Banner trang chủ

Đơn giản hóa và minh bạch thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường

09/07/2014

     Đây là mục đích của Hội nghị đối thoại doanh nghiệp năm 2014 về thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 25/6/2014, tại Hà Nội. Thông qua Hội nghị đối thoại này, các cơ quan chức năng cũng sẽ tìm kiếm, đề xuất giải pháp, sáng kiến cải cánh và đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

     Tham dự Hội nghị đối thoại doanh nghiệp năm 2014 có đại diện các cơ quan của Quốc hội, một số đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố; các Bộ và cơ quan Trung ương; một số tổ chức quốc tế…và đại diện của hơn 100 doanh nghiệp trong và ngoài nước…

     Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo và thực hiện mạnh mẽ việc phân cấp về chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường cho địa phương, đặc biệt về quản lý đất đai, khoáng sản, môi trường… Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007 - 2010 (Đề án 30), thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ đã đạt được những kết quả kết quả quan trọng, tạo những tiền đề cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống thủ tục hành chính minh bạch, dân chủ, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

     Bộ đã rà soát, thống kê và công bố trên Cơ sở dữ liệu quốc gia 212 thủ tục hành chính; đề xuất đơn giản hóa trên 90% số thủ tục hành chính của ngành (trong đó 70% số thủ tục hành chính được thực hiện tại các cấp chính quyền địa phương). Theo thống kê, phần lớn các thủ tục hành chính tập trung vào một số lĩnh vực bức xúc, nhạy cảm, liên quan trực tiếp tới đại bộ phận người dân và doanh nghiệp như đất đai, môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước.

 

 

     Tiếp theo Đề án 30, thực hiện Nghị định số 63/2010 và Nghị định số 48/2013 của Chính phủ, công tác kiểm soát thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường đã dần đi vào nề nếp, được triển khai thực hiện bài bản hơn. Đồng thời, Bộ tăng cường tiếp nhận và giải quyết các phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính thông qua nhiều hình thức (giao lưu trực tuyến, họp báo…); triển khai thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”…. Bên cạnh đó, Bộ cũng đang tích cực thống kê và đề xuất các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu liên quan đến dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ (Đề án 896), triển khai thí điểm cơ chế hải quan một cửa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

     Một số nỗ lực cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường đã đạt được phải kể đến, như lĩnh vực đất đai (quy định các tổ chức dịch vụ công về đất đai theo hướng một cấp, có chi nhánh tại các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; quy định cụ thể thời gian giải quyết, quy định về trình tự thực hiện thủ tục hành chính theo hướng Trung ương chỉ quy định khung nguyên tắc chung buộc phải thực hiện); lĩnh vực tài nguyên nước (bãi bỏ giấy tờ liên quan đến sử dụng đất của công trình trong thành phần hồ sơ đề nghị cấp phép); lĩnh vực khoáng sản (cắt bỏ 35% số TTHC so với trước đây -  từ 52 xuống còn 34 TTHC); lĩnh vực môi trường (bỏ quy định hậu thẩm định ĐTM đối với các dự án quy mô nhỏ)…

     Tuy vậy, theo ý kiến của các nhà doanh nghiệp tham dự Hội nghị đối thoại, công tác cải cách thủ tục hành chính nói chung và trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường vẫn còn hạn chế. Thủ tục hành chính cho dù được cải cách khá sớm, nhưng vẫn gây tốn kém thời gian, công sức, chi phí và thậm chí là phiền hà, bức xúc trong thực hiện thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước chưa đồng bộ và hiệu quả trong giải quyết thủ tục hành chính. Việc thực hiện cơ chế “một cửa” còn bất cập và chưa gắn với mô hình liên thông thủ tục hành chính.

     Ông Nguyễn Quốc Hội, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu Việt Nam cho rằng: Thủ tục hành chính trong quá trình đầu tư vẫn như ”thiên la địa võng ” đánh đố các doanh nghiệp, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó giá cho thuê đất đai biến động không ngừng và không có cơ sở thỏa đáng. Do đó, yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cần đơn giản và công khai hóa thủ tục định giá đất và giải phóng mặt bằng để ”gỡ khó” cho các nhà đầu tư hiện nay.

     Vì vậy, các phương án cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính phải luôn được nghiên cứu, đề xuất để bảo đảm các thủ tục hành chính của ngành tài nguyên và môi trường thực sự minh bạch, đơn giản và thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp. Nhiệm vụ này đòi hỏi sự quan tâm, chỉ đạo và tổ chức thực hiện xuyên suốt từ Trung ương tới địa phương, sự phối hợp hiệu quả của các cấp, các ngành, trong đó sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.

     Hội nghị đối thoại doanh nghiệp sẽ là diễn đàn thường niên hàng năm, được Bộ Tài nguyên và Môi trường với Phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức dành cho các nhà quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp trao đổi, đề xuất các giải pháp hoàn thiện, cải cách thể chế, pháp luật cũng như tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường.

 

Theo sggp.vn

Ý kiến của bạn