việc phải phát triển ngành công nghiệp môi trường, đòi hỏi chúng ta phải liên doanh, hợp tác với quốc tế, từng bước chuyển giao, đưa KH&CN vào lĩnh vực BVMT và tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, trước hết, Nhà nước cần tăng cường đầu tư nguồn lực KH&CN, để từ đó xây dựng các công trình nghiên cứu phục vụ cho BVMT. VUSTA có rất nhiều chuyên gia giỏi, tâm huyết, chúng tôi sẵn sàng hợp tác với Bộ TN&MT, các cơ quan của Quốc hội đóng góp trí thức công nghệ vào công tác xây dựng chính sách pháp luật liên quan đến lĩnh vực TN&MT. Để tăng cường công tác phối hợp giữa hai bên trong thời gian tới, Bộ TN&MT cũng cần thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn các Sở TN&MT tỉnh, thành phố phối hợp các liên hiệp hội địa phương, tổ chức KH&CN trực thuộc VUSTA xây dựng, triển khai kế hoạch phối hợp; tạo cơ chế khuyến khích, điều kiện thuận lợi để VUSTA và các hội thành viên, tổ chức tích cực tham gia tư vấn, phản biện, giám định xã hội về BVMT, sử dụng hiệu quả tài nguyên, ứng phó với BĐKH.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Hương Trần (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2020)

 

 

Ý kiến của bạn