Banner trang chủ

Đánh giá kết quả hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu

13/06/2019

    Thủ tướng Chính phủ quyết định tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) vào ngày 18/6/2019 tại TP. Hồ Chí Minh. Bộ TN&MT được giao là cơ quan đầu mối chủ trì, phối hợp các Bộ ngành, địa phương có liên quan tổ chức Hội nghị.

 

 

    Mục đích của Hội nghị nhằm đánh giá kết quả đạt được sau hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP, triển khai Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP. Đồng thời, xác định các vấn đề đang tồn tại, hạn chế; xác định nhiệm vụ ưu tiên, trọng tâm, trong điểm có quy mô vùng, có tính lan tỏa và bảo đảm tính bền vững cũng như giải pháp có tính hệ thống và nguồn lực thực hiện trong thời gian tiếp theo mang tính khả thi và hiệu quả cao. Cụ thể: Đánh giá những việc đã làm được, chưa làm được và những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP; Xác định được các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 120/NQ-CP (Các hoạt động ưu tiên có quy mô vùng, mang tính bền vững và có tính lan tỏa; Các giải pháp về cơ chế, chính sách, khoa học và công nghệ, nguồn lực, cơ chế điều phối vùng, đối tác công - tư trong triển khai thực hiện Nghị quyết; Mối quan tâm và định hướng cam kết của các Đối tác phát triển hỗ trợ việc thực hiện Nghị quyết...); Tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy, hành động của các cấp, ngành, địa phương và người dân trong vùng.

    Phiên họp buổi sáng của Hội nghị sẽ được tổ chức theo các nhóm chuyên đề: “Quản lý tài nguyên nước, lũ lụt, xâm nhập mặn, ứng phó với sụt lún, sạt lở ở vùng ĐBSCL” do Bộ TN&MT chủ trì; “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng với BĐKH vùng ĐBSCL” do Bộ NN&PTNT chủ trì; “Giải pháp phát triển hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng, nhà ở phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL” do Bộ Giao thông vận tải chủ trì; “Công tác quy hoạch, cơ chế điều phối vùng và thu hút vốn đầu tư cho ĐBSCL” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì.

    Phiên họp buổi chiều sẽ do Thủ tướng Chính phủ chủ trì với các báo cáo quan trọng: Đánh giá tổng hợp kết quả thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP và các giải pháp cần thực hiện thời gian tới (Bộ trưởng Bộ TN&MT); Kết quả đạt được trong công tác quy hoạch, điều phối liên kết vùng; tình hình bố trí vốn và thu hút vốn đầu tư cho vùng ĐBSCL và nhiệm vụ trong thời gian tới (Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư); Giải pháp về tổ chức điều phối vùng ĐBSCL (Bộ trưởng Bộ Nội vụ); Đánh giá kết quả đạt được trong công tác tái cơ cấu ngành, sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp vùng ĐBSCL và nhiệm vụ trong thời gian tới (Bộ trưởng Bộ NN&PTNT); Đánh giá kết quả được về phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và giải pháp phát triển hệ thống giao thông kết nối thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố ĐBSCL, nhiệm vụ trong thời gian tới (Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải); Đánh giá kết quả đạt được về quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng xây dựng, nhà ở phục vụ phát triển bền vững vùng ĐBSCL và nhiệm vụ trong thời gian tới (Bộ trưởng Bộ Xây dựng); Vai trò, giải pháp kết nối giữa thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng ĐBSCL (Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh); Đánh giá kết quả đạt được trong công tác quản lý tài nguyên nước, lũ lụt, xâm nhập mặn và các hoạt động ứng phó với sụt lún, sạt lở ở vùng ĐBSCL, nhiệm vụ trong thời gian tới (Lãnh đạo Bộ TN&MT); Sự tham gia hỗ trợ của các đối tác phát triển đối với sự phát triển bền vững ĐBSCL và triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP (Giám đốc Quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam).

 

     ĐBSCL được đánh giá là một trong những đồng bằng màu mỡ trên thế giới với các điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng; thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nông nghiệp.

     Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, ĐBSCL có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Đặc biệt là BĐKH, nước biển dâng gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân. Việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ, trong đó việc phát triển các đập thủy điện đã làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thủy sản, xâm nhập mặn sâu vào nội vùng, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng. Việc phát triển kinh tế với cường độ cao ở các địa phương trong vùng gây ra nhiều hệ lụy như ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, sụt lún đất, suy giảm mực nước ngầm, xâm thực bờ biển, diện tích rừng ngập mặn, rừng phòng hộ bị chặt phá, chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác hoặc bị suy thoái nặng nề cùng với việc khai thác bùn cát quá mức, xây dựng nhà cửa và hạ tầng sát bờ sông, kênh, rạch làm gia tăng nguy cơ sạt lở.

    Nhận thức rõ các thách thức của BĐKH đến vùng ĐBSCL, ngày 17/11/2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Đây thực sự là quyết sách lớn, mang tầm thời đại của Đảng và Nhà nước trong phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH.

   Ngày 13/4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 417/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ với 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp, bao gồm: Rà soát, hoàn thiện và bổ sung hệ thống cơ chế, chính sách; Cập nhật và hệ thống hóa số liệu, dữ liệu liên ngành, tăng cường điều tra cơ bản; Xây dựng quy hoạch và tổ chức không gian lãnh thổ; Xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý thích ứng với BĐKH; Đầu tư và phát triển hạ tầng; Phát triển và huy động nguồn lực. Chương trình hành động tổng thể chia làm 3 giai đoạn:

    Đến 2020: Trọng tâm là thực hiện những nhiệm vụ cấp bách đã nêu trong Nghị quyết số 120/NQ-CP. Trong đó, ưu tiên giải quyết vấn đề sạt lở bờ biển, bờ sông, rạch và sụt lún đất trong vùng đang diễn ra rất nhanh và ngày càng trầm trọng; triển khai quy hoạch, thiết kế các dự án cần đầu tư quy mô lớn ở giai đoạn tiếp theo nhằm triển khai mô hình kinh tế - xã hội của vùng một cách bền vững và chủ động thích ứng với BĐKH; rà soát các cơ chế, chính sách, xác định và trình phê duyệt các chính sách mới; thí điểm các mô hình chuyển đổi kinh tế; triển khai các hoạt động đầu tư xây dựng hạ tầng đã được phê duyệt.

    Từ 2021 - 2030: Tập trung vào việc triển khai các dự án, nhiệm vụ đã được phê duyệt. Đồng thời, xúc tiến những dự án, nhiệm vụ đầu tư xây dựng cơ bản đòi hỏi những nguồn kinh phí lớn; duy trì và cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành, điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường vùng ĐBSCL; triển khai thực hiện các mô hình kinh tế hợp lý đã thí điểm thành công; tiếp tục đầu tư và phát triển hạ tầng, phát triển và huy động nguồn lực.

    Từ 2031 - 2050, định hướng đến 2100: Phát huy hiệu quả và tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, chương trình, dự án, nhiệm vụ của giai đoạn đến năm 2020 và 2021 - 2030, điều chỉnh bổ sung cho phù hợp để đến năm 2050, ĐBSCL trở thành vùng nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái, có trình độ phát triển khá so với cả nước về tổ chức xã hội, kinh tế và mạng lưới hạ tầng thích ứng BĐKH, thích ứng với điều kiện tài nguyên nước và an toàn trước thiên tai.

 

Hương Đỗ

Ý kiến của bạn