Banner trang chủ

Đẩy mạnh công tác thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại Nghệ An

18/04/2019

     Nghệ An là tỉnh có diện tích đất nông nghiệp lớn nên nhu cầu sử dụng thuốc BVTV ngày càng tăng. Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nghệ An (TT&BVTV), mỗi năm Nghệ An sử dụng lượng thuốc BVTV ước tính khoảng 700 tấn; lượng bao bì, chai lọ thải ra môi trường cần xử lý khoảng 70 tấn. Với khối lượng lớn bao bì thuốc BVTV thải ra môi trường, tình trạng ô nhiễm môi trường do thuốc BVTV ở Nghệ An diễn ra hết sức phức tạp và rất đáng lo ngại. Việc thu gom, lưu chứa, xử lý đã và đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với ngành chức năng tỉnh Nghệ An.

     Theo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh Nghệ An, mỗi năm Chi cụctiến hành thu gom, xử lý theo quy trình an toàn 1 lần khoảng 2,5 tấn rác thải BVTV, khoảng 3,6% lượng bao bì thuốc BVTV. Số lượng bao bì thuốc BVTV còn lại được người dân đem đốt hoặc vứt bừa bãi tại bờ ruộng, dọc các tuyến kênh mương nội đồng. Bên cạnh đó, tình trạng bao gói thuốc BVTV được thu gom vào các bể chứa nhưng không được đem đi xử lý dẫn đến tình trạng nhiều bể chứa ở các xã đã đầy, bao bì chứa hóa chất BVTV rơi ra khu vực xung quanh gây ô nhiễm cục bộ cũng đang diễn ra phổ biến.

     Mặc dù, theo Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng quy định “Người sử dụng thuốc BVTV phải thu gom bao gói thuốc BVTV sau pha chế, phun rải để vào bể chứa, không để chung bao gói thuốc BVTV sau sử dụng với rác thải sinh hoạt và rác vệ sinh đồng ruộng. Bao gói thuốc BVTV sau khi sử dụng xong thì không được sử dụng vào các mục đích khác, không tự ý xử lý, đem chôn hoặc đốt bao gói thuốc BVTV”. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay tại một số địa phương ở Nghệ An không đáp ứng được quy định này.Nguyên nhân của tình trạng trên, là do nguồn kinh phí hỗ trợ thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV còn hạn chế. Các hoạt động thu gom, xây dựng bể chứa thì mới dừng ở việc xây dựng các dự án, mô hình thí điểm, chưa được nhân rộng. Một số địa phương đã tổ chức mô hình xã hội hóa công tác thu gom nhưng vấn để sau thu gom lại không có hình thức xử lý theo đúng quy định, đa số lượng bao bì thuốc BVTV sau thu gom đều được đốt hoặc xử lý chung với rác thải sinh hoạt. Bên canh đó, ý thức của một bộ phận người dân trong vấn đề thu gom bao bì thuốc BVTV đúng nơi quy định còn hạn chế, tình trạng vứt bao bì thuốc BVTV trên đồng ruộng còn phổ biến gây mất cảnh quan và ô nhiễm môi trường.

     Qua khảo sát thực tếtại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, là một trong những huyện của tỉnh xây dựng được lượng bể chứa thuốc BVTV lớn. Tính đến thời điểm tháng 8/2018, toàn huyện đang có 2.472 bể, số xã có bể chứa 24/37 xã, thị trấn. Kết quả kiểm tra các thùng chứa cho thấy, phần lớn các bể chứa vẫn chưa đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định tại Thông tư liên tịch số 05/2016 của Bộ NN&PTNT và BộTN&MT. Các thùng chứa đa phần không có nắp đậy, kính thước nhỏ hơn so với tiêu chuẩn… do không có nắp đậy nên dễ bị người dân bỏ lẫn với rác thải sinh hoạt và quan trọng hợn nhiều bể không có đáy, khi trời mưa lượng thuốc còn sót lại trong bao bì thuốc BVTV sẽ ngấm xuống đất, ảnh hưởng tới nguồn nước ngầm, nước mặt chất đất…

 

Đoàn viên thanh niên  tỉnh Nghệ An thu gom bao bì thuốc BVTV

 

     Trước thực trạng trên, để giải quyết rác thải trong sản xuất nông nghiệp các cơ quan chức năng đã đưa quản lý chất thải từ hóa chất BVTV vào Chương trình xây dựng nông thôn mới, đây là một trong những tiêu chí quan trọng để xem xét công nhận xã nông thôn mới. Cùng với đó, nhiều đề án về thu gom thuốc BVTV cũng được triển khai, cụ thể như: Đề án “Điều tra hiện trạng thu gom và xử lý bao bì thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp và đề xuất biện pháp quản lý” do Sở TN&MT tỉnh Nghệ An chủ trì triển khai từ năm 2015. Hiện nay, Đề án đã đưa vào sử dụng và mang lại hiệu quả bước đầu. Cơ quan được Sở giao thực hiện là Công ty TNHH tái tạo môi trường xanh Phú Trạch đã lắp đặt thùng bê tông chứa rác thải bao bì thuốc BVTV trên đồng ruộng 3 xã thuộc huyện Quỳnh Lưu gồm: Quỳnh Bảng, Quỳnh Minh, Tân Sơn và 3 xã thuộc huyện Yên Thành gồm: Bắc Thành, Trung Thành và Nam Thành.

     Đồng thời, các tổ chức chính trị, hội đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ Nữ, Tỉnh Đoàn... đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát động hội viên tham gia vào các chương trình thu gom bao gói thuốc BVTV, xây dựng câu lạc bộ, mô hình thu gom bao bì thuốc BVTV... Cụ thể như trong năm qua, Hội Nông dân tỉnh Nghệ An phối hợp UBND xã Hưng Đông tiến hành tổ chức lớp tập huấn về nâng cao hiệu quả công tác  BVMT đối với 50 hộ trồng rau trên địa bàn xã. Qua các lớp tập huấn, ý thức của người dân được nâng cao, nhiều biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường sau khi sử dụng thuốc BVTV cũng được tuyên truyền rộng rãi tới người dân.

     Ngoài ra, Sở TN&MT tỉnh Nghệ An phối hợp với  Hội nông dân xã Khai Sơn, huyện Anh Sơn triển khai mô hình điểm về thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng. Để mô hình đạt hiệu quả, mỗi tuần, Hội nông dân xã phân công mỗi chi hội 2 hội viên cùng bà con ở mỗi thôn, xóm kiểm tra, thu gom rác BVTV tới các điểm tập. Bên cạnh đó,các tuyên truyền viên vận động tới cộng đồng, từng hộ dân trên địa bàn về giữ vệ sinh nơi ở cũng như giữ gìn cảnh quan quanh môi trường sống.Mô hình bước đầu đã phát huy hiệu quả khá tích cực, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và nâng cao ý thức trách nhiệm của của cán bộ, hội viên và nông dân trong BVMT, hình thành thói quen tốt trong thu gom bao gói thuốc BVTV. Từ mô hình điểm được triển khai hiệu quả, đến nay, toàn tỉnh đã đặt khoảng 1.600  bể chứa thu gom rác thải BVTV.

     Trong thời gian tới, để tăng cường công tác thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV sau sử dụng, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp như:

     Sở TN&MT, SởNN&PTNT, Chi cục BVTV cần tăng cường kinh phí, trang thiết bị phục vụ cho công tác quản lý như đầu tư mua sắm bể thu gombao bìthuốc BVTV bàn giao cho các xã để xây dựng bổ sung tại các khu vực canh tác còn thiếu nhằm đáp ứng tốt hơn việc thu gom; Đầu tư mua xe thu gom chuyên dụng phục vụ vận chuyển bao bìthuốc BVTV từ các khu vực thu gom về nhà lưu chứa tạm thời và bố trí hỗ trợ kinh phí xử lý lượng bao bì thuốc BVTV.

     Quy định trách nhiệm cụ thể của từng đơn vị, tổ chức từ cấp tỉnh, huyện, xã và cộng đồng trong quản lýbao bìthuốc BVTV. Đồng thời, xây dựng cơ chế tài chính kết hợp giữa kinh phí từ ngân sách với huy động sự đóng góp của cộng đồng trong quản lýbao bìthuốc BVTV. Đảm bảo cho người thu gom bao bìthuốc BVTV cũng được hưởng các chế độ và quyền lợi như đối với người lao động khác, tiến tới hoạt động quản lý bao bì thuốc BVTV theo hướng chuyên môn hóa.

     Tổ chức tuyên truyền tập huấn trong công tác quản lý bao bìthuốc BVTV để nâng cao nhận thức, năng lực cho cán bộ cấp huyện/xã, trưởng các thôn/xóm, các đoàn thể, người làm công tác thu gom bao bìthuốc BVTV và toàn thể nhân dân; Nâng cao nhận thức cộng đồng để hạn chế đổ bừa bãi các loại bao bìthuốc BVTV, hạn chế việc thải bỏ rác thải sinh hoạt vào các bể chứa bao bìthuốc BVTV; nhận thức rõ về quyền lợi và trách nhiệm trong công tác quản lý bao bìthuốc BVTV.

     Ngoài ra, cần tiến hành thường xuyên các hoạt động xã hội hóa để khuyến khích sự tham gia của người dân. Công tác thu gom bao bì thuốc BVTV phải được tiến hành trên nguyên tắc coi công tác thu gom và xử lý bao bì thuốc BVTV là bắt buộc, trong đó vai trò quản lý của nhà nước là chủ đạo, sự tham gia của người dân mang tính quyết định, phải có cá nhân hoặc tổ chức chịu trách nhiệm thu gom và phải có hợp đồng và quy chế rõ ràng…

 

Nguyễn Thị Huyền Thu

Viện Địa lí nhân văn

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 3/2019)

 

 

Ý kiến của bạn