03/05/2017
Ngày 24/4/2017, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã có buổi làm việc với Tổng cục Môi trường về tình hình triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về BVMT. Tham dự buổi làm việc có Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân; Lãnh đạo Vụ Pháp chế; Văn phòng Bộ; Lãnh đạo Tổng cục Môi trường và Lãnh đạo các đơn vị quản lý trực thuộc Tổng cục.
Theo đó, sau khi nghe Lãnh đạo Tổng cục Môi trường và Lãnh đạo các đơn vị liên quan báo cáo về tình hình triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về BVMT theo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng tại Thông báo số 48/TB-BTNMT ngày 20/3/2017, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã kết luận: Trong thời gian qua, mặc dù Tổng cục Môi trường đã thành lập các nhóm công tác triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách được giao, song kết quả thực hiện chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng yêu cầu, Tổng cục cần tiếp tục tập trung triển khait hực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách được giao tại Thông báo số 48/TB-BTNMT, đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ, trong đó cần chú ý bám sát một số nội dung quan trọng:
5 nhóm công tác bao gồm về đánh giá tác động môi trường, quản lý chất thải, kiểm soát ô nhiễm môi trường, kiểm soát hoạt động BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học, khan trường hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Thông báo số 48/TB-BTNMT. Trong đó, các nhóm cần có sự phối hợp tham gia đối với nhiệm vụ của nhóm khác để phát huy được trí tuệ tập thể. Vụ Pháp chế chủ trì, lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị ngoài Tổng cục Môi trường, rà soát, thẩm định trình Bộ trưởng.
Khẩn trương hoàn thành danh mục các dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh cần giám sát đặc biệt và giám sát thường xuyên, đồng thời dự thảo ngay văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/4/2017, trong đó cần tổng hợp cả danh mục các dự án do Bộ Công Thương đề xuất với Thủ tướng Chính phủ. Đề xuất rõ tiêu chí, phương thức, cơ chế giám sát và nội dung giám sát; Làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý ở cấp Trung ương, của địa phương và doanh nghiệp hoặc khu, cụm công nghiệp. Danh mục các dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh cần giám sát phải được công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và gửi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Về cơ chế tài chính cho việc giám sát, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TN&MT phối hợp với Bộ Tài chính ban hành cơ chế, định mức.
Về việc rà soát, sửa đổi các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về môi trường, Tổng cục Môi trường khẩn trương hoàn thành việc rà soát ban hành, bao gồm các quy chuẩn chung, quy chuẩn ngành; Mời các chuyên gia tham gia lựa chọn những quy chuẩn cấp bách cần ban hành ngay, học hỏi kinh nghiệm của các nước tiên tiến trên thế giới. Hướng dẫn các địa phương xây dựng quy chuẩn riêng của từng địa phương trên cơ sở quy hoạch, khả năng chịu tỉa của môi trường tiếp nhận, chất lượng môi trường nền của địa phương.
Đối với việc xây dựng quy trình ứng phó với các sự cố môi trường, cơ chế công bố thông tin về môi trường, thành lập đường dây nóng về môi trường: Tổng cục Môi trường khẩn trương hoàn thiện, lấy ý kiến các đơn vị liên quan trước khi gửi Vụ Pháp chế thẩm định, trình Bộ trưởng trong tháng 4/2017.
Bên cạnh đó, khẩn trương hoàn thành các quy trình nội bộ để ban hành dưới hình thức hướng dẫn kỹ thuật, gửi Vụ Pháp chế chủ trì, lấy ý kiến các đơn vị liên quan, thẩm định, trình Bộ trưởng trong tháng 4/2017.
Cục Kiểm soát ô nhiễm (Tổng cục Môi trường) chịu trách nhiệm tham mưu quản lý nhà nước, thẩm định về thiết kế, công nghệ quan trắc môi trường và việc triển khai các dự án liên quan đến hoạt động quan trắc môi trường, báo cáo Bộ trưởng về hiện trạng các dự án đang triển khai và sẽ triển khai thực hiện trước ngày 30/5/2017.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chỉ đạo triển khai chi tiết các nội dung nêu trên, hàng ngày làm việc với Tổng cục, đánh giá kết quả thực hiện.
Hồng Nhự