Banner trang chủ

Đẩy mạnh công tác triển khai Kế hoạch thu gom, vận chuyển xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh Yên Bái

08/10/2018

     Sự phát triển của các cơ sở y tế đóng vai trò quan trọng, góp phần tích cực vào công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và chất lượng cuộc sống của nhân dân. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển đó cũng làm phát sinh chất thải y tế và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nếu không được kiểm soát tốt. Trước tình hình đó, các địa phương đã ban hành Kế hoạch thu gom, vận chuyển xử lý chất thải y tế nguy hại. Để tìm hiểu về vấn đề này, Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Hà Mạnh Cường - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái.

     PV: Được biết, Yên Bái là một trong những địa phương đầu tiên ban hành Kế hoạch thu gom, vận chuyển xử lý chất thải y tế nguy hại. Vậy xin ông cho biết một số kết quả đạt được của địa phương trong công tác quản lý chất thải y tế sau 2 năm ban hành Kế hoạch?

     Ông Hà Mạnh Cường: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 2 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, 5 bệnh viện chuyên khoa, 3 trung tâm hệ dự phòng tuyến tỉnh, 9 trung tâm y tế tuyến huyện, 18 phòng khám đa khoa khu vực có hoạt động lồng ghép với trạm y tế và 162 trạm y tế xã phường, thị trấn, ngoài ra còn có 1 bệnh viện ngành (Bệnh viện Giao thông vận tải 2), 1 bệnh viện đa khoa tư nhân và 192 cơ sở hành nghề y tư nhân.

     Theo quy định tại Khoản 2, Điều 23, Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ TN&MT về quản lý chất thải nguy hại, trong năm 2016, Sở TN&MT đã chủ trì phối hợp với Sở Y tế  tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh Yên Bái tại Quyết định số 1433/QĐ-UBND ngày 18/7/2016 (Kế hoạch). Theo đó, các bệnh viện đa khoa tuyến huyện và tỉnh đã được đầu tư công trình xử lý chất thải y tế (lò đốt rác thải và công trình xử lý nước thải) như: Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện đa khoa thành phố Yên Bái, Bệnh viện sản nhi, Bệnh viện tâm thần, Bệnh viện đa khoa các huyện: Trấn Yên, Văn Yên, Nghĩa Lộ, Văn Chấn, Lục Yên trong quá trình hoạt động ngoài việc xử lý chất thải y tế (gồm cả chất thải nguy hại) phát sinh tại cơ sở còn tiếp nhận xử lý thêm chất thải cho các trung tâm khám chữa bệnh thuộc ngành y tế và một số cơ sở khám chữa bệnh tư nhân trên địa bàn.

     Theo số liệu của Trung tâm kiểm soát bệnh tật và báo cáo thống kê từ các cơ sở khám chữa bệnh, trên địa bàn tỉnh bình quân mỗi ngày có khoảng 1.934 kg/ngày chất thải rắn y tế thông thường và 186,82 kg/ngày chất thải rắn y tế nguy hại phát sinh trong các cơ sở y tế. Hầu hết, các cơ sở y tế đều thực hiện phân loại chất thải ngay tại nơi phát sinh theo quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT của Bộ Y tế và Bộ TN&MT về quản lý chất thải y tế. Đối với công nghệ xử lý, hiện có 13 lò xử lý chất thải rắn y tế nguy hại, trong đó có 10 lò công nghệ đốt đạt tiêu chuẩn TCVN 7380:2004 hoặc QCVN 02:2012/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn y tế; 2 lò công nghệ hấp và 1 lò đốt công nghệ Pháp đã xuống cấp. Số liệu thống kê từ báo cáo quản lý chất thải y tế năm 2017 của các cơ sở y tế cho thấy, chất thải rắn y tế nguy hại của 71/75 cơ sở y tế được xử lý bằng các công nghệ thiêu đốt hoặc hấp khử trùng đảm bảo theo quy định, có 4 cơ sở y tế tư nhân tự xử lý tại hộ gia đình bằng phương pháp thiêu đốt. Tổng lượng chất thải rắn y tế nguy hại được xử lý bằng các biện pháp đảm bảo theo quy định là 101.209 kg/101.236 kg phát sinh.

 

Ông Hà Mạnh Cường - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái

 

     Đối với nước thải y tế, lượng nước thải phát sinh tại các bệnh viện và trung tâm y tế (có khám chữa bệnh) năm 2016 vào khoảng 1.600 m3/ngày đêm. Đến nay, hầu hết các cơ sở y tế công lập tuyến tỉnh, huyện đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải y tế. Ngoài ra, một số cơ sở y tế tư nhân có quy mô lớn cũng đã đầu tư các hệ thống xử lý nước thải y tế phát sinh từ hoạt động của mình. Chỉ còn một số ít các cơ sở y tế công lập tuyến tỉnh, huyện và hầu hết các trạm y tế tuyến xã, các cơ sở y tế tư nhân đều chưa được đầu tư hệ thống xử lý đảm bảo theo quy định. Tuy nhiên, lượng nước thải y tế phát sinh từ các cơ sở này là không lớn. Theo số liệu tổng hợp từ báo cáo quản lý chất thải y tế năm 2017 thì có 16/75 cơ sở y tế đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải y tế. Đối với các cơ sở y tế chưa được đầu tư, nước thải y tế được khử trùng, xử lý sơ bộ trước khi thải ra ngoài môi trường, một số cơ sở y tế tư nhân thu gom, vận chuyển nước thải y tế về các cơ sở đã có hệ thống để xử lý. Theo đó, tổng lượng nước thải y tế được thu gom, xử lý bằng các hệ thống xử lý nước thải y tế là 228.566 m3/230.721 m3 phát sinh.

     Việc ban hành và triển khai Kế hoạch đã mang lại hiệu quả nhất định trong công tác BVMT của các cơ sở y tế, cũng như góp phần nâng cao tỷ lệ chất thải y tế nguy hại được thu gom, xử lý đảm bảo theo quy định, tạo thuận lợi cho các cơ sở y tế chưa được đầu tư công trình xử lý chất thải y tế nguy hại trong việc ký hợp đồng xử lý. Nhìn chung, các cơ sở y tế đều đồng thuận, ủng hộ và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định trong Kế hoạch, cũng như các quy định khác của pháp luật về quản lý chất thải y tế nguy hại.

     PV: Ông có thể cho biết vì sao năm 2017, UBND tỉnh có ban hành Quyết định số 3089/QĐ-UBND để điều chỉnh và bổ sung Kế hoạch? Trong quá trình triển khai thực hiện, địa phương có những thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông?

     Ông Hà Mạnh Cường: Sau 1 năm triển khai, trong quá trình thực hiện Kế hoạch đã phát sinh thêm một số vấn đề bất cập như: Một số cơ sở y tế có thay đổi về cơ cấu, tổ chức bộ máy (chia tách, sáp nhập); công trình xử lý chất thải y tế; lò đốt chất thải rắn y tế nguy hại của một số cơ sở y tế đã hư hỏng, xuống cấp,.. trong đó có lò đốt của cơ sở xử lý cho cụm xử lý (Bệnh viện đa khoa tỉnh), do đó ảnh hưởng đến việc ký hợp đồng xử lý chất thải y tế nguy hại của các cơ sở y tế thuộc cụm xử lý của bệnh viện…

     Vì vậy, Sở TN&MT đã chủ trì phối hợp với Sở Y tế tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3089/QĐ-UBND ngày 28/11/2017 về việc điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh Yên Bái ban hành kèm theo Quyết định số 1433/QĐ-UBND ngày 18/7/2016 của UBND tỉnh. Trong đó, đã điều chỉnh lại số lượng cũng như phạm vi xử lý của các cụm xử lý nhằm tăng tỷ lệ chất thải y tế nguy hại được xử lý đảm bảo trên địa bàn tỉnh.

     Trong quá trình thực hiện Kế hoạch, công tác quản lý chất thải y tế của địa phương đã được các cấp lãnh đạo quan tâm và có sự đầu tư khá lớn của UBND tỉnh, của Bộ Y tế và các chương trình, dự án hợp tác quốc tế. Bên cạnh đó, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã nghiêm túc chấp hành việc thu gom, xử lý chất thải rắn y tế nguy hại theo từng cụm xử lý, nâng cao tỷ lệ chất thải rắn y tế nguy hại được thu gom, xử lý đảm bảo theo quy định (đạt 70% năm 2017). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các quy định pháp luật về quản lý chất thải y tế nguy hại, địa phương cũng gặp một số khó khăn.

     Do đặc thù là tỉnh miền núi, còn nhiều khó khăn, đến nay vẫn còn nhiều cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh chưa được đầu tư các công trình xử lý chất thải y tế nguy hại đạt tiêu chuẩn. Ngoài các cơ sở áp dụng xử lý theo cụm được đầu tư các công trình xử lý đạt tiêu chuẩn thì hầu hết các cơ sở y tế còn lại đều xử lý tại chỗ bằng các biện pháp theo hướng dẫn tại Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT ngày 30/11/2007 của Bộ Y tế về việc ban hành quy chế quản lý chất thải y tế (hiện nay đã hết hiệu lực), đặc biệt là biện pháp chôn lấp hợp vệ sinh đối với chất thải rắn y tế nguy hại. Tuy nhiên, tại Thông tư liên tịch số 58/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của liên Bộ Y tế, Bộ TN&MT quy định về quản lý chất thải y tế (thay thế Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT) không quy định, hướng dẫn các biện pháp xử lý chất thải y tế, nhất là chất thải y tế nguy hại đối với các cơ sở y tế chưa được đầu tư các công trình xử lý chất thải y tế nguy hại đạt tiêu chuẩn. Hiện tại, Bộ TN&MT chưa có hướng dẫn cụ thể biện pháp xử lý chất thải y tế nguy hại với các cơ sở nêu trên.

     Đối với biện pháp quản lý tro thải từ lò đốt chất thải rắn y tế và bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải y tế, theo quy định tại Mục 2, Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 58/TTLT-BYT-BTNMT thì tro thải từ lò đốt chất thải rắn y tế và bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải y tế có ngưỡng CTNH “*” - nghi ngờ là chất thải y tế nguy hại và nếu không có thành phần nguy hại theo QCVN 07:2009/BTNMT thì không phải phân tích và được quản lý như chất thải thông thường. Tuy nhiên, chưa có hướng dẫn nào quy định về các thành phần nguy hại thường có trong tro thải từ lò đốt chất thải rắn y tế và bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải y tế (do thành phần, tính chất của chất thải y tế nguy hại của các bệnh viện gần như tương tự nhau) hoặc các căn cứ để có thể xác định được các thành phần nguy hại có trong tro thải từ lò đốt chất thải rắn y tế và bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải y tế. Trường hợp không có cơ sở để khẳng định được là không có thành phần nguy hại theo QCVN 07:2009/BTNMT và các cơ sở y tế có nhu cầu lấy mẫu để phân tích, đối chiếu với ngưỡng CTNH quy định trong QCVN 07:2009/BTNMT thì cần phân tích những thành phần nguy hại nào trong số các thành phần nguy hại quy định trong QCVN 07:2009/BTNMT và tần suất lấy mẫu phân tích là bao nhiêu lần/năm? Hiện tại, Bộ TN&MT chưa có hướng dẫn cụ thể nội dung này.

     Mặt khác, do đặc điểm hệ thống thiết bị xử lý thường xuyên tiếp xúc với các chất ăn mòn nên tính bền vững thấp, các hệ thống chỉ sử dụng một vài năm đã bị xuống cấp và hư hỏng, theo đó kinh phí duy tu bảo dưỡng và sửa chữa quá lớn nên các đơn vị gặp không ít khó khăn. Kinh phí đầu tư cho công trình xử lý chất thải là khá tốn kém, mặc dù tỉnh đã quan tâm đầu tư song hiện nay còn 02 trung tâm y tế tuyến huyện (Lục Yên và Mù Cang Chải) chưa có công trình xử lý chất thải y tế đạt quy chuẩn (Lục Yên đang trong quá trình xây dựng) do vậy việc xử lý tại 02 cụm này trước mắt gặp khó khăn.

     PV: Để công tác quản lý chất thải y tế đạt hiệu quả, xin ông cho biết một số giải pháp của địa phương sẽ được triển khai trong thời gian tới?

     Ông Hà Mạnh Cường: Trong thời gian tới, Sở TN&MT sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành các quy định về BVMT nói chung và quản lý chất thải y tế nói riêng; Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Quyết định số 1433/QĐ-UBND và Quyết định 3089/QĐ-UBND của UBND tỉnh Yên Bái; Tăng cường các biện pháp giảm thiểu việc phát sinh chất thải y tế, phân loại chất thải tại nguồn, đảm bảo chất thải y tế nguy hại được phân loại và quản lý riêng với chất thải y tế thông thường; Khuyến khích các cơ sở y tế hợp đồng trọn gói với các doanh nghiệp xử lý chất thải y tế (trong và ngoài tỉnh) đã được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép; Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quản lý chất thải y tế tại các đơn vị. Đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) theo quy định.

 

Nguyễn Hằng (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 9/2018)

 

Ý kiến của bạn